Để quyết định có nên trồng cây hoàng yến trước nhà không, mời bạn cùng mobiAgri tìm hiểu về loài cây có hoa màu vàng mang ý nghĩa rất đặc biệt này.
Nội dung bài viết
Hoa muồng hoàng yến có ý nghĩa gì?
Cây hoàng yến có nhiều tên gọi khác nhau như muồng hoàng yến, bò cạp vàng, cây osaka. Hoàng yến có tên khoa học là Cassia fistula thuộc họ Đậu (Fabaceae).
Cây có nguồn gốc từ các nước Nam Á và Đông Nam Á. Hoa muồng hoàng yến mọc thành chùm màu vàng tươi rực rỡ, hương hoa thơm thoảng và thường được trồng trong khuôn viên sân vườn, công trình, nhà biệt thự bởi tính thẩm mỹ và ý nghĩa đặc biệt của nó.
Ý nghĩa phong thủy của cây muồng hoàng yến vàng
Hình ảnh cây hoàng yến hoa vàng vốn là quốc hoa của đất nước Thái Lan, người Thái gọi là hoa Ratchaphruek. Cây muồng hoàng yến có màu vàng rực rỡ, đây là màu của Phật giáo, màu chủ đạo của Hoàng gia Thái và cũng là màu sắc tượng trưng cho sức mạnh vĩ đại và sự vinh quang.
Người ta cũng cho rằng, những chùm hoa hoàng yến còn thể hiện cho sự tương trợ, đoàn kết giữa người với người. Màu vàng còn là màu của sự thành công, sung túc nên được nhiều người ưa chuộng.
Theo các chuyên gia phong thủy, nên trồng cây hoàng yến trước nhà về phía Đông Nam gia chủ sẽ gặp nhiều may mắn, thịnh vượng trong cuộc sống, trí tuệ gia tăng, phước lộc đủ đầy.
Ý nghĩa trang trí cảnh quan của cây hoa hoàng yến
Cây hoàng yến thường được trồng trong sân vườn của nhiều ngôi nhà biệt thự rộng lớn. Có lẽ màu sắc và kích thước của loài cây này thể hiện sự tráng lệ, mang màu sắc hoàng tộc nên rất phù hợp với những công trình kiến trúc to lớn, hoành tráng.
Khi trồng cây hoàng yến trước nhà sẽ khiến căn nhà thêm lộng lẫy, bề thế cũng như thể hiện đẳng cấp vương giả của gia chủ.
Ý nghĩa chăm sóc sức khỏe của cây hoàng yến chuông vàng
Cây hoàng yến có tán rộng, trồng cây hoàng yến trước nhà sẽ tạo bóng mát, đồng thời giảm bớt bụi bẩn trong không khí giúp bảo vệ sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.
Khi nói đến ý nghĩa chăm sóc sức khỏe của cây hoàng yến, nhiều bạn ngạc nhiên bởi băn khoăn cây hoàng yến chuông vàng hay cây muồng hoàng yến có độc không? Hay quả muồng hoàng yến có ăn được không? Xin trả lời các bạn rằng quả, hoa, lá, hạt của cây muồng hoàng yến đều có chứa một lượng độc tố nhất định. Nếu vô tình ăn quả hay hạt muồng hoàng yến với liều lượng lớn có khả năng bạn sẽ bị ngộ độc.
Tuy nhiên, đừng vì vậy mà bạn thấy sợ cây muồng hoàng yến, bởi trong Đông y loài cây này vẫn là một vị thuốc quý. Vỏ thân cây, rễ cây muồng hoàng yến đều có tác dụng chữa các bệnh như trị cảm lạnh, sốt, viêm khớp, rối loạn tiêu hóa… Các bạn không nên tự ý sử dụng các bài thuốc Đông y từ cây hoàng yến và cần có sự hướng dẫn của thầy thuốc để có hiệu quả cao nhất.
[XEM THÊM]: Các loại rau làm thuốc chữa bệnh sẵn có ở vườn nhà
Cách trồng cây hoàng yến đúng kỹ thuật, cây mau ra hoa rực rỡ
Nhân giống cây muồng hoàng yến
Bạn có thể nhân giống cây hoàng yến bằng 2 cách:
- Gieo hạt giống
- Chiết cành
Tuy nhiên, mobiAgri khuyên bạn nên mua cây con hoàng yến tại các nhà vườn uy tín về trồng thay vì tự gieo hạt hoặc tự chiết cành. Nếu bạn không phải là người làm vườn chuyên nghiệp, việc thực hiện các kỹ thuật này sẽ mất nhiều thời gian, tốn công sức. Bạn hoàn toàn có thể mua cây con về trồng và chăm sóc sẽ đơn giản hơn.
Chuẩn bị đất trồng, hố trồng cây
Chuẩn bị đất trồng: Cây hoàng yến rất dễ tính, không kén đất trồng, cây phát triển thuận lợi trên nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên, nếu có thể bạn nên trồng cây hoàng yến trên nền đất thịt giàu dinh dưỡng, đất mùn xốp dễ thoát nước sẽ tốt hơn.
Đất trồng cây cần trộn với hỗn hợp phân chuồng ủ hoai/phân trùn quế để tăng độ dinh dưỡng giúp cây hấp thu và nhanh bén rễ.
Chuẩn bị hố trồng cây:
- Kích thước hố: dài x rộng x cao tương ứng với 50 x 50 x 50 cm.
- Xử lý hố trồng: Trước khi trồng cây hoàng yến 15-20 ngày rắc vôi bột và để phơi nắng hố để tiêu diệt nấm và các mầm bệnh.
Kỹ thuật trồng cây muồng hoàng yến hoa vàng như sau:
- Bước 1: Xé bỏ bầu ươm ni-lông, nhẹ nhàng đặt bầu cây xuống hố.
- Bước 2: Nén chặt phần đất xung quanh bầu cây, tránh nén quanh gốc cây.
- Bước 3: Lấp đất xung quanh hố. Cắm cọc để cây đứng vững ổn định.
- Bước 4: Tưới nước 1-2 lần vào buổi sáng hoặc chiều mát. Tưới liên tục 1 tuần như vậy sau khi trồng.
Chăm sóc cây muồng hoàng yến
Nhiều bạn có hỏi “Cây muồng hoàng yến trồng bao lâu có hoa?” Trên thực tế việc chăm sóc cây muồng hoàng yến có quyết định rất nhiều đến thời gian ra hoa của cây. Thông thường cây muồng hoàng yến trồng từ 3 năm trở lên sẽ có hoa.
Tưới nước: Hoa hoàng yến ưa nước nhưng không chịu được ngập úng. Do đó bạn cần tưới nước thường xuyên giữ ẩm cho cây nhưng cũng cần xới xáo đất thường xuyên hoặc làm bồn cho cây.
Bón phân: Cây hoàng yến từ 2 tuổi trở lên cần bón phân định kỳ 2 lần/năm.
Cắt tỉa cành: Hoàng yến có tán rộng do đó cần thường xuyên cắt tỉa cây, bạn cũng có thể tạo dáng cây theo sở thích. Việc cắt tỉa cành thường xuyên giúp hạn chế sâu bệnh, giúp cây nhanh phát triển và cho hoa nở đều nở rộ hơn.
Làm cỏ dại: Định kỳ nhặt cỏ dại quanh gốc cây để tránh sự cạnh tranh dinh dưỡng với cây, giúp cây nhanh lớn và ra hoa.
Như vậy, bài viết hôm nay mobiAgri đã gửi đến bạn đọc những thông tin tổng quan về cây muồng hoàng yến. Hy vọng các bạn đã có thể quyết định có nên trồng cây hoàng yến trước nhà không?