Hồ tiêu là một loại gia vị quen thuộc trong mỗi bữa ăn, giúp gia tăng hương vị cho mỗi món ăn. Hồ tiêu có tác dụng chống oxy hóa, kích thích hệ tiêu hóa và hỗ trợ điều trị một số bệnh, vì vậy loại gia vị này được sử dụng rất phổ biến. Ở nước ta đã có rất nhiều vùng trồng chuyên canh loại cây này, trở thành đặc sản nổi tiếng như: Tiêu Phú Quốc, Bình Phước, Đắk Nông, Gia Lai, Bà Rịa – Vũng Tàu,… Hãy cùng tìm hiểu kỹ thuật trồng hạt tiêu cơ bản của những vùng này, để đạt được hiệu quả năng suất, chất lượng tối đa.
Nội dung bài viết
Thời vụ trồng hồ tiêu, chọn đất trồng
Thời vụ trồng
Miền Trung, Tây Nguyên
Thời vụ trồng tiêu Lươn thích hợp vào sau lập xuân, tiêu Hom trồng đầu mùa mưa. Trong điều kiện chủ động nước và che chắn cẩn thận thì có thể trồng tiêu trong mùa nắng. Ở miền Trung trồng vào tháng 8 – 10.
Tây Nguyên, Đông Nam Bộ
Trồng vào tháng 6 – 8.
Tây Nam Bộ
Trồng vào tháng 5 – 7
Chọn đất trồng
Chọn đất trồng
Đất dễ thoát nước, có độ dốc dưới 15 độ, không bị úng ngập, dù chỉ úng ngập tạm thời trong vòng 24 giờ. Tầng canh tác thích hợp dày từ 75 – 100 cm.
Đất giàu hữu cơ, thành phần cơ giới nhẹ đến trung bình, pH = 4,5 – 6,5 và tốt nhất pH = 5 – 6. Đất dốc thoai thoải, thoát nước tốt phù hợp để trồng tiêu hơn là đất bằng.
Làm đất
Tiến hành khai hoang giải phóng mặt bằng vào đầu mùa khô. Cày rà rễ và thu gom ra khỏi lô hoặc đốt. Nếu không thu gom, dọn sạch gốc rễ thì sau 1 thời gian, những gốc rễ bị phân hủy mục nát sẽ xuất hiện các loại nấm bệnh gây hại cây hồ tiêu.
Đốt tàn dư thực vật theo băng để bảo vệ môi trường đất.
Cày bừa kỹ cho đất tơi xốp, thu gom những rễ còn sót lại đem đốt. Hiện nay ở một số vùng trồng tiêu, bà con nông dân khi làm đất còn dùng máy múc để múc đảo toàn bộ diện tích sâu khoảng 70 – 80 cm, sau đó thu nhặt sạch gốc rễ và đốt bỏ.
Chuẩn bị trước khi trồng
1. Chuẩn bị hố trồng
Để trồng tiêu được thuận lợi, cây nhanh hồi phục sau trồng, bạn cần phải đào hố, xử lý hố trồng, bón lót, chuẩn bị cây giống đúng theo hướng dẫn.
Đào hố trồng tiêu
Có 2 cách đào hố trồng tiêu
Cách 1: Đào 2 hố 2 bên trụ, mỗi hố trồng 1 bầu, quy cách như sau: Dài 50 cm, rộng 50 cm và sâu 50 cm hoặc dài 60 cm, rộng 60 cm và sâu 50 cm.
Cách 2: Đào 1 hố 1 bên trụ, trồng 2 bầu: Dài 80 cm, rộng 80 cm và sâu 70 cm. Đào hố sát mép trụ.
Lưu ý
Trước khi đào hố cần kiểm tra lại trụ tiêu. Trụ tiêu chết (trụ xi măng, gạch, gỗ) nếu thấy chưa chắc cần làm cho chắc. Trụ sống nếu thấy có hiện tượng sinh trưởng kém thì thay cây mới.
Khi đào hố để riêng 1/3 lớp đất mặt, 1/3 lớp đất giữa và 1/3 đất ở dưới cùng của hố.
Xử lý hố, đất và bón phân lót trước khi trồng
Xử lý hố và đất
Rắc vôi dưới đáy hố khoảng 0,2 – 0,3 kg/hố. Xử lý đất trong hố trước khi trồng bằng thuốc có hoạt chất Ethoprophos (trừ tuyến trùng), hoạt chất Metalaxyl (trừ nấm bệnh).
Trộn phân bón để rải xuống hố.
Bón phân lót
Lượng phân bón lót cho tiêu trên 1 trụ như sau: 10 – 15 kg phân hữu cơ đã ủ + 0,2 – 0,3 kg phân lân + 2 kg vi sinh hữu cơ bón lót. Nếu có điều kiện có thể dùng 20 – 30 kg phân chuồng, được ủ với chế phẩm Trichoderma. Trộn đều toàn bộ phân lót với 1/3 lớp đất mặt.
Cách bón
Cho 1/3 lớp đất dưới cùng xuống hố, sau đó đưa tiếp toàn bộ lượng phân lót đã trộn với đất mặt xuống hố. Cuối cùng lấy 1/3 lớp đất giữa lấp lên phân lót. Tưới đẫm nước vào hố. Việc bón vôi, xử lý đất, trộn phân lấp hố tưới đẫm nước và xử lý đất trong hố được thực hiện trước khi trồng tiêu ít nhất 15 ngày.
Chuẩn bị cây giống
Xác định lượng giống
Thông thường trụ gỗ và trụ bê tông trồng 2 dây/ trụ, trồng khoảng cách 2,2 x 2,2 m thì mật độ vườn là 2000 trụ/ha. Cần chuẩn bị 4000 dây để trồng và dự phòng khoảng 400 – 500 dây để trồng dặm (10 – 15%). Nếu trồng mật độ thưa 2,5 x 2,5 m, với mật độ 1.700 trụ/ha thì lượng dây giống là 3.400 dây và dự phòng 300 – 400 dây để trồng dặm. Trên trụ xây trồng với mật độ thưa hơn 1.110 trụ/ha, với khoảng cách 3 x 3 m. Mỗi trụ trồng 6 – 7 dây. Cần chuẩn bị 6.660 – 7.770 dây/ ha. Dự phòng trồng dặm 700 – 1000 dây.
Tiêu chuẩn cây giống
Cây giống ươm bằng hom lươn
Kích thước bầu đất 12 x 22 cm. Khi ươm hom lươn cắm hai đốt vào bầu đất, một đốt trên mặt đất. Cây con hồ tiêu được ươm từ 4 đến 5 tháng trong vườn ươm. Có ít nhất 1 chồi mang 5 – 6 lá trở lên mới đem trồng.
Cây giống ươm bằng hom thân 5 – 6 đốt
Cây được ươm 4 – 5 tháng trong vườn ươm. Cây không bị sâu bệnh, được huấn luyện với độ chiếu sáng 70 – 80% từ 15 đến 20 ngày trước khi đem trồng. Có ít nhất 1 chồi mang 3 – 5 lá trở lên mới đem trồng.
Vận chuyển cây giống ra vườn trồng
Cây giống được lựa chọn từ vườn ươm, vận chuyển đem về trồng ngay. Khi chuẩn bị trồng, vận chuyển cây giống ra lô. Việc vận chuyển cây giống ra lô phải kịp thời. Nếu vận chuyển cây giống ra lô quá sớm khó khăn trong việc bảo vệ và bảo quản cây. Tốt nhất là đảm bảo đủ giống trồng trong ngày và ngày sau tiếp tục vận chuyển. Việc bốc xếp và chở cây cũng phải cẩn thận tránh làm hư hỏng cây giống.
2. Thiết kế lô trồng
Yêu cầu kỹ thuật thiết kế lô trồng tiêu
Vườn trồng tiêu phải đảm bảo yêu cầu về phòng hộ sinh thái, tiêu thoát nước, thuận lợi trong canh tác. Vườn tiêu được thiết kế đồng bộ ngay từ đầu, hệ thống đường giao thông, đai rừng chắn gió, các công trình tưới và tiêu nước.
Thiết kế đường đi, khoảng cách mật độ tùy loại trụ, trên đất dốc thiết kế theo hàng đồng mức để hạn chế xói mòn đất. Chú ý thiết kế các mương rãnh thoát nước, tránh đọng nước trong vườn tiêu vào mùa mưa, đặc biệt khi lập vườn trên đất bằng. Bảo vệ được đất, chống được xói mòn. Hạn chế được các yếu tố bất thuận của tự nhiên như gió, rét, nắng, hạn… Thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển vật tư, sản phẩm, việc tưới nước và các khâu cơ giới khác. Tỷ lệ sử dụng đất cao.
Thiết kế diện tích lô
Tùy theo điều kiện địa hình mà thiết kế diện tích lô rộng từ 0,5 – 1,0 ha để thuận lợi cho việc chăm sóc, quản lý và thu hoạch.
Thiết kế hệ thống đường giao thông
Đường trụ
Là đường nối liền giữa khu trung tâm với các khu trồng tiêu với nhau. Đường trục có thể là hệ thống đường liên xã, liên thôn dùng để chuyên chở vật tư, sản phẩm. Mặt đường rộng khoảng 4 – 5 m, được rải đá cấp phối, 2 bên mép đường có rãnh thoát nước.
Đường lô
Là đường nối liền vườn tiêu với đường trục, rộng 3 – 4 m.
3. Làm trụ tiêu
Thời gian làm trụ
Đối với trụ đúc hoặc trụ gạch việc dựng trụ thực hiện trước khi trồng tiêu khoảng 1,0 – 1,5 tháng để mưa to rửa sạch bớt hồ, vữa. Đối với trồng cây trụ sống thì có thể trồng trước 1 – 2 năm tuỳ điều kiện, hoặc có thể trồng cùng lúc với cây tiêu.
Tiêu chuẩn của các loại trụ
Trụ đúc bê tông
Trụ đúc thường có cạnh đáy trụ từ 12 – 15 cm, cạnh đỉnh trụ 10 cm, cao khoảng 3,6 – 4,0 m, sau khi chôn trụ còn khoảng 2,7 – 3,0 m tính từ mặt đất, trụ có khoảng 3 thanh sắt 6 mm hoặc 8 mm.
Trụ xây gạch
Trụ gạch vuông có lõi sắt, cạnh 20 – 25 cm; cao 3,5 m. Trụ gạch tròn có đường kính gốc trụ 80 – 100 cm, đường kính đỉnh trụ 60 – 70 cm. Không nên xây trụ có đường kính quá lớn vì độ bền của trụ kém, ánh sáng phân bố không đều trên diện tích mặt trụ làm các dây tiêu sinh trưởng không đều.
Trụ gỗ (Khuyến cáo không sử dụng)
Trụ gỗ tốt có kích thước tối thiểu 12 – 15 cm, dài 3,5 – 4,0 m. Lâu bị mục, chống chịu tốt với mối, mọt và các loại nấm hoại sinh. Không thuộc nhóm gỗ quý, nằm trong danh mục bị cấm khai thác. Các loại cây thường sử dụng làm trụ gỗ: căm xe, cà chít, cà đuối, làu táu, lim xẹt, kiền kiền.
Trụ sống
Cây trồng làm trụ sống cho hồ tiêu leo cần thỏa mãn các tiêu chuẩn sau:
- Cây sinh trưởng nhanh, khỏe, có tuổi thọ lâu, thân cứng, ít bị sâu bệnh, cây ít phân cành hoặc vị trí phân cành cao.
- Cây có vỏ tương đối nhám để tiêu dễ leo và ít bị tróc vỏ hàng năm.
- Cây có bộ rễ ăn sâu để ít cạnh tranh về dinh dưỡng với cây tiêu ở lớp đất mặt. Nếu dùng cây trụ sống thuộc bộ đậu còn có tác dụng bổ sung thêm đạm cho đất.
Cây thường sử dụng làm trụ sống: keo dậu, lồng mứt, cây gòn, mít, muồng đen:
Muồng đen (Cassia siamea) thuộc họ đậu, cây thân gỗ cao, to, vỏ cây hơi nhám thích hợp cho rễ tiêu leo bám. Có thể trồng bằng cây con gieo từ hạt hoặc trồng bằng cành.
Keo dậu (Leucaena leucocephala) thuộc họ đậu, rễ có khả năng cố định đạm tốt, tán lá nhỏ, chịu được rong tỉa. Cây thích hợp với nhiều vùng trồng tiêu. Nếu trồng keo dậu cùng năm với trồng tiêu thì phải trồng thêm cây trụ tạm cho tiêu leo bám.
Cây lồng mức (Wrightia annamensis) thuộc họ trúc đào, là cây thân gỗ, vỏ dày hơi xù xì nên dễ cho rễ tiêu leo bám. Có thể trồng bằng cây con gieo từ hạt hoặc bằng cành. Nhược điểm của cây lồng mức là chậm lớn, ít chịu rong tỉa.
Cây gòn (Ceiba pentandra) thuộc họ Cẩm quỳ, thường được trồng bằng cây thực sinh hoặc giâm cành. Cây gòn chủ yếu được trồng ở vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Ngoài ra còn có một số loài cây khác có thể sử dụng làm trụ sống cho tiêu như cây núc nác (Oroxylum indicum), cây mít (Artocarpus heterophyllus), xoan, cóc, hồng.
3. Thiết kế hệ thống tưới tiêu
Nhu cầu nước của cây tiêu rất lớn, đặc biệt trong mùa khô, khi lượng mưa chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ làm cho cây tiêu bị thiếu nước nghiêm trọng.
Xác định nguồn nước tưới
Trước khi lập vườn, cần xác định rõ sẽ sử dụng nguồn nước nào để tưới cho vườn tiêu, nguồn nước tưới có được dồi dào, lâu dài và đảm bảo chất lượng không? Nguồn nước sông, suối, ao hồ, nước giếng đào hay giếng khoan, người trồng tiêu phải tự xác định chính xác. Nguồn nước không bị ô nhiễm do nước thải công nghiệp, do tồn dư chất bảo vệ thực vật.
Đảm bảo nhu cầu nước cho vườn hồ tiêu vào mùa khô
Thiết kế hệ thống tưới
Trên các vườn tiêu quy mô lớn, hệ thống ống tưới chính nên bố trí ngầm trong đất để chủ động tưới và tránh làm tổn thương dây tiêu khi kéo ống. Xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt hoặc tưới phun mưa dưới gốc.
Lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt trong vườn hồ tiêu
Thiết kế chống úng
Đào mương và rãnh thoát nước
Thông thường hệ thống thoát nước cho vườn tiêu được thiết kế cùng lúc với thiết kế lô trồng mới. Căn cứ vào địa hình cụ thể của vườn tiêu để thiết kế các mương, rãnh thoát nước. Nếu địa hình dốc, khả năng thoát nước tốt không cần bố trí mương, rãnh thoát nước.
Rãnh thoát nước (mương phụ)
Kích thước rãnh: rộng 30 – 40 cm, sâu 25 – 30 cm. Đối với đất bằng thì cách 2 hàng tiêu đào 1 mương phụ, đất dốc thì cách 4 – 5 hàng tiêu đào 1 mương phụ. Vị trí đào rãnh phải ở giữa 2 hàng tiêu, tránh làm tổn thương rễ tiêu.
Mương chính
Vuông góc với các rãnh thoát nước và thường được đào cuối vườn hoặc xung quanh vườn. Kích thước mương rộng 50 – 60 cm, sâu 50 – 60 cm. Nếu vườn tiêu có chiều dài lớn và độ dốc thấp, để tăng khả năng thoát nước của vườn, cách 10 hàng tiêu thì đào 1 mương ở giữa vuông góc với các mương phụ.
Rãnh thoát nước trong vườn tiêu trong mùa mưa
Cũng có thể các hố đào rút nước tại chỗ với kích thước hố 50 x 50 x 50 cm ở vị trí ngã tư của các bồn. Cho cỏ rác, xác bã thực vật xuống hố. Nước ở các bồn tiêu sẽ tự rút xuống những hố này. Trong mùa mưa cần kiểm tra và tu sửa kịp thời hệ thống mương rãnh thoát nước.
Thiết kế chống xói mòn
Trồng tiêu trên đất dốc cần chú ý chống xói mòn như: Bố trí các hàng trụ tiêu vuông góc với hướng dốc. Chừa rừng chỏm đồi. Cứ cách 100 m thì trồng một băng cây phân xanh. Ngoài ra vào mùa mưa khi vườn tiêu còn nhỏ, nên tiến hành trồng xen, trồng cây che phủ đất cũng có tác dụng rất tốt nhằm hạn chế xói mòn, rửa trôi.
Kỹ thuật trồng hồ tiêu
1. Mật độ, khoảng cách trồng
Khoảng cách trồng tiêu phụ thuộc vào loại trụ tiêu. Mỗi loại trụ tiêu có khoảng cách và mật độ trồng tiêu khác nhau.
Trụ bê tông
Có đường kính/cạnh đáy trụ là 15 cm, cạnh đỉnh trụ là 10 cm, cao 3,5 m tính từ mặt đất: Khoảng cách trồng 2,0 x 2,5 m hoặc 2,5 x 2,5 m; mật độ từ 1.600 – 2.000 trụ/ha.
Khoảng cách trồng 2,0 x 2,5 m đối với trụ bê tông
Trụ xây gạch
Trụ gạch vuông: Khoảng cách trồng 2,5 x 2,5 m, mật độ 1.600 trụ/ha.
Trụ gạch tròn: Khoảng cách trồng 3 x 3 m, mật độ 1.100 trụ/ha.
Trụ sống
Khoảng cách trồng tiêu là 2,5 x 2,5 m nếu dùng trụ sống
Các loại trụ sống như lồng mức, keo dậu, xoan, muồng đen, gòn, núc nác lá nhỏ… Trồng với khoảng cách 2,5 x 2,5 m, mật độ 1.600 trụ/ha. Trụ sống là cây muồng đen trồng với khoảng cách 3 x 3 m, mật độ 1.100 trụ/ha. Trụ sống kết hợp trụ chết: trồng 1 – 2 hàng trụ sống xen kẽ 1 – 2 hàng trụ chết, trồng với khoảng cách 2,5 x 2,5 m, mật độ 1.600 trụ/ha.
2. Cách trồng hồ tiêu
Trồng bầu
Xé bầu tiêu nhẹ nhàng, đặt vào giữa hố, bầu hơi nghiêng, hướng chồi tiêu về phía trụ, mặt bầu ngang với mặt đất. Lấp đất, dùng tay nén chặt đất xung quanh bầu. Trong trường hợp trồng với cây trụ sống, nên bổ sung cây trụ tạm để tiêu leo bám dễ dàng.
Trồng trực tiếp bằng hom
Đặt hom xiên với mặt đất 45 độ, đầu hom hướng về phía trụ, chôn 3 đốt vào đất, chừa trên mặt đất 2 đốt, ép chặt đất quanh hom.
Trời nắng gắt, phải dùng vật liệu phù hợp như lá dừa, lá nhãn, cỏ… che bổ sung cho hom tiêu. Trồng đến đâu che đến đó.
Lưu ý
Sau 7 – 10 ngày trồng tiêu bằng cây con trong bầu và sau 2 – 3 ngày trồng trực tiếp bằng hom thân nếu trời không mưa phải tưới nước cho dây tiêu. Tưới nhẹ nhàng bên ngoài gốc tiêu, không tưới trực tiếp vào gốc tiêu.
Bài viết trên đây đã giới thiệu tới bạn cách trồng hồ tiêu cơ bản. Để đạt được năng suất cao, bạn nên tham khảo kinh nghiệm của những người trồng hồ tiêu lâu năm, cùng ý kiến của các chuyên gia. Chúc bạn áp dụng kiến thức trồng thành công, hiệu quả cao.