Cây lá giang là một nguyên liệu quen thuộc trong ẩm thực người Việt. Loại lá này là nguyên liệu để tạo nên những món ăn hấp dẫn như lẩu gà lá giang, canh chua lá giang, lẩu ếch, lẩu vịt,… Hương vị chua thanh của lá giang, hòa cùng nguyên liệu khiến thực khách ăn là ghiền. Cây lá giang trồng không quá khó, dễ mọc xanh tốt nếu trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật. Hãy tham khảo cách trồng của mobiAgri để có cây lá giang xanh tốt ngay tại vườn nhà.
Nội dung bài viết
Tìm hiểu thông tin về cây lá giang
Lá giang, còn được gọi là dây cao su, dây giang hoặc lá lồm (tên khoa học: Aganonerion polymorphum), là một loại thực vật thân leo có thân dài khoảng từ 1,5 đến 4 mét. Loài cây này có thể mọc trải dài trên mặt đất hoặc bám vào các thân cân lớn. Xuất xứ của lá giang là từ khu vực Đông Nam Á và loại cây này thuộc họ trúc đào.
Lá giang có vị chua và tính mát, có khả năng sát khuẩn, thanh nhiệt và có thể được sử dụng để điều trị mụn nhọt, các bệnh về đường tiết niệu, tiêu hóa và phong thấp, và nhiều bệnh khác. Cây lá giang chứa một lượng nhỏ chất axit tạo ra vị chua và nhiều saponin, có tác dụng làm mát, sát khuẩn, giảm viêm, giải độc và có tác dụng lợi tiểu.
Các cuộc nghiên cứu đã phát hiện ra rằng cao lỏng chiết xuất từ lá giang có tính chất không độc và có khả năng ức chế9 loại vi khuẩn, giúp giảm viêm cấp tính. Ở một số vùng, người dân còn dùng lá giang cùng với lá khoai lang, vắt lấy nước để điều trị ngộ độc từ củ sắn (củ mì).
Chuẩn bị trước khi trồng cây lá giang
Dụng cụ trồng cây lá giang
Chậu hoặc thùng xốp: Cây lá giang thường được trồng trong vườn, nhưng cũng có thể trồng trong chậu hoặc thùng xốp. Đảm bảo đáy của chậu hoặc thùng xốp có lỗ thoát nước để tránh cây bị chết do dư nước. Ngoài ra bạn cũng có thể trồng trực tiếp trên đất vườn, nếu như diện tích đất cho phép.
Đất trồng
Cây lá giang có thể sinh trưởng được ở nhiều môi trường đất khác nhau như đất pha cát, đất đỏ bazan, đất thịt,… Tuy nhiên để cây sinh trưởng tốt, bạn có thể trộn thêm các thành phần vào đất như phân gà, phân bò hoai mục, phân trùn quế, cùng các loại xơ dừa, vỏ trấu, mùn hữu cơ,… để tăng độ dinh dưỡng cho đất, tơi xốp hơn.
Giống cây
Có thể trồng lá giang bằng hạt, cành hoặc cây con. Trồng bằng hạt tốn nhiều thời gian xử lý hạt để kích thích nảy mầm, và cần chăm sóc đúng cách để hạt có thể nảy mầm. Do đó, phương pháp này ít được sử dụng.
Trồng cây lá giang bằng cành hoặc cây con là phương pháp tốt nhất. Nếu chọn phương pháp trồng cây con bằng cành, cần chọn những cành đạt tiêu chuẩn to, khỏe không sâu bệnh, nằm dưới gốc cây, hoặc bò dưới đất và có rễ. Trồng cây lá giang bằng cây con là cách dễ dàng nhất, bởi cây có bộ rễ không bị tổn thương, ngoài ra đất được bón phân đầy đủ, tơi xốp giúp cây có tỉ lệ sống cao.
Cách trồng cây lá giang đơn giản
Để trồng cây lá giang, bạn có thể thực hiện các bước sau:
Chuẩn bị hom: Sử dụng dao hoặc kéo sắc để cắt hom, tránh làm xây sát hom. Chọn hom bánh tẻ, có chiều dài từ 15 – 20cm. Mỗi hom nên mang ít nhất 3 mắt lá. Cắt đi các lá trên hom, chỉ để lại khoảng 1/3 diện tích lá.
Kích thích ra rễ (tuỳ chọn): Nếu có điều kiện, bạn có thể chấm chất kích thích ra rễ như IBA hoặc NAA, với nồng độ từ 500-700ppm. Sau đó tiến hành giâm hom dây lá giang trong các luống bầu, nên có mái che nắng mưa và hệ thống tưới phun hoặc chủ động nguồn tưới.
Trồng hom: Sử dụng que nhọn để chọc lỗ sâu khoảng 3 – 4cm, sau đó cắm hom vào lỗ và ém chặt đất vào gốc hom. Nếu không sử dụng chất kích thích ra rễ, bạn có thể cắt hom dây lá giang và đặt vào chậu nước trước khi giâm.
Trồng cây con (tuỳ chọn): Nếu bạn trồng bằng cây con, hãy nhớ không nhổ cây mà bứng cả bầu đất xung quanh gốc cây. Đào hố sâu khoảng 10cm, hạ cả bầu cây vào hố và ấn chặt xung quanh gốc cây. Cây nên được trồng cách nhau khoảng 2m. Sau khi trồng xong, tưới nước đều, tưới 1 lần/ngày trong trời nắng và không cần tưới trong trời mưa.
Chú ý tuân thủ các bước trên để đảm bảo cây lá giang có tỷ lệ sống cao và phát triển tốt.
Chăm sóc cây lá giang
Để tạo điều kiện phát triển tốt cho cây lá giang, bạn có thể áp dụng các phương pháp sau:
Xây dựng giàn: Vì cây lá giang thuộc họ thân leo, nên cần thiết lập giàn hỗ trợ cho cây. Bạn có thể sử dụng giàn giống giàn trồng cà chua hoặc giàn trồng hoa thiên lý. Thậm chí, cây lá giang cũng có thể trồng để leo hàng rào xung quanh nhà.
Bắt ngọn và cắt tỉa: Khi cây leo tới giàn, cần bắt ngọn và phân tán cành đều trên giàn. Trong mùa mưa, hãy cắt liên tục những cành lá không cần thiết, vì nếu để lứa lá quá đông sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của lá. Cây lá giang phát triển tốt hơn khi được cắt tỉa đều đặn.
Bón phân: Khoảng 20 ngày sau khi trồng, hãy bón phân hữu cơ, phân dê, phân bò, phân trùn quế… để cung cấp dưỡng chất cho cây. Thực hiện việc bón phân khoảng mỗi tháng một lần để đảm bảo cây được cung cấp đủ dinh dưỡng.
Dọn cỏ: Thường xuyên loại bỏ cỏ dại xung quanh cây lá giang để không cạnh tranh tài nguyên và dinh dưỡng với cây. Điều này giúp cây phát triển mạnh mẽ và không bị ảnh hưởng bởi cỏ dại. Tuân thủ các phương pháp trên sẽ giúp cây lá giang phát triển tốt và đạt hiệu suất tốt nhất trong quá trình trồng và chăm sóc.
Thu hoạch lá giang
Thời gian từ khi trồng cây lá giang cho đến khi cắt bán lứa đầu là khoảng 4 tháng. Khi cây đã hoàn toàn leo trên giàn và phát triển cành nhánh, bạn có thể bắt đầu thu hái lá hoặc cắt từng cành nhỏ để sử dụng. Ngoài việc sử dụng tươi, lá giang cũng có thể được phơi khô và lưu trữ để vận chuyển và tiêu thụ ở xa.
Như vậy bạn đã cùng mobiAgri đi tìm hiểu cách trồng cây lá giang đơn giản nhất. Bạn hoàn toàn có thể chủ động trồng lá giang tại nhà, làm nguyên liệu để chữa bệnh hay nấu ăn. Chúc bạn trồng được cây lá giang xanh tốt.