Thường xuyên thăm ruộng loại bỏ cây bị bệnh, đem chôn sâu hoặc đốt.
Bệnh mốc sương/sương mai
Nấm
Triệu chứng
Bệnh mốc sương rất phổ biến và gây tác hại lớn nhất hiện nay. Bệnh phá hoại ở tất cả các bộ phận trên và dưới mặt đất của cây khoai tây.
Vết bệnh trên lá lúc đầu là một đốm nhỏ hơi xanh vàng, không có giới hạn rõ rệt, thường xuất hiện nhiều ở mép lá, sau đó lan rộng, có màu nâu ướt, nâu đen, không có hình dáng nhất định.
Mặt dưới lá bao phủ một lớp mốc trắng xốp như sương, xuất hiện khi trời ẩm ướt. Từ đó vết bệnh lan rộng bề mặt lá, làm cho lá thối nhũn (khi trời ẩm) hoặc khô quắc, giòn khi trời khô hanh.
Trên thân, cành vết bệnh có màu nâu đen lan rộng, kéo dọc theo thân và bọc xung quanh, vết bệnh hơi lõm vào làm thân cành tóp lại, thối mềm hoặc khô giòn dễ gãy. Cành, thân bị bệnh dễ bị gãy gục làm cây xơ xác.
Trên mặt củ, vết bệnh có màu nâu lõm xuống, to nhỏ khác nhau. Khi cắt ngang củ ở chỗ bị bệnh, từ ngoài vào trong ruột có từng chòm mô bị thâm nâu lan rộng vào phía trong. Nếu điều kiện ấm, sẽ phát sinh lớp nấm trắng mịn. Cắt đôi củ bị bệnh thấy có một lớp mô sát củ màu thâm đen vòng xung quanh vỏ củ.
Nguyên nhân
Bệnh do nấm Phytophthora infestans gây ra.
Bệnh tồn tại trong củ giống, tàn dư cây khoai tây, trong đất. Đây là nguồn bệnh tồn tại và lây lan sang vụ sau.
Bào tử nấm có thể phát tán nhờ gió chuyển từ nơi này sang nơi khác, cây này sang cây khác.
Bào tử theo mưa, nước tưới xuống đất, xâm nhập vào củ, phát sinh chủ yếu khi củ bắt đầu hình thành gây hại trực tiếp đến năng suất.
Ở nước ta bệnh phá hại nặng trong những năm thời tiết ẩm ướt, rét và mưa kéo dài, trời có nhiều sương mù, nhiệt độ dưới 20oC: Ở miền Bắc bệnh phá mạnh từ tháng 12 đến tháng 2. Ở miền nam, Mùa mưa (từ tháng 4 – 5 đến tháng 9 – 10) bệnh gây hại nặng và ảnh hưởng lớn đến năng suất.
Bệnh mốc sương gây hại nặng nếu khoai tây được bón đạm nhiều, mất cân đối, mật độ trồng quá dày, tiêu thoát nước kém. Trồng khoai tây liên tục, không có thời vụ rõ ràng, xen kẽ, không phân khu vực là những điều kiện thuận lợi để bệnh phát sinh và phát triển. Hầu hết những giống khoai tây hiện có trong sản xuất đều bị nhiễm bệnh, nhưng mức độ bệnh nặng, nhẹ khác nhau.
Biện pháp phòng ngừa
* Biện pháp canh tác kỹ thuật
Chọn củ giống hoặc cây giống tốt, khỏe mạnh và sạch bệnh.
Đất phải được tơi xốp, thoát nước và bắt buộc phải được luân canh.
Bón phân chuồng hoai mục. Bón phân phải cân đối, bón tập trung. Không nên bón nhiều đạm (đạm phải bón sớm).
Không được trồng quá dày. Phải có chế độ đầu tư chăm sóc đúng theo yêu cầu trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây.
Vườn khoai luôn được thông thoáng sạch cỏ dại và tàn dư cây trồng, tỉa bỏ các các già, lá bị bệnh.
Thu hoạch: Ngắt thân, lá trước thu hoạch 1 tuần để hạn chế bệnh lan xuống củ giống. Khi thu hoạch, phải chọn ngày nắng ráo, rải đều củ trên mặt luống. Phân loại củ ngay tại ruộng. Củ để trồng phải được xử lý thuốc trước khi cất giữ. Vận chuyển nhẹ nhàng để tránh xây sát.
Xử lý tàn dư cây sau thu hoạch: chôn, ủ, tránh nguồn bệnh cho vụ sau.
* Biện pháp sinh học
Sử dụng giống kháng bệnh.
Sử dụng thuốc sinh học để phun phòng bệnh mốc sương theo định kỳ 7 – 10 ngày/lần. Nếu có mưa, hoặc sương mù nhiều liên tục 2 – 3 ngày liền, nhiệt độ dưới 260C, phun dày hơn, 4 – 5 ngày/lần.
* Biện pháp hóa học
Xử lý củ giống trước khi trồng bằng thuốc đồng sun phat (CuS04) 0,1% hoặc Ridomil Gold 68WG (hoạt chất Mancozeb 64% + Metalaxyl-M 4%) 0,15 – 0,20% trong 5 phút.
Sử dụng thuốc hóa học phun định kỳ như thuốc sinh học.