Đậu rồng hay còn gọi là đậu khế, đậu xương rồng, loại quả này rất giàu vitamin A và vitamin C. Thành phần dinh dưỡng trong đậu rồng giúp tăng cường hệ miễn dịch, tốt cho phụ nữ mang thai, giảm viêm khớp. Nếu bạn đang tìm hiểu về cách trồng cây đậu rồng thì hãy cùng mobiAgri tìm hiểu ngay tại bài viết dưới đây nhé!
Nội dung bài viết
Tìm hiểu về cây đậu rồng
Đậu rồng hay còn được gọi là đậu khế, loại thực phẩm này được chế biến thành nhiều món ăn ngon như xào, nấu canh chua, nướng hoặc thái lát bỏ vào nước lọc để uống. Đậu rồng là loại cây sống được nhiều năm, vì vậy nên làm giàn leo để đạt năng suất tối đa.
Đậu rồng có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, giảm quá trình lão hóa ở da, kiểm soát bệnh hen suyễn. Đặc biệt trong đậu rồng chứa rất nhiều axit folic, vitamin B12 giúp ngăn ngừa tình trạng dị tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh. Ngoài ra còn cung cấp thêm chất sắt cho phụ nữ sau sinh, hỗ trợ giảm các bệnh thiếu máu.
Ngoài các công dụng được kể trên, đậu rồng rất tốt cho những người mắc bệnh đái tháo đường, tăng sức khỏe cho mắt, góp phần chữa và giảm các cơn đau do bệnh viêm khớp gây ra. Bởi những lợi ích tuyệt vời trên của đậu rồng nên nhiều người đã tự trồng tại nhà, không chỉ là loại thực phẩm sạch còn là vị thuốc quý cho cả gia đình.
Thời vụ trồng đậu rồng
Đậu rồng sinh trưởng tốt ở những nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở nước ta, cây đậu rồng thường được trồng phổ biến ở các tỉnh phía Nam. Thời gian gieo trồng thích hợp bắt đầu từ vụ Xuân tháng 2 trở đi, vụ Thu sẽ được trồng từ tháng 8. Sau khoảng 3 tháng cây sẽ cho quả hoặc có thể nhanh hơn phụ thuộc vào sự chăm sóc, bón phân của người trồng.
Ở miền Bắc, thời vụ trồng cây đậu rồng bắt đầu vào khoảng cuối tháng 7, đầu tháng 8 khi nền nhiệt đã có sự dịu nhẹ. Cây sẽ cho quả từ tháng 10-12 nếu trồng vụ này, chăm sóc tốt có thể kéo dài thời gian thu hoạch đến hết tháng 3-4 năm sau.
Chuẩn bị trước khi trồng
Đất trồng
Đậu rồng có thể thích nghi tốt ở nhiều môi trường đất khác nhau. Tuy nhiên cây sẽ sinh trưởng tốt trên đất mùn, giàu dinh dưỡng như đất thịt nhẹ, đất cát pha, ưu tiên những loại đất có độ thông thoáng, khả năng thoát hơi nước tốt. Độ PH trong đất nên ở ngưỡng 4,3 -7,5. Đậu rồng có thể trồng được ở đất nặng, đất chua tuy nhiên không chịu được đất khô hạn, nếu trồng ở những loại đất này năng suất sẽ kém.
Hạt giống
Có thể chọn hạt giống từ những quả già. Những quả đã chuyển sang đen, quả to, vỏ khô là những quả có thể để lại làm giống. Chọn những hạt to tròn, vỏ sáng bóng, có màu nâu nên ngâm nước để lọc bỏ hạt lép. Có thể tìm mua hạt giống tại các cửa hàng uy tín hoặc các sàn thương mại điện tử.
Tiến hành ủ hạt giống
Trước khi đem gieo trồng nên ngâm trong nước ấm, theo tỉ lệ pha 2 sôi 3 lạnh. Ngâm khoảng 2-3h, sau đó vớt ra rửa sạch chất nhờn trên bề mặt hạt. Sau đó đem gieo trên khay ươm hoặc bầu đất.
Cách trồng đậu rồng
Sau khoảng 7-10 ngày, hạt giống đã nảy mầm, cây con đạt chiều cao 5-10cm thì tiến hành chọn lọc cây khỏe, bỏ cây còi cọc. Sau đó đem trồng ra đất hoặc trồng trong chậu. Nếu trồng trong chậu chỉ nên trồng từ 2-3 cây, để diện tích cây phát triển tránh cạnh tranh dinh dưỡng.
Khi cây cao khoảng 20-25cm thì nên làm giàn cho đậu rồng leo hoặc có thể tận dụng tường nhà, bờ rào. Làm giàn sẽ giúp tăng năng suất, quả ít bị sâu bệnh hại. Có thể làm giàn thẳng đứng, giàn chữ A. Làm giàn sát cây để giúp cây leo bám.
Cách chăm sóc cây đậu rồng
Tưới nước
Tưới nước 2 lần mỗi ngày vào sáng và chiều mát. Ở giai đoạn cây ra hoa phải tưới đủ nước ở gốc, không dùng vòi phun lên hoa khiến hoa bị rụng. Khi đậu rồng đã ra trái nên tiến hành tỉa bớt hoa đực, giúp cây tập trung nuôi trái.
Bón phân
Bón phân theo định kỳ 15 ngày/lần, đến khi cây ra quả thì ngừng bón. Nếu trồng cây trong chậu, thì giai đoạn cây bắt đầu đâm nhánh leo giàn nên thêm hỗn đất cho đầy chậu. Nên sử dụng phân NPK có hàm lượng kali cao pha loãng với nước để tưới vào chiều mát, sáng hôm sau. Hoặc có thể sử dụng phân chuồng, phân trùn quế hòa cùng nước để tưới cho cây.
Cách thu hoạch đậu rồng
Thu hoạch đậu rồng sau khoảng 40-50 ngày gieo trồng. Thời gian thu hoạch đậu rồng kéo dài từ 20-30 ngày. Sau mỗi lần thu hoạch nên bổ sung phân bón, tưới nước, vun xới lại gốc cho cây. Không nên để quá ngày thu hoạch đậu rồng, bởi quả già, khô nhiều xơ, giảm dinh dưỡng.
Hi vọng với bài viết hướng dẫn kỹ thuật trồng đậu rồng trên đây, sẽ giúp bạn bắt tay vào công cuộc trồng đậu rồng tại nhà trở nên đơn giản. Chúc bạn trồng thành công những giàn đậu rồng sai trĩu quả.
Ninh Duong
Cam on ban rat nhieu ,vi toi co trong mot so cay dau nay nhung den nay thang 9 ma Chua thay Ra HOA .thong tin cua ban rat tot .
mobiAgri
Xin chào chị Ninh Duong!
Cảm ơn chị đã theo dõi bài viết, trong quá trình chị trồng cây gặp vấn đề gì có thể gửi câu hỏi kèm hình ảnh để mobiAgri tư vấn thêm nhé.
Rất mong chị tiếp tục theo dõi và ủng hộ mobiAgri.
Xin cảm ơn chị!