Hoa thiên điểu, cái tên cũng nói lên hình dạng của loài hoa này. Bông hoa gần như vuông góc với thân tạo nên hình cánh chim, luôn hướng về phía mặt trời. Màu sắc của hoa cũng rất nổi bật, màu cam xen lẫn nhụy trắng, tràng hoa lam sẫm với 3 cánh hoa lam ánh tia bóng. Hình dáng và màu sắc tạo nên một bông hoa vô cùng đặc biệt, kiêu sa. Vì vẻ đẹp thu hút của loại hoa này khiến nhiều người mê mải, yêu thích thú chơi hoa thiên điểu. Hãy cùng tìm hiểu cách trồng loài hoa đặc biệt này cùng chế độ chăm sóc trong bài viết dưới đây nhé!
Nội dung bài viết
Tìm hiểu thông tin hoa thiên điểu
Hoa thiên điểu có vẻ đẹp lạ thường được trồng trong chậu để trang trí sang trọng không gian trong phòng hoặc nhà ở. Đây là một loại cây khá dễ trồng, và bạn có thể trồng chúng ở nhiều khu vực như sân thượng, hành lang, sân vườn, hay ban công. Có thể nhân giống hoa thiên điểu bằng cách sử dụng hạt hoặc tách cây, tách bụi lớn của cây. Hoa thiên điểu mọc trên đỉnh cuống dài, dáng hoa giống đầu và mỏ chim. Hoa khá cứng có thể tạo thành chỗ đứng cho chim, giúp cây thụ phấn gián tiếp. Hoa thiên điển có đặc điểm không nhánh, thân mọc theo hướng thẳng đứng, cứng cáp. Phiến lá rộng, cuống dài mọc đối xứng nhanh tạo thành hình nan quạt.
Mặc dù cây thiên điểu có thể được trồng quanh năm, nhưng thời gian tốt nhất để gieo hạt là vào khoảng tháng 2 đến tháng 3, lúc này thời tiết ấm vừa đủ và thích hợp cho hạt nảy mầm. Tuy nhiên, phương pháp này có thời gian chờ đợi rất lâu khoảng 2 – 3 năm để hoa nở, do đó, hiện nay phương pháp tách cây để trồng được áp dụng phổ biến hơn.
Tên gọi khác của hoa thiên điểu là hoa chim thiên đường, cây có tên khoa học Strelitzia reginae – thuộc họ Chuối rẻ quạt. Loài cây này được tìm thấy ở nhiều nước Châu Phi và Châu Mỹ.
Chuẩn bị trước khi trồng hoa thiên điểu
Đất trồng: Hoa thiên điểu không kén đất trồng. Tuy nhiên để tạo điều kiện thuận lợi nhất, nên trồng ở đất tơi xốp, có độ thoát nước tốt, nhiều mùn xơ. Trước khi trồng tiến hành trộn đất với phân bò, xơ dừa, mùn cưa để tăng thêm độ dinh dưỡng cho đất. Có thể tham khảo công thức trộn đất như sau: 3 đất: 2 mụn dừa : 2 trấu hun: 3 phân trùn quế hoặc phân đạm cá. Hỗn hợp này có độ thoát nước cao, giàu dinh dưỡng, khả năng lưu giữ độ ẩm cao.
Dụng cụ trồng: Bạn có thể trồng trực tiếp cây hoa thiên điểu ra vườn, bồn hoa, khuôn viên. Tuy nhiên nếu bị hạn chế về diện tích hoặc muốn trồng trong nhà, trên ban công có thể tận dụng chậu trồng cây, thùng xốp,… tuy nhiên đáy dụng cụ có lỗ thoát nước để không bị ngập úng.
Chọn giống trồng: Có thể nhân giống hoa thiên điểu bằng 2 cách, bằng hạt tách cây. Đối với phương pháp nhân giống bằng hạt, hãy áp dụng thời thụ phấn nhân tạo từ 80-100 ngày. Hạt sẽ bắt đầu chín, thu hái ngay lúc này để tiến hành gieo hạt. Tuy nhiên trước khi gieo hạt cần ngâm cho hạt nở và khử trùng để đảm bảo tỉ lệ thành công nhiều hơn.
Kỹ thuật trồng hoa thiên điểu
Trong bài viết này mobiAgri giới thiệu tới bạn 2 cách trồng hoa thiên điểu đơn giản nhất.
Trồng hoa thiên điểu bằng hạt
Gieo hạt cũng là một trong những phương pháp phổ biến. Bạn có thể tìm mua hạt giống tại những cửa hàng cây cảnh, nhà vườn hoặc website uy tín. Tuy nhiên nhược điểm của phương pháp này là thời gian trồng khá lâu, phải từ 2-3 năm thì cây mới ra hoa đẹp. Sau khi mua hạt bạn nên ngâm vào trong nước ấm, tỉ lệ 2 sôi 3 lạnh, thời gian ngâm là 6 đến 7 tiếng. Rửa lại sạch với nước, sau đó gieo hạt vào khay ươm, giá thể đã chuẩn bị sẵn xơ dừa hoặc trấu hun. Khoảng sau 15 ngày gieo, hạt sẽ nảy mầm, khi cây được 2 lá thì tiến hành trồng ra chậu. Giai đoạn đầu nên sử dụng thuốc kích rễ, tham khảo N3M, root 2,… để thúc đẩy sự sinh trưởng của cây.
Trồng hoa thiên điểu theo cách tách bụi
Tách bụi nhân giống là một phương pháp được nhiều người áp dụng, bởi sẽ giảm được thời gian cây ra hoa. Để tỉ lệ cây sống khi tách bụi được cao thì nên thực hiện vào mùa xuân hoặc mùa thu. Ưu điểm của phương pháp này là cây con mang nhiều đặc tính tốt của cây mẹ. Lựa chọn những cây non có khoảng 6 lá trở lên, để tách khỏi bụi cây mẹ. Sau khi tách ngâm ngay cây con vào dung dịch kích rễ trong 1 tiếng, sau đó chuyển sang trồng chậu hoặc trồng sang khu vực đất khác.
Chế độ chăm sóc cây hoa thiên điểu
Bón phân: Tập trung bón lót cho cây hoa thiên điểu, giúp cây hấp thụ được nhiều dinh dưỡng hơn. Sử dụng phân bón NPK để bón thúc, tần suất 15 ngày/lần. Giai đoạn cây chớm ra nụ, sử dụng phopphat canxi bón 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau từ 10-15 ngày.
Tưới nước: Loài hoa này ưa ẩm vì vậy cần chú ý cấp nước đầy đủ cho đất và cây. Tuy nhiên, cũng không nên tưới quá nhiều cây sẽ bị úng, thối rễ. Mẹo nhỏ: Khi chọn đất trồng nên trộn thêm cát để tránh tình trạng ngập úng.
Ánh sáng: Thời điểm thích hợp để trồng hoa thiên điểu từ tháng 3 – tháng 4 hoặc vào tháng 10. Loại cây này có khả năng chịu nóng hoặc lạnh kém, vì vậy nếu nhiệt độ xuống thấp hoặc lên quá cao hãy che chắn bớt cho cây.
Phòng trừ sâu bệnh: Hoa thiên điểu dễ bị tấn công bởi các loại côn trùng xâm hại. Vì vậy người trồng nên thường xuyên kiểm tra, điều trị bằng phương pháp thủ công hoặc thuốc bảo vệ thực vật sinh học, an toàn.
Lưu ý gì khi trồng hoa thiên điểu
Trong hoa thiên điểu có chứa một số độc tố, sẽ gây hại cho hệ đường ruột, gây tiêu chảy nếu ăn phải. Vì vậy khi tiếp xúc lâu với cánh hoa, bạn sẽ thấy khó chịu, xuất hiện trạng thái chóng mặt, buồn nôn, nhức đầu,… Vậy nên không ngửi hay hít, đứng gần loại hoa này quá lâu nhé.
Như vậy chúng ta đã cùng mobiAgri khám phá thông tin về hoa thiên điểu, cũng như cách trồng, chăm sóc chi tiết. Những thông tin trên mang tính chất tham khảo, có thể thay đổi theo kinh nghiệm của người trồng hoa lâu năm.