Những ruộng lúa bị bệnh bạc lá có tỷ lệ hạt lép rất cao, làm giảm năng suất rất lớn, có thể mất trên 50% năng suất. Vụ Đông xuân lúa thường bị bệnh này do đó cần phòng trừ. Việc hiểu để quản lý tốt và hạn chế dịch bệnh bạc lá lúa thời điểm này rất quan trọng, đặc biệt tại các vùng trồng lúa ở Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Ninh Bình, Hải Dương, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Nội dung bài viết
Một số điều cần biết về vi khuẩn gây bệnh bạc lá lúa
Bệnh bạc lá lúa (Tên khoa học Xanthomonas oryzae pv. Oryzae; Tên tiếng Anh: Bacterial leaf blight (viết tắt là BLB), kresek disease, bacterial blight (viết tắt là BB)) là một trong những bệnh hại nghiêm trọng ảnh hưởng đến sản xuất lúa trên toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Vi khuẩn gây hại làm cho lá lúa bị khô cháy và làm suy giảm nghiêm trọng năng suất, đặc biệt trong điều kiện có mưa kèm theo gió lớn, tiểu khí hậu đồng ruộng quá ẩm thấp.
Về phân loại khoa học, vi khuẩn Xanthomonas oryzae pv. oryzae là một loại vi khuẩn gram âm, có hình dáng que ngắn thuộc lớp Gammaproteobacteria, bộ Xanthomonodales và họ Xanthomonodaceae. (Cần lưu ý phân biệt vi khuẩn gây bạc lá lúa khác với vi khuẩn gây sọc lá lúa Xanthomonas oryzae pv. Oryzicola).
Sau khi xâm nhiễm, vi khuẩn sinh trưởng và phát triển trong mô dẫn trục của lá lúa, sử dụng các thành phần trong lá làm nguồn dinh dưỡng, ức chế quá trình quang hợp và thậm chí làm toàn bộ lá bị khô chết.
Nguồn vi khuẩn gây bệnh ban đầu phát sinh từ các nguồn nhiễm trước đó trên tàn dư đồng ruộng, hạt giống nhiễm bệnh, hoặc dụng cụ canh tác bị nhiễm. Vi khuẩn cũng có thể di chuyển theo nước mưa hoặc nước tưới sang các ruộng xung quanh.
Vi khuẩn thường xuất hiện, lây lan và gây bệnh trong điều kiện nhiệt độ cao (từ 25-30°C) và độ âm cao (>90%), trên các chân đất ngập úng do mưa nhiều; gió làm cho lá bị thương tổn, xây sát hay vết thương do côn trùng chích hút, cắn lá là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhiễm và làm gia tăng mức độ dịch bệnh. Những tổn thương khi nhổ mạ cấy cũng gây tổn thương thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhiễm gây hại. Ngoài ra, việc cấy lúa quá dầy (trên 30 khóm/m2), nhất là gieo sạ vãi, bón phân không cân đối, nhiều đạm…
Do vi khuẩn gây bệnh làm suy giảm nghiêm trọng quá trình quang hợp, phá hủy nghiêm trọng hệ thống lá và ảnh hưởng đến năng suất. Trong trường hợp nghiêm trọng, năng suất có thể suy giảm từ 20-50% thậm chí hầu như mất trắng. Những năm gần đây, vi khuẩn gây bệnh thường phát sinh gây hại nặng ở hầu hết các vùng trồng lúa, cả ở phía Bắc và phía Nam, gây thiệt hại rất nặng đặc biệt là trên các giống lúa lai và những giống lúa thuần nhập nội từ Trung quốc, ở những khu vực thường bị mưa bão hàng năm ở nước ta, những vùng còn phổ biến áp dụng gieo sạ, lạm dụng phân đạm trong chăm bón…
Trong vụ mùa 2024, các điều tra đồng ruộng tại nhiều ruộng tại lòng chảo Điện Biên bị vi khuẩn gây hại nặng và làm thiệt hại 40-60% năng suất. Cây lúa bị nhiễm bệnh thường làm cho hạt nhỏ, nội nhũ teo lại, bông lúa xơ xác, tỷ lệ hạt lép lửng cao. Ngoài ra, bệnh còn gián tiếp làm tăng chi phí phòng trừ và làm cho dịch bệnh bạc lá là gánh nặng đối với người nông dân, nhất là ở các khu vực địa phương nghèo.
Triệu chứng bênh bạc lá lúa
Vết bệnh ban đầu giống như những vệt thấm nước ở rìa lá, có màu vàng đến màu trắng. Vết bệnh có thể bắt đầu ở một hoặc cả hai bên mép lá, hoặc bất kỳ điểm nào trên lá, sau đó lan ra phủ toàn bộ lá. Trên giống nhiễm, vết bệnh có thể lan tới tận bẹ lá. Ruộng lúa cấy dày, bón nhiều đạm, ruộng hẩu, trồng các giống nhiễm sẽ bị bệnh hại nặng.
Vết bệnh trên lá
Cây lúa bị cháy do bệnh bạc lá
Khi vi khuẩn xâm nhập vào cây lúa qua lá, rễ và gốc, cây có thể biểu hiện ngay triệu chứng của bệnh: lá và toàn bộ cây lúa bị héo từ thời kỳ mạ đến bắt đầu thời kỳ đẻ nhánh. Đôi khi lá bệnh của giống lúa dễ nhiễm bệnh có màu nhạt. Lá già có vẻ bình thường và có màu xanh, lá non có màu vàng trắng đồng đều hoặc vàng hoặc sọc vàng pha xanh. Vi khuẩn thường xâm nhiễm nhờ giọt sương, nước tưới, nước mưa, nước lụt và gió mạnh thổi vào buổi sáng; vi khuẩn hình thành những giọt dịch nhỏ, cứng và dính vào nước làm tan dịch vi khuẩn và lan ra dọc theo lá; gió làm xây xát lan ra các lá khác. Khi bệnh hại nặng, lá lúa cháy, đặc biệt lá đòng cháy làm lúa lép lửng cao, giảm năng suất nghiêm trọng.
Có thể dễ dàng chẩn doán bệnh bạc lá lúa do vi khuẩn bằng phương pháp quan sát và phát hiện thấy sự xuất hiện của giọt dịch có màu vàng hoặc trắng đục trên bề mặt lá lúa, nhất là vào sáng sớm.
Các biện pháp phòng trừ bệnh bạc lá lúa
Quản lý dịch hại tổng hợp IPM, Quản lý tổng hợp sức khỏe cây trồng tổng hợp IPHM, Sức khỏe trên hết – One health đều nêu ra nhiều biện pháp cần thực hiện để làm tăng sức chống chịu bệnh, giảm và hạn chế tối đa các điều kiện để vi khuẩn xâm nhập, xâm nhiễm và lây lan mà người trồng cần tuân thủ. Một số biện pháp cụ thể mà người trồng lúa cần lưu ý thực hiện là:
– Chọn giống lúa có khả năng kháng bệnh bạc lá như IR64, OM5451… Không dùng hạt giống từ vùng đã bị bệnh; Xử lý hạt giống bằng nhiệt (3 sôi, 2 lạnh) hoặc AgNO3 0,1% để diệt nguồn vi khuẩn dính bám trên vỏ hạt.
– Thu gom và tiêu hủy tàn dư thực vật sau thu hoạch, làm sạch dụng cụ sau khi hoàn thành công việc và nhất là trong bảo quản khi hết vụ.
– Áp dụng triệt để luân canh khi bệnh phát sinh gây hại nặng, làm sạch các loài cỏ là ký chủ phụ mà vi khuẩn có thể trú ngụ
– Thường xuyên theo dõi các dự báo thời tiết để phát hiện sớm nguy cơ xuất hiện thời tiết thuận loại cho vi khuẩn xâm nhiễm, phát tán và gây bệnh.
– Nên cấy lúa theo công nghệ cấy lúa hàng biên với 8-16 khóm/m2, vừa giúp cây khỏe mạnh, hạn chế thương tổn khi có gió lớn. Khi có điều kiện nên áp dụng ngập khô xen kẽ để bộ rễ lúa phát triển mạnh hơn.
– Bón phân đủ và cân đối cả đa, trung và vi lượng, nên ưu tiên sử dụng phân hữu cơ có bố sung vi khuẩn đối kháng Bacillus, Burkholderia và Pseudomonas… Bón theo nhu cầu của cây vào 2 giai đoạn xung yếu: Giai đoạn đẻ nhánh (quyết định số bông/m2) và giai đoạn phân hóa đòng (quyết định số hạt/bông) và có thể thúc lần 3 bằng phân Kali để tăng trọng lượng nghìn hạt, tăng độ bóng và chất lượng hạt. Chú ý bổ sung kali để tăng khả năng kháng bệnh của cây và hạn chế bón đạm vì sẽ làm giảm khả năng kháng và tăng nguy cơ cây bị nhiễm bệnh.
Khi phát hiện thấy đồng ruộng đã có nguồn bệnh, dự báo thời tiết những ngày tới có mưa, gió thuận lợi cho bệnh, có thể sử dụng các loại thuốc BVTV có tính kháng sinh như Kasugamycin, Bismerthiazol…và cần được sử dụng đúng liều lượng, đúng hướng dẫn của nhà sản xuất để tránh xuất hiện vi khuẩn kháng thuốc và tác động xấu đến môi trường.
TS. Nguyễn Văn Biếu