Sau Tết bạn cần chăm sóc mai vàng theo đúng kỹ thuật, để cây hồi lại kịp chơi dịp lễ, Tết cuối năm. Tuy nhiên cần làm những gì để cung cấp dinh dưỡng giúp cây khỏe lại, chuẩn bị cho đợt ra hoa mùa sau thì không phải ai cũng biết. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ tới bạn kinh nghiệm của những người trồng mai vàng, hãy tìm hiểu ngay dưới đây nhé!
Nội dung bài viết
Tại sao cần phải chăm sóc mai vàng sau Tết
Để có những bông mai vàng rực rỡ khoe sắc ngày Tết, cây đã phải tập trung dinh dưỡng để ra nụ và nuôi hoa đến khi bung nở. Dịp trước Tết việc dùng nhiều thuốc kích thích khiến rễ cây bị suy yếu, hấp thụ các chất dinh dưỡng kém. Ngoài ra việc chăm sóc mai không đúng kỹ thuật cũng khiến cây trở nên còi, héo thậm chí có thể chết khô.
Với những nguyên nhân như trên, sau khi chơi hoa Tết xong cần cấp tốc thực hiện các phương pháp dưỡng cây, giúp cây hồi sức để chơi hoa vụ sau.
Thời gian tiến hành chăm sóc mai sau Tết
Đối với những chậu mai chơi trong nhà, thì khoảng mùng 8 âm lịch nên mang ra ngoài sân hoặc mái hiên có ánh sáng tự nhiên để cây hấp thụ nắng. Duy trì từ 3-5 ngày, tuy nhiên không nên đem để ở những nơi ánh nắng quá gắt, vì cây chưa kịp thích nghi lại.
Đối với những cây đã trồng ngoài khu vực sân hay vườn thì không cần di chuyển, bởi cây đã thích nghi quen với ánh nắng. Đến khoảng rằm tháng Giêng âm lịch thì tiến hành các biện pháp chăm sóc mai sau Tết.
Các kỹ thuật chăm sóc mai vàng sau Tết
1. Tiến hành cắt tỉa cành mai
Đối với những cành mai quá dài, cành nhiễm nấm bệnh và cả các nụ chưa nở, bông tàn hãy dùng kéo chuyên dụng để cắt tỉa. Nếu cây có nhiều vết cắt lớn do bị tỉa nhiều hãy sử dụng keo liền da cây, để giúp các vết thương mau lành, bảo vệ cây khỏi những mầm bệnh gây hại.
2. Tiến hành vệ sinh cho cây
Tiến hành vệ sinh cho cây sau khi đã tỉa cành. Dùng vòi nước phun vào cây để làm sạch rêu, nấm mốc. Có thể sử dụng bàn chải đánh răng để chà bỏ rêu và nấm mốc. Đối với những cây mua ngoài chợ, phải giải độc cho cây bởi trước đó họ đã phun thuốc giúp giữ hoa tươi lâu. Nên tưới ngập nước cả chậu, xả trôi từ 1-2 lần giúp loại bỏ bớt phân bón hóa học dư thừa.
3. Tiến hành thay giá thể
Cần phải tiến hành thay đất, việc này sẽ giúp cây bổ sung hàm lượng dinh dưỡng đạm, kali cần thiết cho cây trồng. Bạn có thể tự trộn đất gồm xơ dừa, trấu hun, đất thịt, phân hữu cơ trộn theo tỉ lệ 4-3-2-1. Ngoài ra bạn có thể mua đất đã được trộn sẵn bán ở các vườn ươm, sàn thương mại. Phương pháp thay đất này áp dụng cho những cây mai vàng trồng trong chậu.
Tiến hành nhấc cây ra khỏi chậu cũ, dùng tay loại bỏ đất cũ, có thể dùng kéo để cắt tỉa bớt những rễ cây đã bị nấm bệnh. Sử dụng đất mới để trồng cây, sau khi thay đất nên để trong bóng mát từ 2-3 ngày. Sau đó mới để cây ra khu vực có nắng nhẹ để cây thích nghi dần.
Đối với những cây đang trồng trực tiếp tại sân vườn, không cần thay đất mà tiến hành bón phân, đạm, lượng nước đầy đủ. Điều này sẽ giúp cây tăng đề kháng, dinh dưỡng để cây hồi lại.
Một số bí quyết nuôi cây mai khỏe đẹp
Đối với những cây vừa mới thay đất không nên bón phân hóa học, sẽ khiến bộ rễ bị sốc, khó hấp thụ dinh dưỡng dẫn đến hỏng rễ. Ngoài ra không nên lạm dụng phân bón, bón quá nhiều sẽ khiến cây bị sốc khó hấp thụ. Nên sử dụng phân bón lá vô cơ để ủ bón cho cây.
Bài viết trên đây là những chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc mai vàng sau Tết. Chúc bạn có thể tự tay chăm cây để tái sử dụng mùa sau, tiết kiệm kinh tế.