Cách trồng bưởi đơn giản, sai trĩu quả, đạt chất lượng cao

Bưởi là loại trái cây được yêu thích, đem lại giá trị kinh tế cao cho nhiều vùng trồng ở nước ta. Bưởi có rất nhiều loại như: Bưởi da xanh, bưởi diễn, bưởi năm roi,… Nắm chắc kỹ thuật trồng bưởi sẽ giúp người trồng đạt năng suất cao, chất lượng quả cũng được cải thiện. Tìm hiểu thêm thông tin các bước chuẩn bị trước khi trồng và kỹ thuật trồng ngay tại bài viết này.

Thời vụ trồng bưởi

Miền Bắc

Thời vụ thích hợp trồng bưởi là mùa Xuân (tháng 2 – 4) và mùa Thu (từ tháng 8 – 10). Trong điều kiện chủ động nước tưới, trồng vào vụ Thu cây ổn định sinh trưởng, đến mùa Xuân năm sau cây sinh trưởng tốt hơn.

Miền Nam

Thời vụ trồng đầu mùa mưa (tháng 4 – 6) để tiết kiệm công tưới nhưng phải phun thuốc phòng ngừa sâu bệnh, nhất là rầy chổng cánh tấn công các đợt đọt non. Có thể trồng cuối mùa mưa (tháng 10 – 11) để hạn chế sâu bệnh hại nhưng cần phải tưới nước đầy đủ cho cây bưởi phát triển.

Chuẩn bị trước khi trồng bưởi

1. Vệ sinh vườn trước khi trồng

Dọn cỏ dại và tàn dư cây trồng bằng phương pháp cơ học: dùng cuốc, liềm, dao hoặc máy cắt cỏ. Xử lý cỏ dại và tàn dư thực vật: Sau khi cắt cỏ dại và tàn dư cây trồng bằng phương pháp cơ học, chúng ta có thể tận dụng để làm thức ăn cho gia súc hoặc ủ cỏ thành phân hữu cơ.

Thu gom tàn dư thực vật.

Trước khi ủ, cần băm nhỏ cỏ và tàn dư thực vật bỏ vào đống ủ. Khi ủ cần tạo nhiều lớp ủ, cỏ dại/tàn dư, phân chuồng, mỗi lớp dày 0,4 m;. Luôn giữ đủ ẩm trong quá trình ủ. Cứ tiếp tục ủ từng lớp nguyên liệu như vậy cho đến hết. Sau ủ khoảng 3 tháng, cỏ dại và tàn dư cây trồng hoai hoàn toàn sẽ nát vụn và có màu đen thì sử dụng được. Sau khi vệ sinh cỏ dại, tàn dư thực vật tiến hành bón vôi giúp diệt các vi khuẩn, nấm gây hại, hạ phèn cải tạo đất trồng. Khối lượng vôi bón 100 kg/1000 m², sau khi bón vôi tưới nhiều nước giúp vôi tan hoàn toàn.

2. Chuẩn bị đất trước khi trồng

Làm đất và xử lý đất

Trước khi trồng khoảng 2 tháng tiến hành làm đất. Bà con phải cày bừa kỹ, làm sạch cỏ, gốc rễ cây, xử lý đất bằng vôi bột (500 kg/ha), thuốc trừ nấm, tuyến trùng, sâu.

Chuẩn bị mô và hố

Đắp mô

Vùng đồng bằng nơi có tầng canh tác dày, mực thuỷ cấp thấp, không bị ảnh hưởng bởi lũ lụt hàng năm: Tạo luống, giữa các luống có rãnh thoát nước, không cần đào mương. Trên các luống đắp mô rồi trồng cây lên mô. Đất làm mô trồng thường là đất mặt hoặc đất bãi ven đồi, ven sông.

Vùng thấp thường bị nước mưa làm ngập hàng năm: Sau khi lên luống, cần đắp mô để nâng cao tầng canh tác rồi mới trồng cây lên mặt mô. Cách lên luống như kiểu đắp thành mô, đất đắp mô nên được lấy từ đất mặt ruộng hoặc đất bãi ven đồi, ven sông.

Lên luống, đắp mô.

Vùng có lớp đất mặt mỏng nhưng lớp đất dưới lại không tốt lắm, thậm chí có ít phèn: Lớp đất mặt đào ở mương lên được tập trung đắp thành các mô, phần đất xấu ở phía dưới được đưa vào phần còn lại của luống.

Thời gian đắp mô: Mô được đắp trước khi trồng 20 – 30 ngày kết hợp bón lót. Bón lót gồm: 10 – 20 kg phân chuồng được ủ hoai mục và 1 kg phân Lân. Trong khi bón lót cần bổ sung các thuốc diệt kiến, mối.

Kích thước mô: Mô cao 30 – 50 cm, đường kính 60 – 80 cm, tùy theo từng giống cây.

Đào hố

Vùng đất cao như miền Đông Nam Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, miền núi và trung du phía Bắc… nơi có nước tưới hoặc nước ngầm để tưới vào mùa khô: Không cần phải đào mương, lên luống, chỉ đào hố theo đường đồng mức theo kiểu nanh sấu. Vùng đồng bằng, đất thấp: Lên luống theo kiểu cuốn chiếu, lớp đất mặt dày, tốt và lớp đất dưới không xấu lắm (không có phèn), luống đã được đắp cao. Đào hố theo đường thẳng.

Kích thước hố: Hố trồng đào rộng 0,6 – 0,7 m, sâu 0,5 m.

Bón phân lót: Trước khi trồng 1 tháng, cùng với thời điểm đào hố. Khi bón, trộn đều 10 – 20 kg phân chuồng và 1 kg phân Lân với lớp đất mặt và lớp đất giữa (khi đào hố để riêng). Trộn hỗn hợp đất vừa đào hố và phân bón lót cho xuống hố, dùng cuốc phá thành hố sau đó rải vôi lên mặt hố và lấp đất mỏng 2 – 3 cm. Trong khi bón lót cần bổ sung các thuốc diệt kiến, mối.

Rải phân vào hố.

3. Lựa chọn đất trồng

Cây bưởi thích hợp trồng ở vùng đất ven sông, phù sa cổ, đất bazan và thành phần cơ giới nhẹ hoặc trung bình. Đất tơi xốp, thông thoáng, thoát nước tốt, pH đất từ 5,5 – 6,5 có hàm lượng hữu cơ cao trên 3%, không bị nhiễm mặn, mực nước ngầm thấp dưới 0,8 m.

Việc chuẩn bị đất để mang lại hiệu quả cho cây trồng cần đạt các yêu cầu sau:

  • Chọn vùng có tầng đất canh tác dày ít nhất là 0,6 m, giàu mùn, có khả năng thoát nước tốt, chân ruộng nên đắp cao. Nếu là đất đồi thì cần chú ý độ dốc.
  • Tăng cường độ thông thoáng, tơi xốp của đất.
  • Đất sau khi làm xong phải bằng phẳng, sạch cỏ dại và không chứa các mầm mống sâu bệnh.
  • Đất cần đủ sâu để tạo cho lớp đất mặt được tơi xốp, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho cây sinh trưởng tốt hơn về sau.

4. Thiết kế mương luống

Yêu cầu

Áp dụng cho vùng đất thấp, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long Hướng luống song song hay thẳng góc với bờ bao, để dễ dàng điều tiết nước trong vườn. Bố trí theo hướng Đông – Tây.

Có thể làm luống đơn rộng 2 – 5,5m hoặc luống đôi rộng 7 – 12 m, dài không quá 300 m. Ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, luống đôi cần phải đảm bảo độ bằng phẳng của mặt luống để tránh cho các hàng trồng giữa bị thiếu nước trong mùa khô hay luống bị ngập úng trong mùa mưa. Chiều cao luống thích hợp khoảng 30 – 50 cm. Ở những vùng đất phèn không nên đưa tầng phèn lên trên mặt líếp.

Ở vùng có tầng canh tác dày, mực thủy cấp thấp, không bị ảnh hưởng bởi lũ lụt hàng năm: lên luống theo kiểu đắp mô rồi trồng cây trên mô. Ở vùng thấp thường bị nước mưa làm ngập hàng năm: sau khi lên luống cần đắp mô để nâng cao tầng canh tác rồi mới trồng cây trên mô. Xung quanh vườn, xây dựng hệ thống bờ bao để bơm nước ra khỏi vườn khi cần thiết.

Thiết kế mương

Mương rộng hay hẹp còn tùy theo thế đất cao hay thấp, mặt bằng vườn cao mương có thể để rộng 1 – 2 m, nếu mặt bằng vườn thấp mương cần rộng từ 2 – 3 m, sâu 1 – 1,5 m. Khi đào mương lấy đất, chú ý không được đem lớp đất sinh phèn (nếu có) lên mặt luống. Nếu đất chua cần bón thêm vôi để nâng cao độ pH lên khoảng 5,5 – 6,0.

Các kiểu thiết kế luống (còn gọi là liếp)

Lên luống theo kiểu cuốn chiếu

Áp dụng: Vùng có lớp đất mặt dày, tốt và lớp đất dưới không xấu lắm (không có phèn).

Cách làm: Lớp đất mặt ở mương thứ nhất được đưa qua luống thứ nhất bên trái. Tiếp đến, lớp dưới trải lên luống thứ 2 bên phải. Sau đó, lớp đất mặt đào ở mương thứ 2 đưa trải chồng lên mặt luống thứ 2. Tiếp đến lớp dưới của mương thứ 2 trải lên luống thứ 3 và lớp mặt của mương thứ 3 trải chồng lên mặt luống thứ 3. Lớp dưới của mương thứ 3 trải lên luống thứ tư và cứ như vậy mãi cho đến luống cuối cùng. Luống kiểu này có thể chọn cây ngắn ngày trồng xen khi cây còn nhỏ, thích hợp nhất là cây họ Đậu.

Lên luống theo kiểu đắp thành băng hoặc mô

Áp dụng: Vùng có lớp đất mặt mỏng nhưng lớp đất dưới lại không tốt lắm, thậm chí có chút ít phèn,

Cách làm: Trường hợp đắp thành băng: Lớp đất mặt đào ở mương được trải dài thành băng ở giữa dọc theo luống, sau đó, lớp đất dưới được đắp vào 2 bên băng. Lớp đất ở 2 bên băng luôn luôn thấp hơn mặt băng để khi mưa các chất độc không tràn vào băng mà trôi xuống mương và được rửa đi. Lên luống theo kiểu đắp thành băng thì ngoài cây ăn quả, phần đất còn lại trên băng có thể được trồng xen ngay với các loại hoa màu khác khi cây còn nhỏ, vì đây là phần đất tốt. Trường hợp đắp thành mô: Lớp đất mặt đào ở mương được tập trung đắp thành các mô. Phần đất xấu ở phía dưới được đưa vào phần còn lại của luống.

Lên luống theo kiểu đắp thành mô

Áp dụng: Vùng đất thấp thường bị mưa ngập hàng năm.

Cách làm: Sau khi lên luống cần đắp mô để nâng cao tầng canh tác rồi mới trồng cây lên mặt mô. Cách lên luống như kiểu cuốn chiếu. Đất đắp mô nên được lấy từ đất mặt ruộng hoặc đất bãi ven đồi, ven sông. Xung quanh vườn, xây dựng hệ thống bờ bao để có thể bơm nước ra khỏi vườn khi cần thiết. Kích thước, khoảng cách và vị trí các mô theo khoảng cách của từng giống cây.

5. Thiết kế hệ thống tưới tiêu

Cây bưởi cần rất nhiều nước vào giai đoạn ra đọt non, ra hoa, đậu quả nhưng không chịu được ngập úng. Cần xây dựng hệ thống tưới nước và thoát nước tốt, đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu nước tưới của cây vào mùa nắng và thoát nước hiệu quả vào mùa mưa, không để cây bị ngập úng nước.

Tưới phun mưa dưới gốc.

Thiết kế vườn cần hệ thống đê bao, cống cấp và thoát nước, mương hoặc hồ sâu, rộng đủ để trữ ngọt tưới vườn trong mùa khô. Trong mùa mưa chú ý khắc phục tình trạng ngập úng. Trong mùa nắng cần tưới đủ nước khoảng 3 – 5 ngày/lần để nâng cao năng suất, chất lượng bưởi. Nên áp dụng các hệ thống tưới tiết kiệm nước cho vườn bưởi.

Lắp đặt hệ thống phun tưới trong vườn cây.

6. Xây dựng đai phòng hộ

Đai rừng phòng hộ

Đai rừng phòng hộ có tác dụng hạn chế xói mòn, rửa trôi đất và giữ nước, làm giảm tốc độ gió bão từ 25 – 40%, giảm lượng bốc hơi nước, giữ ẩm trong mùa khô, giữ nhiệt độ trong mùa lạnh, điều hòa nhiệt độ trong những vùng có gió nóng và thường có hạn đất, hạn không khí xảy ra. Đai rừng phòng hộ còn ngăn cản những đợt gió mạnh và nóng, đặc biệt ở các tỉnh Bắc Trung Bộ… Đồng thời, chúng giúp làm giảm nhiệt độ và giảm thoát nước bề mặt khi gặp gió Tây Nam.

Cây phòng hộ giúp hạn chế gió trong mùa cây bưởi ra hoa, tránh làm cây bưởi đổ ngã, rụng quả. Khi cây chắn gió ra hoa giúp dẫn dụ các đàn ong rất tốt cho việc thụ phấn hoa bưởi, giúp cây đạt tỉ lệ đậu quả cao. Đai rừng phòng hộ còn hạn chế được sương muối, sương giá, và giúp ngăn được một số loài sâu bệnh hại, vectors truyền bệnh. Cây làm đai rừng phòng hộ không được là cây ký chủ của sâu bệnh hại giống với cây có múi. Có thể chọn các loại cây như mít, vải, nhãn, xoài, bạch đàn, xà cừ, keo dậu, cốt khí, keo tai tượng…. Đai rừng bố trí cách xa vườn cây khoảng 8 – 10 m.

Ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long thường trồng cây dừa nước, cây tràm, keo tai tượng, cây muồng đen… và trồng cách vườn bưởi ít nhất 5 m để tránh cạnh tranh chất dinh dưỡng. Một đai rừng có nhiều hàng cây, 1 – 2 hàng cây chính và 2 – 3 hàng cây phụ. Hàng cây chính trồng giữa, hàng cây phụ ở hai bệnh. Khoảng cách mỗi hàng cây là 2 – 2,5 m; khoảng cách cây là 1 – 1,5 m tùy loại. Cây trồng phòng hộ nên trồng trước khi trồng cây chính.

Cây che bóng

Bưởi thích hợp với khoảng 70% ánh sáng toàn phần nhất là trong giai đoạn cây con. Vì vậy, nên trồng thêm một số cây che bóng như mít, cau, dừa, mù u, muồng, keo,… Cây che bóng thường được trồng xen giữa hai hàng cây bưởi hoặc dọc theo mương.

Kỹ thuật trồng bưởi

1. Mật độ khoảng cách trồng bưởi

Khoảng cách trồng trung bình có thể là 4 – 5 m x 5 – 6 m (tương đương mật độ trồng khoảng 35 – 50 cây/1000 m²). Vùng đồi (đất xấu): Mật độ 500 cây/ha. Khoảng cách hàng cách hàng 5 m, cây cách cây 4 m. Vùng đồi (đất tốt): Mật độ 400 cây/ha. Khoảng cách hàng cách hàng 5 m, cây cách cây 5 m.

Vùng đồng bằng: Mật độ 400 cây/ha. Khoảng cách hàng cách hàng 5 m, cây cách cây 5 m. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long khoảng cách trồng 6 x 6 m. Vùng Đông Nam Bộ và Duyên hải miền Trung khoảng cách trồng thưa hơn 7 x 8 m (178 cây/ha).

2. Kỹ thuật trồng cây

Chuẩn bị cây giống

Tùy theo yêu cầu về địa hình, điều kiện về mực thủy cấp, khoảng cách, mật độ trồng để chọn cây bưởi giống chiết hoặc cây bưởi ghép cho phù hợp.

Cây giống chiết (trồng ở vùng có mực thủy cấp cao)

Ở Đồng bằng Sông Cửu Long nên trồng bưởi chiết, vì rễ ăn ngang tránh gặp tầng đất phèn, mau ra quả. Cây trồng bằng cành chiết thường thấp, phân cành cân đối, thuận lợi cho chăm sóc và thu hoạch. Cây phải đúng giống, đồng nhất về hình thái và đặc tính di truyền, độ sai khác không vượt quá 5%, sinh trưởng khỏe, không mang mầm mống sâu bệnh hại.

Cành giống ghép (trồng ở vùng có mực thủy cấp thấp)

Ở các vùng đồi Đông Nam Bộ và Tây Nguyên nên chọn cây bưởi ghép, vì bộ rễ cọc ăn sâu khi cây phát triển cành, tán lớn ít đổ ngã, bộ rễ khỏe dễ tìm đến nguồn nước và dinh dưỡng trong điều kiện ít nước bề mặt. Nên chọn gốc ghép là giống bưởi lông Cổ Cò có ưu điểm sức sống mạnh, khả năng chống chịu tốt. Nguồn cây giống cần đảm bảo không nhiễm các bệnh nguy hiểm như Greening, Tristeza, Phytophthora. Cành lấy mắt ghép là những cành nghiêng ở giữa thân, chọn đều theo các hướng (không lấy mắt ghép ở các cành vượt).

Trồng cây

Dùng dao cắt đáy bầu và đặt cây xuống giữa hố, đặt mặt bầu cây nhô cao khoảng 3 – 5 cm so với mặt mô hoặc hố, sau đó lấp đất xung quanh bầu, kéo bao nilon lên từ từ và lấp đất lại ngang mặt bầu.

Tỉa bớt lá trên cây giống (nếu nhiều lá). Trong một số trường hợp cần cắt rễ cọc, để tránh rễ ăn sâu gặp tầng phèn hoặc thủy cấp cao dễ bị thối rễ. Trước trồng 10 ngày nên tưới thuốc trừ sâu lưu dẫn vào bầu cây con, để xử lý côn trùng có thể gây hại bộ rễ khi đưa từ vườn ươm ra ngoài.

Cách đặt cây:

Cây mắt ghép: Đặt cây phải xoay mắt ghép hướng về chiều gió để tránh gãy nhánh. Cây chiết có nhánh phân bố đều: Đặt thẳng. Cây chiết ít nhánh: Đặt nghiêng nhằm giúp các đọt bên mọc lên để tạo tán.

Cắm cọc giữ cây cố định để tránh gió làm lung lay và tưới nước cho cây ngay sau khi trồng.

Như vậy bài viết trên đã giới thiệu tới bạn quy trình trồng bưởi đúng kỹ thuật, giúp cây sai trĩu quả, nâng cao chất lượng quả. Chúc bạn áp dụng những kỹ thuật trồng thành công và đạt hiệu quả cao.

1.2/5 - (5 votes)

    Để lại một Bình luận

    Copyright 2023 – MobiFone

    Giấy ĐKKD: 0100686209-087. Đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 16/06/2023 cấp bởi Sở KHDT thành phố Hà Nội.

    Giấy phép thiết lập Mạng xã hội trên mạng số 145/GP-BTTTT cấp ngày 30/05/2024 bởi Bộ Thông tin và Truyền thông.

    Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Lê Quang Minh – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone – Tổng Công ty Viễn thông MobiFone.

    Phát triển và vận hành sản phẩm: Công ty cổ phần giải pháp thời tiết WeatherPlus

    DMCA.com Protection Status

    Khám phá

    Tin tức - sự kiện

    Liên hệ

    Trụ sở: Số 01 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

    Tải ứng dụng

    error: Content is protected !!