Cây dây nhện là loại cây cảnh không còn xa lạ, bởi chúng được trồng nhiều trong nhà hoặc các khối văn phòng. Lợi ích của loại cây này không chỉ đem lại không gian xanh mát, mà còn giúp thanh lọc không khí, loại bỏ bụi bẩn. Cây dây nhện không khó trồng, không tốn công chăm sóc. Vì vậy nếu bạn đang tìm kiếm một loại cây cảnh trong nhà, hãy tham khảo ngay cây dây nhện nhé!
Nội dung bài viết
Tìm hiểu thông tin về cây dây nhện
Cây cảnh dây nhện có tên Tiếng Anh là Spider Plant. Tên khoa học của loại cây này là Chlorophytum Comosum, một loại cây thực vật thân thảo. Ở nhiều nơi loại cây này có tên gọi khác như Lan Chi, Lục Thảo Trổ hay Cỏ Mệnh Môn,…
Thân cây rất mềm, có nhiều lá xếp chồng lên nhau. Chiều cao của cây khá thấp, lá dài thẳng và thuôn dọn, đầu rũ ra phía ngoài. Lá có lớp mỏng, lá chỉ có 2 màu xanh và trắng.
Cây dây nhện là một loại cây đặc biệt bởi khả năng hấp thụ khí cacbonic và các loại khí độc trực tiếp vào ban đêm, không cần ánh sáng. Điều này giúp cải thiện chất lượng không khí và mang lại không gian thoáng đãng trong phòng ngủ, hỗ trợ giấc ngủ của bạn. Chính vì vậy, cây dây nhện thường được đặt trong phòng ngủ để tận dụng lợi ích này. Theo các nghiên cứu, trong vòng 24 giờ, một cây dây nhện có thể hấp thụ tới 85% khí Formaldehyde trong không gian phòng ngủ của gia đình.
Khi trồng cây dây nhện trong thời gian dài, nó có khả năng tự phát triển và mọc ra cây con xung quanh cây chủ. Các cây con này sẽ nhận được chất dinh dưỡng từ cây mẹ để phát triển và trưởng thành. Điều này cũng giúp tạo ra một không gian xanh mát và tươi mới trong căn nhà của bạn.
Cách trồng cây dây nhện đơn giản
Chọn giống trồng
Khi lựa chọn cây dây nhện, nên ưu tiên chọn giống phiến lá có đường cong đẹp, với dải màu trắng chạy dài theo lá rõ nét, đảm bảo đầu lá không bị vàng. Trong quá trình nhân giống cây dây nhện, có thể sử dụng ba phương pháp chính là giâm cành, tách gốc và gieo hạt.
Giâm cành: Cắt một đoạn thân cây dài từ 510cm, có mầm non sau đó cắm vào đất. Sau khoảng 7 ngày, đoạn thân này sẽ mọc rễ mới. Sau 20 ngày bạn có thể chuyển vào chậu và tiếp tục chăm sóc bằng cách cung cấp đủ nước, đặt nơi râm mát.
Tách gốc: Để tách cây dây nhện, hãy nhấc cây từ trong chậu ra và cắt hết gốc già. Trên gốc sau khi được tách ra, giữ lại 3 cành. Sau đó, bạn có thể lần lượt đem trồng các cây con mới đã tách.
Gieo hạt: Để gieo hạt cây dây nhện, rắc hạt mầm vào đất đã chuẩn bị sẵn, sau đó phủ lên một lớp đất mỏng khoảng 0,5cm. Hãy giữ cho đất ở nhiệt độ ổn định khoảng 15 độ C. Sau khoảng 2 tuần, hạt sẽ nảy mầm (nên gieo hạt vào tháng 3 để đạt hiệu quả tốt nhất).
Cách trồng cây dây nhện thủy sinh
Cách trồng cây nhện thủy sinh
Cách chọn bình: Trồng cây dây nhện trong nước không yêu cầu bình phải đặc biệt, bạn có thể sử dụng bất kỳ loại bình nào, thậm chí cả bình không có lỗ thoát nước. Lựa chọn bình có thể dựa vào sở thích và thẩm mỹ cá nhân.
Cách thúc rễ: Đầu tiên, hãy chọn những cây dây nhện có cụm lá nhỏ và rễ khí sinh, đồng thời mầm non phải dài khoảng 1cm. Cắt cây từ phần thân leo phía dưới và sử dụng nilon hoặc miếng xốp kích thước 5cm x 5cm x 5cm để đè kẹp gốc, sau đó đặt cây vào cốc để cố định gốc. Bạn cũng có thể trực tiếp cắm các gốc nhỏ non vào bình chứa dưỡng chất để chúng tự nhiên sinh trưởng.
Chăm sóc và bổ sung dưỡng chất: Có thể sử dụng dưỡng chất dành cho cây trồng vườn với nồng độ là 1/3 so với nồng độ tiêu chuẩn. Đối với giai đoạn ban đầu khi mới bắt đầu cho dưỡng chất vào nước, có thể pha loãng dưỡng chất hơn để tránh tác động quá lớn lên cây. Cây dây nhện có thân ngắn, rễ khỏe và lá nhỏ hẹp, tuy nhiên, số lượng lá khá đông đảo, đặc biệt là vào mùa mát mẻ, vì vậy cây tiêu hao dưỡng chất nhiều và cần được bổ sung kịp thời. Để tránh tình trạng lắng đọng dưỡng chất, hãy thêm nước mỗi tuần một lần, và bổ sung dưỡng chất mỗi 30-60 ngày, duy trì pH trong khoảng 6 – 7.
Kỹ thuật trồng ban đầu: Khi mới bắt đầu trồng, mực dưỡng chất có thể cao hơn, bạn cũng có thể để nước ngập rễ. Trong quá trình cây dây nhện sinh trưởng và phát triển, các rễ thịt và rễ chùm sẽ mọc dài ra, lúc đó có thể giảm lượng dưỡng chất cho phù hợp, để mực dưỡng chất ngập khoảng 2/3 phần rễ.
Cách trồng cây dây nhện trong đất
Để trồng cây dây nhện trong đất, bạn cần chuẩn bị chậu cây có kích thước phù hợp. Đất trồng nên là loại đất tơi xốp, nhiều mùn, xơ dừa. Có thể mua đất sẵn tại các cửa hàng cây cảnh hoặc đặt mua online.
Lấp đất trồng ngập phần cổ rễ của cây, chú ý nén đất chặt vừa phải để khi tưới nước cây không bị đổ. Vì trồng trong nhà nên không bón các loại phân bón có mùi, thay vào đó bạn có thể bổ sung thêm các loại xơ mùn hữu cơ cho cây.
Phòng chống sâu bệnh cho cây dây nhện
Trong môi trường thiếu ánh sáng và ẩm thấp, cây dây nhện có khả năng dễ bị nhiễm bệnh thối rễ. Để phòng trừ bệnh này, bạn có thể sử dụng các loại thuốc trị nấm như Ridomil Gold 68WG, Coc85 để phun xịt cho cây.
Dù là loài cây chống chịu tốt và hiếm khi bị tấn công bởi sâu hại, đôi khi cây dây nhện vẫn có thể gặp phải sự tấn công của các loại sâu ăn lá. Trong trường hợp này, bạn có thể dùng tay bắt trực tiếp hoặc sử dụng các loại thuốc như Neem Chito, Bio – B để tiêu diệt sâu hại.
Như vậy, mobiAgri đã hướng dẫn bạn trồng cây cảnh dây nhện theo 2 cách đơn giản nhất. Nếu bạn không có quá nhiều thời gian để chăm sóc cây cảnh, thì cây dây nhện sẽ là gợi ý tuyệt vời.