cham-soc-mai-dao-no-dung-tet-3

Chăm sóc đào, mai nở đúng Tết Nguyên đán 2025

Người trồng Đào, Mai luôn mong muốn chăm sóc cây để nở đúng dịp Tết Nguyên đán, nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được điều này vì nó còn bị ảnh hưởng nhiều bởi điều kiện thời tiết.

Hiện nay đã bước vào tháng 10 và tháng 11 âm lịch, việc điều tiết lượng nước tưới và tỷ lệ lượng đạm, lân và kali trong phân bón cho cây là cực kỳ quan trọng. Khi thời tiết mưa nhiều vào tháng 7,8 âm lịch, Đào, Mai thường xanh tốt, mọc chồi (lộc) mới. Đây chính là nguyên nhân làm cho cây Đào, Mai ít hoa hoặc nở sau Tết.

Năm 2024, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, số 4 và những trận mưa lớn kéo dài sau bão (cuối tháng 7 và gần cả tháng 8 âm lịch) làm cho tình trạng Đào, Mai xanh tốt và mọc chồi mới lại càng nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, một số diện tích trồng Đào lớn tại một số tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng trầm trọng bởi bão Yagi làm cho cây bị gẫy, đổ, bật gốc rất khó khăn để điều khiển cây nở hoa đúng dịp Tết Nguyên Đán 2025.

Vì vậy, bài viết này TS. Phạm Thị Liên xin chia sẻ những chú ý cơ bản trong chăm sóc cây Đào, Mai sau thời gian mưa với cường độ lớn.

Nội dung bài viết gồm:

– Những yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành chồi mới trên cây Đào, Mai

– Chăm sóc các vườn Đào bị gẫy ngọn, đổ nát và bật gốc sau mưa bão tại một số tỉnh miền Bắc

– Chăm sóc các vườn Đào, Mai ít bị ảnh hưởng bởi mưa, gió sau bão

🎯Những yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành chồi mới trên cây Đào, Mai

Thứ nhất: Mưa cung cấp lương đạm tự nhiên đáng kể cho cây thông qua hệ thống rễ và lá cây.

Thứ hai: Mưa lớn, làm cho đất bị rửa trôi dinh dưỡng trong đó Kali là nguyên tố dễ bị rửa trôi nhất, lượng Đạm, Lân và Kali trong đất và trong cây mất cân đối, đất thiếu Kali nghiêm trọng.

Thứ ba: Mưa làm cho lượng nước trong đất và trong cây nhiều hơn, làm cho các tế bào trong cây trương nước và hoạt động mạnh hơn.

Đây là 3 nguyên nhân làm cho cây Đào, cây Mai dễ dàng ra chồi mới, lá xanh non mơn mởn vào các tháng sau mưa. Bởi vì, Đạm là nguyên tố giúp cây sinh trưởng thân lá.

Cây mai ra lộc non

🎯Chăm sóc các vườn Đào bị gẫy ngọn, đổ nát và bật gốc sau mưa bão tại 1 số tỉnh miền Bắc

Đối với những vườn Đào bị gẫy ngọn, đổ nát và bật gốc sau mưa thì khó có khả năng khôi phục và điều khiển ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán bởi những lý do:

+ Cây bị tác động mạnh bởi gió mưa làm cho cây sẵn sàng ra hoa (vì bị tác động vật lý giống như thực hiện các động tác tuốt lá, cắt cành, đảo gốc tại thời điểm rất sớm làm cho cây ra hoa nhưng hoa lại xấu, thưa, không đúng thời điểm).

+ Sau khi cây ra hoa, cây lại ra mầm, lá non, không thể điều khiển cây ra hoa đúng dịp Tết.

Vườn đào Nhật Tân đã chết sau khi bão Yagi đổ bộ, nước lũ nhấn chìm

Biện pháp khắc phục:

👉Cần cắt bỏ tất cả cành, cây, chỉ để lại gốc; sau đó trồng lại những cây bị bật gốc, coi đây là vườn đào làm gốc ghép hoặc làm cây phôi cho năm sau.

👉Bón phân cho cây mỗi tháng 1 lần bằng phân bón tổng hợp cho hoa cây cảnh. Phân có hàm lượng Đạm, Lân, Kali cân đối giúp cây vừa sinh trưởng thân, lá; vừa tăng cường khả năng chống chịu bệnh.

👉Quản lý tốt việc tưới nước và phòng trừ sâu bệnh.

🎯Chăm sóc các vườn Đào, Mai ít bị ảnh hưởng bởi mưa, gió sau bão

Sử dụng các biện pháp khắc phục những vườn Đào, Mai nhằm hạn chế cây sinh trưởng thân lá, giúp cây tập trung dinh dưỡng cho quá trình chuyển hóa hình thành nụ được thuận lợi.

🍀Biện pháp tác động vật lý

👉Ngắt bỏ toàn bộ lộc non mới ra, công việc này nên thực hiện nhiều lần.

👉Tùy tình trạng cây (ra lộc nhiều hay ít) để chuẩn bị tiến hành đảo cây, khoanh vỏ, tuốt lá sớm hơn so với các năm có điều kiện thời tiết thuận lợi khoảng 1-5 ngày.

🍀Biện pháp dinh dưỡng

Mỗi nguyên tố dinh dưỡng cơ bản (Đạm, Lân, Kali) có vai trò riêng trong quá trình sinh trưởng, phát triển của cây, vai trò của từng nguyên tố có thể tóm tắt như sau:

👉Đạm: thúc đẩy quá trình tăng trưởng của cây, làm cho cây ra nhiều nhánh, phân cành, ra lá nhiều; lá cây có kích thước to, màu xanh; lá quang hợp mạnh.

👉Lân: là yếu tố chính quyết định sự ra rễ, hoa, đậu quả và quá trình chín của quả, hạt, giúp hoa, quả to, hạt chắc. Lân còn có tác dụng hạn chế tác hại của việc bón thừa đạm, lân kết hợp với kali làm tăng khả năng chống chịu của cây .

👉Kali: hỗ trợ cho quá trình chuyển hóa năng lượng, đồng hóa các chất dinh dưỡng để tạo hoa, quả nhiều dẫn đến năng suất và chất lượng quả tốt hơn. Bón đủ kali sẽ tăng khả năng chống chịu của cây.

Dựa vào vai trò của các nguyên tố dinh dưỡng cơ bản đó, người ta đa điều khiển được cây Đào, mai nở hoa theo ý muốn.

Như vậy, muốn cây Đào, Mai hạn chế ra lộc mới sau mưa, ngoài các biện pháp vật lý, cần bón tăng Kali và Lân, giảm lượng Đạm trong phân bón. Trong các tháng 10 và tháng 11 âm lịch năm 2024 nên bón tăng Kali và Lân lên đến 1,2-1,3 lần so với các năm có thời tiết thuận lợi.

Trên đây là những chú ý cơ bản chăm sóc cây Đào, Mai  trong tháng 10 và tháng 11 âm lịch (đối với những năm có mùa mưa kéo dài với cường độ mưa lớn).

Chúc bà con nông dân thành công trong việc chăm sóc cây Đào Mai của mình!

TS. Phạm Thị Liên

XEM THÊM: Kỹ thuật bón phân cho mai, đào nở đúng dịp Tết

5/5 - (1 vote)

    Copyright 2023 – MobiFone

    Giấy ĐKKD: 0100686209-087. Đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 16/06/2023 cấp bởi Sở KHDT thành phố Hà Nội.

    Giấy phép thiết lập Mạng xã hội trên mạng số 145/GP-BTTTT cấp ngày 30/05/2024 bởi Bộ Thông tin và Truyền thông.

    Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Lê Quang Minh – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone – Tổng Công ty Viễn thông MobiFone.

    Phát triển và vận hành sản phẩm: Công ty cổ phần giải pháp thời tiết WeatherPlus

    DMCA.com Protection Status

    Khám phá

    Liên hệ

    Trụ sở: Số 01 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

    Tải ứng dụng

    error: Content is protected !!