Bệnh sưng rễ ở cây su hào do nấm gây ra khiến rễ cây bị biến dạng, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây.
Bệnh sưng rễ ở cây su hào có khó chữa?
Triệu chứng bệnh sưng rễ ở cây su hào
Bệnh gây hại trên bộ rễ của cây làm rễ biến dạng sưng phồng, có kích cỡ khác nhau tùy thuộc thời kỳ và mức độ nhiễm bệnh.
Cây bệnh sinh trưởng chậm, cằn cỗi, lá biến màu xanh bạc, có biểu hiện héo vào lúc trưa nắng, sau đó phục hồi vào lúc trời mát, khi bị nặng toàn thân cây héo rũ kể cả khi trời mát, lá chuyển màu nhợt nhạt, héo vàng và chết hoàn toàn.
Bệnh hại làm giảm khả năng hút nước, dinh dưỡng và khả năng chống chịu của cây, dẫn đến việc xâm nhập dễ dàng của một số loài nấm, khuẩn gây nên sự thối mục đen toàn bộ rễ cây.
Khi cây bị nhiễm bệnh sớm (giai đoạn vườn ươm, hồi xanh), cây khó phục hồi và chết, nhưng nếu cây bị nhiễm ở giai đoạn muộn hơn (giai đoạn hình thành thân củ) cây có thể cho thu hoạch nhưng năng suất giảm, chất lượng kém.
Nguyên nhân và điều kiện phát sinh gây bệnh sưng rễ trên cây su hào
Bệnh sưng rễ trên su hào do nấm Plasmodiophora brassicae gây ra. Đây là loài nấm ký sinh. Trong tế bào ký chủ còn sống, chúng mới phát triển và sinh sản, hoàn tất vòng đời.
Nấm có thể tồn tại trong đất 7 – 10 năm hay lâu hơn ở dạng bào tử tĩnh.
Bệnh phát triển thích hợp trong đất chua và có nhiệt độ từ 18 – 25℃.
Bệnh thường gây hại nặng ở nơi đất trũng thấp, thoát nước kém, độ ẩm cao.
Nấm phát triển mạnh trong điều kiện đất chua độ pH < 7. Ở đất trung tính và kiềm độ ẩm đất thấp bào tử nấm nảy mầm kém hoặc không nảy mầm đồng thời hạn chế sự truyền nhiễm.
Tuy nhiên, bệnh chỉ gây hại cây khi mật độ bào tử trong đất đạt trên 104 bào tử/1 gram đất.
Biện pháp phòng ngừa bệnh sưng rễ trên cây su hào
* Biện pháp canh tác kỹ thuật:
- Luân canh cây rau khác họ thập tự: cà rốt, khoai tây, bó xôi, xà lách, lúa nước…
- Bón phân cân đối và hợp lý, tăng cường sử dụng phân hữu cơ sinh học, vi sinh.
- Làm mương tiêu thoát nước tốt, không để đất ngập úng. Tưới nước đủ ẩm trong giai đoạn phát triển thân lá.
- Đối với ruộng sản xuất phải đảm bảo độ pH của đất ở mức trung tính (pH = 7).
- Sử dụng nguồn nước tưới không bị nhiễm bệnh (nên sử dụng nước giếng khoan, nước máy…).
- Bón vôi là biện pháp hữu hiệu nhằm nâng cao độ pH thích hợp để hạn chế bệnh phát triển.
- Sử dụng các loại vôi có hàm lượng CaO cao như Hodoo, vôi tôi… liều lượng vôi bón tuỳ thuộc vào độ pH hiện tại của đất, loại đất.
* Biện pháp sinh học:
- Trồng cây con sạch bệnh và khoẻ mạnh.
- Sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma với liều lượng 80 – 150 kg/ha trước khi trồng, phun chất kích kháng Exin 4.5SC liều lượng 0,5 – 0,75 lít/ha sau khi cây bén rễ hồi xanh.
Danh sách thuốc điều trị nấm gây bệnh sưng rễ trên cây su hào đã được cập nhật tại mục Sâu bệnh hại cây Su hào. Bà con cần tải ứng dụng mobiAgri ngay bên dưới để theo dõi chi tiết.