Các bạn sẽ bất ngờ vì tác dụng của các loại rau ăn hàng ngày lại có thể làm thuốc chữa bệnh hiệu quả dưới đây. Cùng trồng cây và có sẵn vườn rau thuốc Nam trong gia đình thôi nào.
Việt Nam có vô vàn loại dược liệu quý hiếm, đắt đỏ được thế giới công nhận và săn lùng. Tuy nhiên cũng có không ít loài cây thuốc dễ kiếm, dễ tìm ngay trong vườn nhà, mọc hoang bờ bụi. Trong bài viết hôm nay, mobiAgri sẽ giới thiệu đến bạn đọc các loại rau ăn hàng ngày tốt cho sức khỏe, có khả năng chữa bệnh, chúng ta có thể gọi là các loại rau thuốc Nam hay các loại rau làm thuốc chữa bệnh.
Nội dung bài viết
Rau dền
- Rau dền đỏ: Lá rau có màu đỏ, khi nấu canh cũng cho nước màu đỏ. Loại rau dền này có hàm lượng saponin, alcaloid dồi dào phù hợp với người có thể trạng yếu, thiếu máu, da xanh.
- Rau dền cơm: Thường mọc hoang rải rác ở vườn trống. Lá rau mềm, ăn rất thơm ngon. Rau dền cơm có tác dụng bồi bổ sức khỏe cho người bị tiểu đường, sỏi thận.
- Rau dền gai: Rau dền gai là một loài dền hoang mọc nhiều ở các bờ bụi. Nếu sử dụng làm món ăn chỉ nên lấy lá non. Nếu sử dụng làm thuốc có thể lấy cả thân và rễ. Dền gai giàu chất xơ, sắt tốt cho người bị bệnh khó tiêu, ho có đờm và bệnh nhân tiểu đường.
Rau sam
Cây rau sam còn có tên gọi là mã xỉ hiện. Cây mọc bò trên mặt đất, có ở nhiều vùng trên cả nước. Rau sam có vị chua, có thể dùng tươi hoặc dùng khô. Cây cho thu hoạch quanh năm nhưng nhiều nhất là mùa hè khoảng tháng 5 đến tháng 7.
Trước đây rau sam là món rau ăn hàng ngày rất phổ biến ở các vùng quê Bắc Bộ. Hiện nay rau sam không còn phổ biến rộng rãi như trước nhưng vẫn được người dân trồng cung cấp cho các nhà hàng đặc sản và làm thuốc chữa bệnh.
Từ xưa nhân dân đã biết đến công dụng nổi tiếng của cây rau sam là thanh nhiệt, lợi tiểu. Ngoài ra, rau sam còn có tác dụng chữa giun kim, chốc đầu mụn nhọt ở trẻ em rất hiệu nghiệm. Rau sam có thể dùng để luộc, nấu canh hoặc giã nát lấy nước uống hoặc phơi khô sắc nước dùng đều được.
Rau sam có vị chua, tính hàn nên những người đang bị tiêu chảy, tỳ vị hư hàn (thể trạng tay chân lạnh) không nên dùng.
Cây diếp cá
Rau diếp cá hay còn gọi là dấp cá. Người ta tìm thấy nhiều khoáng chất, các chất chống oxy hóa, vitamin C, chất xơ, thậm chí có cả một số tinh dầu có lợi khác.
Trong cây diếp cá có nhiều chất kháng viêm, kháng khuẩn giúp cải thiện tình trạng viêm đường hô hấp, tăng cường hệ miễn dịch, giảm các triệu chứng viêm da như phát ban, mẩn đỏ, mụn trứng cá…
Các hoạt chất kháng viêm, tiêu sưng, thanh nhiệt trong cây diếp cá cũng có tác dụng hiệu quả với người bị trĩ nội, trĩ ngoại.
Ngoài việc dùng nước ép lá diếp cá, diếp cá cũng là một trong các loại rau sống tốt cho sức khỏe, được nhiều người yêu thích. Hiện nay nhiều đơn vị còn sản xuất trà diếp cá, xà bông diếp cá, bột diếp cá, thuốc điều trị trĩ có chiết xuất từ cây diếp cá.
Cây tía tô
Nhiều món ăn dân dã và bài thuốc dân gian đều có nguyên liệu từ lá tía tô. Lá tía tố nổi tiếng với công dụng hỗ trợ điều trị cảm lạnh, ho sốt, tiểu đường, loại bỏ mụn trứng cá và làm đẹp da.
Nhiều món ăn ngon, hấp dẫn có lá tía tô phải kể đến như ốc chuối đậu, cháo tía tô giải cảm, nấm xào tía tô, trứng cuộn tía tô…
Nước lá tía tô thêm vài lát chanh là món ăn bổ dưỡng, làm đẹp da được nhiều chị em phụ nữ yêu thích. Người ta cũng tin rằng, phụ nữ cho con bú uống nước tía tô trước khi cho trẻ sơ sinh đi tiêm sẽ giúp trẻ hạn chế sốt, quấy khóc.
Phụ nữ Nhật Bản nổi tiếng trẻ lâu vì duy trì được làn da đẹp, không lão hóa đã bật mí rằng họ rất ưa thích sử dụng các loại mỹ phẩm làm đẹp da có chiết xuất từ lá tía tô như tinh dầu tía tô, xà phòng tía tô, nước dưỡng da từ tía tô.
Cây ngải cứu
Cây ngải cứu là cây rau có công dụng chữa bệnh được nhiều người dân Việt biết đến. Đau đầu, cảm sốt chỉ cần ăn trứng rán với lá ngải cứu. Người bị đau xương khớp dùng lá ngải cứu rang nóng quấn vào miếng vải rồi đem chườm. Ai bị đứt tay, rắn cắn cứ dùng lá ngải cứu vò nát đắp lên vết thương để cầm máu, sát khuẩn vết thương…
Vì tính đại chúng và phổ biến,cây ngải cứu vẫn được trồng trong nhiều gia đình như một loại rau làm thuốc hiệu quả.
Mặc dù hiện nay đã có nhiều sản phẩm tinh chế từ ngải cứu như túi chườm ngải cứu, cây nhang ngải cứu, tinh dầu ngải cứu để xoa bóp…
Ngoài ra, nhiều món ăn chữa bệnh như gà hầm thuốc bắc, trứng vịt lộn hầm ngải cứu, cá trắm hấp ngải cứu… đều là những món ngon, trong đó vị ngải cứu giúp bồi bổ sức khỏe, cân bằng dinh dưỡng hiệu quả.
Cây bạc hà
Cây bạc hà có đặc tính thơm mát, dễ trồng, đa công dụng. Trồng bạc hà trong nhà bạn sẽ có sẵn một cây gia vị hấp dẫn sử dụng cho nhiều món ăn hàng ngày. Hái một vài lá bạc hà pha cùng ấm trà nóng sẽ có món thức uống giải cảm, xông mũi họng khi chẳng may bị cảm lạnh, đau họng.
Ngoài ra cây bạc hà cũng có tác dụng đuổi côn trùng, làm nhà cửa thơm mát rất nên trồng trong mỗi gia đình.
Cây kinh giới
Kinh giới cũng là một trong số các loại rau thơm tốt cho sức khỏe. Ngoài là rau gia vị, cây kinh giới cũng được xem là cây thuốc Nam phổ biến trong nhân dân.
Công dụng của lá kinh giới được nhiều người biết đến chính là làm giảm nhanh các triệu chứng cảm cúm như giảm sốt, giảm đau họng, đau nhức toàn thân. Khi bị cảm cúm bạn nên ăn cháo kết hợp với kinh giới và hành hoa sẽ nhanh khỏi hơn.
Ngoài ra, cây kinh giới còn được dùng để cầm máu, điều trị các trường hợp viêm da dị ứng hiệu nghiệm. Bạn có thể xay lá kinh giới lấy nước uống hoặc phơi khô cây kinh giới rồi tán thành bột trộn cùng nước gạo nếp để dùng. Một bài thuốc khác từ kinh giới là rang lá kinh giới trên bếp nóng rồi bọc trong một miếng vải để chườm vào vùng da bị dị ứng.
Hẹ
Lá hẹ kết hợp với chanh, quất, gừng, mật ong là bài thuốc dân gian tuyệt hảo giúp làm giảm triệu chứng viêm họng, ho có đàm, chảy nước mũi ở trẻ em và người lớn.
Người ta cũng nấu nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng khi kết hợp hẹ và nhiều loại thực phẩm khác như canh hẹ đậu phụ, bánh hẹ chiên ròn, ếch xào bông hẹ, hải sản xào hẹ…
Các món ăn có hẹ giúp tăng đề kháng, cải thiện giấc ngủ và tâm trạng rõ rệt.
Hẹ rất dễ trồng, không tốn công chăm sóc, cây cho thu hoạch liên tục và nhiều năm chỉ với một lần trồng.
Nghệ
Củ nghệ rất giàu chất chống oxy hóa và khả năng chống sưng viêm mạnh mẽ. Từ xa xưa, người dân đã biết đến những công dụng khó tin của nghệ và kết hợp nghệ với các món ăn hàng ngày để bảo vệ sức khỏe.
Hoạt chất curcumin chiết xuất từ củ nghệ hỗ trợ điều trị các bệnh như viêm dạ dày, ung thư gan, viêm đường hô hấp, viêm da mụn trứng cá, vết thương để lại sẹo.
Nghệ dùng để tẩm ướp nhiều các món thịt, hải sản… giúp tạo màu và thêm hương vị cho món ăn. Trong gia đình rất nên tự trồng lấy nghệ để sử dụng hàng ngày. Chỉ cần đất tơi xốp, giàu mùn trộn cùng phân trùn quế và tưới nước hàng ngày cây sinh trưởng và cho củ.
Gừng
Cũng tương tự như nghệ, gừng là một trong những cây gia vị nổi tiếng ở Việt Nam. Nước ta có nhiều vùng trồng chuyên canh gừng để xuất khẩu ra nước ngoài.
Mùi vị của gừng giúp át đi vị tanh của các món hải sản, thịt gia cầm. Ngoài ra, các món ăn ướp gừng, xào gừng giúp hương vị thêm thơm ngon, hấp dẫn như gà rang gừng, bò xào, nước sấu – nước mơ ngâm gừng, trà gừng mật ong
Chiết xuất tinh dầu gừng có khả năng chữa cảm lạnh, hỗ trợ điều trị viêm cơ khớp, viêm dạ dày, giúp lưu thông khí huyết, giảm hiện tượng đau bụng đầy hơi.
Tỏi
Tự trồng tỏi trong nhà không khó như các bạn tưởng tượng. Bạn có thể dễ dàng trồng thủy canh chỉ với một củ tỏi có sẵn rễ. Tỏi giúp các món chiên xào thêm thơm ngon, lạ miệng. Ngoài ra các món ăn có tỏi giúp làm ấm cơ thể, điều trị các chứng bệnh viêm nhiễm, suy nhược cơ thể.
Trên đây là top 11 các loại rau làm thuốc chữa bệnh rất phổ biến trong nhân dân. Các loại rau này vừa giúp gia đình bạn chế biến các món ăn ngon, lại hỗ trợ điều trị bệnh, hơn nữa chúng rất dễ trồng và không đòi hỏi nhiều thời gian chăm sóc. Thử trồng và khoe với mobiAgri góc vườn rau làm thuốc của nhà bạn nhé!