Bệnh lùn sọc đen

Virus

Ruộng mạ: Tiêu hủy, đốt hoặc chôn vùi sâu toàn bộ ruộng mạ bị bệnh.

Ruộng lúa:

Theo dõi bẫy đèn để xác định đỉnh cao của các đợt rầy lưng trắng và các loại rầy hại lúa khác. Thời điểm gieo mạ, cấy lúa hoặc gieo thẳng có thể né rầy là khoảng 4 – 6 ngày sau đỉnh cao của rầy vào đèn.

Nếu cây bị bệnh dưới 10% thì cần phải nhổ bỏ cây bị bệnh đem đốt hoặc vùi sâu xuống ruộng.

Nếu cây bị bệnh trên 10% thì nên hủy bỏ toàn bộ ruộng lúa, cắt đem đốt và cày bừa vùi sâu phần còn lại trên ruộng.

Khi tiêu hủy cả ruộng lúa bị bệnh cần lưu ý:

Trước khi tiêu hủy phun thuốc trừ rầy bằng loại thuốc tiếp xúc.

Tiêu hủy và tiến hành cấy, gieo thẳng lại nếu còn thời vụ, nếu hết thời vụ trồng cây khác (ngoại trừ ngô) thay lúa nếu điều kiện cho phép.

Tiêu hủy bằng cày vùi phải thực hiện ngay dù không cấy, gieo lại hoặc trồng cây khác.

Triệu chứng

Cây lúa bị bệnh thấp lùn, lá xanh đậm, xoăn ở đầu lá hoặc toàn bộ lá, gân lá ở mặt sau bị sưng lên, bộ rễ phát triển kém, bị thâm đen và rất dễ nhổ.

Khi bị bệnh ở giai đoạn sớm thì cây lúa phát triển còi cọc, lụi dần và chết.

Cây lúa bị bệnh vào giai đoạn làm đòng và vươn lóng thường nảy chồi trên đốt thân và mọc nhiều rễ bất định.

Trên bẹ và lóng thân xuất hiện nhiều u sáp và sọc đen.

Bị bệnh nặng, cây lúa không trổ bông được hoặc trổ bông không thoát, hạt bị đen.

Nguyên nhân

Bệnh lùn sọc đen do virus có tên SRBSDV (Southern Rice Black – Streaked Dwarf Virus) gây nên.

Rầy lưng trắng (Sogatella Furcifera) là yếu tố môi giới lây truyền virrus gây bệnh. Virus gây bệnh tồn tại trong cơ thể của rầy lưng trắng, rầy lưng trắng sống qua đông hoặc di chuyển rất xa theo gió để gây bệnh.

Virus tồn tại trong cơ thể rầy lưng trắng lưu từ vụ này sang vụ khác, có thể di chuyển rất xa nhờ gió. Virus cũng có thể lây lan qua các cây ký chủ và lúa chét.

Rầy hút từ cây bệnh châm sang cây khỏe (1 con rầy lưng trắng chích vào cây bị bệnh sau đó có thể truyền lây sang 18 cây khỏe).

Virus không truyền qua trứng rầy, không truyền qua hạt giống lúa, không truyền qua đất.

Biện pháp phòng ngừa

* Biện pháp canh tác kỹ thuật

Phải thông báo cho chính quyền và cơ quan chuyên môn tại địa phương để có hướng dẫn xử lý và ngăn chặn dịch hại kịp thời.

Vệ sinh đồng ruộng bằng cách cày vùi gốc rạ để diệt lúa chét, lúa tái sinh, dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước, đốt dọn tàn dư thực vật từ cây ngô.

Hạn chế sử dụng những giống lúa đã xác định nhiễm bệnh nặng, sử dụng các giống kháng (chống chịu) rầy hoặc ít nhiễm rầy.

Bố trí cơ cấu mùa vụ lúa hợp lý theo hướng giảm tỷ lệ trà lúa Xuân sớm, Xuân trung.

Bố trí thời gian cách ly giữa vụ Xuân và vụ Hè Thu – vụ Mùa tiếp theo trong điều kiện không làm ảnh hưởng đến thời vụ của vụ Đông để cắt cầu nối truyền bệnh và có đủ thời gian để vệ sinh đồng ruộng.

Không gieo mạ ở những ruộng vụ trước có bệnh. Mạ gieo thưa tạo cho cây mạ cứng, khoẻ, bộ rễ ít bị tổn thương để mạ nhanh hồi phục sau khi cấy.

Thường xuyên thăm đồng, kết hợp với theo dõi bẫy đèn để dự báo mật độ rầy trên đồng ruộng, xét nghiệm mẫu rầy để phát hiện nguồn rầy mang vi rút.

Bón phân cân đối, đặc biệt không bón thừa phân đạm, áp dụng kỹ thuật "3 giảm 3 tăng" hoặc SRI ở nơi có điều kiện để tăng tính chống chịu của lúa đối với dịch hại.

Chăm sóc để cây lúa mau chóng phục hồi bằng cách bón cân đối N – P – K, lưu ý không bón thừa đạm; khi lúa chưa phục hồi ra lá mới, chỉ nên bón lân và kali.

Không sử dụng mạ trên các ruộng có cây bị bệnh lùn sọc đen.

* Biện pháp hóa học

Ở những địa bàn vụ trước lúa bị bệnh lùn sọc đen, xử lý hạt giống bằng thuốc hóa học hoặc sinh học để tạo sức đề kháng của cây mạ đối với rầy.

Hoạt chất Thiamethoxam 262.5g/l Difenoconazole 25g/l+Fludioxonil 25g/l: Cruiser Plus® 312.5FS.

Hoạt chất Imidacloprid (min 96%): Gaucho 70 WS.

Tìm hiểu chi tiết tại Tải ứng dụng!

Copyright 2023 – MobiFone

Trung tâm Dịch vụ số MobiFone – Chi nhánh Tổng Công ty Viễn thông MobiFone

Giấy ĐKKD: 0100686209-087
Đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 16/06/2023 cấp bởi Sở KHDT thành phố Hà Nội.

Phát triển và vận hành sản phẩm: Công ty cổ phần giải pháp thời tiết WeatherPlus

Khám phá

Liên hệ

Trụ sở: Số 01 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội