Cách trồng cây quýt đúng kỹ thuật, đạt năng suất cao

Cây quýt thuộc họ cây có múi, có nhiều giống khác nhau vì vậy hương vị của chúng cũng khác. Ở nước ta có nhiều vùng trồng quýt nổi tiếng, làm nên thương hiệu đặc sản của vùng. Có thể kể đến như: Quýt Lai Vung, quýt Cái Bè, quýt đường Trà Vinh, quýt Bắc Kạn,… Hãy cùng tìm hiểu kỹ thuật trồng quýt ngay dưới bài viết, để hiểu muốn có vụ mùa quýt bội thu cần phải trải qua những công việc gì.

Thời vụ trồng quýt

Tốt nhất, bà con nên trồng quýt vào đầu mùa mưa. Nếu điều kiện tưới đầy đủ có thể trồng được trong mùa khô.

https://cdn.weatherplus.vn/VMS/CMS/image/crop_post/2022/04/01/thoi-vu1_1648782804.jpg

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long trồng vào đầu mùa mưa tháng 4 – 5 hoặc cuối tháng 10 – 11. Đông Nam Bộ và Tây Nguyên bắt đầu trồng từ tháng 4 đến tháng 6 dương lịch. Duyên Hải Nam Trung Bộ trồng vào tháng 8 – 9 dương lịch. Miền Bắc trồng vào tháng 2 – 3 hoặc tháng 9 – 10.

Thiết kế vườn trồng

Vệ sinh đất trồng

Xác định rõ đất trồng và vệ sinh sạch sẽ đất tạo điều kiện thuận lợi cho thiết kế vườn, làm đất trồng cây tốt ngay từ đầu.

Xác định đất trồng

Lựa chọn đất phù hợp với cây quýt. Đất trồng quýt yêu cầu tầng canh tác dày 0,5-1m, thoát nước tốt, giàu dinh dưỡng, độ pH thích hợp từ 5 – 7. Quýt thuộc nhóm cây chịu mặn trung bình, chịu được nồng độ mặn từ 2‰ – 3‰. Xác định địa điểm trồng quýt và địa hình đất để thiết kế kiểu vườn phù hợp.

Vệ sinh vườn

Làm sạch cỏ và các loại cây dại phải được tiến hành vào đầu mùa mưa. Sau khi dọn hết tàn dư, cần thu gom và xử lý bằng cách đào hố, để cây khô và đốt; hoặc ủ tàn dư thực vật và sử dụng làm phân xanh để bón. Sau khi dọn dẹp tàn dư thực vật, tiến hành cày bừa kỹ cho đất tơi xốp, thu gom những rễ còn sót lại đem đốt.

Thiết kế vườn trồng

Thiết kế vườn trồng quýt phải đảm bảo yêu cầu về phòng hộ sinh thái, tiêu thoát nước, thuận lợi trong canh tác. Tùy theo vùng trồng, địa hình miếng đât để thiết kế vườn khác nhau. Khi thiết kế vườn trồng cần tạo sự đa dạng. Trong vườn trồng các giống quýt khác nhau, cây che phủ, cây ngắn ngày, cây hàng rào, đai rừng chắn gió và hoa dại nhằm tạo môi trường cho thiên địch xung quanh và trong vườn cây.

Phân lô

Vườn phải có quy hoạch thành lô, thửa. Tùy địa hình cụ thể, thiết kế thành từng lô 0,5 – 2 ha để dễ quản lý, chăm sóc thu hoạch. Mỗi lô chia thành nhiều thửa. Xây dựng hệ thống chống xói mòn, tưới và thoát nước. Lập vườn trên đất dốc cần chống xói mòn bằng cách tạo các luống bậc thang rộng 3 – 5 m theo đường đồng mức.

Vườn cây có múi trồng trên đất dốc.

Xây dựng đường giao thông nội đồng

Đối với vườn diện tích nhỏ dưới 1 ha không cần phải thiết kế đường giao thông. Vườn có diện tích lớn hơn cần phải phân thành từng lô nhỏ có diện tích từ 0,5 đến 1 ha/lô và có đường giao thông rộng để vận chuyển vật tư phân bón và sản phẩm thu hoạch bằng xe cơ giới. Vườn có độ dốc cần phải bố trí đường lên, xuống và đường liên đồi. Thiết kế các đường lô, đường liên lô có độ dốc bình quân không được vượt quá 10 độ. Đường lô có bề rộng từ 4 – 6 m, không nên thiết kế đường lô quá nhỏ sẽ gây khó khăn trong việc chăm sóc. Đối với đồi có độ dốc bình quân trên 15 độ, phải làm đường lô, liên lô trước khi khai hoang.

Vườn cây phân lô rõ ràng.

Đai rừng phòng hộ

Tác dụng của đai rừng

Đai rừng phòng hộ có tác dụng hạn chế xói mòn, rửa trôi đất và giữ nước, làm giảm tốc độ gió bão từ 25 – 40%, giảm lượng bốc hơi nước, giữ ẩm trong mùa khô, giữ nhiệt độ trong mùa lạnh, điều hoà nhiệt độ trong những vùng có gió nóng và thường có hạn đất, hạn không khí xảy ra. Đai rừng phòng hộ còn hạn chế được sương muối, sương giá và hạn chế được một phần di chuyển của rầy chổng cánh là môi giới truyền bệnh Greening.

Cách trồng đai rừng

Trồng đai rừng cách vườn cây 8 – 10 m. Trồng cây tạo thành vành đai bao quanh phía đỉnh đồi Bắc, Nam và đường bao phía Đông của vườn hoặc trồng cây vuông góc với hướng gió chính (cũng có thể lệch 1 góc 30 độ tùy theo địa hình). Cây làm đai rừng chắn gió không được là cây ký chủ của sâu bệnh hại giống với cây có múi. Có thể chọn các cây trồng đai rừng như mít, vải, nhãn, xoài, bạch đàn, xà cừ, keo lá tràm, keo dậu, cốt khí, keo tai tượng.

Một đai rừng có nhiều hàng cây, 1 – 2 hàng cây chính và 2 – 3 hàng cây phụ. Hàng cây chính trồng giữa, ở 2 bên bố trí hàng cây phụ. Khoảng cách mỗi hàng cây là 2 – 2,5 m; khoảng cách cây là 1 – 1,5 m tuỳ loại.

Xây dựng hệ thống tưới tiêu

Cây có múi cần tưới nước đầy đủ nhất là giai đoạn quả phát triển. Mùa nắng nên thường xuyên tưới nước cho cây có múi, vào mùa mưa do lượng mưa không phân bố đều, vì vậy vườn cần phải có mương cống để tiêu nước vào các tháng mưa nhiều, tránh ngập úng kéo dài cây có thể chết.

Các hàng cây bố trí theo hướng Bắc – Nam. Bố trí vườn ở cạnh hoặc ở gần nguồn nước để chủ động nước tưới trong điều kiện khô hạn, có rãnh thoát nước trong mùa mưa lũ. Tránh trồng cây ở các vùng hay xảy ra rét đậm, rét hại và có sương giá. Toàn bộ vườn trồng kín cỏ trừ tán cây xung quanh gốc. Cỏ Axonopus được trồng trong các rãnh thoát nước.

Thiết kế hệ thống tưới:

Vùng đồi: nước được bơm từ trạm bơm nằm ở cuối vườn về phía Nam theo đường ống đặt ngầm dưới đất lên bể chứa trên đỉnh đồi, để lấy nước trực tiếp tưới cho cây. Vùng đồng bằng đất thấp và Đồng bằng sông Cửu Long: cần có hệ thống bờ bao để điều tiết nước và phải đào mương lấy đất lên luống (liếp, líp), đắp mô để xả phèn và nâng cao tầng canh tác.

Vườn cây ở Đồng bằng sông Cửu Long được đào mương, lên liếp.

Vùng đất cao như Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, miền núi và trung du phía Bắc: chọn nơi có nước tưới hoặc nước ngầm để tưới vào mùa khô. Không cần phải đào mương lên liếp, chỉ đào hố, trồng ngang quanh mặt đất và đắp bờ vồng xung quanh để khi tưới nước không bị tràn ra ngoài. Đến mùa mưa phá bờ vồng để cây khỏi bị úng nước, nếu không cây sẽ chết và nhiễm bệnh thối gốc chảy mủ do úng nước.

Hiện nay nhiều nhà vườn xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm được nước, phân; vườn luôn được giữ ẩm tốt trong mùa khô, nắng nóng.

Đắp bờ bao

Việc xây dựng đê bao quanh khu vực vườn là một công tác không thể thiếu được vì ngoài chức năng là vành đai bảo vệ và chống ngập lũ trong mùa mưa, ngăn mặn trong mùa nắng, giữ nước trong mùa khô hạn, đê bao còn đảm nhận nhiều chức năng khác như: Là đường giao thông, vận chuyển trong vườn. Là nơi xây dựng cống đầu mối để điều tiết nước và lấy nguồn tôm, cá vào vườn. Nơi trồng các hàng cây chắn gió. Hạn chế chiều cao của liếp. Vì vậy, mặt đê bao cần rộng và chắc chắn. Chiều cao của đê thường căn cứ vào đỉnh lũ cao nhất trong vùng để không bị ngập.

Đặt cống

Sau khi đắp bờ bao, để chủ động mức nước trong vườn, ở bờ bao cần đặt cống để lưu thông nước giữa trong vườn và ngoài vườn. Vườn lớn thường dùng các ống cống bằng bê tông chắc chắn có đường kính 40 – 50 cm để đặt cống đầu mối cho vườn. Ngoài ra lắp thêm hệ thống dẫn nước nhỏ để điều tiết nước giữa các mương trong vườn và mương chính dẫn ra cống đầu mối. Các ống cống có thể làm bằng ống nhựa hay thân cây đục rỗng.

Các kiểu làm vườn

Nguyên tắc

Đất bằng, bố trí hàng cây theo hướng Đông – Tây. Đất dốc từ 5 – 10 độ bố trí hàng theo đường đồng mức. Đất dốc trên 10 độ bố trí theo kiểu ruộng bậc thang. Tùy theo đất đai mà có thể thiết kế vườn trồng khác nhau, nếu đất cao ráo không bị úng nước thì không phải đào mương thoát nước. Nếu đất ruộng thấp bị ngập úng, có tầng nước ngầm cao thì cần đào mương để thoát nước tránh ngập úng cho cây.

Các kiểu làm vườn

Đào mương, lên luống

Đây là kiểu vườn áp dụng cho vùng đất thấp, khó thoát nước, mặt thủy cấp gần mặt đất hoặc đất dễ bị ngập úng trong mùa mưa, thiếu nước trong mùa nắng. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long được áp dụng nhiều.

Đắp mô, đánh rãnh thoát nước

Kiểu vườn này áp dụng ở vùng chuyển đổi từ ruộng lúa, tận dụng mặt bằng từ ruộng trồng lúa; vùng đất thấp có tầng canh tác dày mực thuỷ cấp thấp và không bị ảnh hưởng bởi lũ lụt hàng năm. Vùng đồng bằng sông Hồng được áp dụng nhiều. Mô được đắp theo khoảng cách trồng cây, rãnh được đào giữa các hàng rộng khoảng 30 x 30 cm, xung quanh có rãnh thoát nước 80 x 50 cm.

Đắp mô.

Đào hố, đánh rãnh thoát nước

Kiểu vườn này áp dụng với những vùng đất cao, đất bằng hoặc có đất độ dốc từ 3 – 5 độ dễ thoát nước. Khi trồng thường chỉ đào hố, rãnh đào nông 20 x 20 cm và 3 – 4 hàng cây mới đào một rãnh. Trồng cây theo kiểu hình vuông, hình chữ nhật hoặc hình tam giác (kiểu nanh sấu). Vùng áp dụng nhiều là ở Đông Nam Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên. Hố trồng được đào theo khoảng cách trồng tùy từng giống.

Đào hố và đánh rãnh thoát nước.

Đào hố, không đánh rãnh

Kiểu vườn này chủ yếu áp dụng ở vùng đất dốc.  Đất có độ dốc từ 5 – 10 độ: trồng cây theo đường đồng mức. Đất có độ dốc 8 – 10 độ: thiết kế đường đồng mức theo kiểu bậc thang. Vùng được áp dụng nhiều là ở Trung du miền núi phía Bắc, Trung Bộ, Tây Nguyên. Hố trồng được đào theo khoảng cách trồng với từng giống.

Vườn trồng trên đất đồi.

Kỹ thuật chăm sóc cây quýt

Bón phân cho cây

Tùy theo loại đất, tình trạng sinh trưởng, năng suất của cây mà quyết định điều chỉnh lượng phân bón phù hợp. Bà con cần bổ sung thêm phân hữu cơ và vi sinh, vi lượng để cây đạt năng suất cao.

Lượng phân bón theo tuổi cây

Lưu ý: Lượng phân bón có thể tăng hoặc giảm từ 10 – 20% tùy theo giống, chân đất, vùng miền. Có thể thay phân hữu cơ bằng 3 – 5 kg phân hữu cơ vi sinh. Lượng vôi được bón tùy theo độ chua của đất.

Tỷ lệ bón phân qua các giai đoạn

Giai đoạn kiến thiết cơ bản

Giai đoạn kinh doanh

Phương pháp bón

Giai đoạn kiến thiết cơ bản

Phân chuồng, Lân: Bón vào đầu hoặc cuối mùa mưa, cuốc rãnh rộng 25 cm, sâu 20 cm xung quanh gốc cây, cách gốc 80 cm. Bón phân vào rãnh, sau khi bón xong phủ lớp đất lên phân và tưới đủ ẩm.

Phân Đạm và Kali: Năm 1 nên hòa tan tưới cho cây. Năm 2 và 3 bón phân vào rãnh, cuốc rãnh nông xung quanh gốc cây, cách gốc 80 cm. Sau khi bón xong phủ lớp đất lên phân và tưới đủ ẩm.

Bón phân NPK tổng hợp.

Giai đoạn kinh doanh

Cuốc rãnh xung quanh gốc theo hình chiếu tán cây, rãnh sâu 10 – 15 cm, rộng 10 – 20 cm cho phân vào, lấp đất và tưới đủ ẩm.

Sau thu hoạch, bón phân chuồng và Lân, cần cuốc rãnh xung quanh gốc theo hình chiếu tán cây, rãnh sâu 25 – 30 cm, rộng 20 cm, cho phân vào rồi lấp đất và tưới đủ ẩm.

Bón phân theo mép tán.

Bổ sung phân vi sinh và phân bón lá

Phân vi sinh:

Phân vi sinh Lalitha (chứa Azospirillum brasilense, Trichoderma, Pseudomonas fluorescens, Bacillus subtilis, và một số vi sinh vật có ích khác) hoặc phân vi sinh tương đương, pha với nước nồng độ 1/1000 để tưới vào đất vùng rễ cây, tưới 2 tháng/lần để cây có bộ rễ khỏe, phát triển tốt.

Phân bón lá:

Ở giai đoạn trước ra hoa phun phân bón lá có hàm lượng N:P2O5:K2O + TE = 16:16:8 (tuần 1 lần).

Ở giai đoạn nuôi quả phun phân bón lá có hàm lượng N:P2O5:K2O + TE = 20:20:20 (tuần 1 lần).

Một số công thức phân bón thường dùng trong sản xuất

Tùy vào điều kiện đất đai của vườn cây, sử dụng phân bón theo kết quả tổng hợp thực tế sản xuất như sau:

Giai đoạn kiến thiết cơ bản:

Sau khi trồng nên dùng DAP ngâm 1 – 2 ngày để tưới cho cây 1 tuần/lần. Liều lượng: 2 kg DAP pha với 100 lít nước, mỗi cây tưới khoảng 5 – 10 lít hỗn hợp phân. Năm thứ 2 nên dùng: Phân gà Compost với lượng 1 kg/cây/lần, bón 2 tháng/lần; phân NPK 16-16-8+TE 80 với lượng 100 gram/cây/lần, bón 1 tháng/lần.

Bón phân hữu cơ ủ với Trichoderma.

Giai đoạn kinh doanh:

Sau thu hoạch: Dùng phân NPK 16-16-8+TE với lượng 1 kg/cây. Phân hữu cơ Komix 2 kg/cây hoặc phân bò hoai 20 kg/cây; hoặc phân gà compost 10 kg/cây.

Bón đón hoa: Dùng phân NPK 20-20-15+TE với lượng 1 kg/cây.

Bón nuôi quả: Dùng phân NPK 20-20-15+TE 1 tháng bón 1 lần, với lượng 0,5 kg/lần/cây.

Bón tăng chất lượng quả: Trước thu hoạch 1 tháng dùng KCl bón cho cây với lượng 0,2 – 0,3 kg/cây.

Có thể sử dụng phân bón hỗn hợp: AT1 (1 kg sau thu hoạch), AT2 (1 kg giai đoạn đón hoa), AT3 (1kg giai đoạn nuôi quả).

Tưới nước, làm cỏ

Tưới nước

Giai đoạn kiến thiết cơ bản:

Sau khi trồng phải tưới nước thường xuyên giữ ẩm trong vòng 20 ngày đến 1 tháng để cây hoàn toàn bén rễ và phục hồi. Dùng hệ thống tưới nhỏ giọt, khi cây còn nhỏ 1 tuần tưới 2 – 3 lần, mỗi lần 3 – 5 lít nước/cây, tùy theo điều kiện thời tiết từng vùng để điều chỉnh hợp lý.

Hệ thống tưới nhỏ giọt.

Mùa nắng, nên thường xuyên tưới nước cho cây quýt. Sau đó khi cây lớn, tùy thời tiết khô nắng để tưới bổ sung chống hạn cho cây. Mùa mưa, do lượng mưa không phân bố đều, vì vậy vườn cần phải có mương cống để tiêu nước vào các tháng mưa nhiều, tránh ngập úng kéo dài cây có thể chết. Ở các vùng nước tưới gặp khó khăn như Đông Nam Bộ và các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt sẽ mang lại hiệu quả hơn.

Giai đoạn kinh doanh:

Tưới nước nhỏ giọt hoặc tưới tràn kết hợp tủ gốc giữ ẩm bằng rác hoặc cỏ khô, rơm, rạ. Duy trì độ ẩm vùng rễ khoảng 60 – 70% trong giai đoạn cây xuất hiện nụ đến đậu quả ổn định. Chú ý làm rãnh thoát nước trong mùa mưa. Quýt cần nhiều nước, đặc biệt trong thời kỳ ra hoa và kết quả nhưng cũng rất sợ ngập úng, ẩm độ thích hợp nhất là 70 – 80%. Trong mùa nắng, cần phải tưới nước và lượng muối NaCl trong nước tưới không quá 3 gram/lít.

Mùa khô cần làm bờ bồn và tưới 2 – 3 ngày/lần. Mùa mưa cần thoát nước tốt để tránh gây ngập úng. Cần làm mương cống để tiêu thoát nước như ở giai đoạn kiến thiết cơ bản. Để mực nước trong mương cách mặt liếp khoảng 50 – 80 cm.

Quản lý cỏ dại

Dùng máy cắt cỏ chuyên dụng.

Làm sạch cỏ ở gần gốc cây, ngoài bồn cây quýt dùng máy cắt cỏ không để cỏ dại quá tốt. Mỗi năm nên làm cỏ 4 – 5 lần, chừa lại thảm cỏ từ 3 – 5 cm.

Tạo hình, tỉa cành

Tạo hình cơ bản

Tạo tán cơ bản được thực hiện từ năm thứ 1 đến năm thứ 3 với mục đích: Tăng diện tích lá hữu hiệu, xúc tiến quá trình quang hợp. Duy trì sức sống tốt cho cây. Thuận lợi cho quản lý vườn cây, đảm bảo cân bằng sinh trưởng và kết quả. Hình thành và phát triển bộ khung tán cơ bản, vững chắc tránh cây bị đổ ngã.

Cách cắt tỉa như sau:

Khi cây xuất hiện tược non đầu tiên thì bấm ngọn.

Bấm ngọn.

Tủ gốc: khoảng 60 – 80 cm (đối với cây trồng bằng nhánh chiết), hoặc 40 – 60 cm (đối với cây ghép), bấm bỏ phần ngọn để các mầm ngủ và cành bên phát triển. Sau khi các cành bên phát triển, chọn 3 cành khoẻ, thẳng mọc từ thân chính. Cành cấp 1 phát triển dài khoảng 50 – 80 cm thì cắt đọt để các mầm ngủ trên cành cấp 1 phát triển hình thành cành cấp 2. Sau đó cũng tiến hành cắt đọt cành cấp 2, cành cấp 2 sẽ hình thành những cành cấp 3.

Cành cấp 3 không hạn chế về số lượng và chiều dài. Sau 3 năm cây sẽ có bộ tán cân đối, thuận lợi trong chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh và thu hoạch . Tạo tán hình mâm xôi tròn đều bốn phía. Khi cành dài 30 – 40 cm bấm ngọn để cây phân cành thứ cấp. Để kích thích chồi hình thành, sau bấm ngọn nên dùng Atonik để phun khoảng 2 lần, cứ 7 ngày/lần.

Chồi vượt cần tỉa bỏ.

Tỉa cành giai đoạn kinh doanh

Sau khi thu hoạch tiến hành tỉa cành, vệ sinh vườn cây. Tỉa cành đã mang quả (10 – 15 cm). Tỉa cành sâu bệnh, ốm yếu; cành khô, cành già, cành tăm, cành sát mặt đất. Tỉa cành đan chéo nhau; cành bên trong tán, cành vượt.

Chú ý: Cần phải khử trùng dụng cụ bằng Javel hoặc cồn 90 độ khi cắt hoặc tỉa cành để tránh lây bệnh. Đối với những cành lớn hơn 3 cm thì phải dùng cưa chuyên dụng, dùng sơn hoặc các thuốc trừ bệnh quét kín vết cắt.

Cây quýt đã được tỉa cành, tạo tán.

Xử lý ra hoa

Dựa vào điều kiện vườn cây cụ thể để quyết định thực hiện các biện pháp xử lý ra hoa cho cây quýt.

Các bước thực hiện xử lý ra hoa:

Sau thu hoạch, phải tiến hành bón phân để cây phục hồi. Cần tỉa cành sâu bệnh, cành vô hiệu (không có khả năng cho trái) trước khi xiết nước. Chỉ nên xiết nước khi vườn cây trên 3 năm tuổi để không làm cây bị kiệt quệ, mất sức. Thời gian xiết nước khoảng 20 – 30 ngày tùy theo tuổi cây hoặc điều kiện thời tiết. Chỉ nên xiết nước khi cây vừa “xào” lá (lá hơi héo). Trong thời gian xiết nước có thể phun MKP để giúp cây mau phân hóa mầm hoa. Sau khi xiết nước, tưới nước trở lại, ngày tưới ngày nghỉ, tưới vừa đủ ẩm không nên tưới quá nhiều. Bón phân theo khuyến cáo để cây đủ dinh dưỡng ra đọt và ra hoa. Cuối kỳ xiết nước có thể phun Nitrat Kali – KNO3 (nồng độ 0,1%) để tăng tỷ lệ ra hoa.

Bài viết trên đây đã giới thiệu tới bạn kỹ thuật trồng cây quýt đúng kỹ thuật, tạo điều kiện cho cây sinh trưởng tốt. Chúc bạn áp dụng thành công để có những cây quýt sai quả, mọng nước, ngọt lịm.

1/5 - (1 vote)

    Để lại một Bình luận

    Copyright 2023 – MobiFone

    Giấy ĐKKD: 0100686209-087. Đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 16/06/2023 cấp bởi Sở KHDT thành phố Hà Nội.

    Giấy phép thiết lập Mạng xã hội trên mạng số 145/GP-BTTTT cấp ngày 30/05/2024 bởi Bộ Thông tin và Truyền thông.

    Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Lê Quang Minh – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone – Tổng Công ty Viễn thông MobiFone.

    Phát triển và vận hành sản phẩm: Công ty cổ phần giải pháp thời tiết WeatherPlus

    DMCA.com Protection Status

    Khám phá

    Tin tức - sự kiện

    Liên hệ

    Trụ sở: Số 01 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

    Tải ứng dụng

    error: Content is protected !!