Cây đinh lăng hay còn gọi là cây gió hoặc cây tam thất nam. Loài cây này không chỉ đẹp mà còn là một loại thảo dược quý. Đinh lăng được trồng phổ biến ở nhiều nơi, đặc biệt trong các chậu nhỏ để tiện chăm sóc và thu hoạch củ. Việc trồng cây đinh lăng trong chậu vừa giúp tiết kiệm không gian vừa dễ kiểm soát sâu bệnh hại. Tuy nhiên cách trồng thế nào để củ đình lăng nhanh lớn? Trong bài viết này, mobiAgri sẽ hướng dẫn chi tiết cách trồng cây đinh lăng trong chậu sao cho củ phát triển nhanh và đạt kích thước lớn.
Nội dung bài viết
Lợi ích của việc trồng cây đinh lăng trong chậu
Tiết kiệm không gian
Với những gia đình có diện tích nhỏ hoặc không có sân vườn rộng, việc trồng cây đinh lăng trong chậu rất phù hợp. Bạn có thể đặt chậu cây ở ban công, sân thượng hay trong nhà, miễn sao cây nhận đủ ánh sáng tự nhiên.
Dễ dàng di chuyển và chăm sóc
Khi trồng đinh lăng trong chậu, bạn dễ dàng di chuyển cây đến nơi có điều kiện thích hợp hơn, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi hoặc khi cây cần ánh sáng mặt trời nhiều hơn.
Kiểm soát tốt hơn các yếu tố môi trường
Trồng cây đinh lăng trong chậu sẽ giúp bạn kiểm soát tốt chất lượng của đất, nước, ánh sáng và nhiệt độ, từ đó giúp cây phát triển khỏe mạnh, tươi tốt và củ lớn nhanh.
Chuẩn bị trước khi trồng cây đinh lăng trong chậu
Chọn giống đinh lăng
Cây đinh lăng có nhiều loại khác nhau, tuy nhiên loại được trồng phổ biến để lấy củ là đinh lăng lá nhỏ (Polyscias fruticosa). Loại này có khả năng sinh trưởng tốt, củ to, nhiều chất dinh dưỡng và đặc biết là dễ trồng trong chậu.
Chọn chậu trồng phù hợp
Kích thước: Thông thường, chậu trồng đinh lăng nên có đường kính tối thiểu 30-40 cm, sâu ít nhất 30 cm để đảm bảo đủ không gian cho củ phát triển.
Chất liệu: Chậu trồng cây có thể làm từ nhựa, sứ hoặc đất nung. Lưu ý: Chậu đất nung là lựa chọn tốt nhất vì có khả năng thoát nước và giữ ẩm tốt.
Lỗ thoát nước: Chậu trồng cần có lỗ thoát nước ở đáy để tránh tình trạng ngập úng gây thối củ.
Chuẩn bị đất trồng đinh lăng
Đất trồng cây đinh lăng cần tơi xốp, thoát nước tốt và giàu dinh dưỡng. Bạn có thể trộn đất với phân chuồng hoai mục, xơ dừa, tro trấu và phân vi sinh để tạo ra hỗn hợp đất lý tưởng. Tỷ lệ pha trộn có thể là 40% đất vườn, 30% phân chuồng hoai mục, 20% xơ dừa và 10% tro trấu.
Chuẩn bị cây giống
Cây đinh lăng giống bạn có thể mua ở các nhà vườn hoặc gieo từ hạt. Tuy nhiên, để tiết kiệm thời gian và công sức, bạn nên mua cây giống đã được ươm sẵn. Nên chọn cây giống cao khoảng 20-30 cm, khỏe mạnh, không có dấu hiệu sâu bệnh.
Các bước trồng cây đinh lăng trong chậu
Bước 1: Chuẩn bị chậu trồng
Trước khi trồng bạn nên đặt một lớp sỏi hoặc viên gạch nhỏ dưới đáy chậu để đất thoát nước tốt. Sau đó, đổ hỗn hợp đất đã chuẩn bị vào chậu, đất đổ đầy đến khi cách miệng chậu khoảng 5-7 cm thì dừng để tránh nước tràn ra ngoài khi tưới.
Bước 2: Trồng cây giống
Trước tiên, cần tạo một lỗ nhỏ ở giữa chậu, vừa đủ để đặt cây giống vào.
Sau đó, đặt cây giống vào lỗ rồi lấp đất nhẹ nhàng. Lưu ý: không nên lấp đất quá chặt vì như vậy cây sẽ không có không gian phát triển.
Bước 3: Tưới nước ban đầu
Sau khi trồng chỉ nên tưới nước nhẹ nhàng, cung cấp độ ẩm cho cây. Không tưới quá nhiều nước ngay từ đầu để tránh ngập úng và giảm khả năng sinh trưởng, phát triển của cây.
Cách chăm sóc cây đinh lăng trong chậu để củ nhanh phát triển
Ánh sáng và vị trí đặt chậu
Cây đinh lăng cần ánh sáng mặt trời để phát triển tốt, do đó nên đặt chậu ở nơi có ánh sáng mặt trời chiếu vào ít nhất 4-6 giờ mỗi ngày.
Nếu trồng cây đinh lăng trong nhà, bạn hãy đảm bảo cây được tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên qua cửa sổ hoặc dùng đèn chiếu sáng hỗ trợ.
Tưới nước cho cây
Mùa khô: Bạn nên tưới nước cho cây khoảng 2-3 lần mỗi tuần, đảm bảo đất luôn ẩm nhưng không quá ướt.
Mùa mưa: Cần giảm lượng nước tưới và chú ý đến hệ thống thoát nước của chậu để tránh ngập úng.
Kỹ thuật bón phân cho cây đinh lăng
Phân hữu cơ: Định kỳ 2-3 tháng một lần bận bón phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ để bổ sung dinh dưỡng cho cây.
Phân vi lượng: Để củ phát triển lớn và có chất lượng tốt, bạn nên bổ sung thêm phân vi lượng như kali, magie.
Kiểm soát sâu bệnh
Sâu bệnh: Cây đinh lăng có khả năng kháng sâu bệnh tốt, nhưng bạn vẫn cần theo dõi thường xuyên để sớm có phương án xử lý.
Phòng trừ: Tránh sử dụng hóa chất mạnh gây hại cho cây và môi trường, bạn nên sử dụng các biện pháp sinh học hoặc thuốc trừ sâu hữu cơ để xử lý sâu bệnh nếu cần thiết.
Tỉa cành cây đinh lăng
Tỉa bớt những cành lá già, cành sâu bệnh để giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi củ. Khi cây đạt chiều cao khoảng 40-50 cm, bạn có thể cắt ngọn để cây phát triển rễ và củ mạnh hơn.
Thay đất và chậu
Thay đất: Sau khoảng 1-2 năm, bạn nên thay đất trong chậu để đảm bảo đất luôn giàu dinh dưỡng.
Thay chậu: Nếu cây phát triển quá lớn, bạn có thể thay chậu lớn hơn để củ có không gian phát triển.
Thu hoạch củ đinh lăng
Thời gian thu hoạch
Củ đinh lăng thường mất từ 3-5 năm để phát triển đủ lớn cho thu hoạch. Tuy nhiên, nếu chăm sóc tốt bạn có thể thu hoạch củ sau 2-3 năm.
Khi cây bắt đầu có dấu hiệu rụng lá nhiều, thân cây già cỗi, đây là dấu hiệu củ đã phát triển to và có thể thu hoạch.
Kỹ thuật thu hoạch
Khi thu hoạch bạn nên dùng xẻng hoặc dao sắc để đào quanh gốc cây, cẩn thận không làm hỏng củ.
Sau khi thu hoạch, củ nên được rửa sạch và phơi khô trước khi bảo quản hoặc sử dụng.
Một số lưu ý khi trồng cây đinh lăng trong chậu
Đảm bảo thoát nước tốt
Cây đinh lăng không ưa nhiều nước. Do đó, ngập úng chính là nguyên nhân khiến cây đinh lăng bị thối rễ và củ. Bạn cần đảm bảo chậu trồng có hệ thống thoát nước tốt và không để nước tù đọng lâu.
Tránh sử dụng quá nhiều phân hóa học
Việc lạm dụng phân hóa học có thể làm đất bị chua hoặc mặn, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây và củ. Nên bạn hãy ưu tiên sử dụng phân hữu cơ và các loại phân vi lượng.
Kiểm tra thường xuyên
Thường xuyên kiểm tra cây sẽ giúp bạn sớm phát hiện các vấn đề như sâu bệnh, đất quá khô hoặc quá ướt để kịp thời điều chỉnh, chăm sóc cây phát triển tươi tốt.
Trồng cây đinh lăng trong chậu không hề khó. Ngoài việc trồng đinh lăng làm cảnh, tạo không gian xanh mát cho gia đình nó còn là nguồn dược liệu quý giá. Vậy làm sao để trồng cây đinh lăng thành công? Trước tiên hãy tuân thủ các hướng dẫn chi tiết từ việc chọn giống, chuẩn bị đất, chăm sóc cây và thu hoạch, bạn hoàn toàn có thể trồng được những củ đinh lăng lớn, khỏe mạnh ngay tại nhà. Hy vọng rằng qua bài viết này, bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức bổ ích để bắt tay vào việc trồng cây đinh lăng trong chậu và thu hoạch những thành quả đáng tự hào.
Biên tập bởi mobiAgri