Cách trồng rau mồng tơi đơn giản, xanh mướt ăn hoài không hết

Mồng tơi là loại rau thanh nhiệt, giải độc rất tốt cho sức khỏe. Chính vì vậy loại rau này đã trở thành một trong những nguyên liệu không thể thiếu trong các bát canh ngày hè, có thể kết hợp nấu cùng cua, hến, ngao,… Rau mồng tơi cũng rất dễ trồng và chăm sóc, vì vậy bạn có thể chủ động trồng loại rau này theo những kinh nghiệm gieo trồng dưới đây.

Thời vụ trồng mồng tơi

Mồng tơi là cây ưa nóng nên gần như trồng được quanh năm trừ mùa đông ở Miền Bắc.

Miền Bắc: Trồng chủ yếu trong vụ Xuân và thu hoạch suốt vụ Hè. Gieo trồng từ đầu tháng 3 – 5, thu hoạch từ tháng 5 – 9.

Trồng rau mồng tơi

Miền Nam: Gieo trồng mồng tơi được quanh năm, nhưng tốt nhất bạn nên gieo trồng vào đầu mùa mưa.

Chuẩn bị trước khi trồng mồng tơi

Chuẩn bị dụng cụ trồng

Nên sử dụng loại khay, xô chậu, thùng xốp có độ sâu từ 15 – 20 cm, có lỗ thoát nước, miệng rộng càng tốt để cây có thể phát triển tốt lá và bộ rễ. Vị trí trồng mồng tơi thích hợp: nơi nhiều nắng hoặc có nắng một buổi. Không nên đặt chậu ở nơi bị che hết ánh nắng khiến cây bị vóng cao, thân gầy, lá nhỏ.

Đặt chậu trồng ở nơi có nắng.

Chuẩn bị giá thể, làm đất

Nguồn giá thể

Có thể mua các loại đất được trộn sẵn hoặc tự làm giá thể.

Cách tự làm giá thể

Cách 1: Trộn 5 phần đất nền + 3 phần giá thể tạo xốp + 2 phần phân bón.

Cách 2: Trộn 1 phần đất nền + 1 phần giá thể tạo xốp + 1 phần phân bón.

Sau khi trộn đều giá thể, cho giá thể vào các chậu/thùng để bắt đầu trồng.

Cho giá thể đã trộn vào dụng cụ gieo hạt cách mép chậu/thùng 2 cm. Sau khi trộn xong, san phẳng bề mặt đất, ấn nhẹ, chú ý ấn ở các góc của chậu.

Chuẩn bị hạt/cây giống

Tiêu chuẩn cây giống

Cây có từ 2 – 4 lá. Cây sinh trưởng mạnh, không bị sâu bệnh.

Cây giống mồng tơi.

Tiêu chuẩn hạt giống

Hạt giống rau mồng tơi mua sẵn

Được mua từ các cơ sở sản xuất và bán giống có uy tín hoặc hạt giống được lấy ngay từ cây mồng tơi tại nhà. Hạt giống phải mang tính đặc trưng của giống. Hạt đen, không có màu nâu đỏ, vỏ hạt không nhẵn. Hạt không có mầm mống sâu bệnh. Tỷ lệ nảy mầm cao trên 90%. Không lẫn tạp chất, cỏ dại.

https://cdn.weatherplus.vn/VMS/CMS/image/detail_post/Seeds-of-Malabar-spinach_1623049818.jpg

Hạt giống cây mồng tơi.

Hạt mồng tơi chọn tại cây ở nhà

Chọn những quả chín đen, đem phơi nắng cho khô lớp vỏ bên ngoài, đến lúc nắm trên tay hạt mồng tơi không còn dính với nhau là được. Nếu trời nắng tốt, hạt mồng tơi tươi chỉ cần phơi khoảng 3 – 4 ngày.

Gieo bằng hạt

Bạn có thể sử dụng hạt giống đã được ngâm ủ nứt nanh hoặc hạt ngâm trong nước sạch 3 – 4 tiếng, vớt ra, để ráo rồi gieo, hoặc gieo hạt khô không cần ngâm ủ. Dùng ngón tay hoặc que tạo lỗ sâu 1,5 – 2,0 cm; sau đó thả hạt vào lỗ, dùng tay xoa phẳng mặt chậu. Sau khi gieo tưới đủ ẩm. Nếu hạt đã ngâm ủ nứt nanh bạn nên gieo 1 hạt/1 lỗ, nếu hạt mới ngâm nước hoặc hạt khô thì bạn nên gieo 1 – 2 hạt/1 lỗ.

Khoảng cách giữa các lỗ gieo để cây phát triển phù hợp là 10 – 15 cm. Chăm sóc như ở vườn ươm, khi cây được 3 – 4 lá, bạn tỉa thưa ăn dần. Để khoảng cách cây còn lại là 20 x 20 cm.

Kỹ thuật trồng mồng tơi

Trồng cây con

Nhổ cây giống đến đâu đem trồng ngay đến đó. Tránh để héo rễ cây. Trồng cây cách cây khoảng 20 cm.

Dùng dụng cụ tạo lỗ sâu khoảng 5 cm, rộng 5cm, trồng cây vào lỗ, lấp kín gốc. Sau khi trồng tưới nước đẫm. Sau trồng khoảng 15 ngày, cây mồng tơi bắt đầu mọc từ 2 – 3 lá, bạn nên tiến hành làm giàn cao khoảng 1,0 – 1,5 m cho rau mồng tơi leo.

Vật liệu

Dây để đan lưới như dây thép, dây thép bọc nhựa, dây cước, lưới mắt cáo.

Cọc để cố định giàn: cọc tre, cọc bê tông hoặc cọc kim loại.

Cách làm

Bước 1:

Cắm cọc xuống đất vào vị trí cố định để tạo khung cho lưới giàn cây leo.

Bước 2:

Dùng dây thép hoặc dây cước quấn phía trên nóc cọc và phía dưới chân cọc để tạo khung sườn hoàn chỉnh cho bộ giàn.

Bước 3:

Tiếp tục đan lưới cho giàn theo chiều ngang và chiều dọc của bộ khung, buộc chắc chắn các đầu dây vào các thanh khung để giàn chắc hơn. Độ rộng của mắt lưới tùy thuộc vào sự lựa chọn của bạn. Tuy nhiên, không nên đan lưới dày quá sẽ tốn công, hoặc thưa quá sẽ làm cho các nhánh mồng tơi leo khó lên giàn. Nếu trồng trong chậu, thùng xốp tại nhà thì có thể làm giàn nghiêng tựa gần vào vách tường rồi cắm cọc giăng lưới làm giàn dây leo.

Bấm ngọn mồng tơi

Đối với mồng tơi không leo giàn

Khi cây cao 25 – 30 cm thì cắt ngọn. Dùng dao sắc cắt gốc cách mặt đất 5 – 10 cm (3 – 4 mắt ở dưới gốc). Từ đó trở đi khoảng 12 – 15 ngày lại cắt được một lứa.

Sau khi cắt ngọn cần bón thêm phân. Bấm lần 2, sau khi bón phân 10 – 12 ngày.

Đối với mồng tơi leo giàn

Khi cây leo giàn được khoảng 1,0 – 1,2 m mới bắt đầu ngắt ngọn của cây để cây phát triển các nhánh nhỏ.

Khi nhánh nhỏ bắt đầu phát triển, tỉa trước những lá to ở kẽ nhánh để ăn trước. Khi các nhánh nhỏ leo dài hơn, tiếp tục ngắt ngọn và những lá to để lấy ăn. Sau mỗi lần thu hoạch cần bổ sung thêm phân bón cho cây.

Cách chăm sóc cây mồng tơi

Tưới nước

Mồng tơi cần nhiều nước, độ ẩm cần thiết từ 75 – 80% nhưng lại không chịu được ngập úng. Vì vậy, khi tưới nước cho cây mồng tơi, bạn cần lưu ý như sau: Vào mùa nắng tưới nước cho cây thường xuyên 2 lần/ngày, vào sáng sớm từ 5 – 9 giờ và chiều mát từ 4 – 6 giờ.

Vào mùa khô nên tưới nước cho cây 1 lần/ngày. Nếu thời tiết quá hanh khô nên tưới nước cho 2 lần/ngày (buổi sáng 7 – 10 giờ, chiều 3 – 5 giờ). Khi tưới nước cho cây rau mồng tơi, sử dụng vòi nước tưới phun mưa hoặc vòi hoa sen tưới cho cây từ trên các lá xuống. Dội sạch các vết bẩn bám trên các lá cây rau mồng tơi, vừa cung cấp nước cho cây.

Không nên tưới muộn quá sẽ khiến đất không thể khô ráo trước khi tối, khiến nấm bệnh hại tấn công cây rau.

Bón phân cho cây mồng tơi

Bón thúc cho mồng tơi bằng phân hữu cơ

Mua phân hữu cơ bán sẵn

Phân hữu cơ và phân hữu cơ vi sinh của các hãng như Sông Giang, Bình Điền, Humix… bán tại các cửa hàng có nhiều liều lượng khác nhau và có thời hạn sử dụng. Khi mua cần đọc kỹ hướng dẫn trên bao gói và bón phân theo hướng dẫn.

Tự làm phân hữu cơ tại nhà

Bạn có thể dùng vỏ chuối, vỏ khoai tây thái nhỏ đun với nước để nguội dùng để tưới rau.  Cách bón: Tưới nước phân hữu cơ làm từ vỏ chuối và vỏ khoai: tưới 1 tuần/lần (1,5 lít nước phân tưới cho 1m²).

Bón phân hữu cơ ủ từ các sản phẩm hữu cơ loại thải

Bón trực tiếp vào giữa 2 hàng cây. Sau đó tiếp tục phủ lớp giá thể (khoảng 1 cm) lên trên. Bón lần 1 khi cây được 2 – 3 lá. Các đợt sau sẽ bón sau 3 lần thu hoạch. Bón phân trước khi thu hoạch 7 – 10 ngày.

Bón phân đậu tương ủ khô

Rắc trực tiếp phân lên mặt chậu rau, 1 kg phân đậu tương cho 1,5 – 2,0 m² vườn rau. Bón trước khi thu hoạch 3 ngày để rau hết mùi của phân đậu tương.

Bón thúc bằng phân vô cơ

Thời điểm bón

Lần 1: Khi cây lên từ 2 – 3 lá thật.

Lần 2: Nếu cây xấu bón bổ sung 1 gram đạm ure cho 7 m².

Lần 3: Sau 1 – 2 tháng, cây cao 25 – 30 cm, bấm ngọn lần đầu. Bón phân NPK tổng hợp loại 16:16:8.

Sau đó cứ 10 – 12 ngày thu hoạch 1 lần, sau mỗi lần thu hoạch bón bổ sung NPK. Sau 3 đợt thu hoạch bổ sung thêm 1 lớp giá thể (2 cm) đã trộn như ban đầu cho mồng tơi.

Cách bón và liều lượng

Lần 1: Phun phân vi sinh qua lá, lượng 5 ml pha với 1,5 lít phun cho 36 m². Các lần sau bón NPK tổng hợp loại 16:16:8. Lấy 2 thìa cà phê phân bón cho 15 cây mồng tơi tương đương 8 g cho 1 m². Cách bón: Rắc phân vào giữa các cây mồng tơi, sau đó phủ lớp giá thể (1 cm) lên trên.

Tỉa giặm, làm cỏ cho cây mồng tơi

Tỉa giặm

Sau 5 – 7 ngày trồng cây hồi phục, cần tỉa bỏ các cây bị yếu, sâu bệnh, cây chết.

Tỉa chỗ dày hoặc gốc có 2 cây, giặm sang chỗ trống.

Làm cỏ

Thường xuyên kiểm tra và nhổ cỏ trong chậu rau để cỏ không ăn tranh dinh dưỡng với mồng tơi.

Thu hoạch rau mồng tơi

Cách thu hoạch rau mồng tơi không leo giàn

Thu hoạch rau mồng tơi lần đầu: sau trồng 1 – 2 tháng, cây cao 25 – 30 cm là có thể bấm ngọn lần đầu để ăn. Thu hoạch lần 2: sau 12 – 15 ngày sau khi bấm ngọn lần đầu.

Sau mỗi lần bấm ngọn cần bổ sung thêm dinh dưỡng cho cây. Trước lúc thu hoạch 7 – 10 ngày, ngừng bón phân. Cắt rau vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn vì nắng nóng sẽ làm cho rau nhanh bị héo, giảm chất lượng.

Cách thu hoạch rau mồng tơi leo giàn

Khi cây leo giàn được khoảng 1,0 – 1,2 m bắt đầu bấm ngọn để cây phát triển các nhánh nhỏ. Khi nhánh nhỏ bắt đầu phát triển, bạn tỉa trước những lá to ở kẽ nhánh để ăn trước.

Khi các nhánh nhỏ leo dài hơn, bạn tiếp tục ngắt ngọn và những lá to để ăn. Sau mỗi lần thu hoạch cần bổ sung thêm phân bón cho cây.

Lưu ý: Trồng mồng tơi leo giàn có thể thu hoạch rau mồng tơi ăn quanh năm nhưng ngọn mồng tơi nhỏ.

Mồng tơi là loại rau dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, có thể trồng thành giàn leo  hoặc trồng theo luống. Việc chủ động trồng rau mồng tơi, giúp bạn đảm bảo được nguồn rau sạch cho cả nhà. Việc thu hoạch rau mồng tơi và tưới phân bón cần phải cách nhau vài ngày, để đảm bảo không tồn dư nhiều lượng chất bẩn đọng trên lá. Mong rằng những kinh nghiệm được chia sẻ về kỹ thuật trồng rau mồng tơi tại bài viết, sẽ giúp ích cho những ai đang có nhu cầu tìm hiểu.

2.3/5 - (3 votes)

    Để lại một Bình luận

    Copyright 2023 – MobiFone

    Giấy ĐKKD: 0100686209-087. Đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 16/06/2023 cấp bởi Sở KHDT thành phố Hà Nội.

    Giấy phép thiết lập Mạng xã hội trên mạng số 145/GP-BTTTT cấp ngày 30/05/2024 bởi Bộ Thông tin và Truyền thông.

    Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Lê Quang Minh – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone – Tổng Công ty Viễn thông MobiFone.

    Phát triển và vận hành sản phẩm: Công ty cổ phần giải pháp thời tiết WeatherPlus

    DMCA.com Protection Status

    Khám phá

    Tin tức - sự kiện

    Liên hệ

    Trụ sở: Số 01 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

    Tải ứng dụng

    error: Content is protected !!