Cà tím là loại nông sản được trồng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Loại thực phẩm này rất giàu dinh dưỡng, được ưa chuộng, chế biến thành nhiều món ngon hấp dẫn. Hiện nay loại rau quả này được bán tràn lan trên thị trường rất nhiều, người tiêu dùng khá quan ngại về nguồn gốc, xuất xứ. Vì vậy để đảm bảo an toàn thực phẩm nhiều người đã tự trồng cà tím tại nhà. Chỉ cần chăm sóc tốt, ngắt ngọn cà tím đúng thời điểm sẽ giúp cây ra sai quả.
Nội dung bài viết
Tìm hiểu thông tin cây cà tím
Cây cà tím là một trong những loại thực phẩm được yêu thích tại nhiều nước trên thế giới. Thậm chí ở Ấn Độ, loại thực phẩm này có tên trong danh sách vua của các loại rau củ bởi giá trị dinh dưỡng và mức độ yêu thích.
Cà tím thuộc loại thân thảo, có cùng họ với các loại cây khoai tây, hồ tiêu, cà chua. Tên khoa học của loại cây này là Solanum melongena L. Chiều cao trung bình của cây từ 50-150cm, quanh thân, cành thường có gai nhỏ, mềm. Phiến lá của cà tím rộng, phía dưới bao phủ một lớp lông tơ. Cà tím là loại quả mọng, cùi nhiều thịt, mềm và nhiều hạt. Cà tím có nhiều hình dáng, tùy từng giống, có quả thuôn dài, quả tròn, quả hình củ,…
Tại sao cần ngắt ngọn cà tím
Cũng giống như một số loại cây khác, cà tím cũng phải ngắt ngọn để giúp cho quá trình sinh trưởng tốt hơn. Hãy cùng điểm qua những lợi ích khi thực hiện kỹ thuật này nhé:
- Giúp giới hạn được chiều cao của cây.
- Giúp cây tập trung dinh dưỡng để nuôi quả.
- Giúp cây ra nhiều nhánh, sai quả hơn.
Những lợi ích thiết thực từ việc ngắt ngọn đem lại rất rõ ràng. Vì vậy công đoạn kỹ thuật này không nên bỏ qua, giúp tăng năng suất, chất lượng quả hơn.
Kỹ thuật ngắt ngọn cà tím
Ngắt ngọn cà tím không cần yêu cầu kỹ thuật quá cao, chỉ cần bạn chọn đúng thời điểm, đúng cách. Thực hiện ngắt ngọn cà tím như sau:
Ngắt ngọn chính: Chọn ngày nắng ráo để khi ngắt vết ngắt sẽ mau khô, giảm tỉ lệ sâu bệnh. Sau khi trồng được 1 tháng thì cây bắt đầu ra hoa. Ngắt ngọn chính khi hoa nở, để giúp cây tập trung cho quá trình tạo quả.
Tỉa nhánh dưới: Tiến hành ngắt bỏ hết những nhánh dưới sau khi chùm hoa đầu tiên nở. Điều này giúp cây có đủ dinh dưỡng cho quá trình kết quả. Nếu để nguyên các nhánh sẽ khiến cây bị phân tán dinh dưỡng, quả còi cọc hoặc dễ bị rụng non.
Tỉa lá: Bạn nên tỉa lá cho cây, vừa giúp tạo độ thoáng vừa giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả. Nên tỉa lá bên trong, bởi những lá này ít nhận được ánh sáng, ảnh hưởng đến khả năng quang hợp.
Sau khi cắt tỉa để hạn chế sâu bệnh, tránh cây bị già sớm nên phun hoặc bón ngoài gốc dung dịch Potassium dihydrogen Phosphate 0,5% và amoniac. Kinh nghiệm thực tế của nhiều người cho thấy, việc cắt tỉa cành sẽ giúp tăng năng suất cho cây. Nguyên nhân bởi việc cắt tỉa sẽ khiến cây cà lùn hóa, phân ra nhiều nhánh, quả mọc sai hơn, tăng sản lượng.
Cà tím trồng bao lâu ra quả?
Cây cà tím là loại cây trồng có thời gian thu hoạch ngắn. Tuy nhiên thời gian cụ thể phụ thuộc vào từng giống cà tím. Sau khi trồng khoảng 1 tháng cây sẽ bắt đầu ra chùm hoa đầu tiên. 1 tháng tiếp theo là khoảng thời gian kết quả, lớn dần và chuyển sang màu tím là có thể thu hoạch.
Như vậy chỉ khoảng hơn 2 tháng bạn sẽ bắt đầu thu hoạch lứa quả đầu tiên. Tuy nhiên thời gian thu hoạch có thể ảnh hưởng rất nhiều bởi chế độ chăm sóc. Vì vậy cần trồng đúng kỹ thuật, bón phân định kỳ để cây phát triển tốt, sai quả.
Thu hoạch cà tím đúng cách
Thời điểm thu hoạch cà tím là khi thấy quả có dấu hiệu chuyển màu hoàn toàn sang tím. Không nên để quá lâu mới thu hoạch bởi quả già sẽ nhiều hạt, hạt to, nhiều xơ, xốp kém ngon. Khi thu hoạch nên dùng dao hoặc kéo để cắt phần cuống, không cắt sát vào cây khiến cây dễ nhiễm sâu bệnh.
Sau thu hoạch lứa trái đầu tiên nên tiến hành bón thêm phân hữu cơ, phân ủ hoai mục giúp cây có thêm dinh dưỡng để tập trung ra quả lứa sau. Lưu ý: Nên bón phân xa phần gốc, không bón trực tiếp lên gốc.
Hi vọng với cách hướng dẫn ngắt ngọn cà tím như trên, sẽ giúp ích cho quý bạn trong quá trình trồng cà tím. Nếu áp dụng đúng, cây cà tím sẽ khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, cây ra nhiều quả, quả to đều chất lượng hơn.