Hiện nay có rất nhiều gia đình trồng dưa lê tại vườn nhà, sân thượng để đảm bảo an toàn thực phẩm. Trồng dưa lê sai quả, ít sâu bệnh không khó nếu bạn áp dụng đúng phương pháp kỹ thuật.
Dưa lê là một loại cây ăn quả được trồng rộng rãi hiện nay. Đây là một trong những loại cây trồng dễ dàng và không quá khó khăn để chăm sóc. Tuy nhiên, để đạt được hiệu suất tốt nhất từ cây dưa lê, việc trồng và chăm sóc cây cần được thực hiện đúng cách. Trong bài viết này, cùng mobiAgri tìm hiểu về cách trồng dưa lê đúng kỹ thuật để đạt được kết quả tốt nhất.
Nội dung bài viết
Giới thiệu về dưa lê
Dưa lê hay còn được gọi với cái tên dưa mật, có hương vị ngọt lịm, thơm mát giàu dinh dưỡng. Ngoài ra loại quả này có công dụng giảm cân, thúc đẩy sức khỏe của da và tóc, vì vậy dưa lê được nhiều người yêu thích. Cây dưa lê có thể trồng quanh năm tùy theo khí hậu và thời tiết của từng khu vực, vì vậy nó là lựa chọn lý tưởng cho những người muốn trồng cây ăn quả trong vườn nhà mình.
Thời vụ trồng dưa lê
Biên độ nhiệt phù hợp để trồng dưa lê từ 18 – 32 độ C. Vì vậy thời vụ trồng dưa lê ở miền Bắc phù hợp từ tháng 2 đến tháng 9 dương lịch. Tuy nhiên thời điểm thích hợp nhất để gieo trồng vẫn là sau lập xuân để được vụ mùa xuân hè.
Chuẩn bị trước khi trồng
Chuẩn bị hạt giống
Tiến hành ngâm ủ hạt giống dưa lê trong nước ấm trong vòng 2 giờ. Sau đó vớt ra ủ trong khăn ẩm, thời gian ủ từ 24-36 giờ. Kiểm tra hạt nứt nanh, nảy mầm là có thể đem gieo.
Đất
Trước khi trồng dưa lê nên xử lý đất khỏi các mầm bệnh, giúp đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng hơn. Đối với đất ruộng nên xới kỹ bằng máy xới, làm sạch cỏ. Sử dụng vôi để khử chua, rửa mặn cho đất, diệt mầm bệnh. Tiến hành lên luống rộng từ 1,8-2, cao 25-30 cm, các rãnh rộng từ 30-35 cm. Dùng bạt nilon để phủ cho các luống, giúp hạn chế côn trùng, cỏ dại và giữ ẩm cho đất. Đào hốc để trồng, mỗi hốc cách khoảng 50cm trên mỗi luống.
Cách trồng dưa lê tại nhà
Dùng dao rạch vỏ bầu ra khỏi cây con, phải thật cẩn thận để cây không bị đứt rễ. Đặt cây vào hốc trên các luống đã chuẩn bị trước đó. Sau khi trồng xong nên phủ rơm rạ quanh gốc, không phủ quá dày. Điều này giúp giữ ẩm cho cho cây và hạn chế tình trạng bốc hơi nước.
Tiến hành tưới nước dạng phun sương 2 lần/ngày cho cây. Đối với cách trồng dưa lê trong thùng xốp cũng tương tự như vậy. Nếu không có thời gian xử lý đất trước trồng, có thể mua đất tại các bao đóng sẵn tại các cửa hàng hoặc sàn thương mại. Lưu ý: Những thùng xốp có diện tích nhỏ hẹp, chỉ nên trồng từ 2-3 cây mỗi thùng.
Ngoài ra còn có cách trồng khác, đó là sau khi ngâm ủ hạt có thể gieo trồng trực tiếp xuống đất. Sau đó phủ lớp đất mỏng lên trên, tưới nước hàng ngày để giữ ẩm. Tuy nhiên cách trồng này khiến tỉ lệ hạt nảy mầm thấp, cây con không qua chọn lọc nhiều cây còi cọc, kém phát triển.
Chăm sóc dưa lê sau trồng
Tưới nước
Điều chỉnh lượng nước phù hợp theo giai đoạn, những ngày nắng kéo dài tăng lượng nước tưới. Tùy vào điều kiện thời tiết tưới 2 lần mỗi ngày hoặc ngừng tưới nếu trời mưa kéo dài.
Bấm ngọn
Khi cây dưa có từ 6-8 lá là lúc cần bấm ngọn, giúp cây phân nhánh. Lặp lại việc này trong quá trình dưa phát triển, chỉ giữ lại từ 2-3 nhánh to, khỏe, không sâu bệnh.
Bón phân
Khi cây đã lên 4-5 lá tiến hành bón phân đạm, kali cho cây, để đạt hiệu quả tốt nhất nên pha loãng phân và nước để tưới xung quanh. Giai đoạn cây đang ra hoa, kết trái tiến hành bón phân NPK. Trước thời điểm thu hoạch tiến hành bón phân lân để giúp cây có nhiều dinh dưỡng hơn đi nuôi quả, nuôi thân.
Phòng trừ sâu bệnh cho cây dưa lê
Cây dưa lê không tốn quá nhiều công chăm sóc, tuy nhiên cần thường xuyên theo dõi để phát hiện sâu bệnh. Cây dưa lê dễ bị mắc các loại sâu bệnh sau: Bệnh chảy nhựa thân, bệnh do bọ trĩ, bệnh sương mai, bệnh lở cổ rễ, bệnh phấn trắng, thán thư,… Cần sử dụng thuốc điều trị theo đúng liều lượng hướng dẫn. Ngoài ra ưu tiên sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu sinh học.
Thu hoạch dưa lê
Trong giai đoạn cây ra trái nên che chắn quả, bọc quả để không làm mất màu vừa giúp giảm thiểu sâu bọ châm chích. Dưa lê chín quả căng tròn, ngả sang màu trắng, có mùi thơm đặc trưng. Sau khoảng thời gian 50-70 ngày sau khi trồng, cây ra quả là có thể thu hoạch. Sau khi thu hoạch, bảo quản dưa ở nơi thoáng mát từ 1-2 ngày giúp tăng hương vị, độ ngọt của dưa lê.
Với những kiến thức được chia sẻ tại bài viết, hi vọng bạn có được vụ mùa dưa lê bội thu khi áp dụng những kinh nghiệm trên.