Việc phục hồi cây sầu riêng sau khi thu hoạch là một bước quan trọng không thể thiếu để đảm bảo hiệu suất và chất lượng cho vụ mùa tiếp theo. Mỗi chi tiết trong quá trình này đều được chú trọng với sự cẩn thận và tâm huyết. Việc chăm sóc cây trồng như tỉa cành, cải tạo… đất không chỉ là các công việc đơn giản mà còn sự tỉ mỉ, kiên nhẫn, tạo ra điều kiện lý tưởng nhất cho sự phát triển của cây.
Nội dung bài viết
Cách chăm sóc cây sầu riêng sau thu hoạch
Bước 1: Tỉa cành, tạo tán mới
Sau thu hoạch cây sầu riêng có nhiều cành, thân bị hư hại, cành vô hiệu do sâu bệnh hay thu hái, gây ảnh hưởng đến quá trình ra hoa đậu quả, phát triển quả vụ sau cần phải loại bỏ. Vườn thông thoáng sẽ hạn chế sâu bệnh hại, dinh dưỡng được tập trung, giúp cây phục hồi nhanh, đảm bảo năng suất, chất lượng vụ tiếp theo. Tỉa cành, tạo tán mới bao gồm:
- Cắt bỏ cành sâu bệnh, cành già yếu, cành khô, cành vượt, cành vô hiệu (cành đực).
- Nên loại bỏ những cành cách mặt đất khoảng 1m trở xuống, vì những cành này thường dễ bị nấm bệnh tấn công do mưa làm văng đất mang theo mầm bệnh dính bám lên lá.
- Cắt tỉa chồi mới hợp lý, loại những cuống, quả còn sót lại ở trên thân.
Bước 2: Vệ sinh, xử lý tàn dư, hạn chế mầm bệnh
Sau thu hoạch, trên vườn còn nhiều tàn dư thực vật như quả rụng, vỏ quả, cành khô, vật dụng, bao bì thu hoạch quả… Những tàn dư này cần được thu gom, xử lý để tiêu diệt và loại bỏ nguồn sâu bệnh còn tồn tại ở đó, đồng thời tạo cảnh quan đẹp cho vườn cây sinh thái.
Bước 3: Duy trì ẩm độ, thảm phủ, đảm bảo nước cho cây
Sau thu hoạch, cần đảm bảo cây luôn được cung cấp đủ nước, vườn thông thoáng, thoát nước tốt, tránh úng nước, độ ẩm cao. Việc đảm bảo nguồn nước, duy trì thảm phủ còn giúp cây hấp thụ tốt hơn các chất dinh dưỡng, nhanh phục hồi, tránh sốc do thay đổi thời tiết cực đoan.
Tưới nước, theo nguyên tắc sau:
- Tưới nước 2-3 ngày/lần.
- Giữ lượng nước ổn định ở độ sâu 60-80cm.
- Tránh tưới nước có chứa muối cho cây.
Bước 4: Quản lý sâu bệnh hại
Đây là thời điểm cây cần được chăm sóc phục hồi sau đợt tập trung dinh dưỡng nuôi quả và bắt đầu ra chồi, cơi mới. Những mầm non này rất dễ bị các loại sâu bệnh hại tấn công và cần theo dõi để xử lý kịp thời, nhất là các loại sâu ăn lá, chích hút, thán thư… Nhà vườn có thể xử lý vườn bằng vôi tùy theo điều kiện canh tác cụ thể, sử dụng khoảng 500-1000 kg vôi/ha; dùng vôi bột pha nước quét xung quanh để bảo vệ thân, gốc cây sầu riêng để hạn chế bào tử nấm Phytophthora và bọ cánh cứng.
Bước 5: Bón phân phục hồi sầu riêng sau thu hoạch
Để khôi phục sức khỏe nhanh chóng, yếu tố dinh dưỡng gần như là quan trọng nhất. Phân bón không chỉ giúp cây phục hồi mà còn là yếu tố quyết định đến năng suất trong vụ trồng tiếp theo.
Tùy theo năng suất thu hoạch, điều kiện đất đai, canh tác, nhà vườn nên sử dụng phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh, phân vô cơ hợp lý, cân đối. Theo khuyến cáo của Viện cây ăn quả miền Nam: Với cây có đường kính tán khoảng 5-6 m, năng suất khoảng 120 kg, lượng phân chuồng sử dụng là phân gà hoai từ 10-20 kg, bón một lần. Phân hữu cơ ngoài việc cung cấp đầy đủ dinh dưỡng đa, trung vi lượng còn bổ sung lượng vi sinh cần thiết giúp cải tạo đất. Lượng phân tổng hợp N:P:K:Mg, tỷ lệ: 15:15:6:4, lượng bón từ 2-3 kg mỗi cây cho giai đoạn này để giúp cây phục hồi, sinh trưởng khỏe mạnh và phân hóa tốt mầm hoa.
Hy vọng rằng những thông tin trên đã giúp bà con hiểu rõ hơn về cách phục hồi sầu riêng sau khi thu hoạch. mobiAgri chúc bà con có một vườn sầu riêng phát triển tốt và đạt năng suất cao trong mùa vụ sắp tới.
Biên tập bởi mobiAgri