Cách trồng dưa leo trong chậu không khó khi bạn thực hiện đúng những hướng dẫn dưới đây. Nhà bạn sẽ vừa có rau ăn, vừa có một chậu cây xanh trang trí vô cùng đáng yêu.
Nội dung bài viết
Đặc điểm nổi bật của cây dưa leo (dưa chuột)
Cây dưa leo hay còn gọi là dưa chuột, có tên khoa học là Cucumis sativus L., thuộc họ Bầu bí. Cây được sử dụng như loại rau xanh ăn tươi hàng ngày.
Trong dưa leo người ta nhận thấy có chứa nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Dưa leo cũng có những công dụng tốt cho sức khỏe con người như giảm cân, điều hòa huyết áp, chống táo bón, cung cấp nước cho cơ thể.
Đặc biệt cây dưa leo có thể trồng dễ dàng ở mọi miền đất nước. Bạn có thể trồng trong chậu, ngoài đất vườn, trồng thủy canh đều được. Trong khuôn khổ bài viết này, mobiAgri sẽ gửi đến các bạn cách trồng dưa leo trong chậu một cách đầy đủ và chi tiết nhất để các bạn dễ dàng thực hiện và trồng thành công ngay từ lần đầu tiên.
Yêu cầu ngoại cảnh khi trồng dưa leo
Nhiệt độ: Dưa chuột thuộc nhóm cây ưa nhiệt, yêu cầu khí hậu ấm áp và khô ráo để sinh trưởng và phát triển.
Nhiệt độ thích hợp cho dưa chuột sinh trưởng và phát triển từ 25 – 30°C. Nhiệt độ cao hơn sẽ làm cho cây ngừng sinh trưởng và chết.
Ánh sáng: Dưa leo ưa ánh sáng ngắn ngày. Độ dài chiếu sáng thích hợp cho cây sinh trưởng phát dục từ 10-12 giờ/ngày.
Nước: Dưa chuột là cây đứng đầu về nhu cầu nước trong họ Bầu bí. Giai đoạn cây ra quả phải giữ ẩm thường xuyên từ 90-100%. Giai đoạn cây ra quả rộ và quả phát triển giữ độ ẩm trên 80-90%.
Đất trồng: Cây dưa leo thích hợp trồng với đất có thành phần cơ giới nhẹ như đất cát pha, đất thịt nhẹ, độ pH từ 5,5 – 6,5.
Dưa leo có thời gian sinh trưởng ngắn, bộ rễ kém phát triển, phần thân lá trên mặt đất lớn, tốc độ hình thành các cơ quan sinh dưỡng cao do đó khi trồng trọt, dưa chuột đòi hỏi cung cấp dinh dưỡng nhiều.
Chọn giống dưa leo thích hợp
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều giống dưa leo, có giống dưa leo địa phương, có giống dưa leo F1.
Giống lai F1 cho năng suất cao, mẫu mã quả đẹp, tuy nhiên cây dễ bị nhiễm bệnh. Giống dưa leo địa phương thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của mỗi địa phương, chất lượng giống tốt nhưng năng suất thấp, mẫu mã quả không đồng đều.
Nếu thực hiện cách trồng dưa leo trong chậu tại nhà, bạn có thể tìm đến các cửa hàng bán giống uy tín để mua hạt giống hoặc mua cây con dưa leo về trồng trực tiếp. Vì trồng với số lượng ít, chúng tôi khuyên bạn nên mua cây giống dưa leo về trồng sẽ nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và công sức hơn rất nhiều.
Lời khuyên chọn cây giống dưa leo như sau: Cây to khỏe, cứng cáp, rễ thẳng, không dị hình, không sâu bệnh, không dập nát. Cây đã được gieo từ 10-13 ngày. Cây bắt đầu ra lá thật hoặc có ít nhất 1 lá thật.
Cây giống dưa leo
Thời vụ trồng dưa leo
Cây dưa leo có thể trồng làm nhiều vụ trong năm, tùy đặc điểm khí hậu vùng bạn đang sinh sống.
Thời vụ trồng dưa chuột ở miền Bắc, miền Trung:
Vụ dưa chuột Xuân hè có thể gieo hạt từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 3; thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 5.
Vụ dưa chuột Thu đông có thể gieo hạt từ đầu tháng 9 đến đầu tháng 10; thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 12.
Thời vụ trồng dưa chuột đối với các tỉnh miền Nam:
Bạn có thể gieo hạt dưa leo từ tháng 9 đến tháng 11; thu hoạch đến hết tháng 1.
Chuẩn bị trước khi trồng
Chậu trồng dưa leo thích hợp
Chọn chậu có lỗ thoát nước. Có thể dùng chậu nhựa, thùng xốp, chậu xi măng đều được.
Chậu có đường kính ít nhất 25 cm, sâu 25 cm. Nếu trồng nhiều cây trong một chậu, bạn chọn chậu có đường kính ít nhất 50 cm, dung tích 20 lít. Nếu bạn xác định sẽ đặt chậu ở ngoài trời, bạn nên chọn chậu to hơn.
Giá thể trồng dưa leo
Các bạn có thể chuẩn bị giá thể trồng dưa leo gồm các thành phần: Xơ dừa (30%), trấu hun (20%), phân trùn quế/bã nấm hoai mục (50%).
Sau mỗi vụ trồng, bạn có thể tái sử dụng giá thể của vụ trước, tuy nhiên cần bổ sung thêm phân trùn quế/bã nấm hoai mục (10%), xơ dừa (10%), trấu hun 10%. Sử dụng chế phẩm ủ giá thể như Trichoderma, theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Sau khi ủ 6 tháng, giá thể được đem sử dụng cho vụ trồng mới.
Có thể dùng giá thể Tribat bán sẵn trên thị trường để trồng dưa leo trong chậu một cách thuận tiện, dễ dàng.
Cách trồng dưa leo trong chậu đúng kỹ thuật
Kỹ thuật trồng dưa leo F1 đúng là trồng cây vào lúc chiều mát. Sau đó, bạn lần lượt thực hiện theo các bước như sau:
- Bước 1: Xé lớp nilon bọc quanh bầu cây giống.
- Bước 2: Đặt cây vào chậu sao cho ngay ngắn.
- Bước 3: Lấp kín gốc và ấn nhẹ gốc.
- Bước 4: Tưới đủ ẩm cho cây mới trồng.
[ĐỌC THÊM]: Lượng phân bón cần thiết khi dưa chuột mới trồng
Cách chăm sóc cây dưa leo trồng chậu
Tỉa giặm
Trong 1 tuần sau khi trồng cây dưa leo, bạn cần liên tục kiểm tra cây. Nếu thấy cây bị héo, khó hồi phục cần nhổ bỏ và trồng lại.
Tưới nước
Đối với cây dưa leo mới trồng, cần thường xuyên tưới nước cho cây mau bén rễ hồi xanh. Khi cần đã phát triển ổn định vẫn tiếp tục duy trì đủ độ ẩm cho cây sinh trưởng phát triển bình thường.
Bạn cần lưu ý một số thời điểm như cây ra nụ, hoa, quả rộ và quả đang lớn cần đảm bảo đủ nước cho cây.
Nếu trồng dưa leo mùa mưa, lượng nước tưới cần giảm bớt.
Làm giàn, tỉa cành, tạo tán
Sau trồng 25 – 30 ngày bạn cần tiến hành cắm giàn cho cây dưa chuột. Các bạn có thể trồng dưa leo không cần giàn, tuy nhiên làm giàn để cây dưa leo phát triển sẽ thuận lợi hơn.
Khi cây bắt đầu ra tua cuốn, thân lá phát triển tốt, bạn cần buộc cây để tránh cây bị đổ do gió. Ngoài ra việc làm giàn và buộc cây cũng giúp bảo vệ các tầng quả không bị chạm đất gây bụi bẩn, dễ nhiễm sâu bệnh.
Bạn nên dùng một thanh nứa hoặc sắt dài 1,5-2,5 m để làm cọc leo giàn. Chuẩn bị lưới để giăng lên giàn.
Nếu bạn trồng nhiều chậu dưa leo và đặt chậu gần nhau, các bạn có thể làm giàn kiểu chữ A hoặc làm giàn đứng.
Giàn chữ A
Giàn đứng
Lưu ý:
- Nếu bạn trồng 1-2 chậu dưa leo, bạn vẫn cần làm giàn để cây leo giàn nhưng không cần quá cầu kỳ, phức tạp.
- Khi cây leo giàn cần chỉnh sửa dây phân bố đều. Tỉa bỏ những nhánh gốc, nhánh bị sâu bệnh để giàn cây thông thoáng, tập trung dinh dưỡng nuôi quả. Tránh để cành lá quá um tùm tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển.
Bổ sung dinh dưỡng cho cây
Khi cây dưa leo chuẩn bị ra hoa rộ, bạn cần bổ sung các loại phân bón lá có chứa Auxin, Kali, Lân và trung vi lượng Magie, Bo giúp cây ra nhiều hoa, đậu nhiều quả.
Thụ phấn bổ sung cho dưa chuột
Hoa của cây dưa chuột có mùi không hấp dẫn nên côn trùng không tới để thụ phấn cho hoa được. Do đó, hoa dưa chuột chủ yếu thụ phấn nhờ gió. Vào những ngày lặng gió, bạn nên rung lắc cây nhẹ hoặc chủ động tạo gió để phấn hoa bay ra
Hướng dẫn thu hoạch cây dưa leo đúng cách
Khi cây dưa leo ăn tươi, khi cây ra quả được 5-7 ngày bạn có thể bắt đầu thu hoạch. Nếu cây dưa leo nhà bạn là dưa leo bao tử thì khi cây ra quả 1-2 ngày bạn thu hoạch được luôn.
Các bạn nên thu hoạch khi quả chưa tạo hạt. Thu hoạch dưa leo vào buổi sáng sớm, lúc này dưa nhiều nước và có độ giòn tối đa.
Thu hoạch cách ngày 1 lần. Những quả dưa leo bị sâu bệnh, dị dạng, quả xấu nên hái bỏ từ lúc quả non để tập trung nuôi các quả khác.
Thời điểm thu hoạch cần đảm bảo đủ thời gian cách ly theo chỉ dẫn trên bao bì hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón bạn đã sử dụng.
Thu hái nhẹ nhàng, tránh để đứt dây dưa leo. Đặt quả đã thu hái vào rổ chậu để đảm bảo vệ sinh và tránh xây xát quả.
Trên đây là hướng dẫn chi tiết cách trồng cây dưa leo và những lưu ý khi trồng dưa leo đầy đủ và chi tiết. mobiAgri hy vọng các bạn có thể dễ dàng thực hiện và trồng cho mình một chậu dưa leo tươi mát, sai trái lúc lỉu nhé!