Quất là một trong những cây cảnh không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền. Những cây quất sai xum xuê, trái vàng rực biểu thị một năm mới sung túc, tài lộc nhiều may mắn. Vậy khi Tết qua, bạn cần phải làm gì để chăm sóc cây quất, giúp cây khỏe mạnh để chơi tiếp vụ sau? Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ tất tần tận kinh nghiệm chăm sóc, trồng cây quất sau Tết tới những ai có nhu cầu tìm hiểu.
Nội dung bài viết
Ý nghĩa của cây quất ngày Tết
Cây quất là loại cây cảnh quen thuộc trong ngày Tết. Theo âm Hán Việt thì phát âm của từ “quất” gần giống với từ “cát”, nghĩa là cát tường nhiều may mắn và phước lành. Một cây quất đạt tiêu chuẩn làm cây cảnh chưng ngày Tết phải đủ các yếu tố: Nụ hoa, quả non, quả xanh, quả vàng, lá xanh. Những cây như vậy biểu tượng một sức sống tràn trề, nhiều lộc lá, may mắn đem lại cho gia chủ.
Theo quan niệm dân gian, cành quất là biểu tượng của bình an, trường thọ, may mắn và thể hiện sự sum vầy của nhiều thế hệ. Vì vậy ngày Tết cổ truyền của người Việt thường thấy sự hiện diện của cây quất, sai trĩu quả.
Quy trình chăm sóc cây quất sau Tết
1. Chuẩn bị đất trồng cây quất
Nên chuẩn bị đất trồng mới cho cây quất, đất phải tơi xốp, thoáng khí. Tuy nhiên cũng phải đảm bảo đủ độ ẩm, giàu dinh dưỡng, độ pH tiêu chuẩn từ 5-6 sẽ giúp cây sinh trưởng tốt hơn. Nếu lựa chọn trồng đất ra vườn thì nên lựa chọn những chỗ đất cao, tránh những nơi trũng ứ nước khiến cây bị thối rễ. Nếu trồng trong chậu thì lưu ý chọn những chậu to, có lỗ thoát nước giúp cây phát triển bộ rễ tốt, tán tỏa rộng.
2. Bổ sung thêm dinh dưỡng cho cây quất
Thời gian bổ sung thêm dinh dưỡng cho cây là sau khi trồng từ 5-7 ngày. Xới nhẹ đất quanh gốc, cách gốc tầm 20-30cm, điều này sẽ giúp đất tơi xốp và dễ hấp thụ dinh dưỡng hơn. Khoảng 15 ngày sau trồng nên đánh tơi đất quanh gốc, sau đó thực hiện bón phân quanh gốc. Để cây dễ hấp thụ dinh dưỡng nên hòa lẫn phân bón vào nước rồi tưới nơi gốc cây. Phân bón được khuyến nghị sử dụng là NPK, phân hữu cơ vi lượng hoặc phân chuồng hoai mục.
3. Tiến hành tỉa cây, tạo dáng
Nhiều cây quất cảnh đã có sẵn dáng cây khá đẹp, tuy nhiên sau Tết khi trồng lại bạn cần cắt, tỉa bớt cành lá. Nếu bạn không thích thế cây cũ, hãy chăm sóc cho cây khỏe mạnh, cành lá tốt sau đó tiến hành cắt tỉa tạo thế mới.
Khi tỉa cành, tạo dáng cho cây cần dùng dụng cụ chuyên dụng, để tránh làm hỏng cành. Tiến hành cắt, tỉa vào những ngày nắng ráo, định kỳ khoảng 10-15 ngày nên tỉa lá hoặc uốn cành 1 lần. Lợi ích của việc cắt tỉa cành lá, sẽ giúp cho cây đón được nhiều ánh sáng. Nguồn dinh dưỡng sẽ được tập trung để mọc cành mới, kích thích hoa, quả mọc nhiều vào vụ sau.
4. Phòng trừ sâu, bệnh hại cho cây quất
Vào mùa mưa, trời ẩm cây dễ bị nhiễm nấm bệnh, thối rễ. Ngoài ra sâu rệp cũng tấn công vào thân, lá, rễ, lá. Vì vậy khi tưới cây cần phải quan sát kỹ, để kịp thời phát hiện sâu bệnh và phương hướng xử lý sớm.
Đối với những cây được trồng lại sau Tết nhưng không phục vụ mục đích chưng cảnh. Có thể trồng để lấy quả ăn hay lấy lá để đun nước tắm. Thì tuyệt đối không nên sử dụng thuốc trừ sâu để diệt sâu bọ. Nếu cây bị nấm có thể sử dụng nước muối pha loãng để rửa lá, bón cây. Nếu cây bị sâu bọ có thể sử dụng thuốc trừ sâu hữu cơ làm bằng tỏi, ớt để phun hoặc tiến hành bắt thủ công.
Một số lưu ý khi chăm sóc cây quất sau Tết
Không phải cây quất nào sau khi chơi Tết cũng có thể tái sử dụng. Chỉ những cây còn xanh tốt, không gặp vấn đề về sức khỏe hay bị sâu bọ thì có thể tiến hành trồng sang đất mới. Nên thường xuyên duy trì độ ẩm cho cây bằng cách dùng tay vẩy nước lên lá hoặc sử dụng bình xịt phun nước để tới. Nên tưới nước nhẹ nhàng, lượng nước vừa đủ để đất trồng khi lún xuống.
Hãy ngắt hết quả trên cây trước khi trồng lại, ngắt khoảng ½ lượng lá trên cây để hạn chế nhu cầu dinh dưỡng của lá cây.
Trên đây là những chia sẻ giúp bạn có thể chăm sóc cây quất khỏe mạnh sau khi chưng Tết. Chúc bạn sẽ có những kết quả tốt khi áp dụng những kinh nghiệm này.