Các loại sâu bệnh thường gặp trên cây ớt và cách trị bệnh hiệu quả

Một sốbệnh thường gặp ở cây ớt khiến cây bị khô héo, kém phát triển, giảm số lượng trái, thậm chí khiến cây chết. Cần phải nhanh chóng nhận biết được loại sâu bệnh, để có phương pháp điều trị bệnh hợp lý. Bài viết sẽ giới thiệu tới bạn những loại bệnh phổ biến thường gặp trên cây ướt, cũng như cách trị bệnh hiệu quả giúp cây hồi phục và sinh trưởng tốt.

Một số loại bệnh thường gặp trên cây ớt

1. Rệp hồ đào xanh/rệp xanh nhỏ

Biểu hiện gây hại

Rệp hồ đào xanh truyền một số virus gây bệnh hại ớt bao gồm các bệnh do potyvirus và bệnh khảm dưa chuột do cucumovirus. Rệp phá hoại cây ớt bằng cách hút nhựa cây. Các mức độ thiệt hại được biểu thị bởi số lượng rệp ở mặt dưới lá cây.

Rệp phá hoại mức độ rộng làm cây ớt vàng vọt, lá quăn xuống dưới hoặc hướng vào trong tính từ mép (đặc biệt là lá ớt non ở giữa cây).

Đặc điểm hình thái

Rệp trưởng thành dài từ 1,8 – 2,1 mm. Đầu và ngực có màu đen, bụng màu vàng xanh với một mảng tối ở lưng.

Nhộng lúc đầu màu xanh lục, sau đó màu vàng, những con trở thành con cái có cánh màu hồng. Rệp trưởng thành không cánh giống như nhộng, dài 1,7 – 2,0 mm. Trong thời tiết mát mẻ, các cá thể rệp thường có màu đậm. Trứng hình bầu dục nhỏ (0,6 x 0,3 mm). Cả dạng có cánh lẫn dạng không cánh của rệp hồ đào xanh đều có tuyến tiết sáp nổi bật trên bụng, phình ra một cách rõ rệt và trông giống như cái chùy.

Tập tính sinh sống và quy luật phát sinh gây hại

Rệp hồ đào xanh nằm trong số những loài rệp phổ biến trên ớt. Rệp trưởng thành thường xuất hiện vào mùa hè.

Chúng có thể hiện diện bất cứ lúc nào trong suốt cả năm nhưng phổ biến nhất là từ tháng 3 – 5 và từ tháng 9 – 11. Rệp hồ đào xanh bị tấn công bởi một số thiên địch phổ biến, bao gồm chuồn chuồn cỏ, bọ rùa, ruồi giả ong và các sinh vật ký sinh, bao gồm các loại ong bắp cày ký sinh Lysiphlebus  testaceipes, Aphidius matricariae, Aphelinus semiflavus và Diaeretiella rapae, dễ bị giết chết bởi nấm Entomophthora spp. vốn thường tấn công rệp.

Biện pháp phòng trừ

Phòng

Vệ sinh vườn ớt sạch sẽ, đặc biệt là chặt nhỏ, bừa nát các cây cũ sau khi thu hoạch để diệt vật chủ khác của rệp. Nên che phủ màng phủ nông nghiệp 2 mặt, trong đó có một mặt màu bạc giúp xua đuổi rệp khỏi cây trồng.

Trừ

Sử dụng bẫy dính màu vàng. Phun bọt xà phòng trừ sâu hoặc thuốc Nixatop 3.0 CS (hoạt chất Pyrethrin), Biosun 3EW (hỗn hợp hoạt chất Pyrethrins + Rotenone) được chấp nhận sử dụng trong trồng trọt hữu cơ.

2. Mọt

Biểu hiện gây hại

Mọt ớt trưởng thành sống ký sinh trên quả và chồi lá. Ấu trùng sống ký sinh trong quả, làm quả non rụng trước khi chín, giảm sản lượng của ớt. Quả ớt loại to thường không rụng khi nhiễm mọt, dẫn đến việc nhiễm bẩn khi thu hoạch.

Ấu trùng ký sinh trong quả.

Đặc điểm hình thái

Mọt ớt trưởng thành là một loại bọ cánh cứng nhỏ, dài khoảng 3 mm, màu cơ thể tối và có ánh kim nhũ đồng thau trên mình. Ấu trùng là những con dòi trắng nhờ có đầu màu nâu, dài khoảng 6 mm khi trưởng thành.

Mọt trưởng thành.

Tập tính sinh sống và quy luật phát sinh gây hại

Mọt ớt cái trưởng thành đẻ trứng trong những lỗ chúng tạo ra trong nụ hoa hoặc vỏ quả ớt non. Ấu trùng phát triển và sống ký sinh bên trong, trên lõi hạt hoặc mô của thành vỏ quả. Mọt ớt có ba giai đoạn, ấu trùng và quá trình phát triển của ấu trùng cần khoảng 2 – 3 tuần. Sự phát triển thành nhộng xảy ra bên trong vỏ quả ớt và cần 3 – 6 ngày. Có nhiều thế hệ mọt ớt trong một năm.

Biện pháp phòng trừ

Phòng

Vệ sinh vườn và đảo vụ. Sau khi thu hoạch, ngay lập tức loại bỏ, cắt nhỏ và hủy quả, cây ớt còn sót lại khỏi ruộng và các khu vực xung quanh. Trong quá trình trồng và khi thu hoạch quả ớt, loại bỏ những quả xấu hoặc bị rụng khỏi ruộng ớt. Sử dụng các loại bẫy dính mồi pheromone để xác định mức độ cần xử lý. Dùng cây giống sạch sâu bệnh để đảm bảo chúng không bị nhiễm mọt, loại bỏ hết cây cà độc dược khỏi vườn/xung quanh vườn ớt.

Trừ

Sử dụng bẫy pheromone màu vàng rất hữu ích trong việc phát hiện sớm mọt. Trước khi ớt nở hoa, hãy đặt các bẫy này trong vườn, trên vành đai vườn để phát hiện các cá thể trưởng thành xâm nhập từ ngoài vào.

Bẫy pheromone màu vàng.

Cài bẫy trên những cái sào có thể điều chỉnh theo sự phát triển của cây, đảm bảo đáy của bẫy chỉ hơi nằm dưới đỉnh cây một chút. Kiểm tra bẫy 2 lần/tuần vào buổi sáng hoặc thường xuyên hơn nếu biết có mọt trưởng thành đã hiện diện. Áp dụng các biện pháp xử lý khi bắt được cá thể trưởng thành đầu tiên.

Phun thuốc hóa học

Kiểm tra ngọn (chồi) ớt tìm rệp trưởng thành và phun thuốc khi tìm thấy một con mọt trở lên trên 400 chồi. Sử dụng thuốc Nixatop 3.0 CS (hoạt chất Pyrethrin), Biosun 3EW (hỗn hợp hoạt chất Pyrethrins + Rotenone) được chấp nhận trong sản xuất hữu cơ.

3. Giòi đục lá

Biểu hiện gây hại

Ấu trùng đào hang giữa các bề mặt trên và dưới của lá, tạo ra những đường hầm uốn khúc, trắng nhợt mà ban đầu hẹp, nhưng sau đó rộng ra do giòi lớn lên.

Các lá ớt bị tổn thương bởi giòi đục lá rụng sớm. Những cây ớt bị tấn công nặng có thể mất phần lớn lá. Ngoài ra, vết thương do giòi đục tạo điều kiện cho các loài nấm và vi khuẩn xâm nhập gây hại.

Đặc điểm sinh học, sinh thái

Thành trùng rất nhỏ dài từ 1,3 – 1,5 mm; màu đen bóng, nhưng một phần cơ thể gồm cả phiến mai trên ngực có màu vàng. Mắt kép có màu đen bóng, cánh trước có chiều dài 1,4 mm; rộng 0,6 mm. Cánh sau thoái hóa còn rất nhỏ màu vàng nhạt. Bụng và chân có nhiều lông, chân màu vàng, đốt chày và đốt bàn màu đen, bàn chân 5 đốt, đốt cuối có 2 móng cong màu đen.

Ruồi/giòi (thành trùng) có vòng đời trung bình 25 – 30 ngày. Trứng rất nhỏ có màu trắng hồng, tròn, đường kính khoảng 0,2 mm.

Ấu trùng có chiều dài khoảng 2 mm, màu vàng nhạt khi mới nở sau đó chuyển sang màu vàng đậm. Cơ thể có 10 đốt, miệng dạng móc câu màu đen, thời gian phát triển của ấu trùng từ 3 – 4 ngày. Nhộng có chiều dài 1,5 mm; rộng 0,7 mm; thời gian phát triển của nhộng 6 – 8 ngày. Nhộng màu nâu vàng, dính trên lá chỗ cuối đường đục hoặc rơi xuống mặt đất.

Tập tính sinh sống và quy luật phát sinh gây hại

Ruồi có vòng đời trung bình 25 – 30 ngày. Sâu đục và ăn lá. Sâu thường gây thành dịch hại vào đầu mùa khô, giai đoạn cây có lá bánh tẻ trở đi.

Thành trùng hoạt động vào 7 – 9 giờ sáng và 4 – 5 giờ chiều, thành trùng cái dùng bộ phận đẻ trứng rạch nhiều lỗ, các lỗ đục thường xuất hiện ở chóp lá hay dọc theo bìa lá, trứng nở ra giòi đục lõn giữa biểu bì lá thành những đường hầm ngoằn ngoèo, lúc đầu đường đục nhỏ, càng lúc càng to dần cùng với sự phát triển của ấu trùng, làm khô lá và giảm diện tích quang hợp của lá. Khi trưởng thành giòi đục thủng biểu bì chui ra ngoài và làm nhộng trên mặt lá hay trên các bộ phận khác của cây (dính trên lá chỗ cuối đường đục) hoặc buông mình xuống đất làm nhộng.

Biện pháp phòng trừ

Phòng

Vệ sinh vườn, hủy triệt để tàn dư cây trồng, dọn dẹp các loài cỏ lá rộng (ký chủ phụ) một tháng trước khi trồng. Không nên trồng quá dày để vườn được thông thoáng, hạn chế bớt sự phát triển của sâu. Trước khi trồng, dùng vải nilon phủ lên trên luống để giảm công làm cỏ, công tưới và hạn chế một số loài sâu bệnh, trong đó có giòi đục lá. Không nên trồng liên tục nhiều năm những loại cây thường bị giòi đục lá. Dùng bẫy dính màu vàng để diệt ruồi.

Trừ

Cắt bỏ các lá già, lá bị giòi đục nặng tập trung tiêu hủy. Dùng bẫy dính màu vàng để diệt ruồi. Phải kiểm tra vườn thường xuyên, nhất là khi cây bắt đầu ra nụ hoa để phát hiện sớm và có biện pháp diệt trừ kịp thời, không nên để cây bị hại nặng mới can thiệp, như vậy cây rất lâu hồi phục. Khi tỷ lệ lá bị hại lớn hơn hoặc bằng 30% hoặc có 5 – 10 con trưởng thành/cây có thể sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ.

Ruồi có khả năng kháng thuốc rất cao, vì vậy cần dùng luân phiên các loại thuốc, nên kết hợp dầu khoáng với một trong các thuốc sau: Binhtox 3.8EC, Abatin 5.4EC, Tungatin 3.6EC (hoạt chất Abamectin); Radiant 60SC (hoạt chất Spinetoram); Dantotsu 16SG (hoạt chất Clothianidin); Comda gold 5WG (hoạt chất Emamectin benzoate); Wotac 5EC (hoạt chất Matrine); Sieulitoc 250EC (hoạt chất Abamectin + Petroleum oil); Mectinstar 20EC (hoạt chất Emamectin benzoate + Matrine); Elincol 12ME (hoạt chất Abamectin 6 g/l + Azadirachtin 1 g/l + Emamectin benzoate 5 g/l)

Nếu cây đã bị giòi gây hại nặng, thì sau khi phun xịt thuốc các bạn nên bón bổ sung thêm phân để bồi dưỡng sức cho cây. Để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, bạn nhớ phải tuyệt đối tuân thủ thời gian cách ly của thuốc (có in trên bao bì). Sử dụng các thuốc: Altivi 0.3EC; Hoaneem 0.3EC; Neem Nim Xoan Xanh green 0.3EC (hoạt chất Azadirachtin); Akasa 25SC, 250WP; Spinki 25SC; Suhamcon 25SC, 25WP (hoạt chất spinosad) được chấp nhận sử dụng trong trồng trọt hữu cơ.

4. Bọ chét cánh cứng

Biểu hiện gây hại

Bọ chét cánh cứng trưởng thành ăn hại ở mặt dưới của lá và để lại những hố nhỏ hoặc những lỗ dị hình trên lá.

Mật độ bọ chét lớn có thể giết chết hoặc làm mầm cây còi cọc. Những cây lớn hơn thì lá già, ở dưới thấp có thể bị phá hoại.

Đặc điểm hình thái

Bọ chét cánh cứng trưởng thành là loại bọ cánh cứng nhỏ (dài khoảng 3 mm), mình bóng, cứng với đôi chân sau mở rộng cho phép chúng nhảy được.

Các loài bọ chét khác nhau về màu sắc và hoa văn.

Bọ chét cánh cứng Systena blanda.

Ấu trùng có màu vàng nhạt đến trắng với chân ngắn và tối màu, đầu cứng. Ấu trùng già hơn có thể giống với những loại sâu ăn lá nhỏ.

Biện pháp phòng trừ

Phòng

Kiểm tra các mầm cây mới nảy hoặc những cây giống mới trồng lại để phát hiện sự phá hoại của bọ chét, ít nhất 2 lần/tuần cho đến khi cây ớt đã cứng cáp. Theo dõi bọ chét cánh cứng ngay sau khi trồng lại cây giống hoặc sau khi cây nảy mầm.

Trừ

Phun thuốc diệt bọ chét khi những lỗ nhỏ xuất hiện trên mầm cây hoặc trên cây giống mới trồng lại. Khi trưởng thành, cây ớt có thể vượt qua sự phá hoại vừa phải của bọ chét cánh cứng. Nếu bọ chét cánh cứng xuất hiện, phun từng điểm hoặc phun hàng ngoài đều có thể có hiệu quả. Một lần phun thuốc là đủ. Sử dụng thuốc Nixatop 3.0 CS (hoạt chất Pyrethrin), Biosun 3EW (hỗn hợp hoạt chất Pyrethrins + Rotenone) được chấp nhận trong sản xuất hữu cơ.

5. Nhện trắng

Biểu hiện gây hại

Nhện trắng thường thích tấn công phần vỏ (trái non) nằm trong tán lá khiến bề mặt vỏ trái mất màu, phát triển không đều, gần giống như triệu chứng da cám.

Trái có thể bị biến dạng, ngưng phát triển và rụng. Khi mật số cao, nhện trắng tấn công cả phần lá non, làm lá biến màu và phát triển cong queo.

Đặc điểm hình thái

Thành trùng có chiều dài 0,16 mm; chiều ngang 0,096 mm.

Trứng rất nhỏ, trong suốt, hình bầu dục, mặt dưới dẹp, mặt trên có 5 – 6 hàng ống nhỏ dạng u lồi. Thời gian ủ trứng 2 – 3 ngày.

Ấu trùng cũng rất nhỏ, hình trái lê, thường tập trung gần vỏ trái nơi nhện được nở ra từ trứng. Giai đoạn ấu trùng kéo dài khoảng 2 – 3 ngày.

Tập tính sinh sống và quy luật phát sinh gây hại

Chu kỳ sinh trưởng rất ngắn, 4 – 5 ngày (từ trứng đến thành trùng). Thành trùng cái đẻ khoảng 25 trứng, mỗi ngày đẻ từ 2 – 4 trứng. Trứng được đẻ ở mặt dưới lá non, trên cành non, trái non, cuống hoa hay hoa.

Biện pháp phòng trừ

Phòng

Vệ sinh vườn, tiêu hủy triệt để tàn dư cây trồng. Bón phân, tưới nước đầy đủ cho cây sinh trưởng tốt, nhất là mùa khô. Duy trì quần thể thiên địch trong vườn: nhện đỏ Galandromus occidentalis, bù lạch 6 chấm Scolothrips sexmaculatus, bù lạch bông Frankliniella occidentalis, bọ rùa Stethorus sp., bọ xít nhỏ Orius tristicolor và Chysoperla carnea.

Trừ

Tưới phun với áp lực mạnh khi mật độ nhện cao. Có thể sử dụng thuốc hoá học khi mật số nhện đạt 3 con thành trùng/lá hoặc trái.

Sử dụng các loại thuốc đặc trị nhện, các loại thuốc trừ sâu gốc Cúc hoặc lân hữu cơ kết hợp với dầu khoáng. Ðể ngăn chặn sự bộc phát tính kháng thuốc, khi sử dụng thuốc hóa học cần luân phiên các loại thuốc có gốc hóa học khác nhau. Có thể sử dụng các loại thuốc như: Trebon 10EC (hoạt chất Etofenprox); Pegasus 500SC (hoạt chất Diafenthiuron); Agilatus 1EC (hoạt chất Celastrus angulatus); Tasieu 1.9EC (hoạt chất Emamectin benzoate); Actara 25WP (hoạt chất Thiamethoxam), an toàn hơn cả là Elincol 12ME (có hỗn hợp hoạt chất Abamectin 6 g/l + Azadirachtin 1 g/l + Emamectin benzoate 5 g/l) chỉ cần cách ly trong 3 ngày.

6. Nhện đỏ

Biểu hiện gây hại

Nhện phá lá, búp, cành non, quả, làm xoăn nõn, lá non, làm xám đen quả. Nhện chích hút dịch làm cho mặt trên của lá bị vàng loang lổ, phồng rộp. Khi mật độ cao làm cho lá khô cháy.

Mặt lá vàng loang lổ, phồng rộp.

Nhện đỏ gây hại làm cho trái bị vàng, sạm và nứt khi trái lớn. Hoa bị hại có thể bị thui, rụng. Nhện còn có thể truyền bệnh virus cho cây.

Trái bị sạm, nứt khi lớn.

Đặc điểm hình thái

Nhện trưởng thành rất nhỏ, hình bầu dục, dài 0,5 mm; màu đỏ hồng, có 8 chân, di chuyển nhanh.

Trứng rất nhỏ, hình bán cầu, màu đỏ sẫm và được gắn chặt vào mặt dưới của lá, nhìn qua kính phóng đại thấy chính giữa quả trứng có 1 sợi ngắn thẳng đứng. Nhện non giống trưởng thành màu hồng nhưng chỉ có 3 đôi chân thay vì là 4 đôi. Con cái thay da 3 lần trong khi con đực thay da chỉ có 2 lần.

Nhện đỏ sống trên mặt lá hoặc các đọt non của lá. Lật mặt dưới lá và coi bằng kính lúp mới có thể phát hiện ra loài nhện này. Ngoài ra, ta có thể thấy tơ nhện trên lá, đó cũng là dấu hiệu của bệnh. Chúng chích hút nhựa cây tạo thành các vết châm nhỏ li ti màu trắng bạc hơi vàng. Với những lá bị nặng, chúng sẽ vàng, khô cứng và rụng. Khi mật độ cao hơn thì cành cũng sẽ trở nên khô và chết. Đặc biệt là cây đó sẽ không phát triển. Vòng đời trung bình 20 – 25 ngày, trứng 4 – 6 ngày, nhện non 13 – 15 ngày, trưởng thành đẻ trứng 3 – 5 ngày.

Tập tính sinh sống và quy luật phát sinh gây hại

Con trưởng thành đẻ trứng, sinh sống và gây hại ở mặt dưới lá. Nhện đỏ thường phá hại nặng từ khi cây có hoa đến khi thu hoạch quả. Cả ấu trùng và thành trùng nhện đỏ đều chích hút mô của lá cây, vỏ quả.

Nhện đỏ phát triển trong điều kiện thời tiết nóng và khô hạn. Chúng lan truyền nhờ gió và những sợi tơ, mạng của chúng.

Biện pháp phòng trừ

Phòng

Vệ sinh vườn, tiêu hủy triệt để tàn dư cây trồng. Bón phân, tưới nước đầy đủ cho cây sinh trưởng tốt, nhất là mùa khô. Duy trì quần thể thiên địch trong vườn: nhện đỏ Galandromus occidentalis, bù lạch 6 chấm Scolothrips sexmaculatus, bù lạch bông Frankliniella occidentalis, bọ rùa Stethorus sp., bọ xít nhỏ Orius tristicolor và Chysoperla carnea.

Trừ

Tưới phun với áp lực mạnh khi mật độ nhện cao. Có thể sử dụng thuốc hoá học khi mật số nhện đạt 3 con thành trùng trên lá hoặc trái. Sử dụng các loại thuốc đặc trị nhện, các loại thuốc trừ sâu gốc Cúc hoặc lân hữu cơ kết hợp với dầu khoáng.

Ðể ngăn chặn sự bộc phát tính kháng thuốc, khi sử dụng thuốc hóa học cần luân phiên các loại thuốc có gốc hóa học khác nhau. Có thể sử dụng các loại thuốc như: Trebon 10EC (hoạt chất Etofenprox); Pegasus 500SC (hoạt chất Diafenthiuron); Agilatus 1EC (hoạt chất Celastrus angulatus); Tasieu 1.9EC (hoạt chất Emamectin benzoate); Actara 25WP (hoạt chất Thiamethoxam); An toàn hơn cả là Elincol 12ME (có hỗn hợp hoạt chất Abamectin 6 g/l + Azadirachtin 1 g/l + Emamectin benzoate 5 g/l) chỉ cần cách ly trong 3 ngày.

Một số biện pháp phòng trừ cho sản phẩm an toàn

Tưới phun sương thường xuyên

Biện pháp này giúp cây dư nhựa, cung cấp lại phần nhựa hao hụt do nhện tấn công. Đồng thời, khi tưới phun sương thường xuyên sẽ giúp rửa trôi nhện đỏ và bết dính chúng vào mặt lá, khiến chúng không di chuyển được.

Không chỉ vậy, do đặc tính của loài nhện đỏ là thích sống ở những nơi khô ráo. Nên khi tưới phun sương thường xuyên, sẽ bảo vệ được các cây chưa nhiễm bệnh. Đối với những cây đã nhiễm bệnh, nên dùng vòi phun mạnh để rửa lá, khiến nhện bị trôi đi.

Dùng bột

Pha theo tỷ lệ 1 muỗng cà phê bột mì, bột gạo, bột sắn hay các loại bột thực phẩm với 2 lít nước sạch. Khuấy tan và xịt lên lá.

Bột sẽ làm bết dính chân nhện đỏ, khi khô sẽ đông cứng lại làm bít lỗ thở của chúng. Sau khi phun một ngày phải rửa sạch lại lá, nếu không lá cũng sẽ không quang hợp được.

Tinh dầu bạc hà

Biện pháp này nên sử dụng khi cây còn nhỏ hoặc khi vừa nhiễm bệnh với tỉ lệ nhện ít.

Tinh dầu bạc hà sẽ gây hại đến mắt và da của nhện đỏ.

Dùng dầu ăn và nước rửa chén

Phương pháp này phù hợp với các hộ gia đình hoặc diện tích trồng nhỏ. Pha một muỗng dầu ăn và một muỗng nước rửa chén vào 2 – 3 lít nước rồi phun lên cây bệnh. Chỉ cần để 10 – 15 phút rồi phun rửa sạch lại với nước là được.

Sử dụng dầu khoáng

Dầu khoáng sẽ bị phân hủy dưới ánh nắng mặt trời nên không tồn tại trên nông sản, không gây ngộ độc. Dầu khoáng có công dụng bịt lỗ thở và làm nhện ngạt chết. Ngoài ra dầu khoáng còn làm cho cây không còn hấp dẫn nhện đến đẻ trứng trên lá, từ đó ngăn chặn sự phát triển của nhện đỏ. Nên phun vào lúc trời mát, không phun khi trời nắng trên 35°C và lúc cây bị khô hạn. Hạn chế phun giai đoạn cây đang ra hoa hoặc phun những cây mẫn cảm.

7. Rầy mềm/rầy nhớt/rầy mật

Biểu hiện gây hại

Rầy chích hút nhựa làm đọt non chùn lại, lá quăn queo, từ từ úa vàng, rụng lá, cây không phát triển. Rầy truyền các loại bệnh siêu vi khuẩn như khảm vàng.

Đặc điểm hình thái

Thành trùng có hai dạng:

Dạng không cánh: cơ thể dài từ 1,5 – 1,9 mm và rộng từ 0,6 – 0,8 mm. Toàn thân màu xanh đen, xanh thẫm và có phủ sáp, một ít cá thể có dạng màu vàng xanh.

Dạng có cánh: cơ thể dài từ 1,2 – 1,8 mm; rộng từ 0,4 – 0,7 mm. Đầu và ngực màu nâu đen, bụng màu vàng nhạt, xanh nhạt, có khi xanh đậm, phiến lưng ngực trước màu đen. Mắt kép to.

Tập tính sinh sống và quy luật phát sinh gây hại

Rầy sống thành đám đông ở mặt dưới lá non từ khi cây có 2 lá mầm đến khi thu hoạch. Các con rệp non hại chồi và lá. Rệp Aphis gossypii tồn tại trên rất nhiều loại rau khác nhau. Vì vậy với số lượng ít chúng cũng có thể truyền một lượng lớn virus gây bệnh cho cây.

Biện pháp phòng trừ

Phòng

Nên trồng tập trung, không nên rải vụ quá nhiều. Dọn sạch tàn dư vụ trước. Nhặt và chôn vùi các phần có rầy gây hại. Thường xuyên làm vệ sinh vườn ớt.

Trồng mật độ vừa phải, không nên bón nhiều phân đạm. Tưới đủ ẩm trong mùa khô. Rầy mềm nhân mật độ rất nhanh nên thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện kịp thời, phòng trị đúng lúc thì cũng tương đối dễ diệt.  Vì rầy mềm truyền bệnh virus nên thuốc trừ sâu chỉ có thể diệt được rầy mà không hạn chế được bệnh, nhưng nếu áp dụng thuốc sớm, diệt được số lớn rầy ở giai đoạn đầu thì khả năng truyền virus của rầy không nhiều.

Trừ

Rầy mềm có tính kháng thuốc cao, khi thấy vài con trên 1 đọt non cần phun thuốc. Có thể sử dụng một số thuốc sau để diệt rầy: Elincol 12ME (hoạt chất Abamectin 6 g/l + Azadirachtin 1 g/l + Emamectin benzoate 5 g/l); Trebon 10EC (hoạt chất Etofenprox); Actara 25WG(hoạt chất Thiamethoxam); Bassa 50EC (hoạt chất Fenobucarb)

Phun theo hướng dẫn trên bao bì. Khi phun thuốc có thể pha thêm phân bón lá để cây nhanh chóng phục hồi.

8. Bọ phấn trắng

Biểu hiện gây hại

Cả ấu trùng và thành trùng đều chích hút nhựa cây làm chết mô thực vật, làm lá biến vàng, cây mau suy yếu, giảm năng suất. Chất bài tiết của bọ phấn có đường tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển hại cây.

Lá ớt chuyển màu vàng, có khả năng nhiễm bệnh virus gây xoắn lá.

Bọ phấn còn là côn trùng môi giới truyền virus gây bệnh xoắn lá.

Đặc điểm hình thái

Thành trùng màu trắng bóng, dài 3 – 4 mm, bay chậm, hình dáng giống như bướm.

Ấu trùng rất giống rệp dính, màu trắng trong, hơi xanh hình oval, dài 0,3 – 0,6 mm; được phủ một lớp sáp.

Thành trùng bọ phấn trắng.

Sâu non màu vàng nhạt, khi mới nở có chân, bò dưới mặt lá, rồi ở cố định một chỗ dưới mặt lá. Sau khi lột xác chuyển sang tuổi 2 thì sâu non không còn chân, có thể nhìn rõ mắt kép và râu đầu.

Trứng có màu trắng sau chuyển màu nâu.

Tập tính sinh sống và quy luật phát sinh gây hại

Trưởng thành bay kém nhưng phát tán rộng nhờ gió. Một con cái có thể đẻ 100 – 150 quả trứng, trứng được đẻ ở mặt dưới lá từng trứng riêng lẻ hoặc từng nhóm, chúng lột xác 3 lần và hóa nhộng, giai đoạn ấu trùng kéo dài 2 – 4 tuần tùy thuộc vào nhiệt độ. Ấu trùng ít bò, thường cố định một chỗ chích hút mô cây. Bọ phấn thường gây hại trong mùa khô, chúng phân tán trên phạm vi rộng nhờ gió.

Bọ phấn trắng tập trung ở mặt dưới lá.

Vòng đời: Trứng 5 – 9 ngày. Ấu trùng 14 ngày. Trưởng thành có thể sống đến 30 ngày.

Biện pháp phòng trừ

Phòng

Luân canh với các cây trồng khác. Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt. Vệ sinh đồng ruộng, tỉa bỏ các lá phía dưới gốc để vườn cây thông thoáng, hạn chế nơi ẩn nấp của bọ phấn. Không trồng gần các cây ký chủ như cà chua, đậu, bầu bí,… Có thể sử dụng chế phẩm sinh học nấm xanh Metarhizium anisopliae để phòng trừ bọ phấn trắng. Dùng bẫy dính màu vàng để thu hút bọ phấn.

Bẫy dính thu hút bọ phấn.

Trừ

Tiêu hủy các cây khi phát hiện có triệu chứng nhiễm virus. Sử dụng luân phiên thuốc hóa học có hoạt chất khác nhau để phòng trừ bọ phấn. Phun khi mật độ bọ phấn cao, bọ phấn còn non chưa di chuyển được. Sử dụng các thuốc như: Elincol 12ME; Confidor 100SL

Lưu ý: Phun kỹ mặt dưới lá để thuốc tiếp xúc với bọ phấn vì nằm chủ yếu ở mặt dưới lá.

9. Sâu xanh đục quả

Biểu hiện gây hại

Sâu phá hại búp non, nụ hoa, cắn điểm sinh trưởng, đục thủng quả, khi quả ớt còn xanh cho đến lúc gần chín. Sâu non mới nở ăn lá non, sau đó cắn chui đầu vào quả từ cuống, lỗ đục về sau thành sẹo có màu sẫm.

Các lá và các chùm hoa bị sâu ăn có thể bị gãy. Thiệt hại nặng nhất là khi sâu non xâm nhập vào quả. Những quả mới hình thành khi sâu tấn công thường bị rụng, những quả lớn hơn có thể bị thủng và thối.

Đặc điểm hình thái

Bướm thân dài 18 – 20 mm, sải cánh rộng 30 – 35 mm, màu nâu nhạt, trên cánh trước có các đường vân rộng màu xanh thẫm.

Trứng hình bán cầu, lúc đầu trắng sau chuyển màu nâu, trên bề mặt có nhiều đường gân dọc. Trưởng thành (bướm) đẻ trứng rải rác trên các bộ phận non của cây như lá non, nụ… Một con bướm có thể đẻ từ 800 – 2.800 trứng. Sâu xanh non có màu xanh lá cây, hồng nhạt hoặc nâu thẫm, trên thân có sọc đen mờ, đẫy sức dài 40 mm. Nhộng màu nâu đỏ, dài 18 – 20 mm, cuối bụng có 2 gai song song.

Sâu trưởng thành chui ra khỏi quả để hóa nhộng trong lớp đất sâu 5 – 10 cm. Sâu trưởng thành hoạt động vào ban đêm hoặc chiều tối, sức bay khỏe và xa, có thể đẻ 1.000 quả trứng, trứng đẻ riêng từng quả, thường ở mặt trên của lá non, nụ hoa và gần quả. Sâu thường xuất hiện nhiều vào giai đoạn cây ra hoa rộ và tạo quả.

Vòng đời trung bình 28 – 50 ngày. Trứng 2 – 7 ngày, sâu non khoảng 14 – 25 ngày, nhộng khoảng 10 – 14 ngày, Trưởng thành 2 – 5 ngày.

Tập tính sinh sống và quy luật phát sinh gây hại

Nhộng màu nâu đỏ nằm trong lá khô hoặc trong đất. Sâu thường xuất hiện nhiều vào giai đoạn cây ra hoa rộ và tạo quả

Biện pháp phòng trừ

Phòng

Tránh trồng xen canh với cà chua. Sau mỗi vụ nên xới đất rồi phơi ải. Thời vụ gieo trồng đồng loạt. Mật độ gieo trồng thích hợp theo từng giống, bón phân cân đối.

Bấm ngọn, tỉa cành để khử bớt trứng sâu và sâu non mới nở. Kiểm tra, ngắt bỏ các quả đã bị sâu hại nặng để tránh sự lây lan và tích lũy nguồn sâu trong vườn. Hạn chế phun thuốc để bảo tồn các loài thiên địch như:

Nhóm ăn mồi: Bọ xít, Bọ rùa, Chuồn chuồn cỏ…

Nhóm ký sinh: Các loài ong ký sinh Trichograma sp.

Nhóm vi sinh vật gây bệnh: Nấm Metarhizium, virus NPV.

Trừ

Thu gom và tiêu hủy triệt để quả đã bị sâu đục. Phát hiện ổ trứng và kịp thời ngắt bỏ. Nên bắt sâu bằng tay kết hợp với dùng bả mồi.

Biện pháp hóa học: Phun thuốc khi thấy sâu trưởng thành xuất hiện 3 – 4 ngày hoặc sau thời kỳ hoa nở. Sử dụng các loại thuốc sau để phòng trừ: Trebon 10EC; Crymax 35WP; Match 050 EC; Ammate 30WG,150EC; Decis 2.5EC (hoạt chất Deltamethrin)…  hoặc phun các loại thuốc có hoạt chất Emamectin; Lufenron 050EC (hoạt chất Lufenuron) hay Voliam targo 063SC (hỗn hợp Chlorantraniliprole + Abamectin) hoặc AMETINannong 5.55EC, 10WP; Plutel 5EC; Reasgant 3.6EC (hoạt chất Abamectin); Proclaim 1.9 EC; Emaben 2.0EC; Karate (hoạt chất Emamectin benzoate); A-Z annong 0.15EC (hoạt chất Azadirachtin) Delfin WG (32 BIU) (hoạt chất Bacillus thuringiensis var.kurstaki); Vimatrine 0.6 SL (hoạt chất Oxymatrine); Pegasus 500SC (hoạt chất Diafenthiuron); Kobisuper 1SL, Sokupi 0.5SL (hoạt chất Matrine).

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên bao bì.

10. Ruồi đục quả/ong chuỗi

Biểu hiện gây hại

Quả màu vàng úa, mềm. Bẻ ra bên trong có giòi màu trắng ngà hoặc vàng nhạt làm quả bị thối, rụng.

Đặc điểm hình thái

Thành trùng (ruồi trưởng thành) cơ thể dài 6 – 9 mm, sải cánh rộng 1,3 mm; đầu có dạng hình bán cầu, mặt trước màu nâu đỏ với 6 chấm đỏ màu đen. Thân màu vàng nâu đỏ với những vân vàng, cánh trong, hình dạng giống ruồi nhà nhưng nhỏ hơn, hoạt động vào ban ngày. Thành trùng hiện diện suốt năm, thời gian sống của thành trùng 1 – 3 tháng. Thành trùng có thể bay rất xa.

Trứng hình hạt gạo, màu trắng sữa, khi sắp nở chuyển sang vàng nhạt. Giòi mới nở dài khoảng 1,5 mm; phát triển đầy đủ dài 6 – 8 mm, màu vàng nhạt, miệng có móc. Khi phát triển đầy đủ, giòi búng mình rơi xuống đất để hóa nhộng trong đất, thời gian nhộng khoảng 7 – 12 ngày hoặc dài hơn nếu gặp lạnh. Giòi làm nhộng sâu trong đất khoảng 3 – 7 cm. Nhộng dài 5 – 7 mm, có hình trứng dài, lúc đầu màu vàng nâu, khi sắp vũ hóa có màu nâu đỏ.

Tập tính sinh sống và quy luật phát sinh gây hại

Ruồi cái dùng bộ phận đẻ trứng đục vào vỏ quả đẻ trứng thành chùm (5 – 10 trứng) bên trong vỏ quả, trứng nở ra ấu trùng dạng giòi ăn phá làm cho quả bị hư thối, rụng đi. Khi sắp hóa nhộng, giòi đục vỏ quả chui ra buông mình xuống đất, làm nhộng dưới mặt đất. Mùa mưa, giòi làm nhộng ngay bên trong quả. Ruồi đục quả gây hại cho rất nhiều loại cây ăn quả và rau màu.

Biện pháp phòng trừ

Phòng

Thường xuyên vệ sinh vườn, thu gom và tiêu hủy các quả bị giòi gây hại. Cắt tỉa cành, nhánh không cần thiết để vườn luôn thông thoáng, sạch sẽ, hạn chế nơi trú ngụ của ruồi.

Trừ

Dùng thuốc dẫn dụ có chất Methyl Eugenol, bắt chước kích thích tố sinh dục của ruồi cái để dẫn dụ ruồi đực. Trong thuốc có pha thêm thuốc trừ sâu Naled, Furadan hoặc Regent nên sẽ diệt ruồi đực. Ruồi cái còn lại sẽ đẻ ra trứng không có đực thụ tinh nên trứng không nở được.

Dùng Pheromone bẫy ruồi đực và phun thuốc Trigard 100SL, Ajuni 50WP (có hoạt chất Cyromazine) khi ruồi mới đẻ trứng hay giòi mới nở. Sử dụng bẫy màu vàng sẽ hấp dẫn ruồi. Sử dụng bẫy ViZubon – D dẫn dụ ruồi đực (đặt 5 – 10 m/bẫy). Khi quả chưa chín, có thể phun các thuốc trừ sâu Trigard 100SL có hoạt chất Cyromazine (thuốc gốc Cúc tổng hợp) ở thời điểm ruồi vừa đẻ trứng hay trứng vừa nở.

Cây ớt khá dễ trồng, tuy nhiên cũng dễ mắc sâu bệnh. Để cho cây sai trái, đạt chất lượng thì khâu phòng trừ bệnh rất quan trọng. Hãy tham khảo những kinh nghiệm đúc kết tại bài viết đã chia sẻ, để việc trồng ớt trở nên dễ dàng hơn.

Đánh giá bài viết

    Để lại một Bình luận

    Copyright 2023 – MobiFone

    Giấy ĐKKD: 0100686209-087. Đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 16/06/2023 cấp bởi Sở KHDT thành phố Hà Nội.

    Giấy phép thiết lập Mạng xã hội trên mạng số 145/GP-BTTTT cấp ngày 30/05/2024 bởi Bộ Thông tin và Truyền thông.

    Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Lê Quang Minh – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone – Tổng Công ty Viễn thông MobiFone.

    Phát triển và vận hành sản phẩm: Công ty cổ phần giải pháp thời tiết WeatherPlus

    DMCA.com Protection Status

    Khám phá

    Tin tức - sự kiện

    Liên hệ

    Trụ sở: Số 01 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

    Tải ứng dụng

    error: Content is protected !!