Nhãn là loại cây ăn quả lâu năm có tán rộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Quả nhãn chứa rất nhiều giá trị dinh dưỡng, thậm chí còn là một nguyên liệu bổ trợ cho sức khỏe rất tốt. Để có hiệu quả kinh tế cao khi trồng loại cây ăn quả này, cần áp dụng quy trình kỹ thuật từ giai đoạn chuẩn bị đến khi trồng. Hãy cùng mobiAgri tìm hiểu kỹ thuật cách trồng cây nhãn năng suất, ngay tại bài viết này nhé!
Nội dung bài viết
Thời vụ trồng nhãn
Thời vụ trồng nhãn thích hợp là vụ Xuân (các tháng 2, 3 và đầu tháng 4). Ngoài ra, có thể trồng vào vụ Thu (các tháng 8, 9, 10). Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Nam Bộ tránh trồng vào mùa khô. Ở các tỉnh miền Trung, tránh trồng vào mùa có gió Lào.
Đối với các loại đất chuyển đổi từ cây trồng khác, cần phải dọn sạch và cải tạo mặt bằng trước khi thiết kế vườn trồng. Đối với đất dốc từ 5 – 10 độ cần tạo đường đồng mức rộng 3 – 5 m.
Chuẩn bị trước khi trồng nhãn
1. Chuẩn bị cây giống
Sử dụng cây giống có nguồn gốc rõ ràng, mua tại các cơ sở sản xuất cây giống có uy tín của Viện hoặc Trung tâm nghiên cứu, cây giống được nhân từ cây đầu dòng đã qua bình tuyển công nhận hoặc chọn giống đã được công bố.
Mỗi vùng có thể sử dụng cây giống được nhân giống bằng các phương pháp khác nhau.
2. Làm đất thiết kế vườn
Chuẩn bị làm đất
Đối với các loại đất chuyển đổi từ cây trồng khác, cần phải dọn sạch và cải tạo mặt bằng trước khi thiết kế vườn trồng. Đối với đất dốc từ 5 – 10 độ, cần tạo đường đồng mức rộng 3 – 5 m.
Đối với đất trũng ở vùng đồng bằng thoát nước kém
Đắp nấm/mô đối với đất cao trồng màu hoặc đất bãi ven sông: Tùy từng địa hình đất để tiến hành đắp nấm có kích thước phù hợp, thông thường kích thước của nấm có chiều cao từ 0,7 – 0,8 m so với mặt vườn, đường kính từ 1,0 – 1,2 m. Đào mương, lên líp đối với nơi đất trũng: Kích thước mương trung bình là 1 x 1 m và mặt líp là 7 – 8 m.
Đối với đất đồi núi
Đất thung lũng ở các vùng núi, đất có độ dốc không quá 20 – 25 độ: Tuỳ theo quy mô diện tích và địa hình đất có thiết kế vườn trồng một cách phù hợp, thiết kế hàng trồng như thông thường trên mặt bằng đã được giải phóng.
Đất dốc từ 5 – 10 độ: Các hàng cây bố trí theo đường đồng mức. Bố trí vườn cạnh hoặc gần nguồn nước để chủ động nước tưới trong điều kiện khô hạn, có rãnh thoát nước trong mùa mưa lũ.
Nên chọn vị trí vườn nhãn thuận lợi giao thông để dễ vận chuyển quả đến nơi tiêu thụ. Tránh các vùng hay xảy ra rét đậm, rét hại và sương giá. Đào hố trước trồng 1 tháng với kích thước hố 40 x 40 x 40 cm.
3. Chuẩn bị phân lót
Lượng phân bón lót cho một cây nhãn là 30 – 50 kg phân chuồng; 0,7 – 1,0 kg super lân; 0,2 – 0,3 kg kaliclorua. Những vùng đất chua cần bón thêm 0,5 – 1,0 kg vôi bột. Bón lót trước khi trồng ít nhất từ 7 – 10 ngày.
Kỹ thuật trồng cây nhãn
1. Mật độ khoảng cách trồng
Tùy mức độ thâm canh có thể trồng nhãn với mật độ khác nhau. Mật độ thông thường 300 cây/ha tương đương khoảng cách 6,0 x 5,5 m. Trong điều kiện thâm canh cao, có thể trồng mật độ cao hơn từ 300 – 500 cây/ha. Đối với vùng đất trũng đồng bằng sông Cửu Long do diện tích phần không sử dụng như mặt mương, đường đi lớn nên mật độ trồng phù hợp 180 cây/ha.
2. Cách trồng cây nhãn
Hố trồng sau khi đã được bón lót, khơi một hố nhỏ chính giữa hố, đặt bầu cây giống vào sao cho cỗ rễ thấp hơn mặt hố 3 – 5 cm, xé bỏ túi bầu và cho rễ toả tự nhiên ở xung quanh, lấp đất và nén chặt xung quanh gốc. Cắm cọc và dùng dây mềm buộc cố định cây để tránh gió lay đứt rễ. Tưới nước cho chặt gốc, dùng rơm rạ hoặc cỏ khô tủ gốc và giữ ẩm cho cây.
Bài viết trên đã giới thiệu tới bạn giai đoạn chuẩn bị trồng và tiến hành trồng cây nhãn. Bạn cần tìm hiểu thêm thông tin kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch. Chúc bạn áp dụng kiến thức thành công và đạt hiệu quả cao khi trồng nhãn.