Cây lưỡi hổ là một loại cây cảnh đẹp, được rất nhiều người ưa chuộng trồng bonsai để trang trí trên bàn làm việc, hay trồng trong khuôn viên nhà ở. Cây lưỡi hổ rất dễ trồng và dễ chăm sóc, tuy nhiên nếu gặp phải sai lầm trong quá trình chăm sóc, cây có thể không phát triển tốt và thậm chí có thể gây ra tình trạng chết. Để tránh điều này, hãy cùng mobiAgri tìm hiểu về những sai lầm khi trồng cây lưỡi hổ.
Nội dung bài viết
Lợi ích trồng cây lưỡi hổ
Lưỡi hổ hay còn được gọi là cây lưỡi cọp, có nguồn gốc từ Nigeria cây có màu xanh đậm, đốm xám và mép lá có viền vàng.
Cây lưỡi hổ còn có khả năng làm sạch không khí bằng cách hấp thụ các chất độc hại và tạo ra oxy trong quá trình quang hợp. Việc có cây xanh trong môi trường sống cũng đã được chứng minh là có thể giúp giảm căng thẳng, cải thiện tinh thần và tăng sự tập trung.
Lưỡi hổ có dáng cứng cáp, khỏe mạnh và màu sắc đặc trưng. Những chậu lưỡi hổ nhỏ có thể đặt ở bàn làm việc, phòng ngủ. Đối với những cây có kích thước lớn hơn thì có thể đặt ở phòng khách hoặc ban công.
Theo quan điểm phong thủy, lưỡi hổ có ý nghĩa tốt đẹp nó tượng trưng cho sức mạnh, có thể xua đuổi được ma quỷ, chống tà ma… Lưỡi hổ được cho là cây phong thủy mang đến sự may mắn, tài lộc cho gia chủ. Vì vậy, có thể dùng lưỡi hổ làm quà tặng cho bạn bè và người thân trong các dịp đặc biệt như: quà tân gia, khai trương, sinh nhật…
3 sai lầm khi trồng cây lưỡi hổ phổ biến nhất
1. Đặt cây lưỡi hổ sai vị trí
Mặc dù cây lưỡi hổ ưa bóng râm nhưng không phải vị trí nào trong nhà bạn cũng có thể để được. Tuy nhiên, một số người cho rằng đặt cây lưỡi hổ trong phòng tắm có thể hút bụi bẩn, thanh lọc không khí và khử mùi hôi. Vậy đặt cây lưỡi hổ trong phòng tắm có thể tạo ra môi trường ẩm ướt và nhiều bụi, có nguy cơ ngập úng nước, thối rễ và gây hại cho cây. Do đó, không nên đặt cây lưỡi hổ trong phòng tắm.
Ngoài ra, cũng không nên đặt cây lưỡi hổ ở ngay trước cửa ra vào, theo quan niệm phong thủy, việc này có thể cản trở dòng chảy tài lộc vào nhà. Thay vào đó, các vị trí phù hợp để đặt cây lưỡi hổ là phòng khách, phòng ngủ, ban công hoặc trên bàn làm việc, nơi mà cây có thể nhận được đủ ánh sáng và không gian cần thiết để cây phát triển mạnh mẽ.
2. Tưới nước thường xuyên cho cây
Cây lưỡi hổ có đặc tính ưa bóng râm có khả năng chịu hạn tốt, không thích hợp đất quá ẩm. Vì vậy, hãy hạn chế việc tưới nước và bón phân. Mỗi tuần tưới nước một lần là đủ. Khi tưới, hãy sử dụng lượng nước vừa đủ, tránh tưới quá nhiều để tránh nguy cơ cây bị chết do ngập nước.
3. Trồng cây trong chậu quá to
Khi trồng cây lưỡi hổ, việc chọn chậu phù hợp là điều quan trọng, nhưng nhiều người thường mắc phải sai lầm trong việc lựa chọn loại chậu để trồng cây.
Thông thường, họ chọn chậu quá to, chứa quá nhiều đất và dẫn đến tình trạng thừa độ ẩm. Điều này có thể làm cây bị ngập nước, gây hại cho cây.
Vì thế, bạn cần chọn chậu có kích thước phù hợp, đủ lớn để cung cấp đủ không gian cho cây phát triển. Khi cây trưởng thành, bạn có thể xem xét việc thay chậu để tạo điều kiện cho sự phát triển của cây.
Cách chăm sóc để cây lưỡi hổ phát triển xanh tốt
Để tránh những sai lầm khi trồng cây lưỡi hổ, dưới đây 5 cách chăm sóc cây phát triển khỏe mạnh.
1. Cách nhân giống
- Tách bụi cây già sang chậu mới hoặc giâm lá lưỡi hổ vào đất.
- Chọn lá non, khỏe và có viền màu vàng tươi, sau đó cắt ngang sát gốc thành khúc dài khoảng 5cm và đặt vào đất trồng đã chuẩn bị sẵn.
- Chú ý không giâm quá sâu, khoảng ½ độ sâu của đất là đủ.
- Đặt chậu ở nơi có nắng và hạn chế tưới nước để cây có thể phát triển tốt.
2. Ánh sáng
- Cây lưỡi hổ có thể sống trong điều kiện thiếu ánh sáng và không gian hẹp, nhưng cần cung cấp đủ ánh sáng cho cây.
- Trong trường hợp trồng trong nhà, nên thỉnh thoảng để cây tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để cây phát triển tốt nhất.
3. Đất trồng và dinh dưỡng
- Đất trồng tốt nhất là đất pha cát và trộn cùng phân chuồng, mùn cưa, có độ kiềm cao.
- Bổ sung dinh dưỡng cho cây khoảng 3 tháng 1 lần, sử dụng phân NPK hoặc phân chuồng hoai mục.
- Tránh bón phân vào mùa đông vì cây hấp thụ kém.
4. Nhiệt độ
- Cây lưỡi hổ phát triển tốt ở nhiệt độ từ 18 – 30 độ C.
- Không trồng cây ở ngoài trời vào mùa đông ở miền Bắc để tránh chết cây.
5. Độ ẩm
- Độ ẩm trung bình là lý tưởng cho cây lưỡi hổ, tránh tưới nước quá nhiều để tránh tình trạng thối rễ.
- Tưới nước mùa hè khoảng 1 lần mỗi tuần và mùa đông chỉ cần tưới 1 tháng 1 lần là đủ.
Hy vọng những thông tin này sẽ giúp bạn tránh được những sai lầm khi trồng và chăm sóc cây lưỡi hổ.
Biên tập bởi mobiAgri