Hiện nay, các vườn sầu rêng khu vực miền Tây đã vào vụ nghịch, có 1 số vườn đã phục hồi đủ cơi và đậy mủ xử lý ra hoa tháng 4/2024 (AL), một số vườn thu hoạch cách đây 1 – 2 tháng đang trong tình trạng suy cây khô cành, chết nhánh khá nhiều, thậm chí tỷ lệ này lên đến 30% diện tích.
Nội dung bài viết
Nguyên nhân sầu riêng bị khô cành, chết nhánh
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trường hợp này, dưới đây là các nguyên nhân chính:
Yếu tố thời tiết
Năm nay, thời tiết diễn biến cực đoan, nhiệt độ ban ngày cao, ban đêm xuống thấp dẫn đến cây bị stress, áp lực bốc thoát nước cao để làm mát lá, áp lực nuôi bông trái, trong khi hệ rễ yếu nên khả năng dẫn nước lên cây yếu, cây bị cháy lá. Cháy lá mạnh thường sau giai đoạn sau xổ nhụy, đến khi gần thu hoạch cây đã gần như trơ trọi lá.
Kỹ thuật canh tác
– Dinh dưỡng
+ Bà con chưa cung cấp đúng, đủ thời điểm cây cần, lạm dụng chất kích thích, phân bón hóa học dẫn đến cháy rễ non, dinh dưỡng không đủ để nuôi cây/trái.
+ Bà con thúc phân quá sớm hoặc gấp rút muốn tăng kích thước trái khi thấy trái chưa lớn nhanh
+ Bà con chưa quan tâm đến pH (độ phèn, độ chua) trên mô từ khi tháo bạt đến khi thu hoạch dẫn đến rễ bị co, chậm phát triển, chậm bắt phân.
– Thuốc hóa học
Việc lạm dụng thuốc hóa học để chặn đọt, đốt đọt hoặc quản lý rầy xanh, mọt đục cành, sâu đục thân… chưa hiệu quả làm ảnh hưởng đến bộ lá, cây không có đủ lá để quang hợp nuôi cây nuôi trái, mọt và sâu đục thân gây hại làm cắt đứt mạch dinh dưỡng dẫn đến cành nhánh khô.
+ Nông dân chưa quản lý nấm bệnh trên lá, thân và dưới bộ rễ hiệu quả: nứt thân xì mủ, cháy lá do nấm, vàng lá thối rễ cũng góp phần làm cây nhanh suy. Chưa chú ý nhiều đến tuyến trùng, nấm sau khi tháo bạt phủ đến khi thu hoạch.
– Tỉa bông/tỉa trái
Nông dân không có thời gian tỉa bông, tỉa trái hoặc chỉ tập trung tỉa đầu cành, tâm lý phòng vì sợ cây rụng tỷ lệ cao, dẫn đến cây nuôi quá nhiều bông/ trái trong khi sức khỏe cây yếu sẽ làm gia tăng việc cây sẽ khô cành chết nhánh sau thu hoạch.
+ Một số nhà vườn hiện nay có xu hướng xử lý ra hoa sớm khi tuổi cây chưa đáp ứng thường khi cây 3 năm; 3,5 năm.
– Kỹ thuật xử lý ra hoa
+ Lạm dụng và tăng liều các chất kích thích ra hoa Paclo, chất tạo mầm khi cây chưa có biểu hiện sau thời gian xử lý.
+ Kéo dài thời gian phủ bạt dẫn đến cây suy do không có nước và dinh dưỡng dự trữ trong khi thời tiết nắng nóng kéo dài. Có thời điểm bà con kéo dài từ 1.5 – 2 tháng đến khi cây héo kiệt mới xử lý cho cây tỉnh.
Trên đây là một số nguyên nhân được đúc kết qua quá trình thực nghiệm, thăm khám tại địa bàn các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang và thông tin tiếp nhận từ bà con các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre.
Ngoài ra, tâm lý chủ quan và giá cả sầu riêng tăng cao, nông dân muốn để lại nhiều trái để bán được giá cao, tăng lợi nhuận nhưng vô tình làm cây sầu riêng suy kiệt rất nhanh, thời gian phục hồi lâu hoặc thậm chí chết cây.
XEM THÊM VIDEO:
Giải pháp hạn chế và phục hồi sầu riêng bị khô cành, chết nhánh
ThS.Lê Thanh Hùng chia sẻ đến bà con giải pháp để phục hồi các vườn sầu riêng khô cành, chết nhánh.
Cho cây nghỉ ngơi
Sau khi thu hoạch, đối với các vườn cây suy, bà con không nên xới mô đất hoặc rải vôi, cho cây nghỉ khoản 3 tuần đến 1 tháng, cho cây tự thích ứng, cân bằng và ổn định. Bà con chỉ duy trì tưới nước và quản lý sâu rầy nếu cây có đi đọt.
Giải pháp nâng pH + tưới nấm bệnh, tuyến trùng
– Sau thu hoạch bà con nên sử dụng giải pháp nâng pH bằng các sản phẩm nâng pH chuyên dụng trên thị trường kết hợp tưới nấm bệnh bằng các gốc Metalaxyl + Mancozeb, Propamocar, Dimethomorp, Fosetyl – Aluminium…
– Tuyến trùng: Propamocar, Fluopyram, Abamectin…
– Có thể tưới 2 lần mỗi lần cách nhau 7 – 10 ngày.
Cắt tỉa cành nhánh
– Dọn các cành sâu bệnh, cành khô, cuốn trái.
– Các cành nhánh đã thu hoạch di chuyển đem ra nơi khác hoặc tiêu hủy.
Rửa vườn
Mục đích để tẩy rong rêu, sát khuẩn các vị trí cắt tỉa, ngừa nứt thân xì mủ, quản lý mọt đục cành, sâu đục thân …
– Tẩy rong rêu: Sử dụng các gốc đồng kẽm.
– Ngừa nứt thân xì mủ: Metalaxyl, Lân 2 chiều Phosphonate, Propamocar…
– Phòng trị mọt đục cành/sâu đục thân: Cypemethrin, Pyryproxyfen, Cartap, Thiosultap – sodium, Dinotefuran, carbosulfan …
Kết hợp pha theo liều khuyến cáo, phun ướt thân cành, nhánh.
Dinh dưỡng
Sau khi tưới nấm bệnh 1 tuần có thể tưới dinh dưỡng hữu cơ, các gốc dễ hấp thu: axit amin, acid fulvic…kết hợp thêm trung vi lượng Ca, Cu, Zn giúp tái tạo rễ, bảo vệ rễ. Sau 2 tháng xử lý tưới hữu cơ có thể di lại phân hóa học DAP, NPK,,,
Phun dinh dưỡng qua lá: Do cây rễ còn yếu nên tập trung phun dưỡng hấp thu qua lá các gốc NPK sinh học và trung vi lượng, cung cấp các nhóm điều hòa sinh trưởng Brassinolide, Vitamin B1… các chất hữu cơ dễ hấp thu qua lá axit amin.
Chú ý bổ sung thêm trung vi lượng để giúp bộ lá khỏe.
Quản lý sâu bệnh hại
Sau khi cây đi đọt tiến hành phun ngừa rầy xanh, rầy nhảy và bệnh cháy lá. Luân phiên các gốc thuốc để hạn chế tính kháng.
– Rầy xanh, rầy nhảy: Cartap, Thiomethoxam, Imidacloprid, Acetamiprid, dinotefuran…
– Bệnh cháy lá: hexaconazole, difenocanazole, epoxiconazole, imibenconazole, propiconazole, metalaxyl, azosystrobin, myclobutanin…
Việc phục hồi các cây suy cần một khoảng thời gian, do đó bà con không nên nóng vội, áp dụng theo từng bước như trên. Chúc bà con thành công!
ThS. Lê Thanh Hùng
Biên tập bởi mobiAgri