Rau răm (tên khoa học: Persicaria odorata) thuộc họ Rau răm (Polygonaceae) là một loại gia vị có vị cay nồng, thường được thêm vào món ăn giúp tăng hương vị hoặc ăn sống kèm cùng các món ăn khác. Rau răm có tính ấm nóng giúp kháng viêm, hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa một số bệnh ung thư. Loại rau này khá dễ trồng, sức sống khỏe, không tốn công chăm sóc. Bạn có thể dễ dàng trồng được loại rau này ngay tại nhà, mà không cần quá nhiều kỹ thuật, dễ thành công nếu áp dụng theo những chia sẻ dưới đây.
Nội dung bài viết
Thời vụ trồng rau răm
Rau răm có thể trồng được quanh năm nhưng thích hợp nhất là vào mùa mưa hoặc cuối mùa mưa. Mùa ẩm ướt, độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho cây phát triển. Ngoài ra các mùa khác đều có thể trồng được tuy nhiên cần phải chủ động nguồn tưới, tạo độ ẩm cho đất.
Chuẩn bị trước khi trồng rau răm
Đất trồng: Rau răm có thể phát triển trên nhiều loại đất nhưng phù hợp nhất là đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng hoặc đất sình, trũng. Để tạo điều kiện cho cây phát triển nên trộn đất trước khi trồng. Kết hợp các loại phân bón như phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, than bùn, mùn hữu cơ, xơ dừa,… Giúp đất trồng màu mỡ hơn. Tuy nhiên trước khi trồng nên xử lý đất trước bằng cách bón lót vôi, phơi ải từ 7-10 ngày để diệt trừ các mầm bệnh, sau đó mới trộn đất.
Vật dụng trồng: Bạn có thể trồng rau răm trực tiếp ra đất vườn hoặc đất ruộng theo quy mô sản xuất. Ngoài ra bạn có thể tận dụng thùng xốp, chậu cây, khay để trồng rau răm tại nhà. Lưu ý những vật dụng này đều phải có lỗ thoát nước, tránh bị ngập úng khi tưới nhiều hoặc mưa lớn.
Giống trồng: Có thể trồng rau răm bằng 2 cách, bằng hạt hoặc bằng cành, gốc. Cách trồng bằng hạt được áp dụng khi trồng với diện tích lớn, trồng ngoài vườn rộng hoặc ruộng theo quy mô sản xuất. Nếu trồng để cung cấp cho gia đình thì có thể trồng bằng cành, gốc già.
Cách trồng rau răm
Trồng bằng hạt: Đối với phương pháp trồng rau răm bằng hạt nên ngâm ủ trước khi gieo. Ngâm trong nước ấm theo tỉ lệ 2 sôi 3 lạnh, sau đó vớt ra để ráo. Có thể ủ trong khăn ẩm 3-5 ngày đợi hạt nứt nanh hoặc gieo sạ trực tiếp xuống đất đã chuẩn bị trước.
Trồng bằng cành: Cắt đoạn cây rau răm già thành từng đoạn dài từ 12-15cm, có khoảng 5-6 mắt. Chọn những những cây giống mập, khỏe mạnh, nhiều mắt. Tiến hành lấp đất khoảng 2/3 đoạn cành, sau đó nén chặt đất vào gốc rồi tưới nước. Mục đích giúp cây không bị đổ, rễ đâm sâu hơn. Sau trồng thường xuyên duy trì độ ẩm cho đất, che mát cho cây khoảng 10 ngày để không bị khô héo.
Chăm sóc rau răm
Chế độ bón phân: Từ 7-10 ngày sau trồng, rau răm sẽ ra rễ, lá non ở nách, ngọn sẽ nhú ra. Giai đoạn này tiến hành bón lót bằng phân hữu cơ, phân trùn quế, phân bò,… Sau đó khoảng 10-15 ngày tiến hành bón phân 1 lần. Ngoài việc bón phân bạn cần duy trì tưới nước giữ ẩm, vun xới, nhổ cỏ dại cho rau răm.
Nếu bạn sử dụng phân vô cơ để bón cho cây, thì dừng bón khoảng 10 ngày trước khi thu hoạch. Sẽ tốt hơn nếu bón bằng phân hữu cơ để đảm bảo chất lượng rau.
Phòng trừ sâu bệnh: Rau răm thường bị một số loại sâu bệnh như rệp, sáp, bọ trĩ, thối gốc, sâu khoang xâm nhiễm gây hại. Đối với cây trồng ở diện tích nhỏ có thể dùng phương pháp thủ công, bắt sâu hại bằng tay, tiến hành nhổ bỏ những cây bị sâu bệnh gây hại. Đối với vùng trồng theo quy mô sản xuất ưu tiên dùng thuốc trừ sâu từ chế phẩm sinh học.
Thu hoạch rau răm
Rau răm phát triển tốt, cao, đâm nhiều chồi vươn dài, lá tốt tươi là có thể thu hoạch được. Có thể thu hoạch theo cách cắt tỉa hoặc cắt gần sát gốc, để lại khoảng 5cm. Sau đó bón phân để cây phục hồi và tiếp tục ra nhánh, cho thu hoạch lứa tiếp theo.
Bài viết trên đây là những chia sẻ về cách trồng rau răm đơn giản nhất. Loại cây này có sức sống tốt, vì vậy chỉ cần giữ ẩm thường xuyên không cần chăm bón quá cầu kỳ. Chúc bạn trồng thành công những bụi rau răm tươi tốt ngay tại nhà.