Bắt sâu bằng tay, ngắt ổ trứng.
Sâu cắn lá nõn
Sâu bọ
Triệu chứng
Sâu non tuổi nhỏ cắn phá các phần non như lá nõn, hoa đực (lúc ngô chưa trỗ).
Sâu tuổi lớn hơn thường gặm khuyết phiến lá, chỉ còn trơ gân chính của lá, thậm chí ăn trụi cả phần thân non tới tận đỉnh sinh trưởng.
Khi ngô trỗ cở, chúng có thể chui vào bắp ăn hạt non, râu ngô làm tỷ lệ kết hạt ở bắp bị giảm đi.
Nhận biết sâu hại
Ngài thân dài 14 – 18 mm, sải cánh rộng 25 – 30 mm. Đầu, ngực màu nâu tro, cánh trước màu nâu nhạt hoặc nâu vàng, mép sau buồng giữa cánh màu tương đối đậm, đường vân xiên trên cánh đen và mịn, vân hình quả thận, về phía góc dưới của buồng giữa cánh có một chấm trắng rõ rệt, đường vạch ngoài mép cánh là một hàng chấm đen.
Mép ngoài cánh màu hơi tối. Cánh sau màu trắng, mạch cánh và mép ngoài màu nâu. Trứng hình cầu, có đường kính 235,5 μ. Trên trứng có những đường sống nổi hình mạng lưới. Trứng mới đẻ màu trắng sữa, sau chuyển sang màu nâu.
Sâu non đẫy sức dài 22 – 30 mm, màu nâu nhạt. Đầu màu nâu vàng, có vân mạng lưới không quy củ. Trên lưng dọc theo cơ thể có 4 vạch màu nâu thẫm. Vạch lỗ thở rộng. Nhộng dài 18 – 19 mm, màu cánh gián nhạt hoặc sẫm. Mặt lưng các đốt bụng thứ 4, 5, 6, 7 ở phía mép trước có hàng chấm nâu sẫm.
Nguyên nhân
Những năm có mùa đông mưa ẩm, sâu thường phát sinh nhiều, phá hại mạnh. Thời tiết khô hanh không thích hợp cho sâu sinh trưởng và phát dục.
Sâu sinh trưởng thích hợp trên loại đất cát pha hoặc thịt nhẹ, thích hợp nhất là loại đất phù sa ven sông. Đất khô không thích hợp cho sâu sinh trưởng và hoá nhộng.
Đất ướt và bí cũng không thích hợp đối với sâu.
Hàng năm sâu cắn lá nõn có thể phát sinh 7 – 8 lứa. Thường gây hại nặng đối với các trà ngô đông xuân gieo muộn trong tháng 12 (lúc này khoảng 5 – 8 lá). Mùa hè và mùa thu, sâu thường chỉ tồn tại lẻ tẻ trên cây ký chủ hoặc các ký chủ có tác hại không đáng kể.
Biện pháp phòng ngừa
* Biện pháp canh tác kỹ thuật
Luân canh cây trồng để tránh sâu tồn tại từ vụ này sang vụ khác.
Vệ sinh đồng ruộng, diệt sạch cỏ sau khi thu hoạch. Làm sạch cỏ trong ruộng và quanh bờ để hạn chế nơi trú ngụ của sâu.
Gieo trồng đúng thời vụ. Không trồng rải rác tạo nguồn thức ăn cho sâu tồn tại từ vụ này sang vụ khác.
* Biện pháp sinh học
Bảo vệ các loài thiên địch của sâu cắn lá nõn ngô: ong kén trắng (Apatelles sp.) ký sinh trên sâu non; ong đùi to họ Chalcidae ký sinh ở nhộng; ruồi họ Tachinidae ký sinh ở sâu non và nhộng. Ong kén trắng thường gặp trong khoảng tháng 10 tới tháng 4. Hai loại kia thường gặp trong tháng 2 – 3. Sâu cắn lá nõn còn bị một loại nấm trắng (Entomophtorales) gây bệnh, thường gặp trong thời kỳ mưa, ẩm tháng 2 – 4. Sâu bị bệnh chết bám trên cây mình mốc trắng.
Sử dụng bẫy bả chua ngọt:
Nguyên liệu: 4 phần mật (đường) trộn với 4 phần dấm, 1 phần rượu và 1 phần nước, khuấy kỹ để dung dịch tan đều.
Cho vào can nhựa, xô nhựa… đậy kín, chờ 3 – 4 ngày sau, khi thấy dung dịch bốc mùi chua ngọt thì trộn thêm thuốc trừ sâu.
Liều lượng cứ 1 lít bả chua ngọt cho 1 gói thuốc trừ sâu Actara 25WG (gói 1 gr), khuấy đều hỗn hợp là đem ra sử dụng được. Sử dụng hộp nhựa đựng bẫy trên thành đục các lỗ tròn có đường kính 2 – 3 cm dùng lượng từ 0,10 – 0,15 lít bả chua ngọt đặt ở ngoài ruộng vào buổi tối nơi thoáng gió có độ cao 1 m so với mặt đất, từ 3 – 5 bẫy/sào hoặc có thể sử dụng bùi nhùi bằng rơm nhúng bả sau đó cắm trên ruộng.