Cây bơ là loại cây ăn trái thụ phấn chéo nên nếu trồng từ hạt sẽ không giữ đặc tính từ cây mẹ. Vì thế, phương pháp nhân giống vô tính là nêm chồi và ghép thường được áp dụng trên cây bơ. Theo đó, mobiAgri sẽ cùng bà con tìm hiểu cách ghép cây bơ đúng kỹ thuật.
Để việc nhân giống bơ giữ được các đặc tính tốt của cây mẹ thì kỹ thật ghép bơ là cách phổ biến và đơn giản nhất. Với cách nhân giống vô cùng đơn giản này thì bà con có thể hoàn toàn thực hiện tại nhà giúp tiết kiệm khá nhiều chi phí mua giống. Tuy nhiên, để đạt tỷ lệ ghép thành công cao nhất, bà con cần theo dõi bài viết ngay sau đây nhé.
Nội dung bài viết
Đặc điểm chung về cây bơ
Bơ là cây ăn quả cận nhiệt đới, có xuất xứ nguồn gốc từ Mexico và Trung Mỹ, chiều cao trung bình 15 – 20m. Lá bơ có nhiều hình dạng khác nhau như hình elip, hình bầu dục, hình trứng,… lá dài từ 12-25cm. Lá khi còn non có màu đồng, khi trưởng thành sẽ chuyển sang màu xanh. Hoa bơ mọc thành chùm ở đầu cành hoặc kẽ lá, màu vàng xanh hoặc xanh nhạt. Quả bơ có hình dáng và trọng lượng khác nhau tùy giống. Khi chín lớp thịt bên trong có màu vàng, vỏ mỏng hơi cứng. Mỗi quả bơ có một hạt hình bầu dục, được bọc 2 lớp vỏ lụa màu nâu.
Quả bơ có thể ăn trực tiếp hay được sử dụng làm nguyên liệu pha chế các món sinh tế giải khát, làm salad,… Bên cạnh đó, bơ còn được ứng dụng trong việc chăm sóc da, tuy nhiên bạn chú ý nếu ăn nhiều bơ có thể gây bệnh về gan.
Ở nước ta, cây Bơ được trồng nhiều nơi ở các vùng sinh thái khác nhau. Tuy nhiên, khu vực thích hợp nhất để trồng bơ đạt năng suất, chất lượng tốt là các tỉnh Tây Nguyên.
Chuẩn bị trước khi ghép bơ
Chọn giống bơ ghép
Để chọn được giống bơ mà bà con sẽ ghép thì trước tiên cần tìm hiểu các yếu tố về khả năng thích nghi, tiềm năng kinh tế, từ đó lựa chọn giống cho phù hợp. Những giống bơ có giá trị kinh tế cao: Bơ 034, bơ Thành Bích, bơ tứ quý, bơ Trịnh Mười,…
Bên cạnh đó, còn có các giống bơ ngoại nhập: Bơ bút, bơ reed, bơ fuerte, bơ hass, bơ pinkerton,…
Mỗi giống bơ sẽ có nhưng điểm nổi bật riêng nhưng giống bơ 034, bơ bút là những giống mà người dân lựa chọn nhiều nhất bởi khả năng thích nghi cao, năng suất cao và được thị trường ưa chuộng. Vì vậy, bà con có thể chọn những giống bơ này để tiến hành ghép.
Chọn cây bơ ghép
Cây bơ được lựa chọn làm gốc ghép cần đáp ứng các tiêu chuẩn sau: Cây khỏe mạnh, không có hiện tượng thối thân, nứt vỏ, đường kính thân đạt từ 0,4-0,6cm.
Lá gốc của cây ghép còn nguyên vẹn, ngọn phát triển mạnh và không bị côn trùng chích hút. Vị trí ghép cần tương đương với kích thước chồi ghép không nên quá già hoặc quá non.
Chọn chồi bơ ghép
Chồi bơ được lựa chọn để ghép cần lấy ở đầu cành, không bị sâu bệnh hại và thời gian lấy nên cách đợt bón phân tối thiểu 20-30 ngày. Chú ý không cắt chồi bơ khi trời mưa, cắt chồi dài khoảng 15-20cm, mỗi chồi cần được cắt ngắn sao cho khi chồi ghép lên có từ 2-4 mắt ngủ. Nếu trong trường hợp phải vận chuyển xa thì cần đảm bảo tránh ánh nắng trực tiếp, giữ ẩm, không để chồi bị khô và bị bẩn.
Dụng cụ cần thiết
Dao ghép: Chọn dao chuyên dụng để ghép hoặc có thể dùng dao rọc giấy. Dao ghép cần đảm bảo sắc, không làm dập vị trí cắt và được khử trùng trước khi ghép.
Dây ghép: Đảm bảo dây ghép chắc chắn để cố định chồi và mỏng để chồi ghép có thể đâm qua khi phát triển, bà con có thể dùng túi nilon co dãn hoặc dùng dây chuyên dùng ghép.
Ngoài ra, bà con cần chuẩn bị túi nilon nhỏ để chụp lại phần chồi và vị trí ghép.
Kỹ thuật ghép bơ
Bước đầu tiên bà con cần chồi bơ thành từng đoạn ngắn dài 3-5cm, mỗi chồi ghép có từ 3-4 mầm chồi. Tiếp theo, dùng dao vát 2 bên chồi thành hình mũi nhọn. Ở gốc ghép chọn vị trí có đường kính tương đương với chồi ghép hoặc lớn hơn nhưng không già quá hoặc non quá. Sau đó, dùng dao ghép cắt ngang, chẻ dọc chính giữa vết cắt xuống khoảng 1-1,5cm.
Tiếp đến, đặt chồi đã vát nhọn vào chỗ chẻ dọc theo hướng thẳng đứng, chú ý không nên rút ra cắm lại sẽ làm tổn thương mô. Nếu chồi ghép lớn hơn gốc ghép thì làm cho ít nhất 1 phần vỏ chồi liền với vỏ gốc ghép. Cần đảm bảo không có khoảng trống từ đỉnh nhọn của chồi đến cuối của vết cắt gốc ghép.
Ngay sau đó, dùng dây ghép quấn quanh từ dưới lên đến đỉnh chồi rồi quấn ngược lại sao cho phủ kín chồi ghép và vị trí ghép. Nên quấn vừa tay đảm bảo cố định chồi nhưng lại không được chặt quá.
Cuối cùng, bà con dùng túi nilon đã chuẩn bị sẵn chụp lên vị trí ghép và chồi. Sau đó dùng dây thun buộc miệng lại sẽ giúp giảm thoát hơi nước cho chồi, hạn chế nấm bệnh và côn trùng gây hại, từ đó tăng tỷ lệ ghép thành công hơn.
Chăm sóc sau chiết cây bơ
Tùy theo tình hình thời tiết và khả năng sinh trưởng của gốc ghép, thông thương sau 20-25 ngày chồi sẽ bật mầm thì bà con có thể bỏ túi nilon bên ngoài. Nếu bà con ghép vào mùa Đông thì thời gian nảy mầm sẽ lâu hơn có thể lên tới 30-40 ngày. Với cây ghép thực sinh trong vườn ươm thì bà con cần đặt nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp, tưới đầy đủ nước. Với những cây ghép trưởng thành thì cần vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh cây để hạn chế nấm bệnh tấn công.
Sau đó, bà con chăm sóc đến khi chồi dài từ 5cm thì giữ lại 1-2 chồi khỏe mạnh. Bên cạnh đó, bà con cần cắt bỏ các chồi vượt mọc từ gốc ghép. Khi vết ghép có dấu hiệu bó cứng thì dùng dao cắt và gỡ dây ghép, chú ý tránh làm hằn thân cây sẽ làm chồi yếu, dễ bị gãy về sau. Lưu ý, trong quá trình chăm sóc sau khi ghép bơ cần kiểm tra thường xuyên để kịp thời bổ sung phân bón, thuốc trừ sâu kịp thời, đặc biệt là các chồi non rất dễ bị côn trùng chích hút tấn công.
Như vậy, bà còn thực hiện các bước ở trên về cơ bản đã hoàn thành xong kỹ thuật ghép bơ. Ban đầu, nếu thao tác chưa chuẩn thì tỷ lệ thành công không cao. Trường hợp ghép chưa thành công thì có thể ghép lại ở vị trí thấp hơn. Ở các bài viết khác mobiAgri sẽ hướng dẫn các kỹ thuật canh tác khác, bà con chú ý tham khảo để đạt hiệu quả cao nhất trong quá trình sản xuất.