Bệnh nghẹt rễ do ngộ độc hữu cơ

Sinh lý

Ngừng ngay bón phân đạm hoặc N – P – K.

Tháo cạn kiệt nước trên ruộng để loại bỏ các khí độc, chất độc đang có trong nước. Cho nước mới vào ruộng.

Bón 10 – 15 kg vôi bột/sào Bắc Bộ, sau 5 ngày nên thay nước mới để xả các chất độc còn tồn lại trong nước.

Cho nước mới vào ruộng và bón 7 – 10 kg Super lân/ sào Bắc Bộ hoặc bón 5 – 7 kg phân vi sinh, kết hợp sục bùn giúp rễ lúa thoáng khí hoặc sử dụng 100 – 150 gram chế phẩm Sumitri (có chứa trichoderma) trộn cát vãi cho 1 sào.

Đồng thời sử dụng các chế phẩm kích thích ra rễ mới như KH, Siêu lân, PenacP… để phun giúp lúa nhanh phục hồi.

Sau 5 – 7 ngày, kiểm tra thấy cây lúa ra rễ mới (rễ trắng) như vậy rễ lúa đã hồi phục, tiến hành chăm sóc bình thường. Nên tháo cạn nước 1 – 2 lần nữa, để cạn đến khi thấy mùn gium hoặc se mặt ruộng thì cho nước mới vào. Khi lúa đẻ nhánh đã kín đất hoặc lúa đứng cái thì tháo kiệt đến khi nứt nẻ chân chim, cho nước vào ruộng và bón kali cho lúa.

Triệu chứng

Bệnh xuất hiện sau cấy từ 15 – 30 ngày.

Ngọn lá lúa biến vàng đỏ, khô từ chóp lá lan dần xuống dưới, thân yếu, lá có khuynh hướng dựng đứng. Bệnh nặng thì nhiều lá phía trên bị vàng đỏ đến 1/3 lá, cây lúa ngừng sinh trưởng, đẻ nhánh ít.

Nhổ cây lúa lên kiểm tra thấy bộ rễ thối đen có mùi tanh hôi, rễ mới không phát sinh. Dù có bón phân đầy đủ lúa vẫn không xanh. Nếu không kịp chữa trị, lúa sẽ lụi dần và chết.

Nguyên nhân

Do bị ngộ độc hữu cơ.

Thời gian thu hoạch vụ trước đến gieo cấy lúa vụ sau ngắn, rơm rạ và tàn dư hữu cơ bừa lồng vùi trong đất chưa kịp phân hủy.

Bên cạnh đó với nền nhiệt độ cao của vụ mùa, tốc độ phân hủy chất hữu cơ diễn ra mạnh mẽ, làm cho đất thiếu oxi, gây tình trạng yếm khí.

Khi không đủ oxi, các chất hữu cơ đang giai đoạn phân giải không hoàn toàn nên tạo ra các axít hữu cơ làm tăng độ chua của đất, tác động xấu đến sự hô hấp của bộ rễ, đồng thời cũng sinh ra một số khí độc như: CH4, H2S…, làm tăng khả năng hòa tan một số các chất trong đất có thể gây độc cho cây lúa.

Khi ngộ độc hữu cơ xảy ra trước hết sẽ tác động trực tiếp đến hệ rễ lúa làm cho rễ kém phát triển, khả năng hút dinh dưỡng và nước giảm dần, do đó không có khả năng cung cấp dinh dưỡng từ đất lên cây làm cho bộ phận phía trên bị ảnh hưởng.

Ngộ độc hữu cơ thường thấy ở đất trũng thấp, ngập nước, nhiều sét, cày vùi nhiều rơm rạ và thường xảy ra ở vụ mùa, vụ hè thu.

Biện pháp phòng ngừa

* Biện pháp canh tác kỹ thuật

Sau khi thu hoạch đưa nước vào cày ngả hoặc lồng giập, giữ nước ngập trong ruộng ít nhất được 2 tuần hoặc phun chế phẩm phân hủy hữu cơ như: Sumitri (gồm 3 loại nấm Tricoderma) đều trên bề mặt ruộng rồi lồng giập, sau 7 – 10 ngày có thể gieo cấy được.

Bón phân đầy đủ, bón thúc sớm, sử dụng phân bón tổng hợp NPK.

Thực hiện quản lý nước theo phương châm: Nông lộ phơi giúp cho đất ruộng được thông thoáng.

* Biện pháp sinh học

Xử lý rơm rạ, sản phẩm phụ sau thu hoạch bằng các chế phẩm có chứa các vi sinh vật hữu hiệu như: Trichodecma, CNX, AT – YTB, Sumitri, Fito – Biomix RR,… Thời gian tiến hành trước khi cày ngả (đối với ruộng chủ động tưới tiêu) hoặc trước khi bừa giập (đối với ruộng ngập nước).

Liều lượng sử dụng, cách sử dụng xem hướng dẫn trên bao bì sản phẩm hoặc hướng dẫn của cán bộ chuyên môn.

Tìm hiểu chi tiết tại Tải ứng dụng!

Copyright 2023 – MobiFone

Trung tâm Dịch vụ số MobiFone – Chi nhánh Tổng Công ty Viễn thông MobiFone

Giấy ĐKKD: 0100686209-087
Đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 16/06/2023 cấp bởi Sở KHDT thành phố Hà Nội.

Phát triển và vận hành sản phẩm: Công ty cổ phần giải pháp thời tiết WeatherPlus

Khám phá

Liên hệ

Trụ sở: Số 01 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội