benh-dao-on-la-2

Cảnh báo: Bệnh đạo ôn trên cây lúa

Trong tháng 7/2024, bà con tại đồng bằng Sông Cửu Long như các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Long An, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Trà Vinh cần chú ý phòng ngừa bệnh đạo ôn lá trên cây lúa.

Bệnh có khả năng gây hại nặng, đặc biệt là tình trạng đốm, cháy trên lá, cổ bông, cổ gié và hạt bị hại sẽ làm giảm năng suất đáng kể. Thậm chí, những ruộng bị bệnh nặng sẽ mất trắng năng suất nếu bà con nông dân không phát hiện sớm và phòng trị kịp thời.

Bệnh đạo ôn là bệnh rất nguy hiểm đối với cây lúa. Bệnh có thể gây hại trên lúa ở nhiều giai đoạn từ ruộng mạ, giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng đến làm đòng, trỗ bông.

Nguyên nhân và điều kiện phát sinh gây hại bệnh đạo ôn trên lúa

Bệnh đạo ôn trên lúa do nấm Pyricularia oryzae gây ra, (tên tiếng Anh: rice blast disease).

Nấm bệnh ưa nhiệt độ tương đối thấp 18 – 24°C, ẩm độ không khí bão hòa. Trong điều kiện trời âm u, ít nắng, thời tiết mát, ẩm độ cao, kết hợp đêm có sương mù nhiều thì bệnh phát triển mạnh.

Bệnh thường gây hại nặng trên những ruộng sử dụng giống lúa nhiễm bệnh, gieo sạ dày, bón phân không cân đối và nhất là bón thừa đạm.

Lúa trồng tại chân ruộng trũng, khó thoát nước cũng dễ bị bệnh đạo ôn.

Triệu chứng bệnh đạo ôn hại lúa

Nấm bệnh có thể tấn công trên lá, trên cổ bông (cổ gié) hoặc trên hạt.

Vết trên lá và cổ bông điển hình, bông bạc

Trên lá và bẹ lá:

+ Khi bệnh hại giai đoạn mạ – đẻ nhánh, làm đòng: Nấm tấn công xâm nhiễm trên lá, bẹ lá. Lúc đầu vết bệnh chỉ nhỏ như đầu mũi kim, màu xám xanh giống như bị nước sôi, sau đó có dạng hình thoi nhỏ hoặc dạng tương tự hình thoi, màu nâu hồng hoặc nâu vàng, giữa vết bệnh có màu nâu xám hoặc xám trắng.

+ Nếu bệnh nặng, nhiều vết bệnh liên kết lại với nhau tạo thành mảng lớn, có thể làm lá bị khô cháy, cây lúa lụi tàn, từng đám ruộng bị khô cháy làm giảm năng suất nghiêm trọng.

Trên cổ bông (cổ gié):

+ Nấm bệnh tấn công trên cổ bông (cổ gié) làm cản trở việc vận chuyển chất dinh dưỡng từ cây lúa lên nuôi bông, nuôi hạt, làm cho hạt lúa sẽ bị lép, lửng.

+ Khi ẩm độ không khí cao, khu vực vết bệnh sẽ mọc một lớp nấm mốc màu xám xanh, cổ bông, cổ gié dễ bị gãy, làm ruộng lúa trở nên xơ xác.

Trên hạt:

+ Vết bệnh có hình tròn, viền nâu, tâm màu xám trắng, làm hạt lúa bị lem lép.

+ Nếu bệnh xâm nhiễm sớm ngay sau khi lúa trỗ, hạt lúa và thậm chí cả bông lúa có thể bị lép hoàn toàn.

Biện pháp phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa

– Chọn giống kháng bệnh hoặc ít nhiễm để gieo trồng.

– Trước khi gieo trồng, vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ dại quanh bờ, dọn sạch tàn dư cây bệnh vụ trước.

– Xử lý hạt giống trước khi ngâm ủ bằng nước nóng 54°C trong 10 phút.

– Không gieo sạ quá dày để cây lúa được khỏe mạnh, kháng được bệnh. Cấy thưa theo hướng dẫn của phương pháp canh tác lúa cải tiến SRI hoặc theo công nghệ hàng biên.

– Bón phân cân đối hợp lý, không bón thừa đạm. Nên sử dụng bảng so màu lá lúa để quyết định bón phân (Có thể quan sát nếu không có bảng so mầu như sau: khi lúa bị thừa đạm, lá có màu xanh đậm và sẽ không đứng thẳng mà nằm ngang).

– Phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông: Thực hiện với những giống có khả năng nhiễm bệnh và theo dõi diễn biến thời tiết. Mưa ẩm kéo dài là thời tiết thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát triển.

– Phun thuốc 2 lần phòng bệnh đạo ôn hại bông: Trước trỗ (lúa trỗ thấp thó khoảng 3 – 5%) và sau trỗ (khi ruộng lúa đã trỗ thoát hoàn toàn).

Các lưu ý khi sử dụng hóa chất BVTV phòng trừ bệnh:

– Tuân thủ các hướng dẫn Quản lý sâu bệnh tổng hợp (IPM Integrated Pest Management), Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM – Integrated Plant Health Management) bảo đảm cây khỏe, đất khỏe và môi trường thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng phát triển.

– Thường xuyên thăm đồng, phát hiện kịp thời nấm bệnh phát sinh gây hại để kịp thời phòng trừ. Chỉ sử dụng thuốc hóa học BVTV khi phát hiện thấy có sẵn nguồn bệnh trên lá và dự báo thời tiết thuận lợi cho bệnh xâm nhiễm, phát triển.

– Khi sử dụng thuốc BVTV, chỉ nên sử dụng các thuốc đặc trị nấm bệnh đạo ôn có gốc hoạt chất Tricyclazole, Fenoxanil, Isoprothiolane… cần đọc kỹ thông tin hướng dẫn trên bao bì và sử dụng theo 4 đúng: Đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách.

– Không nên phun khi có mưa, sắp mưa hoặc thời tiết nắng gắt. Chỉ nên phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát. Phun khi ruộng đã ráo sương hoặc ráo nước sau mưa.

– Giai đoạn lúa trỗ phun 2 lần: Trước trỗ (lúa trỗ thấp tho khoảng 3 – 5%) và sau trỗ (khi ruộng lúa đã trỗ thoát hoàn toàn). Phun vào chiều mát và nên tránh lúc lúa đang tung phấn.

Để tìm hiểu thêm về nhiều loài sâu bệnh hại thường gặp trên các loài cây trồng nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa, bà con cần tải và cài đặt ngay ứng dụng mobiAgri để tham khảo thông tin chi tiết. Ngoài ra, bà con có thể đặt câu hỏi, trao đổi cùng các chuyên gia và chia sẻ trên trang cộng đồng để nông dân trên cả nước trao đổi và học hỏi kinh nghiệm.

Biên tập bởi mobiAgri

5/5 - (1 vote)

    Copyright 2023 – MobiFone

    Trung tâm Dịch vụ số MobiFone – Chi nhánh Tổng Công ty Viễn thông MobiFone

    Giấy ĐKKD: 0100686209-087
    Đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 16/06/2023 cấp bởi Sở KHDT thành phố Hà Nội.

    Phát triển và vận hành sản phẩm: Công ty cổ phần giải pháp thời tiết WeatherPlus

    DMCA.com Protection Status

    Khám phá

    Liên hệ

    Trụ sở: Số 01 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

    Tải ứng dụng

    error: Content is protected !!