Mồng tơi là loại rau phổ biến trong bữa cơm của các gia đình. Đây cũng là loại rau dễ trồng, có thể trồng ngay tại nhà nhờ cách gieo hạt mồng tơi đơn giản dưới đây.
Nội dung bài viết
Tìm hiểu về cây mồng tơi
Cây mồng tơi có xuất xứ tại các nước nhiệt đới ở châu Á và châu Phi. Ở nước ta, cây mồng tơi được trồng hoặc thậm chí mọc hoang tại nhiều vùng, người dân thường làm giàn để mồng tơi leo cao, sinh trưởng tốt lấy lá để ăn.
Rau mồng tơi có nhiều loại, chúng có tên gọi khoa học là Basella rubra L. thuộc họ mồng tơi Basellaceae. Đặc điểm của cây thuộc loại dây leo, sinh trưởng tốt trong mọi điều kiện thời tiết hoặc thổ nhưỡng.
Mồng tơi không chỉ là rau ăn mà còn là vị thuốc tốt trong Đông y. Trong rau mồng tơi có chứa Vitamin A3, B3, saponin, chất nhầy và cả sắt. Chúng có vị chua, tính hàn, không độc và có tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu, chữa táo bón. Thậm chí nhiều bài thuốc còn dùng rau mồng tơi giã để đắp chữa sưng nứt, giải độc.
Cách gieo hạt mồng tơi đơn giản, nhanh nảy mầm
Gieo hạt mồng tơi không khó, bạn cần chuẩn bị và thực hiện theo những bước dưới đây.
Bước 1: Lựa chọn hạt giống
Để hạt nảy mầm tốt nhất, cây con khỏe mạnh, sống tốt, bạn cần lựa chọn hạt giống chuẩn. Hạt giống cần chắc mẩy, không bị lép, không bị sâu bệnh, nấm mốc. Bạn cũng nên lưu ý thời gian sử dụng hạt giống càng lâu thì tỉ lệ nảy mầm càng thấp.
Bước 2: Ngâm hạt
Bạn cần chuẩn bị dụng cụ ngâm, hạt mồng tơi cần có thời gian ngâm từ trên 12 tiếng trở lên, trong nước ấm khoảng 40 độ, tương đương 2 sôi và 3 lạnh.
Bước 3: Thời gian ủ hạt
Sau khi ngâm, bạn cần vớt hạt lên và đặt vào khăn ẩm. Hàng ngày bạn cần phun đủ lượng nước để tạo độ ẩm cho hạt, chỉ cần phun nhẹ tạo ẩm, không cần thiết phải tưới đẫm nước. Sau đó, bạn cần đặt khay ủ hạt vào chỗ tối. Mỗi ngày bạn nên kiểm tra nếu như vật ủ bị khô nên tiến hành phun nước để giữ độ ẩm cho hạt giống.
Ủ hạt trong khoảng 12 đến 24 giờ. Bạn cần chú ý để hạt nảy mầm rễ không quá dài. Tuy nhiên có trường hợp hết thời gian ủ mà hạt vẫn không mọc mầm, chúng ta vẫn gieo bình thường.
Bước 4: Tiến hành gieo hạt
Trước khi gieo hạt bạn cần chuẩn bị đất trồng. Đất trồng nên tơi xốp, có khả năng thoat nước cao tránh úng ngập. Khi gieo hạt cần gieo mỗi hạt cách nhau ít nhất 10cm để khi lớn lên lá mồng tơi không bị quá dày.
Gieo xong chúng ta nên phủ lớp đất mỏng khoảng 1,2-1.5 cm trên bề mặt và tưới nước đủ ẩm lên trên đất. Gieo hạt ngoài đất xong, bạn cần đảm bảo tưới đủ ẩm cho hạt giống 2 lần một ngày. Nếu hạt giống tốt, đủ ẩm, khoảng 1 tuần sau bạn sẽ thấy hạt mồng tơi phát triển thành cây con.
Cách chăm sóc cây mồng tơi
Rau mồng tơi ưa nắng nên bạn cần mang chậu trồng ra ngoài nơi có ánh nắng. Cách chăm sóc rau cũng rất đơn giản.
Về tưới nước: Không nên tưới nhiều dễ khiến cây úng rễ hoặc bị nấm bệnh. Mùa nắng chỉ nên tưới khoảng 2 lần/ngày, không tưới quá đẫm nước.
Về bón phân: Khi làm đất trồng mồng tơi bạn nên trộn một ít phân bón vào đất để hạt giống nảy mầm hấp thu chất dinh dưỡng từ phân bón. Ngoài ra, trong quá trình cây phát triển cũng có thể bổ sung thêm phân trùn quế hoặc phân hữu cơ khác tưới cho cây.
Về sâu bệnh: Rau mồng tơi thường bị sâu tơ, sâu xanh hoặc con bọ nhảy. Nếu trồng cho gia đình ăn tại nhà, chúng ta nên kiểm tra lá thường xuyên để bắt sâu hoặc bỏ lá bị bệnh.
Về thu hoạch: Sau khi mồng tơi lên tốt chúng ta dùng dao cắt sát gốc cách khoảng 5cm, sau khi hái khoảng nửa tháng có thể thu hoạch lần kế tiếp. Việc thu hoạch cũng nên tiến hành vào sáng hoặc chiều muộn, như vậy cây mồng tơi không bị héo lá, lá dùng để chế biến món ăn cũng sẽ tươi ngon hơn.
Với những công dụng tốt cho sức khỏe, rau mồng tơi là nguyên liệu trong nhiều bữa cơm của gia đình Việt. Rau mồng tơi nấu với cua giã nát, lọc lấy nước cốt vừa thanh mát, vừa ngon miệng trong những ngày mùa hè oi bức.
Tuy nhiên, để có được những lá rau mồng tơi sạch, bạn nên tự trồng tại nhà để đảm bảo chúng không bị bón phân hoặc phun thuốc kích thích. Nhờ cách gieo hạt mồng tơi trên đây, chắc chắn bạn sẽ nhanh có rau ăn tại nhà mà đảm bảo an toàn cho sức khỏe.