Những ngày hè nóng bức, món canh rau đay là lựa chọn tuyệt vời trong bữa ăn hàng ngày để xoa dịu sự khó chịu của mùa hè. Vì vậy, hôm nay mobiAgri sẽ mang lại những thông tin hữu ích về cách trồng rau đay sạch tại nhà.
Rau đay là loại rau khá quen thuộc đối với người Việt Nam, nó không chỉ thực phẩm bổ dưỡng mà còn có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Cách trồng rau đay cũng rất đơn giản, bạn có thể dễ dàng canh tác tại vườn, ruộng và tại nhà. Vậy nếu có đam mê với loại rau dễ trồng này, bạn hãy tự tay trồng nó tại nhà để thưởng thức món ăn sạch, ngon, bảo vệ sức khỏe gia đình mình.
Nội dung bài viết
Giới thiệu chung về rau đay
Tên khoa học của rau đay là Corchorus olitorius L, là loại cây thân thảo, có chiều cao vượt bậc so với các loại rau khác. Thân cây rau đay nhỏ, có màu xanh hoặc đỏ tùy theo giống. Lá rau đay màu xanh, hoa màu vàng ngọc mọc ở kẽ lá, trên từng cuống có 3 hoa. Quả hình trụ, hạt hình lê.
Rau đay được sử dụng trong bữa ăn hàng ngày như canh cua rau đay, rau đay nấu tôm khô, có tác dụng thanh nhiệt. Bên cạnh đó, rau đay có công dụng về sức khỏe, điều trị các vấn đề tiêu hóa, lợi tiểu, hô hấp, kháng viêm, cầm máu, lợi sữa, an thai… Ngoài ra, chúng còn được dùng làm thuốc trị táo bón, bí tiểu, tiểu buốt, tiểu rát, phòng ngừa say nắng.
Cách trồng rau đay đơn giản nhất
Thời vụ trồng
Thời vụ gieo trồng rau đay là từ tháng 3-7, thu hoạch từ tháng 5-9 vì nó thuộc loại cây thích hợp khí hậu ôn hòa, ấm áp, có khả năng chịu nắng nhưng kém chịu rét. Nếu bà con gieo trồng vào mùa lạnh, rau đay sẽ sinh trưởng chậm và cây cằn cỗi. Nhiệt độ phù hợp nhất để cây rau đay phát triển tốt là từ 25-30 độ.
Chuẩn bị trước khi trồng rau đay
Nguyên vật liệu trồng
Bà con có thể trồng rau đay ở đất trong vườn để thuận tiện cho việc chăm sóc. Nếu nhà bạn không có đất vườn thì có thể trồng trong thùng xốp, chậu nhựa hoặc khay trồng chuyên dụng trên ban công, sân thượng hay sân nhà. Kích thước thùng xốp, thau chậu là 40x60x12. Lưu ý, dưới đáy cần đục lỗ để thoát nước tránh tình trạng thối rễ do tưới nhiều nước.
Ngoài ra, bạn cần chuẩn bị các dụng cụ như xẻng, kéo cắt, bình tưới,…
Đất trồng
Đất trồng thích hợp cho rau đay phát triển tốt là đất thịt nhẹ đến trung bình, đất cát pha, pH từ 6-6,7. Bà con có thể trộn đất với phân trùn quế, trấu hun, mụn dừa theo tỉ lệ 3:3:2:2. Nếu bạn không có đất vườn thì có thể mua đất hữu cơ giàu dinh dưỡng đã qua phối trộn và xử lý dành cho rau ăn lá được bán sẵn tại các cửa hàng.
Đất trồng rau đay cần được xử lý trước khi gieo bằng cách cày cuốc, phơi nắng cho thoáng khí và làm sạch cỏ. Tiếp theo, bà con làm luống với kích thước rộng 1-1,2m, cao từ 20-25cm và rãnh rộng 23-30cm. Bón lót là việc cần thiết trước khi gieo trồng nhằm cung cấp dưỡng chất cho đất. Bà con có thể sử dụng phân hữu cơ hoai mục kết hợp phân đạm, lân và kali.
Kỹ thuật chọn và ủ hạt giống
Chọn giống
Trên thị trường hiện nay có 2 giống rau đay là rau đay trắng và rau đay đỏ. Rau đay đỏ có thời gian sinh trưởng chậm hơn rau đay trắng. Tuy nhiên, nhà vườn vẫn ưa chuộng rau đay đỏ hơn bởi ăn ngon hơn. Bà con nên chọn mua hạt giống rau đay tại cửa hàng uy tín, nguồn gốc rõ ràng, thời hạn sử dụng dài để đảm bảo chất lượng hạt, tỷ lệ nảy mầm cao.
Ngâm ủ hạt giống
Để hạt giống lên đều và nhanh nảy mầm thì bà con cần ngâm hạt trước khi gieo. Khi mua hạt rau đay về, bà con ngâm trong nước ấm với tỷ lệ 2 sôi 3 lạnh trong khoảng 4-5h, sau đó vớt hạt ra ủ trong bóng tối. Khi thấy hạt nứt lanh thì tiến hành gieo hạt.
Cách trồng và chăm sóc rau đay
Gieo hạt
Nếu bà con gieo trồng rau đay trong vườn hoặc ruộng thì có thể áp dụng 2 phương pháp sau đây:
Gieo vãi: Hạt giống sau khi được ngâm ủ, bà con tiến hành rải đều mặt luống, lượng hạt gieo theo cách này sẽ tốn hơn so với gieo hạt theo hàng. Tuy nhiên, mật độ gieo lớn hơn và thu hoạch sẽ nhanh hơn.
Gieo hàng: Với phương pháp gieo hạt theo hàng, bà con cần rạch các hàng với khoảng cách nhau 35-40cm. Đây là cách gieo hạt giúp thuận tiện chăm sóc nhưng mật độ gieo sẽ thấp hơn gieo vãi.
Sau đó, bà con dùng đất bột lấp kín hạt với độ dày phủ trên hạt là 0,5cm. Bà con cần duy trì tưới nước 2 lần vào buổi sáng và chiều tối để đất ẩm giúp hạt nhanh nảy mầm.
Chăm sóc
Tưới nước: Hàng ngày, bà con nên tưới định kỳ 2 lần vào sáng sớm và chiều mát tránh hiện tượng đất khô hoặc úng nước đều ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây.
Làm cỏ, tỉa cây: Khi cây ra 3-4 lá thật thì có thể tỉa chỗ mau trồng dặm sang chỗ thưa. Ngoài ra, bà con cần thường xuyên nhặt cỏ dại nếu có. Khi cây cao khoảng 20cm thì tiến hành tỉa định cây sao cho khoảng cách giữa các cây từ 25-30cm vì rau đay cho ra nhiều nhánh và tán rộng. Những cây nhổ đi có thể chế biến món canh yêu thích cho gia đình. Khi cây cao khoảng 30cm, bà con có thể bấm ngọn ăn để cho nhánh phát triển.
Bón phân: Khi cây có 2-3 lá thật thì tiến hành bón thúc lần đầu bằng phân hữu cơ hoai mục, đạm, lân. Bón thúc lần 2 khi cây có 4-5 lá. Bón lần 3 khi bà con tỉa định cây với đạm và kali.
Phòng trừ sâu bệnh: Cây rau đay là loại rau dễ trồng, rất ít gặp sâu bệnh hại. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc, bà con cũng sẽ gặp một số loại sâu ăn hại như sâu ăn lá, sâu khoang. Vì vậy, nhà vườn cần thường xuyên kiểm tra, bắt ngay ổ sâu bằng tay tránh bị ăn hại lá diện rộng. Nên hạn chế dùng thuốc trừ sâu để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Như các bạn thấy cách trồng rau đay ở trên khá đơn giản và dễ thực hiện phải không nào? Nếu yêu thích loại rau này thì hãy bắt tay trồng để có vườn rau sạch, xanh mướt cho gia đình vừa ngon lại tốt cho sức khỏe. Chúc bạn sẽ áp dụng thành công và đạt được kết quả như ý!