Bệnh chết chậm

Nấm

Ưu tiên sử dụng các thuốc sinh học chỉ sử dụng thuốc hóa học khi mật độ sâu/mức độ bệnh hại nhiều.

Sử dụng thuốc BVTV cần đọc kỹ thông tin trên bao bì và sử dụng theo 4 đúng: Đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách.

Phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát.

Sử dụng các loại thuốc hóa học trừ tuyến trùng kết hợp thuốc hóa học trừ nấm. Không hỗn hợp 2 loại thuốc này với nhau nếu trên nhãn bao bì không cho phép.

Việc xử lý thuốc nên được thực hiện trong điều kiện đất đủ ẩm. Chú ý thời điểm sử dụng thuốc phải hợp lý, đảm bảo đúng thời gian cách ly để sản phẩm hạt tiêu không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Triệu chứng

Trên thân lá: Cây có biểu hiện sinh trưởng, phát triển chậm, lá vàng. Các lá già thường bị vàng trước, sau đó héo và rụng, tiếp theo là các đốt bị rụng.

Bộ tán lá thưa thớt, ra hoa và đậu quả kém dẫn đến năng suất và chất lượng giảm.

Trên đồng ruộng hiện tượng vàng lá, sinh trưởng kém thường xuất hiện thành từng vùng cục bộ, lúc đầu chỉ có một vài cây, sau đó lan rộng ra hoặc phát triển thành nhiều vùng.

Triệu chứng vàng và rụng lá, rụng đốt thường phát triển chậm và kéo dài, có khi vài ba năm sau khi xuất hiện triệu chứng cây mới chết.

Dưới hệ thống rễ: Hệ thống rễ của cây hồ tiêu bị bệnh phát triển kém. Rễ bị u sưng, có thể xuất hiện riêng lẻ hay tạo thành từng chuỗi.

Ở vị trí các u sưng có các vết thâm đen hoặc vết nứt, các u sưng có thể bị thối mục. Các đầu rễ tơ bị thối và có xu hướng mọc nhiều rễ. Hệ thống rễ bị u sưng, hoặc thối tùy thuộc vào mức độ cây bị hại của bệnh. Khi cây bị bệnh nặng, các rễ chính và phụ đều bị thối.

Nguyên nhân

Tuyến trùng tấn công trước, tạo ra những vết thương và nốt sưng trên rễ sau đó nấm xâm nhập làm thối rễ dẫn đến triệu chứng cây sinh trưởng chậm, vàng lá, tháo đốt và chết.

Bệnh vàng lá chết chậm thể hiện rõ nhất vào giai đoạn mùa nắng khi độ ẩm đất thấp.

Biện pháp phòng ngừa

* Biện pháp canh tác kỹ thuật

Chọn đất trồng: Đất trồng hồ tiêu nên chọn đất có tầng canh tác dày, tơi xốp, thoát nước tốt, có mực nước ngầm trên 2 m.

Đất được cày bừa kỹ, thu gom và tiêu hủy các tàn dư thực vật còn sót lại trong đất. Phơi đất để diệt bớt côn trùng và nấm bệnh, rải vôi bột khi bừa với liều lượng 2 – 3 tấn/ha.

Nếu trồng cây hồ tiêu lại trên các vườn hồ tiêu già cỗi hoặc đã bị chết vì sâu bệnh hại rễ nặng thì đất cần được luân canh với các loại cây trồng khác từ 2 – 3 năm trước khi trồng lại để cắt đứt các nguồn sâu bệnh hại trong đất.

Chọn những giống hồ tiêu có nguồn gốc rõ ràng, có năng suất cao, chống chịu tốt với sâu bệnh hại, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng trồng.

Không nên lấy giống ở những cây hồ tiêu đã bị nhiễm bệnh chết chậm hoặc nhiễm các loại bệnh hại khác (bệnh virus, bệnh chết nhanh).

Hom giống được xử lý thuốc nấm để phòng trừ bệnh trước khi ươm, trồng. Đất ươm tiêu giống phải được phơi bằng cách dùng tấm nilon (PE) để ủ đất khoảng 1 – 2 tháng vào mùa khô trước khi ươm hồ tiêu.

Chăm sóc cây tiêu giống trong vườn ươm theo đúng quy trình kỹ thuật (làm cỏ, xới váng, tưới nước, bón phân, huấn luyện ánh sáng…), đảm bảo cây hồ tiêu giống đủ tiêu chuẩn xuất vườn.

Trồng hồ tiêu với khoảng cách và mật độ thích hợp. Đào hố theo đúng kỹ thuật, hố cần phải được đào và phơi nắng trong mùa khô.

Lớp đất mặt được trộn với phân lân (0,2 – 0,3 kg/hố), vôi (0,5 kg/hố) và phân hữu cơ đã ủ hoai mục (15 – 20 kg/hố), rồi lấp đầy hố. Các công việc này được thực hiện trước khi trồng cây hồ tiêu tối thiểu là 1 tháng.

Khi trồng móc lại hố để trồng, trồng tiêu ngang mặt đất, không trồng âm.

Trồng cây đai rừng chắn gió, trồng mới hoặc bổ sung cây che bóng, cây ăn quả trong vườn hồ tiêu để tạo tiểu khí hậu (độ ẩm, nhiệt độ…) thích hợp cho cây hồ tiêu sinh trưởng và phát triển tốt.

Trong quá trình chăm sóc cây hồ tiêu (làm cỏ, bón phân…) tránh gây vết thương cho thân ngầm và rễ hồ tiêu. Những cỏ mọc trong gốc nên nhổ bằng tay.

Hạn chế xới xáo để không làm tổn thương bộ rễ. Khi bón phân chú ý không để phân vô cơ tiếp xúc trực tiếp với phần thân của cây hồ tiêu.

Tưới nước đầy đủ vào mùa khô và các đợt tiểu hạn trong mùa mưa, điều chỉnh thời gian tưới và lượng nước tưới phù hợp. Không áp dụng phương pháp tưới tràn. Tiêu thoát nước kịp thời vào mùa mưa, không để đọng nước trong gốc cây.

Vào mùa mưa không để bồn. Vun gốc vào đầu mùa mưa hoặc có thể tạo rãnh thoát nước đối với các vườn thoát nước kém.

Bón phân hữu cơ, vô cơ, vi lượng đầy đủ, cân đối, hợp lý theo độ phì đất, độ tuổi và năng suất vườn cây để giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế được sự gây hại của bệnh.

Bón phân hữu cơ đã qua ủ hoai với Trichoderma, phân hữu cơ chức năng humic để bổ sung dinh dưỡng, cải tạo đất, kích thích phát triển bộ rễ, và bổ sung hệ vi sinh vật đối kháng với tuyến trùng.

Tăng cường sử dụng phân bón lá chuyên dùng cho hồ tiêu để cung cấp kịp thời dinh dưỡng qua lá.

Việc sử dụng phân khoáng nên chia nhỏ ra thành nhiều lần để bón.

Tạo hình để tán cây hồ tiêu phát triển cân đối. Sau khi thu hoạch cần tạo hình, cắt bỏ các cành nhánh vô hiệu, cắt bỏ các các dây lươn và các cành nhánh ngang mọc từ thân chính ở dưới thấp (cắt từ mặt đất lên đến 20cm) để tạo độ thông thoáng ở phần gốc thân và hạn chế các lá, cành ở tầng thấp tiếp xúc với đất.

Rong tỉa cây che bóng, cây choái sống (cây muồng đen, cây lồng mức, cây muồng cườm, cây keo dậu…) hợp lý vào mùa mưa. Các cành nhánh nhỏ sau khi chặt nên dùng để che phủ đất và cung cấp dinh dưỡng cho cây hồ tiêu.

Tủ gốc cho cây hồ tiêu vào mùa khô bằng các vật liệu như cây đậu tương; cây họ đậu (đậu đen, lạc…); rơm rạ; cây ngô.

Thường xuyên kiểm tra theo dõi vườn hồ tiêu trong mùa mưa để biết được biễn biến của bệnh, từ đó có những biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả.

Cắt các bộ phận bị hại nặng hoặc đào bỏ cây bị bệnh nặng, cây chết, thu gom và đưa ra khỏi vườn để tiêu hủy.

Những vườn đã bị nặng cần nhổ bỏ và luân canh 2-3 năm với cây trồng khác trước khi trồng lại tiêu.

* Biện pháp sinh học

Sử dụng thuốc sinh học đối với các cây bị bệnh nhẹ. Sử dụng các loại thuốc sinh học trừ tuyến trùng kết hợp thuốc trừ nấm. Không hỗn hợp 2 loại thuốc này với nhau nếu trên nhãn bao bì không cho phép.

Liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn trên nhãn thuốc. Xử lý 2-4 lần vào mùa mưa, mỗi lần xử lý cách nhau 1 tháng để phòng trừ.

Có thể sử dụng cây cúc vạn thọ, dã quỳ để tủ gốc hoặc ép xanh xung quanh vùng mép tán của cây tiêu để diệt tuyến trùng.

Tìm hiểu chi tiết tại Tải ứng dụng!

Copyright 2023 – MobiFone

Trung tâm Dịch vụ số MobiFone – Chi nhánh Tổng Công ty Viễn thông MobiFone

Giấy ĐKKD: 0100686209-087
Đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 16/06/2023 cấp bởi Sở KHDT thành phố Hà Nội.

Phát triển và vận hành sản phẩm: Công ty cổ phần giải pháp thời tiết WeatherPlus

Khám phá

Liên hệ

Trụ sở: Số 01 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội