Bạn đã từng nghe đến một loại rau củ có thể phòng ngừa ung thư và một số bệnh nguy hiểm khác như đột quỵ, tim mạch chưa? Bật mí cho bạn đó chính là cây củ dền rất giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe. Hôm nay, mobiAgri sẽ hướng dẫn cách trồng củ dền tại nhà ai cũng làm được.
Củ dền là loại rau củ được thị trường ưa chuộng nên nó mang lại giá trị kinh tế rất cao cho người trồng. Với cách trồng đơn giản, bạn có thể trồng dễ dàng trong chậu, thùng xốp ở ban công hay khoảng đất trồng ngay tại nhà để cung cấp thực phẩm sạch cho gia đình. Tuy nhiên, để trồng củ dền cho năng suất cao thì không phải ai cũng biết. Vậy nếu muốn trồng củ dền đạt hiệu quả tốt nhất thì hãy theo dõi ngay thông tin dưới đây.
Khái quát cơ bản về củ dền
Tên khoa học của củ dền là Beta vulgaris, thuộc họ cải, thường gọi là củ dền đỏ. Lá thường có màu xanh lục, hình phiến trứng, cuống lá dài màu đỏ tím. Rễ phình to thành củ tròn màu đỏ sẫm. Hoa của củ dền có màu lục nhạt nhưng rất khó để nhìn thấy hoa bởi củ dền cần rất lâu để ra hoa. Quả được bao bọc bởi lớp vỏ sần sùi, màu nâu đỏ.
Củ dền được phân bố khắp thế giới và được trồng nhiều ở Anh Quốc, Trung Mỹ và Bắc Mỹ. Tại Việt Nam, củ dền được trồng chủ yếu ở Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và được bán nhiều trong siêu thị Big C. Củ dền ưa sáng nên thích hợp trồng ở nơi có ánh sáng trực tiếp như sân vườn, ruộng. Nhiệt độ tối ưu cho củ dền phát triển là thời tiết mát mẻ, nhiệt độ từ 18-23oC.
Công dụng tuyệt vời của củ dền
Trong củ dền và lá của nó chứa rất nhiều vitamin A, B1, B2, B6 và C. Đặc biệt, lá và thân rau chứa nhiều sắt. Bên cạnh đó, củ dền còn chứa nhiều khoáng chất như canxi, đồng, phốt pho, natri.
Nhờ nhiều loại dinh dưỡng có trong củ dền mà nó có tác dụng phòng ngừa ung thư, cải thiện chức năng gan, điều hòa huyết áp, điều trị viêm loét dạ dày, chống viêm nhiễm, ngăn ngừa đột quỵ và biến chứng tim mạch, đẹp da,…
Ngoài ra, củ dền còn được sử dụng làm món canh ăn hàng ngày và ép nước uống, bổ sung giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Lá củ dền có thể luộc, xào như món rau khi còn non.
Cách trồng củ dền năng suất cao
Thời vụ trồng
Củ dền rất dễ thích nghi khi thời tiết thay đổi nên được trồng quanh năm nhưng thích hợp nhất để đạt hiệu quả cao là trồng vào mùa mát mẻ từ tháng 8 đến tháng 2 năm sau.
Giống
Bà con chú ý chọn mua hạt giống củ dền tại các cửa hàng uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và để ý hạn sử dụng. Để đạt chất lượng cao, sinh trưởng tốt thì chọn giống cao sản là tốt nhất.
Dụng cụ trồng
Dụng cụ trồng củ dền khá đơn giản, bạn có thể tận dụng mảnh đất trống trong vườn, nếu không có đất vườn thì sử dụng bao xi măng, chậu, khay hay thùng xốp có sẵn. Lưu ý, dụng cụ trồng cần đảm bảo có lỗ thoát nước để rễ không bị thối úng.
Ngoài ra, bạn cần chuẩn bị các dụng cụ cần thiết như xẻng, bình tưới, bao tay làm vườn,…
Chuẩn bị đất trồng
Đất hữu cơ được nhiều người có kinh nghiệm đánh giá cao phù hợp trồng củ dền. Bởi đất được phối trộn và ủ vi sinh, thoáng khí tốt, dễ bảo quản lại an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Củ dền có thể phát triển trên nhiều loại đất khác nhau. Bạn có thể mua đất có sẵn tại cửa hàng hoặc tự phối trộn đất tại nhà với 50% đất thịt phù sa, 40% phân hữu cơ như trùn quế, phân chuồng hoai mục và 10% giá thể trấu hun hoặc mụn dừa.
Kỹ thuật gieo hạt
Hạt củ dền sống rất khỏe nên có thể gieo ngay xuống đất nhưng khuyến cáo bạn nên ngâm ủ hạt để tỷ lệ nảy mầm cao.
Bước 1: Chuẩn bị nước ấm 40oc (2 sôi 3 lạnh), ngâm hạt giống khoảng 3-5 tiếng. Sau đó, vớt hạt ra rải lên khăn giấy hay bông gòn và tưới ẩm.l
Bước 2: Khi thấy hạt xuất hiện vết nứt thì mang trồng ở khu vực đã chuẩn bị sẵn. Khoảng cách gieo là hàng cách hàng 10-15cm, cây cách cây 10cm. Sau khi gieo, bạn tiến hành phủ lớp đất mỏng lên và tưới nước giữ ẩm đều đặn 1-2 lần/ngày.
Bước 3: Đảm bảo đất đủ ẩm để hạt có điều kiện nảy mầm. Củ dền sẽ nảy mầm và ra lá sau gieo 1 tuần. Tưới nước thường xuyên 1-2 lần/ngày.
Chăm sóc củ dền đúng cách
Tưới nước: Củ dền trồng lấy củ nên cần được cung cấp nước đầy đủ để thuận lợi cho rễ hấp thu dinh dưỡng. Tưới thường xuyên 1-2 lần vào sáng sớm và chiều mát. Chú ý, không tưới quá nhiều nước làm rễ ngập úng gây thối và sâu bệnh dễ tấn công.
Tỉa cây con: Sau khi cây được 20 ngày, tiến hành tỉa bớt các cây yếu và chú ý không nhổ lên trồng lại vì cây sẽ không phình củ được.
Phân bón: Sau khi củ dền được 10-15 ngày tuổi thì nên bổ sung kali hòa tan để kích thích củ nảy mầm.
Khi củ dền được 20-25 ngày tuổi, bạn cần kết hợp bón các loại phân hữu cơ như phần trùn quế, phân bò, phân gà, phân trâu,… đã ủ hoai mục. Tiếp theo, cách 15 ngày thì bón tiếp NPK để cung cấp dinh dưỡng nuôi củ.
Sâu bệnh hại:
Sâu hại tấn công củ dền chủ yếu là loài sâu khoang. Để đảm bảo an toàn, bạn nên sử dụng các loại thuốc trừ sâu sinh học. Vì vậy, bạn nên thường xuyên kiểm tra vườn thường xuyên để xử lý kịp thời. Bạn có thể tự chế bằng cách pha vài nhánh tỏi, 2 quả ớt xay nhỏ cho vào 10ml rượu, 5 ml giấm gạo với 1 lít nước. Phun định kỳ mỗi tuần hoặc khi phát hiện sâu khoang thì phun.
Thu hoạch
Theo kinh nghiệm của người trồng, để củ dền thêm ngon ngọt thì bạn có thể dùng nước tưới pha thêm muối ăn với tỷ lệ 10 lít nước + 1 thìa muối tưới trước khi thu hoạch 2 tuần tới 1 tháng.
Sau thời gian từ 60-80 ngày kể từ khi trồng thì có thể thu hoạch củ dền. Ngoài ra, bạn cũng có thể tỉa lá củ dền ăn trước hoặc nhổ cả cây để sử dụng.
Lưu ý, không nên thu hái củ dền già quá sẽ làm giảm chất dinh dưỡng của củ.
Với thông tin chi tiết về cách trồng củ dền mà mobiAgri vừa cung cấp ở trên thì bạn có thể thực hiện trồng ngay tại nhà rồi nhé. Củ dền không những được chế biến ra nhiều món ăn mà nó còn có tác dụng phòng ngừa nhiều bệnh như tim mạch, gan, dạ dày, ung thư,… Chúc bạn sẽ trồng thành công củ dền để có những bữa ăn ngon, nhiều dinh dưỡng.