Cách trồng dưa lưới đúng kỹ thuật, tăng năng suất chất lượng

Dưa lưới là loại trái cây được yêu thích, bởi hương vị thanh mát, vị ngọt thơm. Dưa lưới có nhiều vitamin rất tốt cho sức khỏe như: Vitamin A, C, E, axit folic,… rất tốt cho sức khỏe, vì vậy được nhiều người yêu thích. Loại trái cây này có giá thành tương đối cao, tuy nhiên hiện nay bạn có thể tự trồng tại nhà để tiết kiệm chi phí, lại có hoa quả sạch cho gia đình thưởng thức. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn kỹ thuật trồng dưa lưới đơn giản, năng suất cao, được đúc kết từ những kinh nghiệm lâu năm của nhiều người trồng.

Cách trồng dưa lưới đúng kỹ thuật

1. Thời vụ trồng dưa lưới

Dưa lưới có nguồn gốc từ châu Phi và Ấn Độ. Thích hợp với điều kiện nhiệt độ và cường độ ánh sáng cao.

Ở miền Trung và miền Nam: Nhiệt độ cao, cường độ ánh sáng cao. Dưa lưới trồng với túi bầu giá thể trong nhà màng nên có thể trồng quanh năm.

Ở miền Bắc: Trồng dưa lưới từ 5/3 đến 15/10.

Thời vụ thích hợp nhất là vụ Xuân hè và vụ Hè, trồng từ 5/3 đến 5/5 dương lịch. Vụ Thu đông trồng từ tháng 8 đến tháng 10. Thời điểm này trời nắng nhiều, cường độ ánh sáng cao, độ ẩm thấp thuận lợi cho dưa lưới phát triển, ít sâu bệnh hại. Độ ngọt của dưa vụ Thu đông cao hơn vụ Xuân hè và vụ Hè.

Ở miền Bắc do có điều kiện mùa đông lạnh nên kết thúc trồng dưa lưới trước 15/10. Nếu trồng muộn gặp mùa đông lạnh, ánh sáng yếu làm cho quả nhỏ, khả năng tạo vân kém, hiệu quả kinh tế không cao.

2. Chuẩn bị cây giống, chậu trồng

Chuẩn bị cây giống

Chuẩn bị đủ lượng cây và đúng giống cần trồng. Cây giống phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn cây con khi đem trồng.

Cây phải đồng đều, bắt đầu ra lá thật hoặc được 1 lá thật, cây mập, khỏe và sạch sâu bệnh, không dập gãy. Thường cây sau gieo khoảng 7 – 10 ngày ở điều kiện trời ấm, 10 – 15 ngày ở điều kiện nhiệt độ thấp có thể xuất vườn mang trồng được.

Chuẩn bị chậu trồng

Chậu nhựa.

Có rất nhiều dụng cụ để trồng và tái sử dụng khi trồng dưa lưới như chậu nhựa, túi bầu nilon, túi trồng cây bằng vải… Chọn chậu trồng dưa lưới có đường kính ít nhất 25 cm, độ sâu 25 cm. Chậu cần phải có lỗ thoát nước đảm bảo lưu thông nước và không khí cho rễ cây. Vật liệu đơn giản dễ sử dụng và phổ biến nhất hiện nay là trồng trên các túi bầu.

Túi bầu nilon.

3. Chuẩn bị phân bón dưa lưới

Tiêu chuẩn phân bón

Sử dụng các loại phân bón có trong danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam. Ưu tiên lựa chọn các loại phân hữu cơ đã qua xử lý, phân hữu cơ sinh học, phân vi sinh. Khi sử dụng phân bón và hóa chất phải tuân theo hướng dẫn ghi trên nhãn mác hoặc qua tư vấn của cơ quan chuyên môn. Khi trồng dưa lưới trên túi bầu giá thể hoặc trong chậu, thường sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Do vậy, phân bón là các loại phân hòa tan chuyên dụng.

Chuẩn bị dinh dưỡng cho cây

Đối với dưa lưới trồng quy mô lớn, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt

Trước khi pha loãng thành dung dịch phân bón cung cấp cho cây, cần pha dung dịch đặc dự trữ trước, thường gọi là dung dịch gốc hoặc dung dịch mẹ. Pha riêng 2 thùng, gọi là dung dịch mẹ A và mẹ B.

Các loại hóa chất và cách pha như sau:

Khi sử dụng, cần pha loãng như sau: cứ 1 lít mẹ A và 1 lít mẹ B pha vào 100 lít nước sạch thì được nước dinh dưỡng nuôi trồng (dung dịch con). Như vậy 2 thùng hóa chất nói trên pha được 10.000 lít nước dung dịch con. Cần đo EC để điều chỉnh, đảm bảo EC = 0,8 -1,5 và điều chỉnh pH = 5,8-6,5.

Đối với dưa lưới trồng quy mô nhỏ, không có hệ thống nhỏ giọt

Sử dụng các loại phân bón chuyên dụng gồm các dạng: NPK 28-10-10+TE, NPK 20-20-20+TE, NPK 17-9-27+TE, hoặc các loại phân chuyên dụng khác. Bổ sung thêm Canxi giai đoạn đầu giúp cây sinh trưởng khỏe, hạn chế nứt quả.

4. Chuẩn bị giá thể trồng dưa lưới

Dưa lưới có thể trồng trên túi bầu giá thể hoặc máng giá thể. Giá thể trồng dưa lưới có nhiều dạng khác nhau như:

Hỗn hợp giá thể gồm: Xơ dừa, trấu hun, phân chuồng mục (hoặc phân trùn quế) với tỷ lệ 1:1:1 được đóng trong túi bầu. Thành phần giá thể trồng dưa lưới có thể thay đổi nhưng lượng trấu hun không nên vượt quá 40%.

Giá thể được ủ trước khoảng 3 – 6 tháng, trong quá trình ủ, nên bổ sung thêm Trichoderma.

Giá thể trơ gồm: 100% xơ dừa đã được ngâm ủ và khử chát. Trước khi trồng, giá thể cần được tưới đủ nước và đảm bảo độ ẩm 70 – 80%.

Bánh giá thể: Được các công ty có uy tín phân phối trên thị trường. Nếu dùng bánh giá thể cần ngâm nước để giá thể được hút no nước trước khi trồng.

Chú ý: Giá thể có thể được sử dụng lại sau mỗi vụ trồng. Cách ủ lại giá thể: Giá thể sau mỗi vụ được bổ sung thêm phân trùn quế/bã nấm hoai mục (10%), xơ dừa (10%), trấu hun (10%). Sử dụng chế phẩm ủ giá thể như Trichoderma theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Sau khi ủ 6 tháng, giá thể được đem sử dụng cho vụ trồng mới.

5. Cách trồng dưa lưới

Xếp các bầu (hoặc chậu) thành 1 hàng, khoảng cách giữa tâm các hàng là 1,5 – 1,6 m. Bố trí khoảng cách các bầu đảm bảo tâm bầu cách nhau 30 cm (để tiện lắp hệ thống tưới nhỏ giọt). Mật độ trồng 20.000 – 22.000 cây/ha.

Cũng có thể trồng thành 2 hàng nhưng trồng 1 hàng tiết kiệm được trục chính của dây tưới nhỏ giọt, hình thức vườn dưa đẹp hơn. 8 – 10 ngày sau gieo, cây giống được 1 – 2 lá thật có thể mang đi trồng. Đảm bảo giữ nguyên bầu cây khi trồng. Xử lý cây giống trước khi trồng bằng phun thuốc trừ bệnh Benlat C hoặc Mancozeb nồng độ 0,25 – 0,35% trên toàn bộ cây hoặc ngâm ½ khay bầu trong bể nước chứa dung dịch thuốc trong thời gian 1 – 2 phút để xử lý nấm bệnh.

Nên trồng cây vào buổi chiều mát, khi trồng cần lấp kín gốc và ấn nhẹ gốc, tưới đủ ẩm cho cây ngay sau khi trồng.

Cách chăm sóc dưa lưới phát triển tốt

1. Bón phân, tưới nước

Đối với dưa lưới trồng quy mô lớn, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt

Lượng nước tưới và phân bón tùy thuộc vào điều kiện thời tiết và giai đoạn sinh trưởng của cây. Cần theo dõi tình trạng thừa, thiếu nước của cây tại từng thời điểm để điều chỉnh lượng nước tưới hợp lý.

Trước khi trồng, tưới lần đầu. Dùng nước lã tưới liên tục đến khi xuất hiện nước thừa ở đáy bầu thì dừng lại. Sau khi trồng, lượng nước tưới và dinh dưỡng sử dụng như sau: (Dùng cho cây có thời gian sinh trưởng 75 ngày).

Nếu trời nắng và thời tiết khô có thể tưới bổ sung nước lã. Ngừng bón phân, hạn chế tưới nước sau trồng 70 ngày để chuẩn bị cho thu hoạch.

Lưu ý:

Cần nhìn trạng thái cây để cung cấp nước và dinh dưỡng hợp lý cho cây. Đặt thời gian tưới phù hợp với giai đoạn sinh trưởng của cây, trung bình tưới khoảng 5 phút/lần. Không tưới phân vào giữa trưa nắng. Các loại phân vi lượng khác được bón bổ sung vào buổi chiều bằng hình thức tưới hoặc phun qua lá. Nên sử dụng công nghệ IoT để quản lý dinh dưỡng, nước tưới,… cho cây. Nếu sử dụng các loại phân bón NPK hòa tan chuyên dụng như phân bón của GATIS, Haifa, cứ 1 kg hòa tan trong 1000 lít nước được dung dịch dinh dưỡng có EC = 1.

Đối với dưa lưới trồng quy mô nhỏ, không có hệ thống nhỏ giọt

Nếu trồng quy mô nhỏ, không có hệ thông tưới nhỏ giọt có thể tưới bằng tay. Hòa tan phân theo bảng hướng dẫn trên, dùng gáo múc nước tưới cho từng bầu cây. Lưu ý lượng phân hòa tan chuyên dụng của GATIS, Haifa cứ 1 kg hòa tan trong 1000 lít nước được dung dịch có EC = 1. Do vậy tùy giai đoạn sinh trưởng, bón các loại phân và lượng nước tưới như bảng hướng dẫn. Có thể tưới bổ sung nước lã vào những ngày nắng nóng.

Một số công thức phân bón thường dùng trong sản xuất

Phân đơn: Phân Ure, Supe Lân, Kalisunfat… Phân tổng hợp: NPK 16-16-8+TE, NPK 13-13-13+TE, NPK 28-10-10+TE, NPK 20-20-20+TE, NPK 17-9-27+TE, 15-5-35+TE.

2. Tỉa nhánh, thụ phấn, định quả

Tỉa nhánh

Từ khi trồng đến khi cây có 8 – 9 lá, ngắt toàn bộ nhánh. Hoa đực chỉ để thân chính. Giai đoạn cây có 9 – 12 lá, bắt đầu để nhánh. Các nhánh cấp 1 khi có 1 – 2 lá, và xuất hiện hoa cái thì tiến hành bấm ngọn nhánh ở đốt sau hoa cái.

Thụ phấn

Hoa cái nở phụ thuộc vào nhiệt độ, ánh sáng trong các thời vụ trồng. Thời gian thụ phấn bổ sung tốt nhất từ khoảng 7 – 10 giờ, tùy theo thời tiết. Trước khi thụ phấn, cần kiểm tra hạt phấn bằng cách lấy nhị của hoa đực quét lên tay. Nếu thấy hạt phấn vàng bám trên tay là phấn đã chín và thụ phấn sẽ cho kết quả tốt.

Cách thụ phấn: Lấy đầu nhị hoa đực chấm vào đầu nhụy hoa cái. Để đảm bảo chất lượng thụ phấn tốt 1 hoa cái có thể dùng 2 – 3 hoa đực để thụ phấn.

Phân biệt hoa đực, hoa cái và cách thụ phấn.

Kiểm tra tỷ lệ đậu quả

Sau khi thụ phấn 1 – 2 ngày, hoa cái quay xuống, bầu quả phình to, có màu xanh chứng tỏ quả đã đậu. Có thể tiến hành thụ phấn để đạt cho 3 – 4 quả.

Quả sau khi thụ phấn 5 ngày.

Lựa chọn quả

Sau khi quả đậu 3 – 5 ngày, tiến hành lựa chọn các quả có hình dạng cân đối, khả năng phát triển tốt nhất, quả đậu ở lá 10 – 12 được để lại, các quả còn lại ngắt bỏ sớm để tập trung dinh dưỡng cho quả. Chỉ nên để 1 quả/cây.

Giữ lại quả cân đối, cuống mập khỏe.

Khi đã chọn được quả tiến hành cắt bỏ toàn bộ nhánh không mang quả, đến khi cây được khoảng 25 – 26 lá tiến hành cắt ngọn để tập trung dinh dưỡng nuôi quả.

Chỉ nên giữ 1 quả/cây.

3. Cách treo dây dưa lưới

Cây dưa lưới sau trồng 12 – 15 ngày, có 5 – 6 lá thật sẽ xuất hiện tua cuốn. Lúc này cần tiến hành treo dây để cây leo dây.

Dưa lưới bắt đầu có tua cuốn.

Sử dụng dây cotton hoặc dây chuyên dụng, chiều cao dây thẳng tính từ bầu đến dây ngang cố định khoảng 2 m so với mặt đất. Cố định 1 cây/1 dây bằng kẹp nhựa chuyên dụng.

Trồng 1 hàng.

Cần thường xuyên cố định cây theo dây đến khi số lá trên thân chính đạt 25 – 27 lá thì tiến hành bấm ngọn.

Nếu trồng 1 hàng, cần cố định cây về 2 phía đều nhau giống như 2 hàng khi treo dây.

Trồng 2 hàng.

4. Trồng giặm dưa lưới

Một tuần sau khi trồng, cần kiểm tra cây. Những cây héo, khó hồi phục, cần nhổ bỏ và trồng lại.

Khi trồng lại, bạn lấy cây giống từ nguồn dự phòng.

Cây trồng giặm cũng phải đạt tiêu chuẩn nhất định. Cây to, khỏe, cứng cáp, rễ thẳng, không dị hình, không sâu bệnh, không dập nát. Cây sau khi gieo 7 – 10 ngày hoặc 10 – 15 ngày tùy thời vụ.

5. Siết nước trước khi thu hoạch

Dưa lưới là loại quả có hàm lượng nước cao. Để giúp dưa lưới ngon và ngọt hơn cần siết nước trước khi thu hoạch.

10 ngày trước khi thu hoạch, cần tiến hành siết nước bằng cách giảm dần lượng nước tưới, tùy vào điều kiện thời tiết.

3 – 4 ngày trước khi thu hoạch, dừng tưới nước giúp quả dưa lưới tăng độ ngọt.

Thu hoạch, bảo quản dưa lưới

Xác định quả chín để thu hoạch

Tùy từng giống dưa có cách xác định độ chín khác nhau. Nhìn chung, khi quả dưa lưới chín, cuống quả có vết rạn xung quanh cuống.

Ở miền Trung và miền Nam, có thể thu hoạch sau trồng khoảng 70 – 80 ngày.

Ở miền Bắc, có thể thu sau trồng khoảng 85 – 90 ngày, do nhiệt độ và cường độ ánh sáng thấp hơn.

Thu hoạch khi quả có màu sắc và vân lưới đặc trưng. Một số giống khi chín có mùi thơm, là căn cứ để kiểm tra, thử độ Brix cho việc xác định thời điểm thu hoạch.

Thu hoạch

Thu vào buổi sáng mát, cắt cả cuống, độ dài cuống tùy thuộc yêu cầu thị trường.

Sau khi thu hoạch, cần phân loại quả, đóng gói theo kích cỡ vào thùng xốp hoặc thùng carton.

Bảo quản

Trước khi đóng gói, cần loại bỏ các quả bị sâu bệnh, xây sát. Tiến hành phân loại quả, đóng theo thùng và ghi nhãn theo quy định. Bảo quản sản phẩm nơi thoáng mát. Nếu sản lượng nhiều, có thể bảo quản trong kho lạnh.

Hi vọng những chia sẻ, kinh nghiệm trồng dưa lưới tại bài viết sẽ đem đến thông tin hữu cho những ai đang có nhu cầu tìm hiểu. Chúc bạn trồng dưa lưới thành công, đạt năng suất cao.

1/5 - (3 votes)

    Để lại một Bình luận

    Copyright 2023 – MobiFone

    Trung tâm Dịch vụ số MobiFone – Chi nhánh Tổng Công ty Viễn thông MobiFone

    Giấy ĐKKD: 0100686209-087
    Đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 16/06/2023 cấp bởi Sở KHDT thành phố Hà Nội.

    Phát triển và vận hành sản phẩm: Công ty cổ phần giải pháp thời tiết WeatherPlus

    DMCA.com Protection Status

    Khám phá

    Tin tức - sự kiện

    Liên hệ

    Trụ sở: Số 01 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

    Tải ứng dụng

    error: Content is protected !!