Cây khoai mỡ là loại củ không xa lạ gì với gia đình Việt, nó được chế biến thành nhiều món ăn và có tác dụng giảm cân, tốt cho sức khỏe. Để đạt năng suất cao và chất lượng ngon, bạn hãy học ngay cách trồng khoai mỡ trong bài viết sau đây cùng mobiAgri nhé.
Là loại cây ăn củ có giá trị dinh dưỡng cao, khoai mỡ được người dân trồng nhiều hiện nay. Tùy từng vùng miền khác nhau, khoai mỡ còn được gọi là khoai tía, khoai tím, khoai vạc, dùng làm các món ăn quen thuộc như canh khoai mỡ, ăn lẩu, bánh khoai,… Cách trồng khoai mỡ không quá khó khăn nên nếu được đầu tư đúng mức và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật thì cây trồng này mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Nội dung bài viết
Thông tin chung về cây khoai mỡ
Đặc điểm hình thái
Cây khoai mỡ là loại dây leo, thân mềm có sức sống mạnh mẽ. Rễ chùm, củ khoai mỡ giống khoai môn nhưng thân dài và to hơn. Vỏ màu đen, xù xì và có nhiều rễ bám quanh củ. Trong củ khoai mỡ có nhiều đốm trắng giống mỡ, màu nhạt hơn khoai môn. Lá mọc theo từng dãy, so le nhau nhìn như mũi mác, đầu nhọn. Lá khoai mỡ rộng khoảng 8cm.
Hoa phát triển từ nách lá và có nhiều hình dạng khác nhau tùy giống. Trong khoai mỡ có nhiều chất tốt cho sức khỏe con người như vitamin C, vitamin B6, chất xơ, mangan.
Công dụng của khoai mỡ
Trong khoai mỡ có chứa vitam B6 là chất có khả năng ngăn chặn các bệnh về tim mạnh. Đặc biệt, khoai mỡ có chứa chất nhày nên giúp làm nhuận tràng. Khoai mỡ thường sử dụng để làm giảm các triệu chứng mãn kinh ở phụ nữ bởi nó chứa hoạt chất steroidal saponins thành phần tương tự với hormone progesterone.
Ngoài ra, khoai mỡ còn được dùng để chế biến nhiều món ăn như nấu xôi, làm bánh, nấu cháo,… Ở một số nơi lá và đọt còn được dùng làm rau.
Cách trồng khoai mỡ củ to
Thời vụ trồng
Cây khoai mỡ có thể sinh trưởng quanh năm nhưng khả năng chịu úng kém nên bà con nên trồng sau mùa lũ.
Thời gian trồng khoai mỡ phụ thuộc nhiều vào mực nước lũ hàng năm. Do vậy, bà con có thể lựa chọn thời điểm ươm giống và trồng cho phù hợp. Thông thường cây khoai mỡ ươm giống vào tháng 7 âm lịch và trồng vào tháng 9 âm lịch. Năng suất khoai mỡ cao nhất khi trồng vào vụ Xuân.
Công tác chuẩn bị trồng
Nguyên vật liệu trồng
Bạn có thể tận dụng mảnh đất trống trong vườn hoặc bao xi măng, chậu, khay, thùng xốp để trồng khoai mỡ. Nên chọn loại tùng có độ sâu 1m. Lưu ý, bà con nên đục lỗ dưới đáy khay để thoát nước.
Ngoài ra, bà con cần chuẩn bị các dụng cụ làm đất chuyên dụng như cuốc, xẻng, bình tưới,…
Đất trồng
Khoai mỡ có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau nhưng đất trồng cho năng suất cao là đất sét pha, độ tơi xốp vừa phải. Nếu không có đất thì có thể mua đất sẵn tại các cửa hàng hoặc trộn đất với phân hoai mục, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, mùn hữu cơ,… Trước khi trồng nên bón lót với vôi và phơi đất 7-10 ngày để xử lý mầm bệnh còn lại trong đất từ vụ trước.
Bà con cần làm luống cao 50cm, rộng 100cm, khoảng cách giữa các luống 30-40cm. Việc lên luống như vậy sẽ giúp thoát nước tốt và dễ dàng lấy được nhiều dinh dưỡng trong đất.
Giống
Cách chọn khoai mỡ giống: Củ suôn to, vỏ khoai không bị trầy xước, có thời gian sinh trưởng khoảng 6 tháng khi củ trưởng thành, không bị sâu bệnh. Tiếp theo xử lý tuyến trùng gây mục đầu khoai bằng cách ngâm củ giống với nước 3 theo tỷ lệ 3 sôi 2 lạnh khoảng 40 phút. Sau đó, vớt ra để ráo nước rồi cắt khoai từ cuống xuống chiều dài ¾ là tốt vì đoạn này giữ được đặc tính của mẹ.
Xử lý củ giống: Dùng dao sắc cắt thành từng đoạn 5cm để ươm giống. Tiếp theo, bà con sử dụng xi măng và vôi bột trộn theo tỷ lệ 1:1 để bảo vệ mặt cắt khoai giống không bị thối. Tiếp theo, trải một lớp tro lên và xếp các mục giống lên và phủ tiếp một lớp tro lên bề mặt khoai giống. Tưới nước đều đặn 2-3 ngày 1 lần. Khoai sẽ nảy mầm sau khoảng 20 ngày, bà con có thể tiến hành trồng.
Cách trồng khoai mỡ và chăm sóc
Trồng bằng củ
Trong quá trình vận chuyển khoai giống, bà con chú ý tránh làm gãy mầm. Bà con bắt đầu trồng bằng cách đào lỗ sâu 2-3cm, sau đó cho tro trấu xuống rồi đặt mầm quay xuống đáy lỗ. Mỗi đoạn giống bà con trồng cách nhau 60cm, hàng cách hàng 50cm. Sau khi trồng, bà con tiến hành phủ lớp đất mỏng, rơm rạ lên để giữ ẩm. Trong quá trình chăm sóc, tưới nước 2 ngày 1 lần.
Chăm sóc
Tưới nước: Định kỳ 2 ngày 1 lần, bà con tưới nước đủ ẩm cho khoai mỡ.
Bón phân: Khoai mỡ có khả năng tự sinh trưởng tốt nên không cần chăm bón nhiều. Tuy nhiên, để năng suất tốt hơn bà con cũng cần bón thêm phân. Cụ thể, sau khoảng 15 ngày sau khi trồng, tưới kali pha loãng để cây phát triển thân, lá nhanh hơn.
Ngoài ra, bà con chủ yếu bón phân chuồng hoai mục kết hợp NPK 3 đợt. Bón phân chuồng hoai mục sau khi trồng khoai giống 1 tháng, tiếp theo bón 2 đợt tiếp theo cách nhau 1 tháng.
Làm cỏ: Thường xuyên làm cỏ, vun xới cho khoai cho đất thông thoáng, hạn chế sâu bệnh gây hại.
Phòng trừ sâu bệnh hại: Sâu bệnh hại xuất hiện phổ biến trên khoai mỡ là:
- Sâu xám: Chúng thường bò từ đất lên và cắn lá vào ban đêm. Để phòng trừ, bà con dùng thuốc Peran 50EC, Cyperan 50EC hoặc Atabron 5EC.
- Rệp sáp: Thường ẩn nấp dưới đất gây hại rễ. Triệu chứng là cây vàng úa, kém phát triển. Có thể dùng thuốc trị là Supracide, Nokaph.
- Bệnh cháy lá: Bệnh do nấm gây hại thân và lá. Triệu chứng: chỗ nhiễm bệnh có màu xanh nhạt sau chuyển sang màu nâu và khi điều kiện ẩm ướt sẽ có mốc trắng. Để phòng trừ, bà con cần tưới cân đối phân bón, chú ý tiêu thoát nước.
- Sâu xanh: Có màu xanh, 2 bên thân có sọc màu vàng, da trơn láng. Để điều trị có thể dùng thuốc Mimic 20DF.
Một vài lưu ý quan trọng
Bên cạnh về kỹ thuật trồng khoai mỡ hiệu quả cao thì trong quá trình canh tác bà con cũng cần chú ý những điểm sau:
- Không nên tưới nhiều nước quá dễ gây hiện tượng thối rễ, chết cây.
- Tưới cân đối đạm, nếu bón dư đạm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát triển.
- Khi tiến hành cắt mặt khoai giống nên dùng dao sắc, cắt nhanh và bằng phẳng.
- Phun phòng trừ sâu bệnh hại cho củ giống trước khi mang đi ươm trồng.
Như vậy, qua bài viết trên chắc hẳn bà con đã biết cách trồng khoai mỡ để đạt năng suất tối đa. Bà con có thể áp dụng ngay để có vườn khoai mỡ xanh tốt, chế biến được nhiều món ngon và nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hãy cùng đồng hành với mobiAgri để biết thêm nhiều kỹ thuật sản xuất tiến bộ.