Làm giàn chanh dây là một việc rất quan trọng, tạo điều kiện cho cây phát triển tốt, năng suất và chất lượng quả được nâng cao. Hiện nay có rất nhiều kiểu dáng giàn chanh leo được tạo, tuy nhiên trong bài viết này chúng tôi sẽ giới thiệu tới bạn những cách làm giàn đơn giản nhất.
Nội dung bài viết
Các kiểu giàn chanh leo phổ biến
Giàn chữ T cho cây chanh leo
Ưu điểm của giàn chữ T
Giàn chữ T là mô hình giàn được nhiều người áp dụng nhất. Đặc điểm của giàn chữ T là rất dễ chăm sóc, quả đều bám trên một dàn đường thẳng giúp người trồng dễ theo dõi. Từ việc tưới tiêu đến tỉa cành lá và phát hiện sâu bệnh hại trên cây đều rất dễ dàng. Làm giàn chữ T sẽ giúp cây chanh leo ra nhiều cành thứ cấp và giúp các cành và trái rũ xuống phía hai bên giàn. Khoảng cách giữa các hàng trụ của giàn chữ T sẽ giúp các loại xe oto cỡ nhỏ và vừa hoặc loại xe ba bánh chạy di chuyển để tiện cho việc thu hoạch. Người trồng cũng dễ thu hoạch hơn so với kiểu giàn truyền thống.
Thực tế cho thấy, việc áp dụng mô hình trồng chanh dây giàn chữ T đem lại tỉ lệ đậu quả cao hơn, so với làm giàn truyền thống. Tỉ lệ trái chất lượng đạt đến 80%, khoảng 800kg chanh dây loại 1 trong 1 tấn chanh thu hoạch theo mô hình giàn chữ T. Trồng theo giàn truyền thống, chất lượng loại quả 1 chỉ đạt mức 60%.
Khoảng trống được tạo ra bởi giàn chữ T, giữa các hàng có thể trồng xen canh các loại rau để cải thiện thu nhập. Áp dụng giàn chữ T sẽ giúp ánh sáng mặt trời chiếu đều đến các vị trí của cây, giúp giảm tình trạng sâu bệnh, nấm mốc, tăng chất lượng quả.
Nhược điểm của giàn chữ T
Tuy nhiên giàn chữ T cũng có một số mặt hạn chế khó khắc phục, như: Mật độ trồng thưa, không đạt được năng suất mong muốn, loại cọc chính sử dụng phải làm bằng chất liệu tốt, do phải chịu nhiều lực. Ngoài ra việc thiết kế thi công giàn chữ có phần phức tạp hơn so với giàn truyền thống.
Cách làm giàn chữ T cho chanh dây
Giàn chữ T được phân loại làm 2 dạng chính, đó là giàn cọc đơn và giàn cọc đôi. Tiêu chuẩn của giàn cọc đơn trồng cách cọc 3m. Chiều dài thanh ngang 1,2-1,5m. Sử dụng thanh ngang ở đầu cọc hoặc khoảng cách với đầu cọc là 0,5m. Chiều cao từ đỉnh cọc tới mặt đất khoảng 2,5m và chôn sâu khoảng 0,5m.
Đối với giàn chữ T cọc đôi, bạn đóng cọc thành từng đôi khoảng cách nhau 1m, chiều dài thanh ngang đạt 2,5-3m, mỗi đôi cọc cách nhau từ 4-4,5m. Các hàng cọc cách nhau 3m. Nên sử dụng dây kẽm loại 3-4li để buộc nối các đầu cọc, đầu thanh ngang lại với nhau. Dùng kẽm nhỏ từ 1-2li buộc thành các đường song song trên thanh ngang, mỗi dây thép cách nhau khoảng 50cm. Đối với nền đất yếu nên dùng kẽm néo các đầu cố để gia cố, tăng độ vững chắc cho giàn leo.
Giàn leo chanh dây hình chữ l
Ưu điểm của giàn chữ l
Giàn chữ l đem lại những lợi ích thiết thực khi áp dụng như: Tiết kiệm thời gian thi công và vật liệu. Mật độ cây trồng theo mô hình loại này cao, kéo theo năng suất cao hơn so với các giàn khác. Giúp cây chanh leo quang hợp tốt hơn, hứng ánh sáng đồng đều. Dễ dàng kiểm soát được tình trạng sâu bệnh, tiện chăm sóc và thu hoạch quả. Có thể tận dụng các khoảng trống để trồng xen canh các loại rau, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế.
Nhược điểm của giàn chữ l
Việc áp dụng giàn chữ l sẽ không tiện cho việc di chuyển giữa các hàng. Phần gốc của cây chanh để sát mặt đất khiến cho nguy cơ sâu bệnh cao, dễ nhiễm các loại nấm mốc, vi khuẩn có hại.
Cách làm giàn chanh dây chữ l
Vật liệu để làm giàn chữ l là cọc tre, cọc bê tông, tiến hành chôn sâu 40-50cm. Khoảng cách từ mặt đất đến đỉnh cọc là 1,8-2m tuy nhiên nếu có điều kiện bạn có thể làm cao hơn. Khoảng cách cọc cách cọc là 2m, hàng cách hàng khoảng 1m. Sử dụng kẽm li 3-4li để nối các đỉnh cọc và các cọc với nhau. Buộc thêm đường chéo từ đỉnh cọc xuống chân cọc kế tiếp, giúp tăng khả năng gia cố, vừa tăng diện tích cho cây leo bám.
Ngoài 2 cách làm phổ biến này, có thể làm giàn chanh leo theo kiểu truyền thống, kiểu như giàn mướp, bầu bí. Tuy nhiên mô hình này chỉ phù hợp với khu vực đất bằng phẳng, dễ thi công. Điểm hạn chế là không trồng xen canh được các loại cây khác, chất lượng quả loại 1 chỉ đạt 60-70%, dễ bị sâu bệnh ở gốc, xử lý khó. Vì vậy tại bài viết này, chúng tôi giới thiệu tới bạn cách làm giàn giúp tăng năng suất và chất lượng của chanh dây, có nhiều ưu điểm.