Cắt bỏ và đem tiêu hủy cây bị sâu hại nặng.
Sâu đục thân mình hồng
Sâu bọ
Triệu chứng
Cây mía mầm bị hại có hiện tượng “nõn héo”.
Cây mía lớn đã có lóng bị hại có hiện tượng “khô ngọn”; miệng lỗ đục có nhiều bã phân sâu ướt, chảy thành dòng xuống dưới; bẹ lá gần lỗ đục bị thối nhũn, biến màu.
Nhận biết sâu hại
Ngài trưởng thành: Cánh trước màu vàng rơm, cánh sau màu trắng. Trên cánh trước có 1 vệt đen hình tam giác chạy từ gốc cánh chạy ra ngoài.
Trứng: Hình bánh bao dẹt, khi mới đẻ có màu trắng hồng, sau khi đẻ 2 – 3 ngày chuyển sang màu trắng vàng và cuối cùng là màu nâu vàng. Trước khi nở 24 giờ có thể nhìn thấy rõ đầu sâu non màu đen ở trong trứng. Trên bề mặt trứng có các vân ngang, dọc, số vân trên 1 trứng khoảng 40 – 65. Trứng được đẻ thành ổ ở trong bẹ lá hoặc trên mặt phiến lá. Kích thước trứng là 0,9 x 0,4 mm.
Sâu non: Có lưng màu hồng, không có sọc, phần bụng màu trắng, mảnh đầu màu nâu hơi đỏ, Chân bụng và chân mông phát triển, lỗ thở hai bên cơ thể màu đen nhìn thấy dễ.
Nhộng: Có màu nâu sẫm, cuối thân nhộng, về phía lưng và phía bụng có 4 gai màu đen. Tuỳ theo mùa vụ, điều kiện thời tiết khí hậu và thức ăn mà nhộng có kích thước và khối lượng khác nhau nhưng, nhộng đực luôn nhỏ hơn nhộng cái trong cùng điều kiện. Kích thước nhộng khoảng 15 – 16 mm.
Nguyên nhân
Sâu đục thân mình hồng mỗi năm có 7 – 8 lứa, thường xuất hiện từ tháng 5 và gây hại nặng vào tháng 8 và tháng 9.
Sâu non phá hại trên tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây mía và cây ký chủ phụ, nhưng chủ yếu phá hại vào mùa mưa, mưa càng nhiều sâu phá hại càng mạnh và phá hại trên mía mầm là chính. Đặc biệt chúng gây hại nặng trên ruộng mía trồng muộn.
Biện pháp phòng ngừa
* Biện pháp canh tác kỹ thuật
Ưu tiên trồng các giống mía có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu đục thân mía từ mức trung trở lên như: KK3, K84-200, K95-156, K95-84, VN08-259, VN12-81-23, VNN-01, K88-92, Suphanburi 7, QN-01, K83-29,…
Trước khi trồng, nên xử lý hom giống bằng nước vôi nồng độ 1 – 2% trong vòng 30 phút.
Sử dụng hom giống có nguồn gốc rõ ràng, sạch sâu bệnh, đạt tiêu chuẩn
Làm đất kỹ, phòng trừ cỏ dại kịp thời, cắt chồi vô hiệu, bóc lá già để ruộng mía thông thoáng.
Bón đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng khoáng cho cây mía, theo nguyên tắc 4 đúng: “Đúng nhu cầu, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách”.
Tưới nước bổ sung trong mùa khô, tiêu nước kịp thời trong mùa mưa.
Hạn chế đốt ngọn, lá mía trước và sau khi thu hoạch (trừ trường hợp ruộng bị sâu bệnh nặng cần tiêu hủy hoặc cần chuẩn bị đất nhanh để trồng mới).
Trồng hoa xung quanh đồng mía, cây cao trồng bên ngoài, cây thấp trồng bên trong, tạo thành một vành đai hoa, vừa để thu hút thiên địch, vừa cách ly, không cho sâu bệnh hại mía xâm nhập và lây lan từ các vùng mía lân cận.
Trồng các loài hoa thấp xung quanh từng lô ruộng mía.
Không nhổ bỏ các loài cỏ dại tự nhiên trên đồng mía, vốn là nơi cung cấp nguồn mật hoa cho các loài thiên địch như cây sài lông (Tridax procumbens), cây cỏ hôi (Ageratum conyzoides), cây rau giệu (Alternanthera sp.),…
Không sử dụng các loại thuốc trừ sâu hóa học phổ rộng khi tỷ lệ số lượng sâu hại/thiên địch đang ở mức thuận lợi (dưới 2/1). Khả năng phục hồi của cây mía cũng cần được xem xét trước khi sử dụng thuốc trừ sâu hóa học.
* Biện pháp sinh học
Bảo vệ, khuyến khích các loài thiên địch trên đồng mía bằng cách trồng hoa: Không nên đốt lá mía trên ruộng, hạn chế sử dụng thuốc hóa học độ độc cao (nhóm 1 và 2) để bảo vệ các loài thiên địch ngoài tự nhiên
Nhân nuôi ong mắt đỏ Trichogramma chilonis, thả 100.000 con ong/ha/tuần, thả từ tháng thứ nhất đến tháng thứ tư sau khi trồng, để phòng trừ các loài sâu đục mía trong chi Chilo.
Nhân nuôi ong kén trắng (Cotesia flavipes), thả 300 con/ha/tuần, ở giai đoạn mía 4 – 6 tháng tuổi, để phòng trừ các loài sâu đục thân mía trong chi Chilo, Sesamia và Scirpophaga.
Nhân nuôi các loài bọ đuôi kìm (Euborellia sp.), thả 1.000 con/ha/tuần, trong thời gian 2 tháng, từ khi tỷ lệ cây bị sâu đục thân gây hại trên 5%.
Sử dụng các loại thuốc trừ sâu, chế phẩm sinh học như Beauveria (nấm trắng), Metarhizum (nấm xanh), BT (Bacillus thurigiensis), NPV (virus),… để phòng trừ các loài sâu đục thân (cách dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất).
Dùng bẫy Feromone dẫn dụ để diệt hoặc triệt sản ngài trưởng thành.
* Biện pháp hóa học
Sử dụng các loại thuốc trừ sâu như Abamectin (Abasuper 1.8EC, Abatox 3.6EC), Chlorantraniliprole (Prevathon 5SC, 35WG, 0.4GR; Virtako 40WG, 300SC), Alpha-cypermethrin (Pertox 5EC, Supertox 100EC),… phun, tưới hoặc rải xuống rãnh khi trồng, hoặc phòng trừ cục bộ có chọn lọc (chỉ phun, rải thuốc vào cây/bụi mía có sâu hoặc nghi ngờ có sâu đang gây hại, không phun/rải trùm toàn lô ruộng), ở thời điểm 2 – 6 tháng sau trồng, khi mía còn nhỏ.
Liều lượng sử dụng từng loại thuốc trừ sâu thực hiện theo khuyến cáo của nhà sản xuất.