Dưa hấu ngon ngọt dễ ăn, cung cấp một lượng lớn cho cơ thể. Vì vậy loại trái cây này được nhiều người yêu thích, đặc biệt là vào mùa hè, dùng để ăn trực tiếp hoặc ép nước đều rất ngon. Kỹ thuật trồng dưa hấu cũng không quá khó, bạn hoàn toàn có thể tự trồng tại nhà. Hãy áp dụng những kỹ thuật trồng dưa hấu tại bài viết nếu muốn thu hoạch những trái dưa hấu to tròn, vị ngọt lịm nhé!
Nội dung bài viết
Cách trồng dưa hấu đúng kỹ thuật
1. Thời vụ trồng dưa hấu
Miền Bắc
Vụ Xuân hè: Do có mùa đông lạnh nên vụ này là vụ chính. Gieo vào cuối tháng 2, trồng 10 – 15/3, thu hoạch cuối tháng 5.
Vụ Hè: Trồng khi gặt xong lúa chiêm xuân sớm, giữa tháng 6, thu hoạch cuối tháng 7. Thời vụ này thích hợp cho vùng trồng dưa hấu ở Đồng bằng sông Hồng.
Nhược điểm của vụ này là mưa nhiều nên các chân đất trũng hay bị ngập. Cần trồng dưa hấu ghép lên gốc bầu để chịu úng và chống bệnh héo vàng.
Vụ Đông: Vụ này nghiêm ngặt về thời gian nên chỉ vùng nào người dân có kinh nghiệm thâm canh mới nên trồng. Gieo hạt cuối tháng 8, trồng đầu tháng 9, thu hoạch cuối tháng 11, đầu tháng 12.
Miền Trung và miền Nam
Vụ sớm: Gieo trồng tháng 10, thu hoạch cuối tháng 12, trồng trên chân đất thoát nước, do ảnh hưởng mưa đầu vụ.
Vụ chính: Gieo trồng tháng 11, thu hoạch Tết âm lịch. Mùa này cây sinh trưởng thuận lợi, nên năng suất cao.
Vụ hè: Thu hoạch sau Tết âm lịch, trồng trên đất sau lúa ở An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và các tỉnh miền Trung.
2. Chuẩn bị phân bón, cách bón
Tiêu chuẩn phân bón
Sử dụng các loại phân bón có trong danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam. Ưu tiên lựa chọn các loại phân hữu cơ đã qua xử lý, phân hữu cơ sinh học, phân vi sinh. Khi sử dụng phân bón và hóa chất, phải tuân theo hướng dẫn ghi trên nhãn mác hoặc qua tư vấn của cơ quan chuyên môn.
Bỏ phân NPK tổng hợp vào hốc trồng.
Không sử dụng phân có nguy cơ ô nhiễm cao như: phân bắc, phân chuồng tươi, nước giải, rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp chưa qua xử lý (ủ hoai mục) để bón cho dưa lưới.
Lượng phân bón
Tùy điều kiện từng vùng, các loại phân bón có sẵn trên thị trường có thể sử dụng các loại phân bón với lượng cụ thể cho 1 ha trong 1 vụ như sau: 25 – 30 tấn phân chuồng hoai mục + 140 kg N + 80 kg P2O5 + 180 kg K2O.
Lượng phân bón lót và cách bón
Bón lót trên luống trước trồng.
Thời điểm bón: Trước và trong quá trình làm đất lên luống trồng cây.
Lượng phân bón: Toàn bộ phân chuồng + vôi bột + 30%N + 100%P2O5 + 30% kg K2O tương đương 25 – 30 tấn phân chuồng + vôi bột + 42 kg N nguyên chất + 80 kg P2O5 nguyên chất + 54 kg K2O nguyên chất.
Cách bón: Toàn bộ phân bón rắc đều trên mặt luống khi phay đất sau đó lên luống, phủ nilon.
3. Chuẩn bị đất trước khi trồng
Đất trồng dưa nên luân canh với cây trồng khác họ như lúa, ngô, cây họ đậu. Thu dọn tàn dư cây vụ trước, cày phay tơi nhỏ, nhặt sạch cỏ dại. Lên luống rộng 2,5 – 3 m với luống đơn; 4,5 – 6 m với luống kép, hình mui luyện. Rãnh rộng 30 cm, sâu 25 cm. Hướng luống Đông – Tây để có nhiều ánh sáng. Xử lý đất bằng 300 kg vôi bột/ha. Trong quá trình làm đất, cần bón đủ các loại phân lót và phủ màng phủ nông nghiệp đục lỗ theo mật độ, khoảng cách trồng phù hợp.
Lưu ý: Màng phủ nông nghiệp phủ mặt đen xuống dưới, mặt có ánh bạc phía trên giúp hạn chế cỏ dại, bốc hơi nước, thất thoát phân bón. Đặc biệt, mặt có ánh bạc sẽ phản quang giúp hạn chế, xua đuổi các loại côn trùng chích hút (bọ phấn trắng).
Cách dùng màng phủ nông nghiệp
Đậy màng phủ
Tưới đẫm nước trước khi đậy màng phủ. Khi phủ, kéo căng tấm phủ, hai bên mép ngoài được cố định bằng cách dùng dây chì bẻ hình chữ U mỗi cạnh khoảng 10 cm ghim sâu xuống đất (dây chì sử dụng được nhiều năm) hoặc dùng tre chẻ lạc ghim mé liếp hoặc lấp đất tấn mé liếp để tránh gió tốc trong mùa nắng.
Không nên dùng rơm hay cỏ đậy trên màng phủ vì làm mất tác dụng phản chiếu ánh sáng.
Đục lỗ màng phủ
Dùng lon sữa bò đường kính khoảng 10 cm, có đục lỗ thông gió xung quanh chân lon, làm cán để cầm, cột dây chì vòng miệng lon chừa râu dài 40 – 70 cm làm cự ly giữa các cây, đốt than nóng cho vào trong lon.
4. Cách trồng dưa lưới
Mật độ, khoảng cách trồng
Khoảng cách trồng thích hợp là 2,5 – 3 m x 0,5 m. Hàng cách hàng 2,5 – 3 m, cây cách cây 0,5 m. Mật độ 6.500 – 9.000 cây/ha.
Khoảng cách trồng dưa hấu thích hợp.
Trồng bằng cây giống
Khi cây con có 2 lá thật thì tiến hành trồng ra ruộng. Nhẹ nhàng dùng ngón tay trỏ đẩy cây giống ở các lỗ gieo trên khay bầu từ dưới lên, lấy cây giống ra khỏi lỗ trên khay đảm bảo cây không bị vỡ bầu.
Cây con trồng trong khay bầu giá thể.
Dùng dầm nhẹ nhàng bới một hốc ở vị trí trồng đủ sâu và rộng để đặt cả bầu cây xuống (nếu phủ màng phủ thì trồng tại vị trí đã đục lỗ). Dùng tay nhẹ nhàng lấp đất kín bầu và ấn nhẹ xung quanh đảm bảo bầu cây giống thấp hơn mặt luống nhưng không nên trồng sâu quá, tưới đủ ẩm trong 3 ngày đầu. Có thể phun thuốc trừ bọ trĩ, sâu ăn lá, rệp (nếu cần thiết) trước khi trồng cây ra ruộng. Sau khi trồng, tưới nước đủ ẩm cho cây. Có thể tưới bằng gáo hoặc dây tưới mềm, hay sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt đảm bảo tưới nhẹ nhàng không làm cây đổ bết dính đất.
Tưới nước, phủ rơm cho cây con sau trồng.
Gieo hạt trực tiếp
Lượng hạt giống 0,8 kg – 1 kg/ha đất. Gieo 2 hạt/lỗ, sâu 1 – 2 cm, phủ tro trấu hay rơm, khi cây mọc 3 – 4 lá tỉa chừa 1 cây. Những năm ít mưa hoặc mưa dứt sớm, có thể ủ hạt nảy mầm trước khi gieo thẳng trên liếp.
Gieo hạt trực tiếp trên luống.
Ưu điểm: Gieo thẳng rễ mọc sâu, cây sinh trưởng rất mạnh không bị mất sức.
Hạn chế: Tăng chi phí hạt giống, khó chăm sóc, gặp mưa to cây con bị hư nhiều.
Cách chăm sóc dưa lưới đúng kỹ thuật
1. Bón phân cho cây dưa lưới
Lượng phân bón nguyên chất cho cả vụ
Chú ý:
Lượng phân có thể thay đổi tùy thuộc vào giống, vùng sản xuất, mùa vụ, chân đất.
Lượng vôi bón tùy thuộc vào pH của đất:
Nếu đất sét nhiều chất hữu cơ:
- pH từ 3,5 – 4,5 bón 2 tấn vôi/ha.
- pH từ 4,6 – 5,5 bón 1 tấn vôi/ha.
- pH từ 5,6 – 6,5 bón 0,5 tấn vôi/ha.
- pH > 6,5 không cần bón vôi.
Nếu với đất cát, ít chất hữu cơ:
- pH từ 3,5 – 4,5 bón dưới 1 tấn vôi/ha.
- pH từ 4,6 – 5,5, bón dưới 0,5 tấn vôi/ha.
- pH từ 5,6 – 6,5, bón dưới 250 kg vôi/ha.
- pH > 6,5 không cần bón vôi.
Tỷ lệ lượng phân bón cho từng thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây
Phương pháp bón
Bón lót:
Thời điểm bón: Trước và trong quá trình làm đất lên luống trồng cây.
Lượng phân bón: 30%N, 30% K2O, 100% P2O5 và 100% phân chuồng, 100% vôi bột.
Cách bón: Toàn bộ phân bón rắc đều trên mặt luống khi phay đất, sau đó lên luống, phủ nilon. Hoặc rạch hàng ở giữa luống bón phân lót sau đó lấp kín phân. Phương pháp này áp dụng với trồng cây 2 hàng/luống và cắm giàn cho cây.
Bón thúc:
Đợt 1: Sau khi trồng 15 – 20 ngày, cây có 5 – 6 lá thật. Có thể hoà nước tưới hoặc bón theo hốc cách gốc cây 10cm. Sau bón lấp kín phân, tưới nước đủ ẩm để hoà tan phân, kết hợp vun xới phá váng. Tốt nhất nên hòa nước tưới vì dưa lưới có bộ rễ yếu.
Đợt 2: Sau mọc 35 – 40 ngày. Hòa nước tưới vào từng hốc hoặc bón theo hốc. Vị trí bón đối lập với vị trí bón lần 1. Cách gốc 10 cm.
Bổ sung Kali sunfat ngay từ giai đoạn này một phần bón qua gốc, một phần phun qua lá với liều lượng 20 – 30 gram/bình 16 lít. 7 ngày phun 1 lần. Các lần bón nên kết hợp làm cỏ, tỉa nhánh và tỉa lá già, lá sâu bệnh. Bón bổ sung hoặc phun bổ sung các loại phân bón lá, phân vi lượng đặc biệt Borat sau khi cây hồi xanh đến trước khi thu hoạch để cây sinh trưởng phát triển tốt hơn. Liều lượng theo hướng dẫn sử dụng của hãng sản xuất.
Một số loại phân bón thường dùng trong sản xuất
Phân đơn: Phân ure, Supe lân, Kali sunfat.
Phân tổng hợp: NPK 16-16-8, NPK 13-13-13, NPK 20-20-20.
2. Thụ phấn, chọn quả
Thụ phấn
Thụ phấn là biện pháp kỹ thuật quan trọng để chăm sóc cây dù côn trùng có thể thụ phấn cho hoa dưa hấu ở ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, để thúc quả phát triển đều và thu hoạch cùng lúc, có thể thụ phấn bổ sung bằng tay.
Thụ phấn bằng tay.
Thụ phấn vào buổi sáng 7 – 9 giờ trong thời kỳ hoa nở rộ, khi dây dài 1,5 m, sau trồng 25 – 30 ngày. Ngắt hoa đực nở to chấm phấn đều lên nhụy hoa cái to, thời gian thụ phấn nên kéo dài 5 – 7 ngày. Thời gian úp nụ càng ngắn càng tốt, để các quả có cùng độ lớn, ruộng dưa đồng đều dễ chăm sóc.
Chọn quả
Để cho quả dưa to, chỉ nên để một quả/mỗi dây. Tiến hành chọn quả khoảng 30 – 35 ngày sau khi trồng. Khi quả bằng quả chanh, chọn quả thứ 3 trên dây nhánh tức vị trí lá thứ 14 – 20, nếu dây dưa quá sung có thể chọn quả ở vị trí 20 – 24 sẽ cho quả tốt hơn.
Ngắt bỏ quả xấu, để lại một quả trên cây.
Nếu trên dây chính không tuyển quả được thì chọn quả thứ 2 trên dây nhánh tức vị trí lá 8 – 14. Chọn quả đầy đặn, cuống to, dài, có nhiều lông tơ thẳng, không sâu bệnh. Đồng thời tỉa bỏ tất cả các quả khác đậu tự nhiên, các quả ra sau, cắm que đánh dấu. Nếu quả nằm chỗ trũng, cần kê lên rơm cho khỏi thối.
3. Tưới nước cho cây dưa lưới
Sau khi trồng, thường xuyên tưới đủ độ ẩm cho cây sinh trưởng phát triển bình thường. Vào các thời kỳ nụ, hoa, quả rộ và quả đang lớn cần đảm bảo đủ nước. Có thể sử dụng nguồn nước mặt (hồ, ao) hoặc nước ngầm để tưới. Hàm lượng một số hóa chất và kim loại nặng trong nước không vượt mức tối đa cho phép. Định kỳ kiểm tra chất lượng nước tưới theo quy định.
Không sử dụng nước thải công nghiệp, nước thải từ các bệnh viện, khu dân cư tập trung, trang trại chăn nuôi, lò giết mổ gia súc chưa qua xử lý để tưới trực tiếp cho dưa hấu. Khi cây mới trồng, thường xuyên tưới nhẹ nước cho cây mau bén rễ hồi xanh. Thường xuyên duy trì đủ độ ẩm cho cây sinh trưởng phát triển bình thường, bằng cách tưới trực tiếp vào gốc hoặc tưới rãnh phụ thuộc vào độ ẩm đồng ruộng.
Có thể tưới tràn vào rãnh để đất ngấm đủ nước, sau đó phải tháo ngay. Mùa hanh khô 1 tuần tưới 1 lần. Khi dưa có quả, cần tưới đều đặn, không tưới ồ ạt tránh làm nứt quả. Ngừng tưới nước trước khi thu hoạch 5 ngày.
4. Tỉa nhánh, định hướng dây
Tỉa cành, ghim dây
Khi cây dưa có 4 – 5 lá thật (lá nhám), tiến hành chọn ngọn cho dưa, chọn chồi nách phát triển giữ lại 2 – 3 chồi khỏe sát gốc, tỉa bỏ những chồi thừa. Sau đó tiến hành dùng ghim tre cố định ngọn.
Sửa dây
Sau khi trồng 20 ngày, cây bắt đầu bỏ vòi, tiến hành sửa dây, cố định vị trí của dây dưa. Để các dây dưa bò song song khắp mặt liếp, tránh để các dây dưa bò chồng chéo lên nhau nhằm giúp cây dưa tận dụng tốt ánh sáng và quang hợp tốt, giảm sâu bệnh gây hại trên dưa và tiện lợi cho việc tuyển quả sau này. Định hướng dây, để các dây dưa bò song song với nhau.
Tỉa nhánh
Cắt bỏ những nhánh phụ không cần thiết nhằm giúp cây dưa tập trung dinh dưỡng nuôi những nhánh chính để lấy quả sau này. Trước khi lấy quả, mỗi cây dưa chừa 1 thân chính và 1 – 2 nhánh phụ. Nông dân thường chừa 2 nhánh phụ, cho bò song song với thân chính.
Việc tỉa nhánh thực hiện sớm và thường xuyên khi chồi non mới ra 5 – 7cm, tỉa bỏ hết dây chồi, dây bơi đến khi dưa thụ phấn. Nên tỉa nhánh bằng kéo đã nhúng vào dung dịch Benlate – C hoặc Copper – B pha ở nồng độ 1 – 2% để ngừa bệnh. Tiến hành lúc trời nắng ráo để vết cắt mau khô. Khi quả dưa đạt chu vi khoảng 2 gang tay có thể bấm đọt.
5. Làm cỏ vun xới
Làm cỏ
Làm cỏ kết hợp tỉa bỏ lá già, lá bị rệp hại nặng, cây bị bệnh đem tiêu hủy để hạn chế sâu bệnh phát triển gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng của cây.
Vun xới
Trong trường hợp không dùng màng phủ, sau trồng 15 – 20 ngày xới phá váng. Sau trồng 35 – 40 ngày kết hợp bón phân cho dưa, vun cao luống, để tránh tình trạng đọng nước giữa hàng, bộ rễ phát triển kém.
6. Tỉa giặm
Một tuần sau khi trồng, cần chú ý kiểm tra cây. Nếu thấy cây nào héo và khó hồi phục, hãy nhổ bỏ và trồng lại. Khi trồng lại, lấy cây giống từ nguồn dự phòng khi gieo giống, nếu không có thì mua cây giống mới.
Cây trồng giặm được chọn phải đạt tiêu chuẩn: cây to, khỏe, cứng cáp, rễ thẳng, không dị hình, không sâu bệnh, không dập nát, cây sau khi gieo 7 – 10 ngày hoặc 10 – 15 ngày tùy thời vụ. Nếu bà con gieo hạt trực tiếp, cũng cần kiểm tra để giặm cây nếu hốc có hạt không mọc hoặc cây yếu. Đồng thời, tỉa bớt các hốc có 2 cây. Tỉa bỏ cây kém hơn, giữ lại cây khỏe.
7. Siết nước trước khi thu hoạch
Để giúp dưa ngon và ngọt hơn cần siết nước trước khi thu hoạch, khoảng 10 ngày trước khi thu hoạch, cần tiến hành siết nước. Lượng nước cung cấp cho cây giảm dần, tùy vào điều kiện thời tiết.
Trước thu hoạch khoảng 3 – 4 ngày không tưới nước giúp quả dưa tăng độ ngọt.
Thu hoạch dưa lưới
Thời điểm thu hoạch
Tùy thuộc vào thời gian sinh trưởng của giống mà chúng ta bắt đầu thu hoạch, khoảng 65 – 70 ngày sau khi trồng, khi độ chín đạt 70 – 80%. Từ khi thụ phấn đến quả chín 30 – 35 ngày. Không nên để quả chín quá dễ bị thối nhũn. Trước khi thu hoạch cần ngưng tưới nước 5 – 7 ngày để quả ngọt hơn và thời gian bảo quản được lâu hơn, quả ít bị thối.
Ngưng phun thuốc hóa học trước khi thu hoạch 10 ngày để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Khi cắt dưa chừa cuống dài 8 – 10 cm. Dưa trồng đúng kỹ thuật có thể tồn trữ lâu từ 15 – 20 ngày sau khi cắt.
Tiêu chuẩn quả thu hoạch
Vỏ quả có đóng phấn trắng. Chỗ tiếp xúc vỏ dưa và mặt đất có màu vàng. Dây, lá dưa, đầu tua ngay đốt quả chuyển vàng. Gõ nhẹ trên quả có tiếng trầm đục. Quả đạt kích thước tối đa của giống.
Cách thu hoạch
Thu vào buổi sáng mát, cắt cả cuống, độ dài cuống tùy theo yêu cầu thị trường. Xếp quả vào thùng xốp hoặc thùng carton, xếp 2 – 3 lớp quả trong 1 thùng, để nơi thoáng mát. Thu khi quả chín sinh lý và tiêu dùng khi quả chín hoàn toàn sau 1 – 2 ngày bảo quản. Sau khi thu hoạch, cần phân loại quả, đóng gói theo kích cỡ hoặc đóng thùng carton, bảo quản nơi thoáng mát trước khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ.
Lưu ý khi lựa chọn phương pháp thu hoạch phù hợp
Giảm thiểu các tổn thương cơ giới. Tránh nhiệt độ cao và ánh nắng chiếu trực tiếp. Xếp ngay vào dụng cụ đựng, không để tiếp xúc với đất, để tránh dưa bị dính đất cát, vi sinh vật có hại. Thu hoạch khi thời tiết khô ráo vì nấm bệnh, mốc phát triển rất nhanh nếu thu hoạch lúc trời mưa hay ngay sau khi mưa.
Dưa hấu là loại trái cây dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, đem lại nguồn lợi kinh tế cao cho người trồng. Bài viết trên đây đã giới thiệu tới bạn kinh nghiệm trồng dưa hấu đơn giản, để có trái to tròn, ngon đẹp không bị nứt vỡ, ăn ngọt và thu hoạch đúng vụ.