Cà chua là loại rau quả được sử dụng phổ biến trên thế giới, bởi hương vị thơm ngon, nguồn dinh dưỡng dồi dào. Cà chua có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon để xào, nấu canh, ăn sống hoặc ép nước đều rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên bạn phải lựa chọn nguồn cung uy tín, sạch sẽ để đảm bảo an toàn thực phẩm. Bạn cũng có thể hạn chế được những rủi ro khi sử dụng thực phẩm bằng cách tự tăng gia sản xuất. Cà chua trồng không quá khó, dễ thích nghi với môi trường, vì vậy bạn có thể tự trồng tại nhà một cách dễ dàng.
Nội dung bài viết
Thời vụ trồng cà chua
Cà chua thích hợp tất cả các vùng ở Việt Nam. Thời vụ gieo trồng trong năm chỉ cần tránh thời điểm khi ra hoa, đậu quả nhiệt độ quá cao và quá thấp.
Miền núi, trung du Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ
Vụ Đông
Vụ sớm: Gieo vào tháng 7 – 8, thu hoạch tháng 10 – 11. Gieo trồng trong vụ sớm phải làm luống cao, tiêu nước tốt, che cho vườn ươm.
Chính vụ: Gieo vào tháng 9, giữa tháng 10; thu hoạch vào tháng 1 đến tháng 2 năm sau. Vụ này cho năng suất cao.
Vụ muộn: Gieo trồng cuối tháng 10, tháng 11; thu hoạch tháng 3 đến tháng 4. Thời điểm này là lúc thị trường khan hiếm cà chua. Ở miền núi phía Bắc không nên gieo trồng vụ này vì lúc ra hoa, đậu quả thường gặp nhiệt độ thấp.
Vụ Xuân Hè
Gieo giữa tháng 1; trồng cuối tháng 2, đầu tháng 3; thu hoạch vào cuối tháng 5 – 6.
Vụ Hè Thu
Gieo tháng 5 – 6, thu hoạch vào tháng 10 – 11. Vụ này chủ yếu trồng giống cà chua ghép trên gốc cà tím.
Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ
Vụ Đông Xuân
Gieo tháng 10 – 11 dương lịch, thu hoạch vào tháng 1 – 2.
Vụ Xuân Hè
Gieo tháng 12 – 1, thu hoạch vào 3 – 4.
Vụ Hè Thu
Gieo tháng 6 – 7, thu hoạch vào tháng 9 – 10.
Chuẩn bị trước khi trồng cà chua
Chuẩn bị vật liệu trồng
Cà chua là loại cây có khả năng phát triển mạnh, có bộ rễ chùm và lớn. Khi cây vào giai đoạn phát triển mạnh sẽ cho ra nhiều nhánh nên cần một không gian chậu đủ lớn để cây phát triển. Trồng cà chua trong thùng xốp là cách được nhiều người áp dụng. Trước tiên, bạn cần đục nhiều lỗ ở dưới đáy thùng để cây có thể thoát nước. Đồng thời đặt thùng xốp cao hơn một chút so với mặt đất khi trồng. Nếu như không có thùng xốp, bạn có thể sử dụng những chậu lớn trong nhà để trồng, miễn sao thùng đủ không gian, và khả năng thoát nước tốt là được. Các vật liệu để trồng đều phải có độ sâu tối thiểu 30 cm.
Đối với thùng xốp: Chiều dài, chiều rộng và chiều cao cần lớn hơn 25 cm là trồng được 1 cây.
Đối với chậu tròn: Đường kính đáy chậu trên 25 cm, chiều cao trên 25 cm.
Các gia đình ở thành thị lựa chọn trồng cà chua trong thùng xốp.
Chuẩn bị đất
Cà chua là cây có khả năng sinh trưởng và phát triển mạnh nên có thể trồng chúng trên nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên, bạn nên chọn lựa loại đất hữu cơ chứa nhiều chất dinh dưỡng, sạch sẽ không dính nguồn gây bệnh. Bạn có thể mua đất tại những chợ cây cảnh. Bạn có thể mua đất nền, chất tạo xốp, phân bón ở các cửa hàng bán cây cảnh hoặc phân bón. Sau đó, bạn trộn theo các tỷ lệ như sau:
Trộn 5 phần đất nền + 2 phần giá thể tạo xốp + 3 phần phân bón hữu cơ (phân chuồng hoai mục/phân vi sinh/phân trùn quế. Hoặc trộn 4 phần đất nền + 1 phần giá thể tạo xốp + 1 phần phân bón. Có thể trộn thêm 50 – 70 gram Lân supe, 6 gram Kali clorua, 2 gram Canxi nitrat cho lượng giá thể để trồng 4 cây cà chua. Sau khi trộn xong, cho giá thể vào vật dụng để trồng, độ dày giá thể từ 25 – 30 cm. Đổ cách mép trên của chậu/khay/thùng 2 cm. San phẳng bề mặt giá thể, ấn nhẹ, chú ý ấn ở các góc của chậu.
Chuẩn bị cây giống
Cây giống cà chua.
Cây giống được gieo tại nhà hay đi mua ở ngoài đều cần đạt theo tiêu chuẩn sau: Cây cao trung bình 12 – 15 cm, tương đương 4 – 6 lá thật (khoảng 25 – 30 ngày sau gieo hoặc hơn tuỳ theo thời vụ). Cây to, khoẻ mạnh, mập, cứng cáp, không sâu bệnh, dập nát và đúng giống. Trong trường hợp đặc biệt cũng có thể trồng khi cây con được 2 – 3 lá thật (lá nhám) nhưng cần chăm sóc cẩn thận vì cây còn non, yếu dễ nhiễm bệnh và khó thích nghi với môi trường bất thuận.
Cách trồng cà chua
Trồng cà chua rất đơn giản. Bạn có thể trồng bằng hạt hoặc bằng cây con. Nếu trồng cà chua bằng hạt bạn xem bài Cách gieo hạt ở phần NHÂN GIỐNG. Nếu trồng bằng cây con, bạn thực hiện các bước dưới đây:
Bước 1: Sau khi cho đất trộn vào chậu, bạn khoét 1 lỗ nhỏ rồi cho cây vào. Mỗi lỗ nhỏ cách nhau khoảng từ 50 – 70 cm.
Bước 2: Đặt cây vào lỗ, sâu khoảng 1/2 thân cây. Phần thân dưới sẽ mọc thêm rễ để cây thêm chắc khỏe và có thể phát triển tốt hơn.
Bước 3: Sau khi trồng xong tưới đậm nước cho cây.
Lưu ý: Bạn nên trồng vào ngày râm mát hoặc buổi chiều. Nếu trồng cây trong chậu hoặc thùng xốp thì nên cho cây ra ngoài tiếp xúc ánh nắng dần dần. Sau đó mới cho cây tiếp xúc ánh nắng hoàn toàn từ 6 – 8 giờ/ngày. Nên dùng chậu có lỗ hoặc đục 1 vài lỗ dưới thùng xốp để cây thoát nước, nếu không cây sẽ ngập úng.
Cách làm giàn cà chua
Các giống cây cà chua leo phải được buộc vào cọc sau khi nở hoa. Nếu không, các cành leo sẽ bò lan dưới đất và không cho quả khoẻ mạnh.
Nguyên liệu
Làm giàn thường dùng trúc, nứa tép, cây điền thanh, cây đay, ống nước nhựa hoặc kẽm.
Kích cỡ của cọc đỡ hay giàn
Nếu chỉ trồng trong chậu nhỏ với cây cà chua hữu hạn thì chỉ cần một cái cọc dựng lên để đỡ cây, nhưng nếu là giống cây giống vô hạn, bán hữu hạn thì phải dựng giàn đỡ, khung đỡ.
Cách làm
Kích cỡ của giá đỡ hay cọc tre phụ thuộc vào giống của từng loại cà chua ban đầu trồng. Nếu là những giống cà chua quả nhỏ, bạn có thể dựng cọc đỡ theo phương thẳng đứng. Tuy nhiên đối với giống cà chua quả to, cây phát triển tốt thì bạn cần làm giàn đỡ chắc chắn mới giữ được trọng lượng của quả. Sau khi làm giàn, bạn có thể buộc cành cà chua bằng dây vải hoặc dây nhựa mềm giúp thân không bị trầy xước ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.
Một lưu ý nhỏ khi làm giàn, đó là hãy cắm cọc đỡ để tránh ảnh hưởng tới sự sinh trưởng của cây. Có thể tận dụng những thanh gỗ, các thanh nhựa, tuýp sắt… để sử dụng làm giá đỡ. Tùy thuộc vào vị trí đặt chậu có thể cắm giàn cà chua theo các cách sau:
Làm giàn cho giống sinh trưởng hữu hạn, thấp cây.
Tạo giàn đứng cho cây cà chua.
Làm giàn trụ cho cây cà chua.
Làm dây leo cho cà chua.
Chăm sóc cây cà chua
Bạn có thể bón phân hữu cơ hoặc vô cơ. Tuy nhiên, để có nguồn cà chua sạch bạn nên dùng phương pháp bón phân hữu cơ.
Bón thúc bằng phân hữu cơ
Nguồn phân
Bạn có thể mua phân hữu cơ và phân hữu cơ vi sinh của các hãng như Sông Gianh, Bình Điền, Humix… tại các cửa hàng phân bón hoặc tự ủ phân hữu cơ tại nhà. Có rất nhiều cách làm phân hữu cơ. Dưới đây chúng tôi hướng dẫn bạn cách làm nước phân hữu cơ từ vỏ chuối và vỏ khoai tây:
Cách làm nước phân hữu cơ từ vỏ chuối rất đơn giản, nhanh gọn.
Thái nhỏ 1 vỏ quả chuối ngâm vào trong 1 lít nước sạch để 1 ngày sau đó lấy nước tưới cho cây ủ ẩm. Hoặc lấy vỏ của 3 củ khoai tây ngâm trong 1 lít nước sạch để 2 ngày sau đó lấy nước tưới cho cây, tưới đủ ẩm. Trước khi tưới pha thêm 1 lít nước nữa.
Kỹ thuật bón phân
Nếu mua phân bón bán sẵn, bạn thực hiên như hướng dẫn trên bao bì. Với phân hữu cơ làm từ vỏ chuối hoặc vỏ củ khoai tây: Mỗi tuần tưới 1 lần. Tưới đủ ẩm, không để đọng nước trong thùng, chậu. Với phân hữu cơ ủ từ các sản phẩm hữu cơ loại thải trong nhà:
Tận dụng các sản phẩm thải loại nhà bếp để làm phân hữu cơ bón cho cây trồng.
Bón lần đầu khi cây hồi xanh (sau 7 – 10 ngày trồng) và các lần sau cách lần trước khoảng 15 ngày. Lượng bón 1 kg/1 hốc. Thời kỳ ra hoa, quả: Khi cây ra hoa rộ (khoảng 30 – 35 ngày sau trồng) và sau lần thu hoạch lứa quả đầu tiên. Lượng bón 1,5kg/1 hốc. Bón trực tiếp vào giữa 2 hàng cây. Sau đó phủ lớp giá thể (khoảng 1 cm) lên phân bón.
Bón thúc bằng phân vô cơ
Sau 7 – 10 ngày trồng, cây bén rễ bạn cần bón thúc lần 1 cho cây cà chua.
Thúc lần 1 (khi cây bén rễ khoảng 7 – 10 ngày sau trồng): Trộn đều 10 g lân Supe + 3,6 g đạm Urê + 1,8 g Canxi nitrat bón cho 1 m² đất. Bón cách gốc cây 10 – 15 cm kết hợp vun xới. Lấp kín phân bằng 1 lớp giá thể dày 1 cm.
Thúc lần 2 (lúc hoa bắt đầu có nụ, khoảng 20 – 25 ngày sau trồng): Dùng 9 g lân Supe + 11 g đạm Urê + 9 g Kaliclorua + 2,4 g Canxi nitrat bón cho 1 m² đất, bón vào giữa 2 hốc kết hợp vun xới đợt 2. Lấp kín phân bằng 1 lớp giá thể dày 1 cm. Có thể hòa lượng phân trên với 2 lít nước tưới cho 4 cây.
Thúc đợt 3 (khi cây ra hoa rộ, khoảng 30 – 35 ngày sau trồng): Trộn đều 12 g đạm Urê + 12 g Kali clorua + 3 g Calcium nitrat bón cho 1 m² (tương đương 4 gốc cà chua).
Thúc đợt 4 (sau khi thu lứa quả đầu): Trộn đều 11 g đạm Urê + 3 g Kali clorua + 3 g Calcium nitrat bón cho 1 m² (tương đương 4 gốc cà chua).
Sau mỗi đợt thu hoạch tiếp theo bón lượng như đợt 4 để nuôi quả cho lứa sau. Bón vào giữa 2 hốc vào lúc chiều mát. Lấp kín phân bằng 1 lớp giá thể dày 1 cm. Có thể hòa lượng phân trên với 2 lít nước tưới cho 3 – 4 cây.
Tưới nước cho cây cà chua
Sau khi trồng
Cần tưới nước liên tục trong 7 ngày liền, mỗi ngày tưới 1 – 2 lần tuỳ thuộc theo độ ẩm của đất và điều kiện thời tiết. Tưới cách gốc 7 – 10 cm và tưới vào buổi sáng hoặc buổi chiều. 1 lít nước tưới cho 4 – 5 gốc.
Sau khi cây bén rễ
2 – 3 ngày tưới 1 lần. Tưới đủ ẩm, không để đọng nước. 1 lít nước tưới cho 4 – 5 gốc.
Khi cành lá phát triển nhiều
Lúc này số lượng nước tưới ở mỗi lần tưới cần được tăng dần lên, lần sau nhiều hơn lần trước. 1 lít nước tưới cho 2 – 3 gốc cây.
Khi có hoa, quả còn nhỏ
Đây là giai đoạn cần nhiều nước nhất. Nếu ít nước hoa dễ bị héo, quả non rụng nhiều. Tuy nhiên, không nên tưới dư thừa nước dễ làm cà chua bị sâu bệnh và tổn hại bộ rễ cây.
Bạn cần đảm bảo để đất thông thoáng, không bị ngập úng. Lượng nước tưới: 0,5 – 0,7 lít/gốc.
Lưu ý: Giai đoạn từ sau trồng đến ra hoa yêu cầu độ ẩm đất là 70 – 80%.
Giai đoạn ra hoa đậu quả, độ ẩm đất thích hợp là 80 – 90%. Vào mùa mưa, cà chua thường ít quả và quả bị nứt, bạn có thể dùng nước vo gạo để tưới cho cây hàng ngày, sẽ rất tốt. Khi gặp mưa to phải tìm mọi cách rút hết nước trong thùng, chậu.
Tỉa nhánh cho cây cà chua
Quy tắc cơ bản trong tỉa nhánh
Quy tắc 1: Không để cây bò trên mặt đất.
Quy tắc 2: Tạo khoảng không thông thoáng cho cây.
Quy tắc 3: Không bao giờ cắt tỉa khi lá cây còn ướt.
Tỉa nhánh, chồi
Thời điểm tỉa cành, chồi: Ngay sau khi cây cà chua bắt đầu lên giàn và các chồi nách xuất hiện.
Xác định cành, chồi cần phải tỉa bỏ. Tỉa bỏ tất cả các chồi, nhánh trên thân chính, chỉ giữ lại 01 nhánh mọc dưới nách lá xuất hiện chùm hoa đầu tiên của cây và thân chính. Kỹ thuật tỉa chồi: Để tỉa bỏ chồi bên, dùng tay đẩy gãy, không dùng móng tay ngắt hoặc dùng kéo cắt vì dễ nhiễm bệnh qua vết thương. Đối với các chồi đã lớn và cứng cần dùng kéo để cắt.
Lưu ý: Cần khử trùng dụng cụ tỉa nhánh. Việc tỉa nhánh, cắt lá già, lá sâu bệnh thường được làm thường xuyên 2 – 3 ngày/lần, hạn chế phát triển nhánh vô hiệu và sâu bệnh hại làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất của cây.
Tỉa lá
Tỉa bỏ lá vàng.
Nên tỉa bớt các lá gốc đã chuyển sang màu vàng, lá bệnh để ruộng được thoáng, nhất là những chân ruộng rậm rạp, dễ nhiễm bệnh trồng dầy trong mùa mưa. Sau khi thu hoạch lứa đầu cần tỉa bỏ lá già, lá bệnh, nhổ bỏ cây bị bệnh do virus gây ra như bệnh xoăn vàng lá, bệnh héo xanh…
Bấm ngọn
Bấm ngọn cà chua.
Áp dụng các giống cây cà chua leo. Sau khi trên thân chính đã đạt được số chùm hoa quả như ý muốn thì tiến hành bấm ngọn.
Lưu ý:
Cây cà chua mỗi nách đều có chồi nách và đều có khả năng phát triển cành lá, ra hoa và đậu quả. Những cành ở gần chùm hoa thứ nhất, đặc biệt ở vị trí cành ngay dưới chùm hoa cho sản lượng tương đương so với cành ở thân chính. Vì vậy khi tỉa cành cần lưu giữ thân chính và 1 thân phụ dưới chùm hoa thứ nhất. Số chùm hoa trên thân chính đối với giống thuộc loại hình sinh trưởng vô hạn rất nhiều từ 12 – 20 chùm. Những chùm hoa ra sau thường không đậu quả hoặc quả nhỏ, không đạt tiêu chuẩn thương phẩm, chỉ nên để 7 – 9 chùm hoa. Số quả trên mỗi chùm hoa thường đạt 3 – 4 quả. Nên tỉa bỏ những quả không phát triển bình thường, dị hình, quả nhỏ.
(A) Làm giàn cà chua; (B) Tỉa cành, lá chân cho cà chua.
Chồi nách sinh trưởng rất mạnh vào mùa mưa, ẩm độ không khí cao, cần tỉa bỏ kịp thời, 2 – 3 ngày bẻ chồi 1 lần. Công việc này thực hiện cho đến khi cây già. Mùa khô lạnh 5 – 7 ngày cần tỉa bỏ chồi 1 lần.
Vun gốc, làm cỏ cho cây cà chua
Đợt 1: Sau khi cây hồi xanh.
Đợt 2: Sau trồng 25 – 30 ngày, xới lần 2 kết hợp làm cỏ.
Đợt 3: Sau trồng 35 – 40 ngày, xới lần 3 kết hợp làm cỏ.
Cách làm: Cho thêm giá thể vào thùng, chậu cà chua đảm bảo cho mặt giá thể luôn cách mép trên của thùng/chậu 2 cm.
Làm cỏ
Bạn cần thường xuyên nhổ cỏ ngay khi thấy trong thùng/chậu có cỏ dại.
Trồng giặm cây cà chua
Trồng giặm là việc cần thiết cần giúp đảm bảo việc thay thế cây mới kịp thời vụ.
Một tuần sau khi trồng, bạn chú ý kiểm tra cây. Nếu thấy cây nào bị héo, khó hồi phục hãy nhổ bỏ và trồng lại cây khác thay thế. Khi trồng lại bạn lấy cây giống từ nguồn dự phòng khi gieo giống, nếu không có thì mua cây giống mới. Cây trồng giặm được chọn phải đạt tiêu chuẩn: cây to, khỏe, cứng cáp, rễ thẳng, không dị hình, không sâu bệnh, không dập nát, cây sau khi gieo 20 – 30 ngày.