Nấm bào ngư hay còn được gọi là nấm sò, là thực phẩm giàu dinh dưỡng, cách trồng nấm bào ngư tại nhà cũng tương đối đơn giản và dễ thực hiện.
Nấm bào ngư là thực phẩm quen thuộc trong các bữa ăn hàng ngày của nhiều gia đình. Giờ đây, nhờ những kỹ thuật trồng nấm tiên tiến, nhiều người đã có thể tự trồng nấm bào ngư tại nhà giúp có được những bữa nấm sạch, tiết kiệm chi phí so với việc đi mua ngoài chợ.
Theo MobiAgri đánh giá, việc trồng nấm bào ngư không khó, hiện any việc nuôi trồng nấm thường thực hiện bằng phương pháp cấy meo nấm trên rơm, rạ, mùn cưa, bã mía… nhưng đòi hỏi kỹ thuật và thời gian chăm sóc cũng như sự kiên trì mới có thể nuôi được những bịch nấm cho thu hoạch cao.
Nội dung bài viết
Tìm hiểu về nấm bào ngư
Nấm bào ngư thuộc họ Pleurotaceae, chúng có nhiều tên gọi khác nhau như nấm sò hay nấm dai. Đặc điểm của loại nấm này là có hình dạng phễu hơi lệch, mũ nấm xòe và ở phần chóp có lõm nhẹ.
Ở bên dưới phần mũ nấm có lớp tơ mỏng và chúng thường mọc với nhau thành cụm, ít khi học đơn lẻ. Hiện tại nấm bào ngư có 2 loại khác nhau là mũ trắng và mũ xám.
Khi chế biến, nấm bào ngư có vị dễ ăn, thanh mát, giàu dinh dưỡng nên thường được sử dụng để thay đổi bữa ăn, bồi bổ cho cả gia đình. Đó cũng chính là lý do trên thị trường hiện nay nấm bào ngư có giá thành tương đối cao.
Trồng nấm bào ngư có khó không?
Trồng nấm bào ngư không khó, hiện nay trên thị trường có bán nhiều phôi nấm đã cấy meo sẵn. Bạn có thể tìm mua tại các cửa hàng bán nông sản hoặc bán cây giống. Ngoài ra, bạn cần đảm bảo yếu tố về nhiệt độ, độ ẩm để các bịch nấm luôn phát triển tốt.
Do đó, việc trồng nấm bào ngư không khó, nguyên liệu cũng không đắt tiền và dễ chuẩn bị tại nhà, tuy nhiên quy trình trồng lại trải qua nhiều giai đoạn khác nhau nên bạn cần chú ý tạo điều kiện thích hợp cho nấm bào ngư phát triển tốt nhất.
Chuẩn bị các điều kiện trước khi trồng nấm bào ngư
Để trồng nấm bào ngư tại nhà, trước hết bạn cần chuẩn bị các điều kiện như sau:
Về giá thể
Mỗi loại nấm sẽ thích hợp với giá thể khác nhau, với nấm bào ngư bạn cần chuẩn bị giá thể gồm rơm rạ, mùn cưa, bã cà phê hoặc những tấm bìa cứng để nấm sinh trường.
Về nhiệt độ
Bạn cần đảm bảo nhiệt độ phòng nuôi nấm trong khoảng từ 20 đến 24 độ C. Quãng nhiệt độ này rất quan trọng để cây nấm phát triển, nếu như nhiệt độ thấp hoặc cao hơn đều có thể khiến tốc độ sinh trưởng của cây nấm khác nhau và khả năng nhiễm bẩn tương đối cao.
Về khu vực trồng
Khu vực trồng nấm bào ngư không nên có ánh sáng và gió thổi, nơi trồng nấm cần thông thoáng, lưu thông không khí tốt.
Về phôi giống
Bạn có thể mua meo nấm lại các cửa hàng có uy tín, giống cần đảm bảo đúng độ tuổi và không bị nhiễm mốc.
Cách trồng nấm bào ngư tại nhà chi tiết nhất
Cách trồng nấm bào ngư tại nhà cần tuân thủ theo quy trình như sau:
Xử lý nguyên liệu
Trước hết, bạn cần cho rơm rạ, mùn cưa hoặc tro trấu ngâm với nước vôi pha loãng trong khoảng 20 phút rồi để ráo nước. Sau đó, bước thứ 2 bạn sẽ tiến hành ủ nguyên liệu
Đợt 1: bạn ủ trong vòng 3 ngày, tưới ẩm cho rơm, mùn và xới đều.
Đợt 2: ủ trong vòng 2 ngày tiếp theo.
Khử trùng: Bạn tiến hành khử trùng nguyên liệu trong hơi nước ở nhiệt độ 100 độ C trong 3 tiếng để tiêu diệt hết các mầm bệnh.
Cách trồng
Chia đều nguyên liệu trồng nấm vào các bịch ni-lông khác nhau, sau đó dùng tay gập 2 đáy túi ni-lông lại và cho rơm rạ vào đáy túi rồi nén chặt lại, lớp rơm rạ nên dày khoảng 5cm.
Bước tiếp theo bạn tiến hành rải phôi nấm giống vào quanh thành túi và ép phôi nấm ra phía ngoài của túi. Tiếp đó, bạn cho thêm lớp rơm thứ 2 lên và rải phôi nấm ngoài thành túi như lần 1.
Bạn nên chú ý đối với lớp rơm rạ ở trên cùng nên rắc phôi nấm đều ở trên mặt và chừa lại 1 lỗ để nhét bông gòn vào miệng túi, sau đó cột chặt miệng túi ni-lông lại.
Khi cấy xong, bạn di chuyển các bịch nấm ra khu vực trồng đã được chuẩn bị từ trước và tiến hành tưới ẩm hàng ngày.
Cách chăm sóc nấm bào ngư sau khi trồng
Bạn cần tuân thủ đúng cách chăm sóc để nấm bào ngư phát triển tốt nhất.
Về tưới nước
Khi trên túi nấm xuất hiện quả thể ở cổ túi, bạn cần vừa phun sương vừa tạo độ ẩm cho môi trường nền nhà khoảng 2 lần/ngày. Nước tưới cần sạch, không có phèn, độc và tưới khoảng 3 lần/ngày. Nếu thời tiết nóng hoặc quá khô cần tăng số lần tưới ẩm.
Bạn lưu ý chỉ nên phun xịt tạo sương nhẹ rơi hoặc tưới ướt nền chứ không nền tưới trực tiếp vào bịch nấm vì có thể làm hư hỏng và biến dạng tai nấm.
Kiểm tra bịch nấm
Sau khoảng gần 1 tháng, bạn tiến hành kiểm tra, khi thấy dưới đáy bắt đầu lan màu trắng thì nấm giống đang sinh trưởng. Lúc này bạn bỏ nút bông gòn ở miệng túi và dùng dây thun chột chặt lại rồi treo túi nấm lên.
Rạch bịch nấm
Bạn tiến hành rạch bịch nấm với 6 vết rạch dài khoảng 3cm và nên rạch so le nhau. Sau khoảng 4 ngày, nấm bắt đầu mọc và khi tai nấm có đường kính 3cm là bạn có thể thu hoạch được.
Phòng bệnh
Nấm bào ngư nhạy cảm với môi trường và nhiệt độ, nếu như không đảm bảo đủ các yếu tố này, nấm cũng khó sinh trưởng. Ngoài ra, bà con cần tưới nước sạch cho nấm để nấm phát triển tốt nhất.
Nấm bào ngư thường mắc bệnh mốc xanh và ấu trùng ruồi. Để hạn chế bệnh nấm mốc xanh, bạn cần khử trùng tốt nguyên liệu trồng nấm. Còn với ấu trùng ruồi, bạn có thể làm lưới chắn, vệ sinh phòng ươm sạch sẽ.
Về thu hoạch
Khi tai nấm có đường kính từ 3 đến 5cm bạn có thể thu hoạch, cách thu hoạch nên hái hết cả cụm và không nên để sót lại phần chân nấm vì nếu để phần chân nấm dễ gây nhiễm bệnh, giảm thu hoạch của các lần kế tiếp.
Thu hoạch xong đợt 1, bạn ngưng tưới nước 1, 2 ngày và sau đó tiến hành chăm sóc để thu hái cho đợt sau.
Trên đây là cách trồng nấm bào ngư tại nhà đơn giản, dễ thực hiện mà MobiAgri đã giới thiệu. Áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc, bạn có thể thu hoạch từ 6 đến 12 đợt, mỗi đợt cách nhau khoảng 2 tuần. Chúc bạn sẽ thu hoạch được những lứa nấm có năng suất cao tại nhà.