cach-phong-tru-chau-chau-tre-lung-vang-2

Cách phòng trừ châu chấu tre lưng vàng ĐẶC BIỆT HIỆU QUẢ

Từ giữa tháng 4/2024, châu chấu tre lưng vàng đã phát sinh và phát triển mạnh, gây hại nặng cho sản xuất nông nghiệp ở nước ta. Đến tháng 6/2024, châu chấu tre đã xuất hiện và gây hại tại 11/16 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc với diện tích nhiễm hơn 1.031 ha và đàn châu chấu tiếp tục có nguy cơ di chuyển, gây hại sang các vùng khác.

Đến nay, đã có 11 tỉnh đã bị châu chấu tre tấn công gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Lạng Sơn, Sơn La, Tuyên Quang, Hòa Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh. Diện tích nhiễm khoảng 1.031ha, trong đó, tỉnh Cao Bằng nhiễm nặng nhất với 773ha; tiếp đến là Bắc Kạn 63 ha, Nghệ An 50 ha, Lạng Sơn 38,5 ha, Phú Thọ 38,2 ha, Tuyên Quang 21 ha, Thanh Hóa 20 ha, Sơn La 10 ha, Hòa Bình 7 ha và Điện Biên 0,5 ha.

Trước nguy cơ dịch châu chấu bùng phát, ngày 6/6/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Văn Thạch đã ký ban hành Quyết định số 696/QĐ-UBND về việc công bố dịch Châu chấu tre gây hại cây rừng và cây trồng nông nghiệp trên địa bàn. Ngày 13/6, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Trung cũng đã ký Công văn số 4229/BNN-BVTV về việc chỉ đạo phòng chống châu chấu hại tre nứa và cây nông nghiệp.

Châu chấu tre là loài côn trùng đa thực, có sức phá hoại lớn, chủ yếu gây hại trên cỏ dại, rừng tre, vòng đời dài, thời gian sống và phá hại khoảng 5-6 tháng trong năm. Chúng di chuyển nhanh thành từng đàn, khó kiểm soát. Khi hết thức ăn trên rừng chúng có thể di chuyển đến phá hại các cây trồng khác gần khu rừng hoặc giáp ven rừng như: Ngô, lúa, bầu… và trên cây rừng.

phong-tru-chau-chau-tre-lung-vang-1

Châu chấu tre ở Cao Bằng (Ảnh: H. Cường – Báo Tuổi Trẻ)

Biện pháp phòng trừ châu chấu tre

Để đề phòng chấu chấu tiếp tục phát sinh mạnh và gây hại, ngoài các biện pháp ngăn chặn từ xa thông qua kiểm dịch, cần có các biện pháp kịp thời phòng trừ châu chấu tre như sau:

Biện pháp thủ công:

  • Bà con cần thăm đồng thường xuyên, kiểm tra rừng tre, đồng ruộng của mình và nhất là những khu vự ven đồi rừng có trồng tre xung quanh, cập nhật thường xuyên thông tin về châu chấu tre để nắm bắt tình hình di chuyển và gây hại của đàn châu chấu để có biện pháp xử lý kịp thời.
  • Phát quang bờ cây, bụi rậm nhằm triệt tiêu nơi trú ngụ, sinh sản của châu chấu tre. Tổ chức phát hiện ổ trứng ở những khu vực có tàn dư lá tre khô gần vườn đồi để đào bới và diệt trứng.
  • Phát hiện sớm những ổ châu chấu non mới nở, còn co cụm, mật độ thấp và dùng vợt bắt thủ công đem tiêu hủy. Việc phát hiện và tiêu diệt đàn châu chấu khi còn non và co cụm rất quan trọng vì lúc đó việc tiêu diệt chúng dễ dàng hơn rất nhiều so với khi chúng trưởng thành và giảm thiểu hậu quả gây hại. Có thể sử dụng châu chấu tre lưng vàng làm nguồn thức ăn cho ngan, vịt, gà… hoặc tiêu hủy bằng cách đào hố đổ châu chấu tre lưng vàng vào, sau đó phủ vôi bột và chôn lấp.
  • Theo kinh nghiệm của các nhà nghiên cứu nông nghiệp và nông dân ở Vân Nam, nơi châu chấu tre là sinh vật bản địa – Châu chấu tre (cả non và trưởng thành) rất ưa thích mùi nước tiểu người đã lên men (khoảng 25-30 ngày) nên có thể dùng làm bẫy bả thu hút và tiêu diệt châu chấu tre. Cách làm bẫy bả như sau: Đào các hố nhỏ, đường kính khoảng 20 cm, cách nhau khoảng 5-8m dọc theo đường đi hoặc ven đồi tre, lót nilon và đổ vào đó khoảng 150ml nước tiểu đã ủ lên men 25-30 ngày) có pha thuốc trừ sâu trichlorfon khoảng 2-5% để dẫn dụ và tiêu diệt. Cũng có thể sử dụng và tận dụng các vật chứa bả khác như cây tre bổ đôi làm máng, chai lọ nhựa…
  • Châu chấu tre lưng vàng có tập tính ưa thích bay vào ánh lửa lúc ban đêm. Do vậy, những vùng có mật độ cao có thể đốt lửa vào ban đêm để tiêu diệt nhằm giảm mật độ châu chấu tre lưng vàng nhưng cần chú ý quản lý để tránh lửa cháy lan hoặc tàn lửa gây cháy rừng.

cach-phong-tru-chau-chau-tre-4

TS. Nguyễn Văn Biếu cung cấp ảnh

Biện pháp sinh học:

Khi châu chấu ở tuổi 2-3, bà con áp dụng các chế phẩm sau:

Chế phẩm NOLPOR có thành phần là Nosema locustae, loài sinh vật đơn bào gây bệnh cho côn trùng bộ cánh thẳng Orthoptera. Châu chấu khi ăn phải thức ăn (lá tre, bắp, lúa,…) có bào tử Nosema sẽ bị nhiễm bệnh và chết, Nosema có thể lây truyền bệnh cho thế hệ kế tiếp của châu chấu qua trứng.

Khi phát hiện châu chấu tre lưng vàng mới phát sinh có nguy cơ thành dịch, ưu tiên sử dụng chế phẩm sinh học như nấm ký sinh côn trùng như nấm trắng Beauveria bassiana, nấm xanh Metarhizium anisopliae và nấm xanh Metarhizium acrium, chủng CQMa102 là một loại nấm được sử dụng trong kiểm soát châu chấu ở khu vực đồng cỏ, khu canh tác nông nghiệp và rừng. Sử dụng hai loại chế phẩm trên đều an toàn cho con người, vật nuôi và môi trường; dễ phun bằng bình đeo vai hoặc bình động cơ. Thời gian phun chủ yếu khi châu chấu ở tuổi 2 và 3.

Bảo vệ các loài thiên địch và ký sinh châu chấu tre như: Bọ ban miêu đen (Epicauta ruficeps), ong ký sinh Telenomus spp, ruồi ký sinh Tachina, kiến, nhện, bọ ngựa…

cach-phong-tru-chau-chau-tre-7

Ong Telenomus spp ký sinh trứng châu chấu. (TS. Nguyễn Văn Biếu cung cấp ảnh)

Để kiểm soát châu chấu tre, có thể trồng cây gỗ trăn (alder) (Alnus rubra) và cây Hông (Paulownia fortunei) ở bìa rừng để thu hút châu chấu đến tập trung và tiện quản lý, tiêu diệt.

Biện pháp hoá học:

Khi phát hiện châu chấu tre lưng vàng phát sinh với mật độ cao (Trên 20 châu chấu non/m²), có nguy cơ ăn trụi lá cây, cần khoanh vùng và ưu tiên phun trừ ngay bằng thuốc sinh học. Khi cần thiết, sử dụng thuốc hóa học khi châu chấu non  còn co cụm chưa phát tán rộng. Có thể sử dụng thiết bị bay UAV để có thể phun rải thuốc tốt và đều trên tầng lá cao của rừng tre nứa.

cach-phong-tru-chau-chau-tre-6

Sử dụng một trong các loại thuốc trừ châu chấu tre có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam có gốc hoạt chất như: Emamectin benzoate, Lufenuron, Fenitrothion, Imidacloprid, Thiosultap-sodium… Phun cuốn chiếu từng khu vực để tiêu diệt, tránh chúng phát tán gây hại trên diện rộng. Nên phun vào sáng sớm hoặc chiều mát và phun từ cao xuống thấp, bởi đây là thời điểm châu chấu tre lưng vàng ít di chuyển, thường tập trung gây hại trên cây trồng.

Khi phát hiện sớm châu chấu tre hại khu vực trồng tre, nứa, có thể sử dụng thuốc trừ sâu nội hấp có hoạt chất Buprofezin, Imidaclorid… pha nồng độ 5-10% bơm vào lỗ đục tre nứa để thuốc phát tán lên lá và diệt khi châu chấu gây hại.

cach-phong-tru-chau-chau-tre-5

TS. Nguyễn Văn Biếu cung cấp ảnh

Lưu ý khi phun thuốc: Phun thuốc theo chỉ dẫn trên nhãn thuốc và tuân thủ đúng kỹ thuật. Người đang ốm, phụ nữ có thai hoặc đang thời kỳ cho con bú không được làm việc với thuốc. Mang dụng cụ bảo hộ như kính mắt, mũ, găng tay, khẩu trang, ủng… không dùng tay trần trực tiếp khuấy trộn hoặc rải thuốc. Không phun thuốc ngược chiều gió, không ăn uống và hút thuốc khi đang làm việc với thuốc. Phun thuốc xong phải thay quần áo, tắm rửa sạch sẽ. Không đổ nước thuốc thừa hoặc rửa bình bơm, dụng cụ pha thuốc xuống nguồn nước sinh hoạt và nuôi cá.

Đối với các địa phương chưa phát sinh châu chấu tre lưng vàng gây hại cần tăng cường điều tra, theo dõi, dự báo khả năng phát sinh, phát triển của châu chấu tre lưng vàng để chủ động phương án phòng, chống kịp thời, tránh để châu chấu phát sinh thành dịch gây ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng của bà con.

Tìm hiểu về châu chấu tre

Châu chấu tre lưng vàng (Tên tiếng Anh: yellow-spined Bamboo locust) có tên khoa học là Ceracris kiangsu Tsai (=Ceracris kiansu Tsai, Rammeacris kiangsu) thuộc họ châu chấu Acrididae (= locustidae), bộ Cánh thẳng Orthoptera. Chúng là loài côn trùng đa thực, có sức phá hoại lớn, chủ yếu gây hại trên cỏ dại, rừng tre, nứa.

Vòng đời dài và thuộc nhóm biến thái không hoàn toàn (Chỉ có 3 pha: trứng, châu chấu non, châu chấu trưởng thành), thời gian sống và phá hại khoảng 5-6 tháng trong năm. Chúng thường tập trung di chuyển nhanh thành từng đàn, khó kiểm soát. Khi hết thức ăn trên rừng, chúng có thể di chuyển đến phá hại các cây trồng nông nghiệp khác gần rừng hoặc giáp ven rừng như: Ngô, lúa, bầu… và lá cây rừng khác (tới 25 loài thực vật thuộc 5 họ chủ yếu là tre, lúa, bắp, mía, rau…).

Châu chấu trưởng thành có tập tính di thực theo đàn, khoảng cách di chuyển khoảng 0,5 – 2 km/ngày. Đàn châu chấu trưởng thành có thể di chuyển xa 40 – 60 km.

Châu chấu trưởng thành màu xanh lá cây, phần bụng hơi vàng; trên lưng có sọc vàng rõ; chiều dài cơ thể 3,1-4,2 cm, châu chấu đực nhỏ hơn chấu chấu cái. Châu chấu trưởng thành sống khoảng 200 – 210 ngày và thậm chí có thể tới 1 năm tùy thức ăn. Sau khi hóa trưởng thành 1 – 2 tuần thì bắt đầu giao phối, 10 – 20 ngày sau giao phối là bắt đầu đẻ trứng. Giai đoạn trưởng thành khoảng 2 – 3 tháng tùy vào điều kiện thời tiết.

Trứng châu chấu tre lưng vàng dài 0,6 – 0,8 cm và hơi cong, màu nâu đất. Trứng thường được đẻ tại các rừng tre mọc bên sườn núi phía đông, nơi có nhiều ánh nắng và đất chặt vừa phải. Trứng sẽ nở thánh châu chấu non sau khoảng 10-40 ngày và có thể qua đông dài ngày hơn tùy nhiệt độ.

Ổ trứng tạo thành bọc, nằm dưới bề mặt đất khoảng 3-4 cm, bên trong là các quả trứng hình quả chuối, màu vàng nhạt. Một châu chấu cái thường đẻ từ 6 tới 25 bọc trứng. Mỗi bọc trứng có từ 22-24 quả trứng.

Châu chấu mới nở có màu vàng nhạt, sau đó chuyển sang màu xanh đen và vàng nâu sau 3-4 giờ, kích thước cơ thể dài khoảng 1 cm; tuổi 3 có màu đỏ nâu, lưng màu đen và có sọc giữa lưng màu vàng; Một ngày sau khi nở, chúng bắt đầu ăn các lá cây mọng nước và mềm. Châu chấu tuổi 4, 5 có màu xanh lá cây xen lẫn màu vàng. Châu chấu non có 5 tuổi, qua 4 lần lột xác trong vòng 30 – 40 ngày, hình dạng giống như châu chấu trưởng thành nhưng không có cánh và chưa có cơ quan sinh sản.

TS. Nguyễn Văn Biếu

Biên tập bởi mobiAgri

3/5 - (2 votes)

    Copyright 2023 – MobiFone

    Giấy ĐKKD: 0100686209-087. Đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 16/06/2023 cấp bởi Sở KHDT thành phố Hà Nội.

    Giấy phép thiết lập Mạng xã hội trên mạng số 145/GP-BTTTT cấp ngày 30/05/2024 bởi Bộ Thông tin và Truyền thông.

    Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Lê Quang Minh – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone – Tổng Công ty Viễn thông MobiFone.

    Phát triển và vận hành sản phẩm: Công ty cổ phần giải pháp thời tiết WeatherPlus

    DMCA.com Protection Status

    Khám phá

    Liên hệ

    Trụ sở: Số 01 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

    Tải ứng dụng

    error: Content is protected !!