Cách trồng và chăm sóc cây vú sữa đúng kỹ thuật cho sai quả

Vú sữa là loại trái cây mang lại giá trị kinh tế cao, là cây chủ lực của một số vùng giúp người dân vươn lên làm giàu. Hương vị thơm ngon, rất bổ dưỡng, trái vú sữa còn là vị thuốc rất tốt cho sức khỏe. Vì vậy nhiều nơi đã trồng cây vú sữa để cung ứng cho thị trường trong nước và cả thị trường nước ngoài.

Để có được một vụ vú sữa năng suất, quả đạt chất lượng cần đảm bảo từ bước chuẩn bị trồng, chăm sóc, thu hoạch. Hãy cùng mobiAgri tìm hiểu quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây vú sữa ngay tại bài viết này.

Quy trình trồng vú sữa

1. Thời vụ trồng vú sữa

Cây vú sữa có thể trồng quanh năm, nhưng thời vụ thích hợp nhất là đầu mùa mưa, khoảng tháng 5 – 7 dương lịch, vì lúc này đất đủ độ ẩm. Có thể trồng vú sữa trong mùa khô nếu chủ động che chắn, tưới nước.

2. Tiến hành làm đê chắn gió

Cây vú sữa ít chịu ngập nên cần có bờ bao và cống bọng để chủ động việc tưới và thoát nước trong mùa mưa, đảm bảo mặt liếp hoặc mặt mô phải cao hơn mặt nước trong mương từ 50 – 60 cm đối với cây vú sữa trồng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Cây vú sữa dễ bị tét nhánh hay lật gốc khi có gió mạnh, cần có cây chắn gió, đặc biệt những vườn ven sông.

3. Cách trồng cây vú sữa

Cây vú sữa có tán rộng, trước khi trồng cần xác định mật độ, khoảng cách cây và kích thước đào hố trồng phù hợp.

Mật độ và khoảng cách trồng

Cây vú sữa có tán rộng, trồng ở khoảng cách 7 x 7 m hay 6 x 6 m. Mật độ 200 – 270 cây/ha.

Chuẩn bị hố và bón lót

Tùy vào điều kiện đất đai và cả mật độ có thể đào hố hay lên mô với kích thước 60 x 60 x 60 cm. Sau 10 – 15 ngày chuẩn bị mô, đào hố nhỏ sâu 20 – 25 cm ở giữa mô. Bón lót cho mỗi hố 10 – 15 kg phân hữu cơ hoai mục hoặc 3 – 5 kg phân vi sinh, 100 gram DAP và 0,5 kg phân lân, trộn hỗ hợp này với đất mặt đủ lấp đầy hố.

Trồng cây

Đặt bầu cây vào hố thẳng đứng, cắt vỏ bầu và để mặt bầu ngang với mặt mô, sau đó lắp hỗn hợp trên đầy hố. Trồng cây xong cần cắm cọc cố định cây, tưới nước ngay, che nắng, giữ ẩm gốc thường xuyên, mùa mưa không để đọng nước.

Sau trồng 1 – 2 tuần cần kiểm tra cây để trồng giặm kịp thời, chỉ trồng giặm các vườn vú sữa dưới 2 năm tuổi. Cây trồng giặm phải khỏe, được chăm sóc tốt.

Chăm sóc cây vú sữa

1. Tạo tán và tỉa cành

Việc tỉa cành, tạo tán sẽ giúp vườn vú sữa thông thoáng, sạch sẽ hạn chế được các loại sâu bệnh hại và giúp cây vú sữa phát triển tốt.

Tạo tán

Trong năm đầu, nên tạo tán để cây vú sữa phân bố cành đều theo 4 hướng, tạo cho cây có tán tròn đều, không để cây cao sẽ khó chăm sóc và quản lý sâu bệnh hại sau này. Cần hạn chế chiều cao của cây bằng cách bấm ngọn, cắt bỏ các cành vượt, cành mọc lòa xòa gần mặt đất, cành ốm yếu.

Cây vú sữa được tạo tán tròn đều.

Tỉa cành

Sau khi thu hoạch, cần tiến hành vệ sinh vườn kết hợp bón phân để cây ra đọt non sớm, ra đồng loạt, như vậy hoa sẽ ra sớm, cây cho thu hoạch trước Tết Nguyên đán sẽ có giá cao hơn. Tiến hành cắt tỉa các cành nhỏ, cành khô, cành bị sâu bệnh. Đôi khi nhà vườn sử dụng cây sào khua đập mạnh vào tán cây để làm rụng các lá già và cành khô, sau đó bón phân, tưới nước cây sẽ đâm đọt mạnh.

Đối với việc tỉa đau:

Đối với vườn có độ tuổi từ 20 năm trở lên, cây cao quá 6m nên tiến hành trẻ hoá cho cây. Kỹ thuật trẻ hoá nên được áp dụng liên tiếp trong 3 – 4 năm, mỗi năm trên từng phần của cây để đảm bảo mức thu nhập. Các cành bị cưa có đường kính trên 2 cm nên quét vết cắt bằng thuốc đồng để tránh bệnh nhiễm vào cây, nên cắt cành nghiêng 1 góc 45 độ để tránh cây bị đọng nước. Các cành bị cưa ngắn có xu hướng nảy ra nhiều tược, cần tỉa lựa, chỉ giữ lại 2-3 tược khỏe và phân bố đều. Các cành mới ra sẽ cho quả trở lại sau 1 – 1,5 năm.

Tỉa đau cành vú sữa già cỗi.

2. Tưới nước và bồi bùn

Giai đoạn vú sữa cho quả cần tưới rất nhiều nước cho cây. Bên cạnh đó, bà con cần vét mương bồi liếp để cải tạo hệ thống mương tưới tiêu trong vườn vú sữa.

Tưới nước

Vào đầu mùa khô, tháng 11 – 12 dương lịch, khi quả đang lớn cần tưới nước đầy đủ vì vú sữa cần nhiều nước để tăng trưởng và nuôi quả. Trong các tháng nắng nên tưới định kỳ 1 – 2 lần/tuần. Trong 1 – 2 năm đầu, giữ mực nước cách mô trồng tối thiểu 50 cm.

Ở thời kỳ kinh doanh việc điều khiển tưới nước là một biện pháp kích thích ra hoa. Vào cuối mùa mưa (khoảng tháng 11 dương lịch) tiến hành xiết nước, phơi đất, hạ thấp mực nước trong mương, tỉa cành, loại bỏ các quả chưa thu hoạch, bón phân lần 1. Tới tháng 2 – 3 tưới đẫm tiếp, 4 – 5 ngày/lần cho tới khi cây ra hoa. Khi cây đã có hoa và nuôi quả cần tưới 3 ngày/lần để đảm bảo đủ ẩm cho cây.

Tưới nước cho cây vú sữa.

Bồi bùn

Hàng năm cần bồi bùn vào mô trồng, nên tiến hành phơi khô bùn sau khi vét mương rồi sau đó bồi vào mô. Việc vét mương bồi liếp vừa có tác dụng cải tạo hệ thống mương tưới tiêu, nâng cao dần mặt liếp, vừa có tác dụng cung cấp một phần dinh dưỡng cho cây.

3. Trồng xen và làm cỏ

Vú sữa trồng thưa, khoảng đất trống giữa các cây nhiều vì vậy cần phủ kín những khoảng đất đó bằng các cây ngắn ngày hạn chế cỏ mọc, giữ ẩm, tăng thu nhập.

Trồng xen

Giai đoạn đầu có thể trồng xen rau màu, hoặc cây ngắn ngày như chuối, đu đủ,… để hạn chế cỏ và tăng thu nhập cho nhà vườn. Trồng ở giữa 2 hàng cây, cách gốc cây 40 – 50 cm.

Làm cỏ

Vườn vú sữa được làm sạch cỏ.

Bà con nên làm cỏ thường xuyên trong các năm đầu để hạn chế sự cạnh tranh dinh dưỡng và loại bỏ sự trú ẩn của sâu bệnh. Để giảm bớt công làm cỏ và tưới nước trong các năm đầu nên dùng rơm rạ phủ gốc và trồng xen một số cây ngắn ngày khác để tăng nguồn thu nhập. Đến năm thứ 4 trở đi, tán cây rộng dần và công làm cỏ sẽ giảm.

4. Bón phân giai đoạn kiến thức cơ bản

Giai đoạn kiến thiết cơ bản của vườn vú sữa bắt đầu từ khi cây mới trồng đến 3 năm tuổi. Bón phân cho giai đoạn này tạo điều kiện cho cây khỏe, sức phát triển tốt để cây chuyển sang giai đoạn kinh doanh cho hoa quả nhiều, nuôi quả tốt.

Liều lượng và số lần bón phân trong năm cho vú sữa kiến thiết cơ bản như sau:

Lưu ý: Tùy theo đất, vùng miền, giống và sinh trưởng của cây lượng phân bón của mỗi loại có thể tăng giảm 15 – 20%. Trên vùng đất nghèo dinh dưỡng cần tăng lượng phân hữu cơ. Trong quá trình bón phân nên bổ sung phân vi lượng.

Tỷ lệ lượng phân bón cho từng thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây

Cách bón

Bón phân chuồng, vôi 1 lần vào đầu mùa mưa, rải xung quanh tán lá, xới nhẹ và đều, lấp lớp đất mỏng lên trên. Cách bón phân vô cơ: Xới nhẹ đất trong tán, rải đều phân, cách gốc 20 cm và phủ một lớp đất mỏng lên trên. Năm 1 hòa phân với nước tưới là tốt nhất.

Bón vôi được khuyến cáo dựa trên pH của đất như sau:

  • pH < 4: 1.000 kg/ha; 2 năm bón 1 lần.
  • pH từ 4,0-4,4: 800 kg/ha; 2 năm bón 1 lần.
  • pH từ 4,5-4,9: 600 kg/ha; 2 năm bón 1 lần.
  • pH từ 5,0-5,4: 400 kg/ha; 2 năm bón 1 lần.

Phủ gốc cây vú sữa sau bón phân.

Một số công thức phân bón thường dùng trong sản xuất

Cây từ 1 – 3 năm tuổi có thể sử dụng phân đơn Urê, DAP, Super lân,…hoặc hỗn hợp N-P-K 16-16-8, 30-10-10, 20-20-15+TE,…

6. Bón phân giai đoạn kinh doanh

Ở giai đoạn kinh doanh khi cây bắt đầu ra quả, tính từ năm thứ 4 trở đi, bà con cần tăng hàm lượng kali cho cây. Khi quả đang lớn bổ sung thêm phân bón lá cung cấp thêm trung vi lượng cho cây để tăng chất lượng quả.

Liều lượng phân bón

Liều lượng và số lần bón phân trong năm cho vú sữa giai đoạn kinh doanh như sau:

Lưu ý: Tùy theo đất, vùng miền, giống và sinh trưởng của cây lượng phân bón của mỗi loại có thể tăng giảm 15 – 20%. Trên vùng đất nghèo dinh dưỡng cần tăng lượng phân hữu cơ. Trong quá trình bón phân nên bổ sung phân vi lượng.

Tỷ lệ lượng phân bón cho từng thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây

Cách bón

Bón phân chuồng, vôi 1 lần rải xung quanh tán cây, xới nhẹ và đều, lấp lớp đất mỏng lên trên. Bón phân vô cơ: Xới nhẹ đất trong tán, rải đều phân, phủ một lớp đất mỏng lên trên.

Một số công thức phân bón thường dùng trong sản xuất

Phân hữu cơ: Các loại phân hữu cơ sử dụng như phân gà ủ, phân bò ủ, phân cá ủ, phân dơi và các loại phân hữu cơ chế biến sẵn trên thị trường.

Phân vô cơ: Cây vú sữa ở giai đoạn kinh doanh có thể sử dụng phân bón có công thức phân hỗn hợp và phân đơn như N-P-K 12-12-17, 20-20-15, 15-15-15, 30-10-10, 16-16-16, 17-17-17, Urê, DAP, Super lân,…

Bón phân cho cây vú sữa.

7. Xử lý cây ra hoa sớm

Biện pháp xử lý ra hoa sớm trên cây vú sữa phổ biến là xiết nước và bón phân. Trong thời gian chuẩn bị thu hoạch, từ tháng 11 dương lịch, quét sạch lá rụng trên mặt liếp để phơi thật khô đất, đồng thời xiết cạn nước trong mương cho đến khi thu hoạch xong. Nếu không cạn được thì mực nước trong mương tối thiểu phải cách mặt liếp trên 50 cm, tỉa bỏ các quả còn sót lại và tỉa các loại cành già, cành vô hiệu, cành vượt, cành sâu bệnh.

Khoảng từ cuối tháng 1 đến 15/2 dương lịch, bắt đầu làm gốc (xử lý ra hoa) bằng cách bơm nước tràn trên mặt liếp, số lần bơm từ 2 – 3 lần, cách 4 – 5 ngày/lần, yêu cầu đảm bảo mặt liếp phải thật ẩm. Sau đó bón toàn bộ lượng phân đợt 1 hoặc chia lượng phân này thành 2 – 3 lần bón, 5 – 6 ngày/lần và tưới nước cho tan phân sau mỗi lần bón. Sau khi bón phân có thể tưới định kỳ 1 lần/tuần cho đến khi cây ra hoa.

Thu hoạch vú sữa

Thời điểm thu hoạch

Căn cứ vào thời gian ra hoa, đậu quả và chín của để lên kế hoạch thu mua kịp thời. Thời gian từ khi cây ra hoa đến thu hoạch quả từ 220 đến 250 ngày tùy theo giống. Căn cứ vào màu sắc và hình dáng quả: Thu hoạch vú sữa khi vỏ quả trở nên sáng màu và căng bóng là đã chín, cần thu hoạch kịp thời. Nếu thu hoạch sớm chất lượng quả không ngon, nếu thu hoạch trễ dễ bị sâu đục quả và ruồi đục quả tấn công và thời gian bảo quản ngắn. Căn cứ thị trường tiêu thụ xa gần mà quyết định thời gian thu hoạch quả vú sữa. Vú sữa Lò Rèn có thể thu hoạch 155 ngày sau đậu quả (thị trường xa) hoặc 160 đến 165 ngày sau đậu quả (thị trường gần).

Kỹ thuật thu quả

Do quả vú sữa có vỏ mỏng, dễ bị tổn thương do cơ học, cuống quả dễ tách rời khỏi quả nên khi thu hoạch phải rất cẩn thận. Khi thu hoạch nên sử dụng kéo cắt cả cuống dài khoảng 2 cm. Bao quả bằng các loại bao giấy thông thường nhằm tránh trầy xước trong quá trình vận chuyển. Thùng, giỏ chứa quả phải có lót đệm bằng giấy hoặc các loại vật liệu xốp, khô. Không nên để quá 4 – 5 lớp quả trong giỏ.

Lưu ý sau thu hoạch

Vú sữa là loại không có đỉnh hô hấp, có đời sống sau thu hoạch ngắn do tính dễ hỏng cao. Quả nhạy cảm với việc giảm khối lượng dẫn đến co héo mất nước và mềm sau thu hoạch, dẫn đến giảm giá trị thương mại. Sự suy giảm chất lượng sau thu hoạch của vú sữa phổ biến nhất là nhiễm nấm, rối loạn sinh lý và tổn thương cơ học.

Trên đây là thông tin tổng quan về quy trình trồng vú sữa đúng kỹ thuật. Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho người trồng vú sữa, chúc bạn trồng thành công, đạt năng suất cao.

3.7/5 - (3 votes)

    Để lại một Bình luận

    Copyright 2023 – MobiFone

    Giấy ĐKKD: 0100686209-087. Đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 16/06/2023 cấp bởi Sở KHDT thành phố Hà Nội.

    Giấy phép thiết lập Mạng xã hội trên mạng số 145/GP-BTTTT cấp ngày 30/05/2024 bởi Bộ Thông tin và Truyền thông.

    Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Lê Quang Minh – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone – Tổng Công ty Viễn thông MobiFone.

    Phát triển và vận hành sản phẩm: Công ty cổ phần giải pháp thời tiết WeatherPlus

    DMCA.com Protection Status

    Khám phá

    Tin tức - sự kiện

    Liên hệ

    Trụ sở: Số 01 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

    Tải ứng dụng

    error: Content is protected !!