Rau muống có tên khoa học là Ipomoea aquatica Forssk, thuộc họ Bìm bìm – Convolvulaceae.
Tên tiếng Anh: Water spinach, river spinach, water morning glory
Rau muống có nguồn gốc nhiệt đới Châu Á. Có tài liệu cho rằng nó có nguồn gốc từ Ấn Độ, cũng có tài liệu cho rằng ở khu vực Nam và Đông Nam Á.
Có thể tìm thấy rau muống ở vùng nhiệt đới Châu Phi, Trung Mỹ và Châu Đại Dương. Nhưng chỉ ở Nam Á và Đông Nam Á rau muống mới được coi là rau ăn lá quan trọng.
Trong 100 gram rau muống có 90,2 gram nước; 3 gram protein; 0,3g chất béo, 5g chất bột, 1 gram chất xơ, 81 mg Canxi; 52 mg Magie, 3,3mg sắt và 20 mg vitamin C, ngoài ra còn có muối khoáng, tiền vitamin A.
Theo y học cổ truyền phương Đông, rau muống có vị ngọt, tính hơi lạnh (nấu chín thì giảm lạnh). Công dụng thanh nhiệt, giải độc, cầm máu, chữa đau dạ dày, nóng ruột, ợ chua…
Rau muống là món ăn truyền thống của người Việt Nam như rau muống luộc, rau muống xào tỏi, rau muống xào thịt trâu, nấu canh, làm nộm.
Rau muống bò có thể thả ở các hồ để nuôi cá, nuôi lợn.
Ở Việt Nam, rau muống được trồng hầu hết ở các vùng Đồng bằng Sông Hồng, các vùng đất trũng, ẩm, các làng quê tại Việt Nam.