Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, hiện tại tại các tỉnh Nam Bộ đang có khoảng 175.905 ha dừa đang ở nhiều giai đoạn sinh trưởng khác nhau. Thời gian gần đây, sâu đầu đen (tên khoa học là Opisina arenosella Walker) đã tấn công gây thiệt hại nặng nề cho các vùng trồng dừa như Bến Tre, Trà Vinh,Tiền Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng…
Trong tuần qua, theo “Báo cáo Tình hình sinh vật gây hại cây trồng, từ ngày 31 tháng 1 đến ngày 06 tháng 02 năm 2025” của Cục Bảo vệ thực vật, sâu đầu đen gây hại dừa có diện tích nhiễm 966 ha, trong đó nhiễm nặng 148 ha; diện tích đã được phòng trừ trong kỳ 608 ha.
Đặc biệt, tại tỉnh Bến Tre sâu đầu đen hại dừa đang diễn biến rất phức tạp, chúng phát tán nhanh, số lượng lớn và gây lo lắng cho các nhà vườn trồng dừa tại địa phương.
Sâu đầu đen ăn lá già, lá non và cả vỏ trái dừa khiến cây suy kiệt
Đây là loài sâu nguy hiểm phá hại nặng nề dẫn đến chết cây, mức độ lây lan cao, trong khi đó các giải pháp phòng trừ loài sâu này rất khó khăn, tốn kém.
Trước tình hình trên, mobiAgri xin gửi đến quý bà con hướng dẫn phòng ngừa sâu đầu đen hại dừa từ các chuyên gia Trung tâm Dừa Đồng Gò – Bến Tre một cách chi tiết, đầy đủ. Hy vọng đây là sẽ thông tin hữu ích để bà con ứng phó với dịch hại nguy hiểm này.
Trước hết, mùa xuân-hè là thời điểm sâu đầu đen hại dừa phát sinh gây hại mạnh. Chúng có thể hại cây từ giai đoạn cây giống, sinh dưỡng, cây ra hoa đậu quả đến khi cây phát triển quả. Do đó việc nhận biết và tìm hiểu chi tiết nguyên nhân, điều kiện phát sinh sâu đầu đen trong vườn dừa là rất quan trọng.
Nội dung bài viết
Cách nhận biết sâu đầu đen (Opisina arenosella Walker)
🐛Trứng: Con cái trưởng thành đẻ theo từng cụm, trứng mới đẻ có màu vàng nhạt và màu nâu đỏ khi gần nở. Trứng của sâu đầu đen hại dừa thường được đẻ nơi đã có ấu trùng gây hại, điều này dẫn đến sự tập trung mật số cao nên dễ gây hại nhanh và toàn cây dừa.
🐛Ấu trùng: dạng sâu, có đầu màu nâu sẫm; mới nở có màu đỏ cam, sau đó chuyển sang màu vàng nhạt, có ba sọc màu nâu chạy dọc trên thân. Sâu thường gây hại mặt dưới lá.
🐛Nhộng: hình bầu dục, màu nâu sẫm.
🐛Trưởng thành (thành trùng): ngài (bướm đêm) màu xám nhạt, con cái lớn hơn con đực. Con cái có khả năng đẻ lên đến 273 trứng.
Biểu hiện sâu đầu đen hại dừa dễ phát hiện
Sâu cạp biểu bì mặt dưới lá chét, thải phân và nhả tơ kết thành tổ để trú ẩn, khi bị động chúng nấp vào trong tổ hoặc nhả tơ xuống đất.
Sâu gây hại làm tàu dừa cháy khô từ những tàu lá trưởng thành bên dưới, dần lên các lá bên trên đến các tàu lá non trên ngọn, sâu non tấn công cả vỏ trái dừa. Khi bị gây hại nặng, toàn bộ tàu lá trên cây bị cháy khô, cây giảm sinh trưởng, giảm năng suất và có thể chết cây.
Nguyên nhân và điều kiện phát sinh gây hại
– Do quá trình vận chuyển giống, cây ký chủ phụ bị nhiễm sâu đầu đen.
– Do gió.
Biện pháp phòng ngừa sâu đầu đen hiệu quả
👉Biện pháp canh tác kỹ thuật:
– Cắt tỉa tàu lá hoặc lá chét bị sâu gây hại trên cây dừa và cây ký chủ, tiêu hủy bằng cách đốt hoặc vùi xuống nước nhằm làm giảm mật số sâu hại.
– Không vận chuyển cây dừa giống, các cây ký chủ phụ và trái dừa bị nhiễm sâu đầu đen sang các vùng khác để hạn chế lây lan.
👉Biện pháp sinh học:
Theo Chi cục trồng trọt và BVTV Bến Tre thì hiện nay, có 02 loài ong ký sinh có kích thước nhỏ được nhân nuôi để phóng thích kiểm soát sâu đầu đen hại dừa trên địa bàn tỉnh Bến Tre là Bracon hebetor ký sinh ấu trùng sâu đầu đen (OKS ấu trùng) và Trichospilus pupivorus ký sinh nhộng sâu đầu đen (OKS nhộng).
👉Biện pháp hóa học:
– Sử dụng 1 số loại thuốc BVTV: Theo khuyến cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre, có thể sử dụng một trong các loại thuốc có hoạt chất sau:
– Hoạt chất Emamectin benzoate như Actimax 50WG nồng độ 15 gam/25 lít,
Angun 5WG nồng độ 16 gam/25 lít, Proclaim 5WG nồng độ 10 gam/25 lít;
– Hoạt chất Lufenuron như Match 050EC, nồng độ 20 ml/25 lít;
Riêng đối với vườn dừa có nuôi xen để hạn chế ảnh hưởng của thuốc đến người, vật nuôi và môi trường thì có thể sử dụng một trong hai loại thuốc sau: Radiant 60SC hoặc Takumi 20WG.
– Ưu tiên sử dụng thuốc sinh học, chỉ sử dụng thuốc hóa học khi các biện pháp phòng trừ khác không hiệu quả. Tuy nhiên đây là biện pháp sử dụng thuốc BVTV rất tốn kém, nguy hiểm, khó tiến hành đồng loạt.
– Đọc kỹ thông tin trên bao bì và sử dụng theo 4 đúng (Đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách).
– Phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát. Phun thuốc BVTV cần đảm bảo thời gian cách ly thích hợp trước khi thu hoạch.
Theo Trung tâm Dừa Đồng Gò – Bến Tre