Để tạo điều kiện sinh trưởng tốt cho cây cà chua, kỹ thuật làm giàn là bước quan trọng không thể bỏ qua. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách thực hiện để giúp cây sai trĩu quả.
Cà chua là loại rau quả được trồng phổ biến hiện nay, có thể trồng trực tiếp ngoài vườn hay trong chậu, thùng xốp. Loại cây này trồng khá đơn giản, không tốn nhiều công chăm sóc mà vẫn cho năng suất hiệu quả. Hãy cùng mobiAgri tìm hiểu cách làm giàn cà chua đơn giản ngay tại bài viết này.
Nội dung bài viết
Tại sao cần làm giàn cho cây cà chua?
Trừ một số giống cà chua lùn không cần làm giàn thì đa số các loại cà chua khác cần phải làm giàn. Thân và cành nhánh cây cà chua rất giòn, mọng nước vì vậy dễ bị gãy. Những cây có thân yếu mọc bò dưới mặt đất sẽ phát triển kém, cây ít quả hoặc quả mã xấu, dễ bị sâu bệnh, bọ châm chích.
Đặc biệt với những giống cà chua thân gỗ leo, bám cao cần phải làm giàn để cây phát triển, đậu trái. Đặc biệt trồng cà chua trên sân thượng thường có gió lớn, dễ bị gãy, gập thân nên việc làm giàn cho cây rất cần thiết.
Các kiểu dáng làm giàn cho cây cà chua
Giàn cà chua hình trụ
Giàn cây hình trụ là cách đơn giản nhất được nhiều người áp dụng. Dáng giàn này sẽ giúp bạn khoanh vùng từng gốc cà chua tạo thành hình trụ. Để làm được giàn theo cách này cần mua thép không gỉ.
Tạo hình thép thành những khoanh vòng tròn quanh trụ, độ cao vừa phải không quá đầu người. Sử dụng dây vải hoặc dây nhựa mềm để buộc cố định cành cà chua vào giàn đỡ. Giàn trụ sẽ giúp cây phát triển khỏe mạnh, giảm thiểu tác động từ môi trường, đồng thời làm giảm sức nặng của quả đè nén lên thân cây hay cành. Tạo hình dáng giàn hình trụ thích hợp với những cây cà chua trồng trong chậu khi trồng trên khu vực ban công nhiều gió.
Giàn quấn quanh gốc
Cách làm giàn cà chua kiểu này rất đơn giản, bạn chỉ cần có dây cố định buộc song song với các chậu đặt cây. Dùng cọc để đóng chắc chắn ngay phía dưới đất ở chậu hoặc đất dưới vườn. Buộc dây nối từ phía dưới lên phía trên để tạo độ cong chắc nhất định. Khi cây cà chua lớn sử dụng dây mềm để quấn nhẹ lên thân cà chua. Yêu cầu tạo giàn có độ thoáng để cây phát triển.
Làm giàn kiểu dây leo
Bạn có thể tận dụng hàng rào, bờ tường để làm vật cố định cho cây cà chua leo. Sử dụng thêm dây để hỗ trợ cây cà chua leo, bò về phía hàng rào. Cách làm này sẽ tốn ít chi phí hơn, có thể sử dụng đa dạng loại dây để làm giàn như: Dây dù, dây nilon, dây thừng, dây vải,…
Dùng dây để quấn thân cà chua và buộc cố định 1 đầu lên hàng rào, tạo điều kiện cho cây cà chua leo theo hướng dây. Lưu ý dùng dây mềm, quấn nhẹ nhàng để thân cây không bị xước.
Làm giàn đứng
Sử dụng trụ hai bên để cố định và dùng các dây thép để kết nối thành giàn thẳng đứng, dạng mắt lưới để tạo giàn. Trồng cà chua sát với giàn thẳng đứng, khi cây lớn dần có thể dùng dây mềm để cố định thân trên giàn, giúp đều trái hơn, cây không bị gãy, trái ít rụng do gió.
Giàn kiểu giàn bầu bí, mướp
Bạn có thể tiết kiệm không gian dưới mặt đất để trồng các loại rau củ khác, bằng việc tạo giàn trên cao cho cây cà chua. Kiểu giàn bầu bí, mướp thích hợp với các loại cà chua thân leo như Nova, cà chua bạch tuộc,… Kiểu giàn này vừa không tốn diện tích, vừa tạo bóng mát, lại giúp không gian thêm đẹp.
Bạn có thể rút ngắn khoảng cách cho cây cà chua leo lên giàn, bằng việc để các chậu cà chua trên bờ tường gần với giàn leo. Thêm ưu điểm khi để cà chua leo giàn cao đó là giúp trái chín đều hơn, có vị ngọt đậm hơn do được hứng ánh sáng nhiều hơn.
Làm giàn bằng cọc nứa, bằng ống nhựa PVC
Bạn có thể sử dụng cọc nứa để cố định, đỡ thân cây cà chua. Chôn cọc ngay sát thân cây và buộc lại bằng dây mềm. Hoặc bạn cũng có thể sử dụng ống nhựa PVC để tạo giàn cho cây cà chua, có thể tái sử dụng loại khung này nhiều lần.
Trên đây là những cách tạo kiểu giàn cho cây cà chua, tạo điều kiện cho cây sinh trưởng tốt, tránh tác động của gió, bão. Nếu các bạn cũng đang trồng cà chua thì hãy thực hiện theo hướng dẫn trên nhé.