Cây lá lốt là loại cây không xa lạ gì với chúng ta, thường xuất hiện trong nhiều món ăn và các bài thuốc chữa bệnh dân gian. Cách trồng lá lốt vô cùng đơn giản, hãy cùng mobiAgri tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau đây nhé.
Lá lốt có mùi thơm đặc trưng là nguyên liệu không thể thiếu trong nhiều món ăn dân dã như chả ốc lá lốt, lẩu ếch, bò cuốn lá lốt, ốc nấu chuối,… Không những vậy, lá lốt còn được sử dụng như một vị thuốc chữa đau nhức xương, trị mụn nhọt, tổ đỉa, kiết lị, kháng khuẩn, chống viêm. Vậy còn chần chờ gì mà không tìm hiểu ngay cách trồng lá lốt dưới đây để có thể tự cung cấp rau sạch tại nhà.
Nội dung bài viết
Đặc điểm của cây lá lốt
Tên khoa học của cây lá lốt là Piper lolot, là loại cây thân thảo thuộc họ hồ tiêu, Thân cây có nhiều đốt, lá hình trái tim khá giống lá trầu không, có màu xanh đậm. Hoa mọc từ các mắt gần ngọn đối xứng với lá. Cây lá lốt ưa bóng râm và có thể trồng hoặc mọc hoang trong rừng, ở nơi ẩm ướt dọc các bãi cát ven suối và phân bố chủ yếu ở Việt Nam, Trung Quốc và Lào.
Cây lá lốt phát triển quanh năm nên bất cứ khi nào bạn đều có thể hái lá ăn. Lá lốt có thể dùng ăn sống như rau thơm hoặc làm rau gia vị khi nấu canh. Ngoài làm rau ăn lá, nó còn được dùng làm thuốc ở dạng khô.
Cách trồng cây lá lốt tại nhà
Thời vụ trồng
Cây lá lốt có thể trồng quanh năm nhưng dựa vào đặc tính của cây, bà con nên tập trung vào 2 thời vụ chính: Vụ xuân từ tháng 2 – 3 và vụ thu từ tháng 6-8. Thông thường, cây lá lốt sinh trưởng và phát triển mạnh vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3, kéo dài tới tháng 10, 11.
Chuẩn bị trước khi trồng lá lốt
Nguyên vật liệu trồng
Bà con có thể trồng ở mảnh đất trống trong vườn hoặc trồng trong bao xi măng, khay, chậu, thùng xốp. Lưu ý, dưới đáy cần đục lỗ để thoát nước cho cây không bị úng rễ gây thối. Ngoài ra, bà con cần chuẩn bị các loại dụng cụ như xẻng, bình tưới,…
Đất trồng
Lá lốt là cây dễ trồng ưa bóng, ưa mát có thể phát triển trên nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên, cây sẽ phát triển tốt nếu trồng trên đất giàu dinh dưỡng và nhiều mùn. Bà con nên tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, trùn quế, phân gà, vỏ trấu, xơ dừa, mùn hữu cơ,… Trước khi trồng bà con nên làm tơi đất, bón lót với vôi rồi phơi đất từ 7-10 ngày để xử lý các mầm bệnh và trong đất. Nếu nền đất có nhiều sỏi và đá thì cần nhặt hết tránh ảnh hưởng đến môi trường sinh sống và phát triển cây.
Nếu bạn không có đất vườn thì trồng trong khay, chậu và có thể mua đất sạch trộn sẵn chuyên dùng được bán tại các cửa hàng. Cây lá lốt thích hợp trồng ở nơi thoáng mát, ánh nắng tốt để cây có khả năng quang hợp tốt.
Chọn giống
Cây lá lốt được trồng bằng phương pháp giâm cành, bà con nên chọn cây già làm giống, có khả năng chống chịu tốt. Lưu ý, chọn những thân có mắt to, khỏe, đâm chồi mạnh để làm giống không nên chọn những cây non, yếu. Bà con tiến hành lấy cành làm giống bằng cách cắt đoạn thân dài 6-12cm và có 2-3 mắt có thể đâm chồi.
Cách trồng lá lốt và chăm sóc
Trồng cành giâm
Các cành giâm đã chuẩn bị ở trên, bà con hãy ươm vào chậu, khay hay hố trồng ở vườn. Tiếp theo, đặt hom giống nghiêng để mầm chồi lên và lấp đất ngập ⅔ đoạn thân. Sau khi trồng xong cần tưới nước đủ ẩm để tạo điều kiện cho mầm cây phát triển.
Bà con chú ý đặt chậu ươm nơi không có ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp.
Chăm sóc cây lá lốt sau trồng
Tưới nước: Những ngày đầu sau trồng, bà con nên thường xuyên tưới nước cho cây 2-3 lần/ngày để tạo điều kiện cho cây hút dinh dưỡng từ trong đất. Tiếp theo, có thể giảm xuống từ 2-3 ngày tưới 1 lần tùy theo thời tiết.
Tỉa cành: Sau khi cây cao khoảng 2m thì bà con cần tỉa thường xuyên và thu hái lá để có sự phát triển mới và chất lượng lá ngọt, mềm.
Bón phân: Trong quá trình sinh trưởng nên bón đạm cho cây lá lốt vài tháng 1 lần. Ngoài ra, bà con có thể bón lót phân hữu cơ hoặc phân trộn khoảng 2-3 lần/năm. Sau mỗi lần thu hái lá thì cần tiến hành bổ sung dinh dưỡng bằng cách bón phân hữu cơ, phân bò, phân trùn quế, phân dê,… Bà con chú ý làm cỏ thường xuyên để cây hấp thụ tối đa chất dinh dưỡng.
Phòng trừ sâu bệnh hại: Cây lá lốt rất dễ trồng và ít sâu bệnh gây hại. Nếu bà con trồng với mật độ dày thì lá phía dưới hay bị cháy đầu lá. Tuy nhiên, chúng ta chỉ thu hái lá lốt non nên việc phun thuốc cần hạn chế.
Thu hoạch lá lốt
Sau 1 tháng kể từ khi trồng, cây lá lốt sẽ được thu hoạch nếu bà con chăm sóc tốt. Tùy theo mục đích sử dụng, bà con có thể hái lá hoặc cắt cả đoạn chỉ chừa 10-15cm để cây tái sinh tiếp. Lưu ý, không nên hái búp và những lá chưa ổn định.
Tóm lại, để trồng và chăm sóc lá lốt hiệu quả thì bà con cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản. Hy vọng những chia sẻ của mobiAgri sẽ giúp bà con có thể dễ dàng trồng lá lốt ngay tại nhà và cho thu hoạch quanh năm. Nếu thấy thông tin hữu ích thì hãy chia sẻ đến mọi người để cùng nhau biết cách trồng lá lốt vừa làm món ăn lại có lợi cho sức khỏe.