Đu đủ là loại quả phổ biến, được trồng trên nhiều tỉnh thành ở nước ta. Nhiều vùng đã trồng chuyên canh loại cây này, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà đã xuất khẩu sang nước ngoài, chinh phục những thị trường khó tính. Để đạt năng suất cao thì công đoạn ươm hạt để lấy giống rất quan trọng. Hãy cùng mobiAgri tìm hiểu cách ươm hạt đu đủ đúng cách, tăng tỉ lệ nảy mầm, cây con khỏe mạnh ít sâu bệnh.
Nội dung bài viết
Hướng dẫn ươm hạt đu đủ
Xử lý hạt giống
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều giống đu đủ, tùy theo điều kiện khí hậu và sở thích mà chọn lựa giống đu đủ để gieo trồng. Bạn có thể dễ dàng mua hạt giống từ các trang thương mại điện tử, cửa hàng, siêu thị. Nên lựa chọn những giống lai, cho năng suất chất lượng cao, ít sâu bệnh. Nếu lấy hạt giống từ quả đu đủ chín, bạn cần phải xử lý qua hạt giống. Trước tiên rửa sạch hạt bằng nước lạnh để lọc bỏ tạp chất.
Sau đó phơi khô ngoài nắng từ 2-3 ngày, cho đến khi hạt khô lại hoàn toàn. Tiếp theo tiến hành ngâm hạt giống bằng nước ấm, ở nền nhiệt 24 độ trong 1 ngày. Có thể kích thích khả năng nảy mầm bằng cách hòa tan 100gram phân kali nitrat vào nước để ngâm hạt. Sau đó ủ trong khăn ẩm, hàng ngày dùng bình phun dạng xịt để cấp ẩm cho khăn ủ. Sau ít ngày hạt sẽ nứt nanh, mọc mầm sẽ nhanh hơn nếu ngâm trong dung dịch. Lúc này có thể tiến hành đem trồng ra bầu đất.
Chuẩn bị đất ươm
Đất để ươm hạt nên là loại đất thịt, tơi xốp, giàu dinh dưỡng đã trộn sẵn xơ dừa, phân vi sinh hoặc phân chuồng ủ hoai mục. Cho đất vào túi ươm hoặc khay ươm.
Tiến hành ươm hạt giống đã nảy mầm vào giá thể đã chuẩn bị. Lưu ý: Để bầu ươm hoặc khay ươm trong bóng râm, nhiệt độ duy trì khoảng 21 độ C. Thường xuyên tưới nước để cấp ẩm cho đất, tuy nhiên tránh tưới quá nhiều khiến hạt bị thối.
Kỹ thuật chăm sóc cây đu đủ
Tưới nước, dọn cỏ
Thường xuyên theo dõi để có biện pháp chăm sóc, xử lý sâu bệnh cho cây đu đủ. Sau khi trồng cây nên cấp ẩm từ 1-2 lần mỗi ngày. Sử dụng rơm, rạ che phủ mặt chậu để hạn chế thoát hơi nước. Dọn sạch cỏ quanh gốc để giúp cây đu đủ không bị cạnh tranh dinh dưỡng. Loại bỏ ngay những cây có dấu hiệu sâu bệnh để không lan sang các cây khác.
Tiến hành bón phân
Bón phân là một công đoạn quan trọng không thể bỏ qua, giúp kích thích sự sinh trưởng của cây, tăng năng suất, chất lượng quả. Đối với cây năm đầu tiên có thể bón theo liều lượng sau: 0,4-0,5kg ure + 0,5-1kg supe lân + 0,2-0,3kg kali sunfat hoặc kali clorua. Chia làm 3 giai đoạn để bón, giai đoạn đầu khi cây được 2 tháng sau trồng. Giai đoạn cây ra hoa, lần 3 khi cây đã thu hoạch lứa đầu. Cây đu đủ từ năm 2 nên sử dụng phân chuồng kết hợp cùng ure, phân lân, kali sunfat để bón.
Tiến hành cắt tỉa
Có thể tiến hành cắt tỉa ngọn cây, điều này giúp hạn chế chiều cao của cây, đồng thời giúp cây phân nhánh. Thời điểm cắt tỉa ngọn nên tiến hành vào mùa đông, vết cắt được xử lý bằng vôi hoặc keo liền sẹo thực vật.
Phòng trừ sâu bệnh: Bệnh do nhện đỏ gây ra thường thấy ở cây đu đủ vào mùa nắng. Ở dưới mặt lá có hiện tượng đốm vàng, loang lổ lá bị cháy rụng. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc trừ sâu bệnh từ chế phẩm sinh học.
Hi vọng với những kiến thức đã được chia sẻ về cách ươm hạt đu đủ, sẽ giúp ích cho người trồng. Chúc bạn trồng thành công những cây đu đủ sai trĩu quả, quả ngon ngọt.