Cách chăm sóc cây sầu riêng đúng kỹ thuật, bao đậu quả

Cây sầu riêng là một loại cây có giá trị kinh tế cao và được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, để có được những trái sầu riêng chất lượng cao thì việc chăm sóc cây rất quan trọng. Để giúp cây phát triển và đạt năng suất tốt, việc tưới nước đúng cách, bón phân đầy đủ dinh dưỡng, xử lý sâu bệnh và bảo vệ cây khỏi những thời tiết khắc nghiệt là những điều cần thiết. Với những người yêu thích và muốn trồng cây sầu riêng, việc chăm sóc cây đúng cách sẽ mang lại cho bạn những trái sầu riêng ngọt ngào và thơm ngon.

Kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng cơ bản

Tưới nước

Tưới sau khi trồng

Dùng thùng tưới có gắn vòi hoa sen tưới nhẹ nhàng quanh gốc. Lượng nước tưới vừa đủ ẩm, không được tưới nước bằng ống nước có dòng nước xối mạnh làm rửa trôi, tróc gốc, đất bị váng, cây khó ra rễ. Sầu riêng mới trồng nên tưới đủ ẩm, không để thiếu nước. Sau đó chỉ tưới khi gặp hạn. Ở Tây Nguyên khoảng 3 – 5 ngày tưới 1 lần với lượng nước khoảng 15 – 20 lít/cây. Tủ gốc bằng rơm, cỏ khô sẽ bớt được công tưới. Vào mùa mưa nên bỏ rơm tủ đi vì dễ gây bệnh và cũng là ổ chứa mối hại cây sầu riêng.

Tưới nước giai đoạn kiến thiết cơ bản

Khi thấy cây có hiện tượng thiếu nước phải tiến hành tưới nước ngay. Lượng nước tưới tùy theo mức độ khô hạn và phương pháp tưới, thông thường tưới 20 – 30 lít nước/cây cho 1 lần tưới. Khoảng cách giữa 2 lần tưới từ 15 – 25 ngày tùy vùng sinh thái và điều kiện khô hạn. Nếu số lần tưới càng nhiều thì lượng nước ít lại. Lượng nước tăng dần theo tuổi cây.

Che nắng

Mục đích

Che nắng cho cây sau trồng giúp giảm cường độ ánh sáng trực tiếp, tránh lá và cành non bị cháy nắng.

Che để cản gió để tránh lá bị tổn thương cơ giới. Đồng thời che nắng giúp giảm sự thay đổi đột ngột độ ẩm không khí và độ ẩm đất xung quanh cây.

Thời gian che nắng

Từ khi bắt đầu trồng đến hết tháng thứ 4 sau trồng.

Vật liệu dùng che nắng

Dùng các vật liệu sẵn có ở địa phương như tranh, lá chuối, cây ngô, lá dừa khô, lưới cước.

Cách che nắng

Dùng vật liệu che nắng tạo thành mái che, sao cho che khoảng 35 – 40% ánh sáng mặt trời trực tiếp. Mái che cao hơn ngọn sầu riêng để không ảnh hưởng đến sự phát triển của ngọn cây.

Trồng xen

Tác dụng

Trồng xen các loại cây họ Đậu trong vườn sầu riêng có tác dụng che phủ đất, chống xói mòn, hạn chế cỏ dại, cải thiện độ phì nhiêu đất, tăng khả năng giữ ẩm cho đất trong mùa khô. Hoặc trồng xen các loại cây thức ăn chăn nuôi.

Trồng xen giúp tăng thu nhập từ sản phẩm các loại cây đậu đỗ như lạc, đậu tương, đậu đen…

Chọn cây trồng xen

Cây cỏ voi sinh trưởng nhanh, có tác dụng che phủ đất, chống xói mòn và dùng làm thức ăn chăn nuôi.

Cây Trichanthera gigantea (chè đại) là một loại cây làm thức ăn gia súc. Đây là loại cây thân bụi, lá to, năng suất cao, rất giàu protein, khoáng và vitamin. Cây này còn có tác dụng che phủ đất, tăng dinh dưỡng cho đất, hạn chế cỏ dại.

Cây muồng hoa vàng thích hợp trồng ở vùng Tây Nguyên, vừa làm cây chắn gió, vừa làm cây che bóng tạm thời rất hiệu quả. Thân lá dùng làm phân hữu cơ bón cho cây sầu riêng.

Cây họ Đậu đỗ là cây trồng xen vừa giúp tăng thu nhập vừa bổ sung dinh dưỡng cho đất.

Lưu ý:

Việc trồng xen cần phải đảm bảo không cạnh tranh nước và dinh dưỡng với cây sầu riêng. Mô hình trồng xen cây chuối với sầu riêng có hiệu quả tại Tây Nguyên.

Làm cỏ, tủ gốc

Làm cỏ

Nên để cỏ trong vườn nhưng cần làm cỏ xung quanh gốc sầu riêng để gốc được khô ráo, vì độ ẩm cao sẽ thích hợp cho nấm Phytophthora palmivora phát triển và gây hại.

Tủ gốc

Tủ gốc giúp giữ độ ẩm đất ổn định, duy trì sự hoạt động hiệu quả của tầng rễ ngang sát mặt đất. Tủ gốc giúp giảm số lần tưới, tránh cỏ mọc vào mùa khô và hạn chế đất văng do mưa, hạn chế sự phát tán mầm bệnh nằm trong đất.

Trong mùa khô cần dùng cỏ khô hoặc rơm rạ phủ đất giữ ẩm xung quanh gốc cây, nên phủ cách gốc 10 – 50 cm tùy độ lớn của cây. Dùng rơm rạ, cỏ, lá cây khô… tủ quanh gốc cây một lớp dày khoảng 5 – 10 cm và cách xa gốc khoảng 10 – 20 cm để giảm sự bốc thoát hơi nước và chống xói mòn. Lớp phủ hoai mục sẽ trở thành nguồn dinh dưỡng cung cấp cho cây, góp phần cải tạo đất. Tuy nhiên, cần lưu ý là lớp phủ hữu cơ này cũng là môi trường tốt cho các loại côn trùng gây hại cư trú. Ở những vùng khan hiếm nước, về mùa khô có thể dùng nilon để che phủ vùng đất quanh gốc cây sau khi tưới đủ nước.

Chăm sóc cây giai đoạn kiến thiết cơ bản

Bón phân giai đoạn KTCB

Bón phân giai đoạn kiến thiết cơ bản rất quan trọng giúp cho cây có khỏe, sinh trưởng mạnh, phân cành hợp lý tạo điều kiện ra hoa kết quả nhiều ở những năm sau.

Liều lượng và số lần bón phân trong năm giai đoạn kiến thiết cơ bản như sau:

Lưu ý: Tùy theo đất, vùng miền, giống và sinh trưởng của cây lượng phân bón của mỗi loại có thể tăng giảm 15- 20%. Phân bón vô cơ không nên chứa chứa chất Clor, nên sử dụng phân bón chứa SO4 (SA, K2SO4). Vùng Tây Nguyên lượng vôi được bón tùy theo pH của đất.

Tỷ lệ lượng phân bón cho từng thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây

Cách bón:

Bón phân chuồng và vôi: Bón một lần vào đầu mùa mưa, rải quanh bồn ở phía ngoài rìa tán lá. Xới nhẹ và đều, lấp lớp đất mỏng lên trên.

Bón phân vô cơ: Xới nhẹ đất trong tán, rải đều phân, cách gốc 20 cm và phủ một lớp đất mỏng lên trên.

Ở Tây Nguyên, bón vôi cho sầu riêng được khuyến cáo dựa trên pH của đất:

  • pHKCl < 4: 1000 kg/ha, 2 năm bón 1 lần.
  • pHKCl từ  4,0 – 4,4: 800 kg/ha, 2 năm bón 1 lần.
  • pHKCl từ  4,5 – 4,9: 600 kg/ha, 2 năm bón 1 lần.
  • pHKCl từ  5,0 – 5,4: 400 kg/ha, 2 năm bón 1 lần.

Một số công thức phân bón thường dùng trong sản xuất

Vùng Tây Nam Bộ

Sử dụng phân N:P:K:Mg loại 18:11:5:3 hoặc 15:15:6:4

Vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên

Sử dụng phân NPK loại 16:16:8

Tỉa cành giai đoạn KTCB

Mục đích

Việc tỉa cành, tạo tán giúp tạo bộ khung của cây, cành khỏe, phân phối đều trong tán cây. Cây quang hợp tốt, hạn chế sâu bệnh hại.

Giúp vườn cây phân phối đều ánh sáng qua đó tăng hiệu quả quang hợp. Quang hợp tốt sẽ tổng hợp được nhiều chất hữu cơ, đường, bột, chất béo và cả chất đạm làm tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm. Làm mất đi nơi ở lý tưởng cho sâu bệnh phát triển và khi xịt thuốc để xử lý sâu bệnh. Giúp tạo cho cây bộ khung cành khỏe, phân phối đều trong tán cây để có thể mang một khối lượng quả lớn.

Tạo tán

Khi cây còn nhỏ không nên tỉa bỏ ngọn cây. Nên tỉa bỏ những cành dày đặc, cành vượt, cành đan chéo nhau trên thân cây.

Cây non – Đốn tạo hình: Tuyển chọn lại 4 – 5 cành phân bố đều theo các hướng, cách nhau 30 cm. Cành thứ nhất cách mặt đất 50 – 80 cm, nên theo định hướng tạo dáng cây có một bộ khung cơ bản thông thoáng.

Tiêu chuẩn tạo hình cây sầu riêng chuẩn

Có 1 thân chính khỏe và mọc thẳng. Có 4 – 5 cành cấp 1. Cành cấp 1 đầu tiên được giữ lại cách mặt đất ít nhất 50 cm. Các cành mọc đều các hướng. Tán lá tròn đều, cân đối.

Tỉa cành

Xác định các cành nhánh cần tỉa bỏ

Cành mọc đứng, cành bên trong tán, cành ốm yếu, cành bị sâu bệnh, cành mọc quá gần mặt đất. Nên giữ lại: Cành khoẻ mạnh, cành ở độ cao 50 cm so với mặt đất.

Xác định vị trí cắt cành

Cắt chồi mọc từ gốc ghép, cắt tất cả các cành mọc cách mặt đất trên hoặc 50 cm. Để lại các cành trên thân chính cách nhau 30 cm, còn những cành khác mọc ra trên thân chính thì nên cắt bỏ.

Cùng một vị trí trên cây nếu có 2 cành mọc ra thì để 1 cành còn cắt bỏ 1 cành. Tỉa bỏ hết cành vượt mọc đứng bên trong tán, cành ốm yếu, bị sâu bệnh, cành mọc quá gần mặt đất để cây phát triển tốt.

Cách cắt tỉa cành

Khi cây nhỏ chỉ để 1 ngọn, tỉa bỏ hết chồi gốc, cắt hết cành mọc ra từ gốc ghép (chỉ thực hiện năm đầu tiên, sau sẽ hết), cành đầu tiên để cách mặt đất trên 50 cm, sau đó để các cành nhỏ trên thân chính cách nhau từ 8 – 10 cm, khi cây lớn khoảng cách không nên dưới 30 cm.

Tỉa bỏ hết cành vượt mọc đứng bên trong tán, cành ốm yếu, bị sâu bệnh, cành mọc quá gần mặt đất. Nếu trên một cây có 2 cành mọc cùng 1 vị trí thì cắt đi 1 cành. Không cắt ngọn cây vì tự nó đã có dạng hình tháp.Thực hiện cắt tỉa cành vào những ngày trời mát, thoáng gió. Tỉa cành tạo tán cần được tiến hành thường xuyên, liên tục mới có thể tạo được cây sầu riêng có bộ tán thông thoáng cân đối.

Vệ sinh vết cắt.

Gọt nhẵn vết cắt, quét sơn, vôi hoặc một loại thuốc trừ nấm cho vết cắt có đường kính trên hoặc bằng 1 cm. Hoặc có thể dùng băng keo nilon cuốn vết cắt cành lại cho nước và sâu bệnh không tấn công vào vết thương.

Khống chế chiều cao cây: Quét hỗn hợp Agri-Fos 400SL (hoạt chất Phosphorous acid) + thuốc Vimancoz  80 WP (hoạt chất Mancozeb) lên vết cắt để phòng bệnh và dùng nilon mỏng che lên vết cắt.

Chăm sóc, kiểm tra sau khi cắt tỉa

Sau khi đốn tỉa cành cần kết hợp vệ sinh làm cỏ, thu gom những cành vừa đốn đem đốt bỏ để giảm nguồn sâu, bệnh lây lan cho vụ sau.

Cây sau cắt tỉa rất dễ bị bệnh xì mủ thân, thối rễ gây chết cây, nên xịt thuốc để phòng bệnh xảy ra. Bón phân và tưới nước giúp cây nhanh hồi phục, có thể dùng phân bón gốc hoặc phân bón lá. Thăm vườn thường xuyên để phát hiện sâu bệnh hại sớm cũng như các cành mới mọc ra sai vị trí thì tiếp tục cắt tỉa.

Lưu ý

Phải kiểm tra theo dõi thường xuyên vườn cây để can thiệp kịp thời. Cắt, tỉa tạo hình phải làm sớm, trong giai đoạn kiến thiết cơ bản. Khi cây chưa có hoa quả, chú ý cắt bỏ những cành vô hiệu, mọc sai vị trí để tránh cây mất sức và tiết kiệm dinh dưỡng cho cây. Tạo bộ khung tán cân đối để cây khỏe mạnh, đạt năng suất. Cây sầu riêng trồng bằng phương pháp nhân giống vô tính thường cho nhiều nhánh mọc dầy gần mặt đất, do đó cần tạo hình cho cây trong những năm đầu.

Ngay sau khi trồng lưu ý chọn giữ một thân chính mọc thẳng. Sau khi các cành bên mọc ra, chọn giữ lại một số cành tốt làm giàn, loại bỏ các cành còn lại. Nên chọn các cành hợp với trục thân chính một góc khoảng 45 – 90 độ. Trong thời gian cây tiếp tục phát triển, các cành ban đầu cũng tiếp tục được chọn lại và loại bỏ các cành mới mọc xen kẻ giữa các cành giàn. Tỉa bỏ những cành mọc thấp hơn 50 cm tính từ mặt đất để giảm bớt tác hại của bệnh do nấm Phytophthora gây nên. Các cành mọc khít nhau cũng cần loại bỏ.

Tỉa bỏ những cành nhỏ yếu mọc ra từ những cành lớn bên trong tán, những cành mọc thẳng đứng, để giúp cây được thoáng, thụ phấn dễ dàng và quả phát triển tốt hơn. Thường xuyên loại bỏ những nhánh sâu bệnh, khô chết và dập gãy.

Chăm sóc cây giai đoạn ra hoa

Cây sầu riêng đòi hỏi phải có thời gian khô hạn (nhiệt độ cao, độ ẩm thấp) để phân hóa mầm hoa. Yêu cầu thời gian khô hạn kéo dài ít nhất là 10 – 14 ngày cây sầu riêng mới có thể phân hóa mầm hoa. Nếu thời gian khô hạn quá ngắn cây sầu riêng sẽ ra hoa ít hoặc ra hoa rải rác, không đồng loạt dẫn đến khó chăm sóc quả sau này.

Giai đoạn đầu phân hóa mầm hoa, khi hoa mới hình thành chỉ là những chấm nhỏ mọc thành từng cụm ngay tại mầm ngủ của thân, cành. Nếu gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi (mưa, dư nước), cây nhiễm sâu bệnh, thiếu dinh dưỡng thì mầm hoa có thể đi vào trạng thái ngủ, không phát triển thành hoa. Cây cần rất nhiều dinh dưỡng để tạo cơm, nếu kéo dài thời gian mang quả thì cây dễ bị suy nhược, kiệt quệ, chăm sóc phục hồi sau thu hoạch rất khó khăn, cây dễ phát sinh nấm bệnh, đặc biệt làm nấm Phytopthora. Do vậy, rất cần thiết phải kích thích cho hoa ra đồng loạt, mỗi cây thu hoạch dứt điểm trong khoảng 15 ngày để bảo vệ cây.

Để cây hình thành được mầm hoa, ra hoa đồng loạt, hoa phát triển mạnh, đậu quả và dễ chăm sóc quả sau này. Tùy vào điều kiện cụ thể từng vườn, từng cây một số công việc cần quan tâm như sau:

Điều tiết nước tạo khô hạn để hoa ra đều, tập trung 

Thời kỳ cây sầu riêng phân hóa mầm hoa, sau khi đã xiết nước, cây phân hóa mầm hoa ít hoặc chưa phân hóa mầm hoa, vào thời điểm 12 giờ trưa quan sát cây vẫn phát triển bình thường thì cây có khả năng bị dư nước. Lúc này cần dọn sạch cỏ, rác trong và ngoài tán cây nhằm tạo độ thông thoáng tốt, đất nhanh khô để cây cảm ứng ra hoa.

 Rút cạn nước trong mương. Nếu xiết nước trong mùa mưa thì kết hợp đậy nilon trên mặt liếp.

Nếu đất có hiện tượng khô, cây có biểu hiện héo mà chưa ra mầm hoa thì tưới qua 1 lần nước, tưới nhẹ cho đủ ẩm (lượng nước tưới bằng 1/3 lúc bình thường). Rồi tiếp tục xiết nước tạo khô hạn, chờ cây ra hoa đều, tập trung thì chọn đợt hoa đó. Tỉa bỏ hết số hoa đã ra trước hoặc sau đó, để mục đích trên cùng 1 cây, thời gian thu hoạch quả không kéo dài quá 15 ngày.

Hoa trên 1 cây ra đồng loạt tạo thuận lợi cho việc thu hoạch quả về sau.

Đồng thời với việc tạo khô hạn, để kích thích ra nhiều bông, đồng loạt thì phải phun NPK 10 – 60 – 10, liều lượng gấp đôi bao bì hướng dẫn, xịt vào vùng mang quả vào sáng sớm (trước 9 giờ sáng) và chiều mát (từ 15 giờ chiều trở đi). Xịt 2 lần cách nhau 7 ngày, chắc chắn bông sẽ ra nhiều. Khi mầm hoa xuất hiện mà trời mưa thì phun thuốc phòng bệnh khô mầm hoa như Antracol 70WP (hoạt chất Propineb), Agri-Fos 400SL (hoạt chất Phosphorous acid).

Tưới nước nuôi hoa

Thời điểm tưới

Khi mầm hoa ra sáng đều (dài 3 – 4 cm) trên các vị trí để quả, thì tưới nước trở lại. Không nên tưới sớm (khi mầm hoa vừa nhú mắt cua, nhú chân chim) sẽ có các tác hại sau:

Cây nhú mầm hoa (mắt cua).

Các bông ở đầu cành phát triển mạnh (nơi không khuyến cáo để quả vì dễ bị gãy cành). Còn các mầm hoa ở vùng mang quả bị rơi vào trạng thái ngủ (đui bông) nên sẽ mất sản lượng. Kích thích phát triển lá trên mỗi chùm bông, dinh dưỡng tập trung nuôi lá làm hoa nhỏ lại, cuống hoa dài, yếu ớt, ảnh hưởng đến đậu quả, nuôi quả.

Cách tưới

Tưới xòe đều nước chầm chậm từ bên ngoài tán vào bên trong cho đến khi nước vừa chảy tràn trên mặt đất. Ưu tiên tưới bên dưới tán cây vì nơi đó tập trung rất nhiều rễ tơ hút nước. Nếu xuất hiện trời mưa thì rễ này không thể hút thêm nước nên không xảy ra tình trạng xốc nước gây rụng hoa, quả non.

Tưới xòe dưới tán.

Lần tưới tiếp theo khi thấy lớp đất mặt bắt đầu khô, khoảng 2 – 5 ngày sau khi tưới, tùy theo loại đất (cát, thịt, sét), không tưới quá nhiều trong 1 lần gây sốc nước. Vào thời điểm 1 tuần trước khi hoa nở, giảm 2/3 lượng nước ở mỗi lần tưới (chu kỳ tưới không thay đổi), giúp hạt phấn khỏe có khả năng thụ phấn, đậu quả tốt (bởi vì hạt phấn sẽ chết khi có nhiều nước). Tuy nhiên, khi giảm nước cần theo dõi cẩn thận để tránh hiện tượng héo cây, héo hoa ảnh hướng xấu đến việc đậu quả.

Nếu giảm lượng nước tưới phải theo dõi tránh gây héo hoa.

Sau khi đậu quả, tưới tăng dần lượng nước đến mức trở lại bình thường, giúp quả phát triển khỏe, chất lượng cao. Thời điểm, cách tưới nước cho sầu riêng giai đoạn ra hoa đậu quả rất quan trọng, quyết định đến năng suất vườn sầu riêng.

Chăm sóc giai đoạn ra quả

Sau khi đã tỉa bớt hoa trong chùm, khoảng 10 hoa /chùm. Hầu hết số hoa này đều đậu quả, tỉa bớt quả nhằm để lại những quả ở vị trí thích hợp, tạo cho quả phát triển tốt, đảm bảo về chất lượng, trọng lượng và mẫu mã đẹp.

Cách tỉa và thời điểm tỉa quả

Lần 1: Quả được 3 – 4 tuần sau khi hoa nở, tỉa những quả có cuống nhỏ, chen chúc trong chùm quả, quả méo, quả bị sâu bệnh (để lại 6 – 8 quả/chùm).

Lần 2: Quả được 8 tuần sau khi hoa nở: Tỉa quả cong vẹo, dị dạng (để lại 3 – 4 quả/chùm).

Lần 3: Quả được 10 tuần sau khi hoa nở: Cắt tỉa những quả có hình dạng không đặc trưng của giống. Tạo thuận lợi cho phát triển cơm, kích thước và hình dáng quả. Chỉ để 1 – 4 quả/chùm. Số quả/cây tùy tuổi cây, tình trạng cây và từng giống sầu riêng, nếu cây có đường kính tán lá từ 7 – 8 m, thì chỉ nên để 70 – 100 quả trên cây.

Cây sầu riêng sau khi tỉa quả.

Không để quả mọc trên thân chính, quả ở những cành nhỏ, quả ở trên ngọn cây (trừ những quả ở sát thân chính). Trong trường hợp đang nuôi quả mà có hiện tượng rụng quả thì tiến hành tỉa bớt một số quả, ưu tiên tập trung dinh dưỡng để nuôi các quả còn lại (không còn hiện tượng rụng quả).

Lưu ý:

Sau khi tỉa quả tiếp tục thực hiện việc bón phân, tưới nước theo quy trình đã hướng dẫn.Thường xuyên theo dõi để phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại cho sầu riêng.

Phun phân qua lá dưỡng quả

Từ giai đoạn nuôi hoa đến khi quả được 60 ngày tuổi. Phun định kỳ 7 – 15 ngày/lần bằng phân bón lá NPK 20-20-20 + TE để cung cấp dinh dưỡng nuôi quả.

Trong thời điểm này cây có hiện tượng ra đọt non thì phun MKP (10 g/lít nước, 2 kg/phuy) hoặc KNO3 (200 – 300 gram/bình 16lít) định kỳ 3 ngày/lần (có thể phun luân phiên 2 loại phân này) để hạn chế đọt non, lá non phát triễn tránh tình trạng cạnh tranh dinh dưỡng giữa lá và quả gây rụng quả non.

Trong lần phun cuối cần phối hợp với thuốc Agri – Fos 400 để kháng lại bệnh thối quả, xì mủ thân (giai đoạn này quả nở gai rất mẫn cảm với bệnh thối quả do nấm phát triển). Nồng độ thuốc phun 0,5%.

Bón phân nuôi quả

Việc bón phân còn tùy vào đất đai, năng suất, sinh trưởng, tuổi cây…để bón.

Cách 1

Ở Tây Nam Bộ

Lần 3: Khi quả sầu riêng lớn bằng quả chôm chôm cần bón phân có hàm lượng Kali cao theo công thức N:P:K:Mg (12:12:17:2) với liều lượng 2 – 3 kg/cây.

Lần 4: Trước khi quả chín 1 tháng bón 2 – 3 kg phân như NPK (16 – 16 – 8) kết hợp với 1 kg – 1,5 kg phân K2SO4 để tăng chất lượng quả.

Ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên

Lần 3: Giai đoạn đậu quả bón 1,5 kg – 2,0 kg NPK 17 – 17 – 17 hoặc 16 – 16 – 16

Lần 4: Giai đoạn tăng trưởng quả bón 1,5 kg – 2,0 kg NPK 16 – 7 – 17 hoặc 15 – 7 – 17

Lần 5: Trước khi thu hoạch 1 tháng bón 0,5 kg Kali Sun-phát/cây K2SO4 (Kali trắng Con cò Pháp).

Cách 2

Lần 1: Khi quả được 60 ngày tuổi (quả sầu riêng bằng quả trứng gà) bón phân NPK 15-15-15 YARA. Lượng bón: Bón 0,5 kg/cây/lần/2 đợt, cách nhau 10 – 15 ngày.

Cách bón: Đợt 1 bón 200 – 300 g/cây/lần rắc quanh tán cây. Nếu đất không đủ ẩm phải tưới nước để phân tan. Sau 10 – 15 ngày bón tiếp đợt 2 với lượng phân còn lại.

Lần 2: Khi đậu quả được 80 – 85 ngày: Chia 2 đợt bón. Loại phân bón: NPK có công thức 12 – 12 – 17 + TE hoặc 12 – 7 – 17 + TE.

Cách bón: Lượng phân bón 0,15 – 0,25 kg/cây/đợt, bón đợt tiếp theo sau đó 10 – 15 ngày.

Lần 3:

Loại phân: K2SO4 (Kali trắng Con cò Pháp). Lượng phân và thời điểm bón:

Đợt 1: Khi quả được 105 ngày (sầu riêng Moonthong), bón 0,3 kg/cây; tùy lượng quả trên cây.

Đợt 2: Sau khi bón lần 1 được 7 ngày; bón 0,3 – 0,5 kg/cây.

Lưu ý:

Đối với giống sầu riêng Ri 6 do thời gian thu hoạch sớm hơn sầu riêng Monthong 15 – 20 ngày. Vì vậy thời gian bón phân cho giống Ri 6 giai đoạn nuôi quả cần sớm hơn so với giống Monthong khoảng 10 – 15 ngày. Kết thúc bón phân 1 tháng trước khi thu hoạch. Bón thừa phân, đặc biệt là phân Đạm sẽ có tác dụng kích thích sinh trưởng làm cho cây sầu riêng ra đọt non ở thời điểm khi hoa nở sẽ giảm tỉ lệ đậu quả và từ ngày thứ 20 – 55 sau khi hoa nở sẽ làm rụng quả và tăng tỉ lệ quả méo mó.

Chăm sóc sau khi thu hoạch và kích thích ra đọt

Tiến hành chăm sóc cây sầu riêng ngay sau khi thu hoạch nhằm kích thích cho cây sầu riêng ra đọt tập trung sẽ hạn chế được sự ra hoa làm nhiều đợt trong năm. Cây cần ra ít nhất 2 lần đọt trước khi tiến hành xử lý ra hoa.

Vệ sinh vườn và cây

Xung quanh gốc cây được làm sạch cỏ.

Tỉa bỏ chồi vượt, cành bị sâu bệnh và những cành đan chéo lẫn nhau. Thu dọn cành tỉa bỏ đem đi nơi khác.

Cắt cỏ dưới gốc sầu riêng.

Kích thích ra đọt

Cây cần ra ít nhất 2 lần đọt trước khi tiến hành xử lý ra hoa. Bà con kích thích ra đọt bằng cách tưới nước và bón phân.

Tưới nước

Tưới đủ ẩm, tưới 1 – 2ngày/lần vào mùa khô để kích thích cho cây ra đọt tốt. Tùy vào đất đai, tuổi cây, tình trạng sinh trưởng để điều chỉnh lượng nước tưới.

Ở Tây Nam Bộ

Tưới 60 – 80 lít/cây cho 1 lần tưới nếu tưới bằng phương pháp tưới thủ công. Tưới bằng phương pháp nhỏ giọt thì cần 15 – 20 lít. Khoảng cách giữa 2 lần tưới phụ thuộc vào từng điều kiện cụ thể.

Ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên

Nếu tưới gốc: Lượng nước từ 200 – 250 lít/cây trong mùa khô. Tưới tiết kiệm: 180 – 220 lít/cây trong mùa khô. Tưới nhỏ giọt: Lượng nước từ 120 – 150 lít/cây trong mùa khô. Nếu lượng mưa 30 mm thì có thể thay thế 1 lần tưới.

Tưới bằng phương pháp thủ công sẽ mất 60 – 80 lít nước/cây.

Bón phân

Ngay sau khi thu hoạch xong (không nên bón quá muộn sau 1 tháng thu hoạch). Bón phân hữu cơ đã ủ hoai mục 20 – 30 kg/cây (hoặc phân Humix, Dynamic lifter theo liều lượng khuyến cáo trên bao bì) kết hợp với phân bón NPK có hàm lượng đạm cao.

Ở Tây Nam Bộ sử dụng phân NPK loại 1-11-5; liều lượng 1,0 – 2,0 kg/cây; hoặc NPK loại 30-20-5… (không bón phân có chứa chất Clor).

Ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên sử dụng phân NPK loại 15-15-15 hoặc 20-20-15; liều lượng 1,0 – 1,5 kg/cây; (không bón phân có chứa chất Clor).

Cây sầu riêng sau thu hoạch được sửa bồn và bón phân đầy đủ.

Có thể phun thêm phân bón lá 33-11-11 hoặc 20-20-20; 16-16-8 cùng với GA3 (gibberellin) ở nồng độ 5 – 10 ppm để kích thích tạo chồi mới khỏe. Khi cơi đọt thứ nhất đã thành thục, bón phân (loại phân và lượng phân như lần 1) và tưới nước để kích thích cây ra cơi đọt thứ hai.

Như vậy, bài viết trên đã giới thiệu tới bạn kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng theo giai đoạn. Sầu riêng là loại trái cây nhiệt đới được trồng ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Loại trái cây này có mùi khá nồng, tuy nhiên nếu ai ăn được thì rất dễ “ghiền”. Sầu riêng chứa nhiều chất dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe, vì vậy được nhiều người yêu thích. Hi vọng với những thông tin trên sẽ giúp ích cho quý bạn đọc đang có nhu cầu tìm hiểu, áp dụng thực tiễn.

4.2/5 - (6 votes)

    Để lại một Bình luận

    Copyright 2023 – MobiFone

    Giấy ĐKKD: 0100686209-087. Đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 16/06/2023 cấp bởi Sở KHDT thành phố Hà Nội.

    Giấy phép thiết lập Mạng xã hội trên mạng số 145/GP-BTTTT cấp ngày 30/05/2024 bởi Bộ Thông tin và Truyền thông.

    Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Lê Quang Minh – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone – Tổng Công ty Viễn thông MobiFone.

    Phát triển và vận hành sản phẩm: Công ty cổ phần giải pháp thời tiết WeatherPlus

    DMCA.com Protection Status

    Khám phá

    Liên hệ

    Trụ sở: Số 01 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

    Tải ứng dụng

    error: Content is protected !!